Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1

1:1-8

Đầu Tin Lành của Đức Chúa Jêsus Christ, là Con Đức Chúa Trời. 2 Như đã chép trong sách tiên tri Ê-sai rằng: Nầy, ta sai sứ ta đến trước mặt ngươi, Người sẽ dọn đường cho ngươi. 3 Có tiếng kêu trong đồng vắng rằng: Hãy dọn đường Chúa, ban bằng các nẻo Ngài; 4 Giăng đã tới, trong đồng vắng vừa làm vừa giảng phép báp-têm ăn năn, cho được tha tội. 5 Cả xứ Giu-đê và hết thảy dân sự thành Giê-ru-sa-lem đều đến cùng người, xưng tội mình và chịu người làm phép báp-têm dưới sông Giô-đanh. 6 Giăng mặc áo lông lạc đà, buộc dây lưng da ngang hông; ăn những châu chấu và mật ong rừng. 7 Người giảng dạy rằng: Có Đấng quyền phép hơn ta đến sau ta; ta không đáng cúi xuống mở dây giày Ngài. 8 Ta làm phép báp-têm cho các ngươi bằng nước; nhưng Ngài sẽ làm phép báp-têm cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh.

 

1. Xin kể ra những điều chúng ta có thể biết về ông Mác qua các câu Kinh Thánh sau: Công vụ 12:12; 13:5, 13; 15:36-39; Cô-lô-se 4:10.

2.  Ba chữ “Đầu Tin Lành” nghĩa là gì? Thay vì nói, “Đầu Tin Lành,” chúng ta có thể nói như thế nào?

3. Dựa vào câu 1, “Tin Lành” là gì?

4. “Như đã chép” (c. 2) hàm ý gì?

5. Xin cho biết những danh hiệu và công tác của Giăng được nhắc đến trong câu 2-3:

6. “Vừa làm vừa giảng phép báp-têm” nghĩa là thế nào?

7. Tại sao phép báp-têm lại được gọi là “phép báp-têm ăn năn?”

8. Xin cho biết điều kiện để được Giăng làm báp-têm. Điều kiện nầy cho thấy điều gì?

9. Y phục và thức ăn của Giăng cho thấy điều gì?

10. Xin cho biết hai điểm chính trong lời giảng dạy của Giăng trong câu 7-8 và ý nghĩa của mỗi điều.

 

Phúc Âm Mác bắt đầu từ câu chuyện của ông Giăng. Ông Giăng này thường được gọi là Giăng Báp-tít, vì ông là người làm lễ báp-têm. Chữ “báp-têm,” phiên âm từ tiếng Pháp baptême, nguyên nghĩa là “dầm xuống nước.” Đây là nghi lễ thanh tẩy của Do-thái giáo. Ông Giăng dùng nghi lễ này để đánh dấu lòng ăn năn thành thật của những người đến với ông để chờ đón Chúa Cứu Thế.

Ông Giăng được gọi là sứ giả của Chúa. Sứ giả là người dưới quyền, đi trước để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của người mình phục vụ. Ông Giăng là sứ giả của Chúa Giê-xu, nhiệm vụ của ông là dọn đường cho Chúa (c. 2b). Ông dọn đường cho Chúa bằng cách kêu gọi mọi người từ bỏ tội lỗi. Người nào thực tâm ăn năn, sẽ thể hiện lòng ăn năn đó qua việc để cho Giăng làm báp-têm dưới sông Giô-đanh.

Cách phục sức và ăn uống của Giăng cho thấy ông là một người rất giản dị. Có thể nhiều người lúc đó cho ông là điên dại hay kỳ cục, nhưng có lẽ đó là cách Chúa dùng để thu hút nhiều người đến với ông. Cách phục sức đó cũng nhắc người ta nhớ đến nhà tiên tri nổi tiếng trong thời Cựu Ước là Ê-li (II Các Vua 1:8). Chính lối sống của ông Giăng cũng đã là một bài học cho người đời về việc nên sống một đời sống đơn giản và nên tìm kiếm những giá trị cao quí.

Là sứ giả của Chúa, ông Giăng đã khiêm tốn hạ mình để Chúa được nổi bật. Ông nói: “Có Đấng quyền phép hơn ta đến sau ta, ta không đáng cúi xuống mở dây giày Ngài” (c. 7). Chúa Giê-xu quyền phép hơn ông Giăng vì ông chỉ làm báp-têm bằng nước còn Chúa làm báp-têm bằng Đức Thánh Linh. “Phép Báp-têm bằng nước” là nghi lễ thanh tẩy, chứng tỏ lòng ăn năn thành thật, đó chỉ là lễ nghi bên ngoài. Khi Chúa Giê-xu đến, Ngài “dầm” người tin nhận Chúa trong quyền năng của Chúa Thánh Linh, tái tạo người ấy và ban cho người ấy sức mạnh để chiến thắng tội lỗi. Câu nói của ông Giăng có thể diễn ý lại như sau: “Anh em đến với tôi, xưng tội và thật lòng ăn năn hối cải. Tôi minh chứng cho lòng hối cải đó bằng cách dầm anh em xuống nước. Nhưng đó chỉ là dấu hiệu bên ngoài, ít lâu nữa, Chúa Cứu Thế sẽ đến, Ngài sẽ ban sức mạnh tâm linh để anh em tiếp tục sống thánh khiết, không trở về con đường tội lỗi cũ.”

Ông Giăng là sứ giả của Chúa Giê-xu, ông sống giản dị, khiêm tốn. Ông kêu gọi mọi người đến với Chúa và ý thức rằng chỉ một mình Chúa có thể hoán cải lòng người. Ngày nay, chúng ta cũng được gọi là sứ giả của Chúa, chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại. Chúng ta đã làm tròn trách nhiệm như ông Giăng đã làm hay chưa? Chúa có được tôn cao qua đời sống của chúng ta không? Chúng ta nói về Chúa hay chỉ đề cao chính mình?

 

Xin giúp con hoàn thành chức vụ sứ giả Chúa đã giao phó để con chuẩn bị lòng người cho ngày Chúa trở lại, tôn cao Chúa và khiêm nhường phục vụ Chúa mỗi ngày.