Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 12

3:7-19

7 Đức Chúa Jêsus cùng môn đồ Ngài lánh ra nơi bờ biển, có đoàn dân đông lắm từ xứ Ga-li-lê đến theo Ngài. Từ xứ Giu-đê, 8 thành Giê-ru-sa-lem, xứ Y-đu-mê, xứ bên kia sông Giô-đanh, miền xung quanh thành Ty-rơ và thành Si-đôn cũng vậy, dân đông lắm, nghe nói mọi việc Ngài làm, thì đều đến cùng Ngài. 9 Bởi cớ dân đông, nên Ngài biểu môn đồ sắm cho mình một chiếc thuyền nhỏ sẵn sàng, đặng cho khỏi bị chúng lấn ép Ngài quá. 10 Vì Ngài đã chữa lành nhiều kẻ bịnh, nên nỗi ai nấy có bịnh chi cũng đều áp đến gần để rờ Ngài. 11 Khi tà ma thấy Ngài, bèn sấp mình xuống nơi chân Ngài mà kêu lên rằng: Thầy là Con Đức Chúa Trời! 12 Song Ngài nghiêm cấm chúng nó chớ tỏ cho ai biết mình.

13 Kế đó, Đức Chúa Jêsus lên trên núi, đòi những người Ngài muốn, thì những người ấy đến kề Ngài. 14 Ngài bèn lập mười hai người, gọi là sứ đồ, để ở cùng Ngài và sai đi giảng đạo, 15 lại ban cho quyền phép đuổi quỉ. 16 Nầy là mười hai sứ đồ Ngài đã lập: Si-môn, Ngài đặt tên là Phi-e-rơ; 17 Gia-cơ con Xê-bê-đê, và Giăng em Gia-cơ, Ngài đặt tên hai người là Bô-a-nẹt, nghĩa là con trai của sấm sét; 18 Anh-rê, Phi-líp, Ba-thê-lê-my, Ma-thi-ơ, Thô-ma, Gia-cơ con A-phê, Tha-đê, Si-môn người Ca-na-an, 19 và Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, chính tên nầy đã phản Ngài.

 

1. Tại sao “Đức Chúa Giê-xu và môn đồ Ngài lánh ra nơi bờ biển” (c. 7)? Có phải Chúa chạy trốn không? Nếu không thì tại sao?

2. Chúa Giê-xu đã làm gì khi  đoàn dân đông đảo đến với Chúa? Việc làm nầy của Chúa cho chúng ta bài học gì?

3. Tại sao Chúa nghiêm cấm tà ma, không cho chúng nó tuyên bố Ngài là Con Đức Chúa Trời?

4. Xin liệt kê những động tự trong hai câu 13 và 14. Áp dụng những động tự nầy vào Chúa Giê-xu và các môn đồ của Ngài, chúng ta thấy điều gì và học được điều gì?

5. Trong số 12 sứ đồ, vị nào là người quý vị khâm phục và ưa chuộng nhất? Tại sao?

6. Quý vị và tôi là sứ đồ của Chúa trong ý nghĩa nào? Làm sao để chúng ta chu toàn chức vụ nầy?

 

Vì biết có những âm mưu nhằm ám hại Ngài (3:6), nên Chúa Giê-xu đã cùng các môn đệ “lánh ra nơi bờ biển” (c. 7). Không phải Chúa chạy trốn nhưng Ngài chỉ tránh đụng độ với giới lãnh đạo tôn giáo vì thời điểm của Chúa chưa đến. Dù Chúa lánh ra nơi bờ biển (bờ hồ Ga-li-lê), đoàn dân đông vẫn đi theo Ngài. Đoàn người này từ “xứ Giu-đê, thành Giê-ru-sa-lem, xứ Y-đu-mê” (phía Nam), “xứ bên kia sông Giô-đanh” (phía Đông), “miền xung quanh thành Ty-rơ và thành Si-đôn” (phía Bắc). Điều này cho thấy lúc ấy Chúa được rất nhiều người biết và mến mộ nên họ đã đến với Ngài.

Vì đoàn người quá đông và tất cả mọi người đều muốn đến gần Chúa, đụng đến Ngài để được lành bệnh, nên Chúa bảo môn đệ chuẩn bị một chiếc thuyền để nếu bị chen lấn nhiều quá, Ngài sẽ lên chiếc thuyền đó để giảng dạy. Đây là một sự chuẩn bị rất chu đáo và thực tế. Chúng ta cần học điều này nơi Chúa, mỗi khi tổ chức việc gì cũng nên dự trù trước những biện pháp để ứng phó những điều bất ngờ hoặc không hay, có thể xảy ra.

Một lần nữa, chúng ta lại thấy Chúa nghiêm cấm tà ma, không cho chúng nó tuyên bố Ngài là Con Đức Chúa Trời. Chúa nghiêm cấm ma quỷ vì:

1. Ma quỷ xưng nhận Chúa là Con Đức Chúa Trời vì sợ hãi chứ không vì tin tưởng và kính phục (Gia-cơ 2:19).

2. Lúc bấy giờ người Do-thái đang trông đợi một vị cứu tinh. Đối với họ vị cứu tinh đó là người giải phóng họ khỏi ách đô hộ của người La-mã. Chúa không muốn người Do-thái hiểu lầm Ngài là vị cứu tinh trong ý nghĩa đó, vì như thế có thể gây nên náo loạn, làm hỏng sứ mạng cứu rỗi của Chúa.

Phân đoạn Kinh Thánh này cho thấy, mặc dù bị giới lãnh đạo tôn giáo ganh ghét và chống đối, Chúa vẫn được nhiều người tôn sùng và đi theo. Khi tà ma tôn xưng Chúa là Con Đức Chúa Trời, Chúa đã ngăn cản, vì Chúa chỉ muốn những người thật lòng tin Ngài, bày tỏ đức tin bằng lời xưng tụng đó. Điều này cũng nhắc chúng ta phải có đức tin thật nơi Chúa. Đó là đức tin đi đôi giữa chấp nhận và tuân phục, kính yêu. Ma quỷ biết có Chúa, biết Chúa là ai và run sợ, nhưng không tin Chúa và không tôn thờ Chúa. Chúng ta chẳng những nghĩ đến Chúa, biết có Chúa, gọi Danh Chúa nhưng cũng phải thật sự tôn thờ Ngài, để cho Ngài làm Chủ trong mọi khía cạnh của đời sống.

Chúa Giê-xu chỉ hành đạo trên trần gian hơn ba năm. Trong thời gian này, Chúa không đi ra khỏi đất Do-thái, không viết sách, không làm điều gì để sách động quần chúng và cuối cùng bị chết đau thương. Tuy nhiên chỉ vài mươi năm sau, số người theo Chúa lên đến hàng vạn và đạo Chúa được phổ biến rộng rãi trong cả đế quốc La-mã lúc bấy giờ. Yếu tố đưa đến thành công đó là quyền năng của Đức Chúa Trời, nhưng cũng do ở phương cách làm việc của Chúa Giê-xu, một phương cách hữu hiệu không bao giờ thay đổi. Đó là việc sử dụng các môn đệ hay học trò của Ngài. Phân đoạn Thánh Kinh vừa đọc cho thấy Chúa chọn 12 người trong số những người đi theo Ngài để huấn luyện họ trở thành những người đi truyền bá đạo, gọi là 12 sứ đồ. Chính nhờ 12 người này mà đạo Chúa đã được loan truyền khắp nơi nhanh chóng. Việc Chúa chọn 12 người làm sứ đồ là một yếu tố vô cùng quan trọng trong chức vụ của Ngài.

Hai mục đích của Chúa khi chọn 12 sứ đồ là:

1. Để ở cùng Chúa

2. Sai đi giảng đạo.

Chúa cần những người phục vụ Ngài, nhưng trước khi có thể phục vụ hữu hiệu, chúng ta cần có thì giờ ở với Chúa. “Ở với Chúa” nghĩa là học hỏi nơi Ngài. Phương cách Chúa dùng để dạy các môn đệ là chính đời sống của Chúa. Họ học nơi Chúa bằng cách sống với Ngài, điều này nhắc chúng ta: (1) Muốn phục vụ Chúa hữu hiệu, chúng ta phải dành thì giờ ở với Chúa qua việc học Kinh Thánh, cầu nguyện. (2) Người khác học qua đời sống của chúng ta nhiều hơn là qua những gì chúng ta nói. Điều này chẳng những áp dụng cho những người lãnh đạo tinh thần nhưng cũng cho tất cả mọi người, nhất là những bậc phụ huynh trong gia đình, những bậc đàn anh trong Hội thánh.

Sau khi đã ở với Chúa, các sứ đồ được sai đi giảng đạo. Chúng ta tin Chúa không phải chỉ để ở với Chúa, tận hưởng Ngài nhưng phải ra đi, loan tin mừng cho người khác. Khi ra đi giảng đạo, các sứ đồ được ban cho quyền phép để đuổi quỷ. Ma quỷ bao giờ cũng muốn xiềng xích con người trong vòng kiềm tỏa của nó, chỉ với sức mạnh của Chúa, chúng ta mới có thể giúp con người thoát ra khỏi xiềng xích đó.

Mười hai sứ đồ thuộc những thành phần khác nhau trong xã hội, có tình tình khác nhau, nhưng Chúa đã kết hợp họ lại với nhau để cùng lo việc Chúa. Hội Thánh Chúa ngày nay cũng gồm những người khác nhau như vậy nhưng chúng ta đều được Chúa kêu gọi làm con dân Chúa và phục vụ Ngài, đừng để những khác biệt đó ngăn cản chúng ta phục vụ Chúa hữu hiệu.

 

Xin nhắc con nhớ rằng con đã được Chúa lựa chọn để phục vụ Chúa. Xin giúp con biết dành thì giờ ở với Chúa, học theo Chúa để phục vụ Chúa hữu hiệu hơn mỗi ngày. Xin giúp con có thể hòa đồng với các anh chị em khác để cùng phục vụ Ngài.