Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 26

7:31-37

31 Đức Chúa Jêsus lìa bờ cõi thành Ty-rơ, qua thành Si-đôn và trải địa phận Đê-ca-bô-lơ, đến biển Ga-li-lê. 32 Người ta đem một người điếc và ngọng đến cùng Ngài, xin Ngài đặt tay trên người. 33 Ngài đem riêng người ra, cách xa đám đông, rồi để ngón tay vào lỗ tai người, và thấm nước miếng xức lưỡi người. 34 Đoạn Ngài ngửa mặt lên trời, thở ra mà phán cùng người rằng: Ép-pha-ta! nghĩa là: Hãy mở ra! 35 Tức thì tai được mở ra, lưỡi được thong thả, người nói rõ ràng. 36 Đức Chúa Jêsus cấm chúng chớ nói điều đó cùng ai; song Ngài càng cấm người ta lại càng nói đến nữa. 37 Chúng lại lấy làm lạ quá đỗi mà rằng: Ngài làm mọi việc được tốt lành: khiến kẻ điếc nghe, kẻ câm nói vậy!

 

1. Xin xem một bản đồ phía sau Kinh Thánh và nhận diện cuộc hành trình của Chúa Giê-xu được mô tả trong câu 31.

2. Người được chữa lành trong câu chuyện nầy mắc bệnh gì? Bệnh nầy có nguy kịch không? Tại sao Chúa chữa lành?

3. Chúa Giê-xu đã chữa lành người bệnh qua những bước nào? Có gì khác với những lời chữa bệnh trước? Chúa có cần qua những bước nầy không? Nếu không, tại sao Chúa lại làm như vậy?

4. Tại sao Chúa Giê-xu thở ra (c. 34)? “Thở ra” hàm ý điều gì?

5. Việc Chúa Giê-xu chữa lành cho người ngọng và điếc dạy chúng ta điều gì?

 

Nếu nhìn vào bản đồ vùng Palestine trong thời Chúa Giê-xu, chúng ta sẽ thấy hành trình của Chúa trong câu 31 là cuộc hành trình khá dài, vì Si-đôn nằm về phía Bắc Ty-rơ còn Đê-ca-bô-lơ nằm về phía Đông Nam Ty-rơ. Như vậy Chúa Giê-xu đã đi về phía Bắc rồi vòng qua phía Đông và xuống phía Nam. Hành trình này có thể kéo dài từ 6-8 tháng. Có lẽ Chúa Giê-xu cố ý đi về những vùng đất của Dân Ngoại để ít bị quấy rầy và để có nhiều thì giờ hơn với các môn đệ. Trước đó hai lần Chúa muốn dành thì giờ riêng với các môn đệ mà không được (6:32-33; 7:24).

Phúc Âm Mác ghi lại nhiều câu chuyện Chúa Giê-xu chữa lành tật bệnh như bại xuội, teo bàn tay, băng huyết, v.v... Câu chuyện vừa đọc cho thấy Chúa chữa cho một người điếc và ngọng, có thể nói đây là một bệnh không nguy kịch nhưng đã được ghi lại để cho thấy Chúa quan tâm đến từng hoàn cảnh và từng cá nhân.

Cách Chúa chữa người này cũng đặc biệt:

(1) Chúa đem người ấy riêng ra, cách xa đám đông. Có lẽ để cho người đó khỏi bị trêu chọc vì điếc và ngọng thường là mục tiêu cho người khác chọc phá.

(2) Chúa đặt bàn tay Ngài vào tai và xức nước bọt vào lưỡi người câm trước khi chữa bệnh. Thật ra Chúa không cần làm những điều này nhưng Chúa đã làm để thêm đức tin cho người ấy như trong một vài trường hợp khác (Mác 8:23; Giăng 9:6).

(3) Chúa “ngửa mặt lên trời” để cho người ấy thấy rằng quyền năng chữa bệnh đến từ trên cao, từ Đức Chúa Cha là Đấng Tạo Hóa. “Thở ra” nói đến một cảm xúc sâu xa, bày tỏ sự thông cảm với người khác.

(4) Cuối cùng, Chúa nói Ép-pha-ta, đây là tiếng A-ram, ngôn ngữ của người Do-thái thời đó, nghĩa là “Hãy mở ra.” Câu nói này tương tự như việc Chúa bảo người đó hãy lập lại theo Chúa tiếng nói đó. Đây là một âm mà người điếc nhìn vào miệng Chúa có thể bắt chước nói theo được.

Chúa Giê-xu chữa bệnh cho người điếc bằng một tiến trình phức tạp dù Ngài có thể nói một lời là người đó cũng được lành bệnh. Điều này cho thấy Chúa quan tâm đến từng cá nhân, Chúa không chữa bệnh “hàng loạt” nhưng để ý đến từng người một và Chúa giải quyết mỗi vấn đề cách riêng lẽ, tùy từng trường hợp.

Dù chúng ta mang tật bệnh nào, Chúa cũng có thể chữa lành cho chúng ta và cách Chúa chữa cho chúng ta có lẽ không giống với những người khác. Chúng ta cần nhớ Chúa luôn luôn yêu thương và quan tâm đến mỗi người cách đặc biệt.

 

Lạy Chúa là Đấng đã làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ câm được nói. Xin đụng đến tai con để con nghe rõ tiếng phán của Chúa. Xin mở miệng con để con ca ngợi tình yêu và quyền năng vĩ đại của Chúa cho mọi người. Cảm ơn Chúa vì Chúa đã quan tâm đến chính con dù con chỉ là một người trong hàng tỉ người trên thế giới này.