Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 30

8:27-38

27 Đức Chúa Jêsus đi khỏi đó với môn đồ mình, đến trong các làng gần thành Sê-sa-rê Phi-líp. Dọc đường, Ngài hỏi môn đồ rằng: Người ta nói ta là ai? 28 Thưa rằng: Kẻ thì nói là Giăng Báp-tít; người thì nói là Ê-li; kẻ khác thì nói là một trong các đấng tiên tri. 29 Ngài hỏi: Nhưng các ngươi thì nói ta là ai? Phi-e-rơ thưa rằng: Thầy là Đấng Christ. 30 Đức Chúa Jêsus bèn cấm ngặt môn đồ chớ nói sự mình cùng ai hết. 31 Bấy giờ, Ngài khởi sự dạy môn đồ rằng Con người phải chịu khổ nhiều, phải bị các trưởng lão, các thầy tế lễ cả, và các thầy thông giáo loại ra, phải chịu giết, sau ba ngày phải sống lại. 32 Ngài nói tỏ tường điều đó với môn đồ. Phi-e-rơ đem Ngài riêng ra, mà can gián Ngài. 33 Nhưng Đức Chúa Jêsus xây lại ngó môn đồ, và quở Phi-e-rơ rằng: Hỡi quỉ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta.

34 Đoạn, Ngài kêu dân chúng và môn đồ, mà phán rằng: Nếu ai muốn theo ta, phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta. 35 Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta và đạo Tin Lành mà mất sự sống, thì sẽ cứu. 36 Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? 37 Hay là có người nào lấy chi mà đổi linh hồn mình ư? 38 Vì giữa dòng dõi gian dâm tội lỗi nầy, hễ ai hổ thẹn về ta và đạo ta, thì Con người sẽ hổ thẹn về kẻ ấy, khi ngự trong sự vinh hiển của Cha Ngài mà đến với các thiên sứ thánh.

 

1. Xin xem bản đồ và phân biệt hai thành phố Sê-sa-rê và Sê-sa-rê Phi-líp.

2. Người thời đó cho Chúa Giê-xu là ai? Tại sao?

          (1) ___________________________________

          (2) ___________________________________

          (3) ___________________________________

3. Phi-e-rơ nói: “Thầy là Đấng Christ.” “Đấng Christ” nghĩa là gì?

4. Tại sao Chúa Giê-xu cấm không cho người khác biết Chúa là Đấng Christ?

5. Chúa Giê-xu nói trước Ngài sẽ phải gánh chịu những điều gì?

          (1) ___________________________________

          (2) ___________________________________

          (3) ___________________________________

          (4) ___________________________________

6. Tại sao Phi-e-rơ can gián lại bị Chúa quở trách? Tại sao Chúa quá nặng lời với Phi-e-rơ, gọi ông là “quỷ Sa-tan?”

7. Xin giải thích câu 35:

8. Xin cho biết ba nguyên tắc chúng ta rút ra được trong các câu 35-38:

Câu 35:

Câu 36-37:

Câu 38:

 

Chi tiết ghi trong phân đoạn vừa đọc xảy ra tại một nơi gần thành Sê-sa-rê Phi-líp. Thành này có tên như vậy để phân biệt với một thành Sê-sa-rê khác, nằm trên bờ Địa Trung Hải. Câu hỏi Chúa Giê-xu đưa ra là một câu hỏi trắc nghiệm xem thử các môn đệ đã biết Chúa như thế nào. Những điều người khác biết về Chúa thật cao quý nhưng không đầy đủ: Giăng Báp-tít là người được toàn dân kính phục vì nếp sống đạo đức và những lời giảng sắt đá; Ê-li là một vị tiên tri nổi tiếng trong Cựu Ước; tiên tri là chức vụ cao quý của những người truyền thông điệp của Đức Chúa Trời cho con người. Tất cả những danh hiệu trên đều cao quý nhưng vẫn chưa đúng sự thật. Ngày nay, nhiều người cũng biết Chúa Giê-xu với những danh hiệu cao quý tương tự nhưng chưa thật sự biết Chúa là ai. Có người cho Chúa là một vĩ nhân, một nhà hiền triết, một vị anh hùng. Những điều này cũng cao quý nhưng chưa đúng.

Sau khi hỏi về quan điểm của người khác, Chúa Giê-xu muốn nghe quan điểm của các môn đệ về Ngài nên Ngài hỏi họ. Phi-e-rơ trả lời Chúa là Đấng Christ. Câu trả lời của ông Phi-e-rơ tuy ngắn nhưng bao hàm rất nhiều ý nghĩa. Chữ “Christ” phiên âm từ chữ christos trong tiếng Hi-lạp, nghĩa là “người được xức dầu.” Đối với người Do-thái, “người được xức dầu” là người được Thiên Chúa tuyển chọn để thi hành một công tác đặc biệt. Người được xức dầu là người từ trời đến, do Trời sai xuống. Gọi Chúa Giê-xu là “Đấng Christ,” Phi-e-rơ xác nhận hai điều:

1. Chúa Giê-xu là Đấng từ trời đến.

2. Chúa Giê-xu là người mà toàn dân Do-thái đang mong đợi.

Không phải Phi-e-rơ tự nhiên biết điều này nhưng đây là một sự mạc khải đặc biệt (Ma-thi-ơ 16:17). Dù Phi-e-rơ đã tuyên bố Chúa là Đấng Christ nhưng Chúa cấm các môn đệ không được nói điều đó với ai. Chúa cấm như vậy vì:

1. Các môn đệ chỉ biết Chúa là Đấng Cứu Thế như đa số những người Do-thái khác, nghĩa là một lãnh tụ chính trị, người sẽ giải phóng đất nước họ khỏi ách đô hộ của người La-mã. Các môn đệ không thể nói cho người khác biết Chúa là Đấng Cứu Thế, khi hiểu biết của họ chưa hoàn toàn.

2. Nếu người Do-thái nghe các môn đồ nói Chúa là Vị Cứu Tinh, sẽ dễ gây ra hiểu lầm, có thể dân chúng sẽ nổi loạn và như thế làm sai mục đích của Chúa đến trần gian.

Chúng ta cần có một hiểu biết đúng đắn về Đấng chúng ta tin, tức là biết rằng Chúa Giê-xu là “Đấng Christ,” nghĩa là Chúa Cứu Thế, từ trời đến để cứu con người ra khỏi tội. Chúng ta cần biết rõ về Chúa như vậy chứ không thể biết Chúa cách sai lạc hay mơ hồ. Ngày nay, nếu có người hỏi quý vị Chúa Giê-xu là ai, quí vị sẽ trả lời như thế nào?

Khi Phi-e-rơ gọi Chúa là “Đấng Christ,” Chúa Giê-xu nghĩ ngay đến việc Chúa phải chịu khổ và bị giết trước khi được sống lại. Nhưng đối với các môn đệ, đây là điều họ không thể nào hiểu được. Đối với họ, nếu Chúa là người từ trời đến thì Chúa phải vạch con đường cách mạng vinh quang hay tìm chiến lược để lật đổ chính quyền La-mã. Đàng này Chúa lại cho biết Ngài phải chịu khổ, phải bị giết... họ không thể nào chấp nhận được. Ngày nay, khi nói rằng tin Chúa thì được phước, người ta chấp nhận dễ dàng nhưng khi nói tin Chúa phải trải qua nhiều gian khổ, ít ai muốn nghe. Tuy nhiên, đó là cách Chúa thường dùng để hoàn thành chương trình của Ngài: phải được rèn luyện trong gian khổ rồi mới được hưởng vinh quang.

Thánh Kinh Cựu Ước mô tả Chúa là Đấng chiến thắng (Ê-sai 11) nhưng cũng cho thấy Chúa là Đấng phải chịu khổ (Ê-sai 53). Hai điều này đi song song với nhau: không đau khổ sẽ không có vinh quang.

Chúa Giê-xu biết Ngài phải CHỊU KHỔ, BỊ LOẠI và BỊ GIẾT, rồi sau đó sẽ SỐNG LẠI (c. 31). Đó là con đường Chúa Cứu Thế phải đi và cũng thường là con đường Chúa dẫn chúng ta đi.

Khi nghe Chúa nói như vậy, Phi-e-rơ đã gọi Chúa riêng ra và khuyên Ngài đừng đi con đường đó. Phi-e-rơ biết Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Thế nhưng ông không biết rằng Chúa Cứu Thế phải chịu đau khổ, nên ông đã bị Chúa nghiêm trọng quở trách: “Hỡi quỷ Sa-tan hãy lui ra đằng sau ta.” Chúa nói câu này vì ma quỷ cũng đã từng cám dỗ Chúa như vậy (Ma-thi-ơ 4:9-10).

Ai là người không muốn đạt đến vinh quang bằng con đường dễ dàng. Ma quỷ bảo Chúa chỉ cần thờ lạy nó là được nó ban cho tất cả các nước thế gian. Trước cám dỗ đó, Chúa đã bảo quỷ Sa-tan hãy lui ra và hãy thờ phượng một mình Chúa. Câu hỏi của Phi-e-rơ với Chúa lần này cũng tương tự như vậy: việc gì mà phải chết, tại sao Chúa không đánh đuổi người La-mã rồi lên làm vua cách oai hùng? Ma quỷ không muốn Chúa Giê-xu chịu chết để chuộc tội cho nhân loại vì như vậy là nó sẽ bị thua. Giờ đây, Phi-e-rơ can ngăn Chúa chịu chết, cũng chẳng khác gì lời cám dỗ của ma quỷ. Chính vì vậy Chúa đã nặng lời quở trách Phi-e-rơ. Chúa bảo ông Phi-e-rơ làm như vậy là “không nghĩ đến việc Đức Chúa Trời nhưng nghĩ đến việc người ta.” Bản Diễn Ý dịch là: “Ngươi chỉ suy luận theo quan điểm loài người, chứ không theo ý Đức Chúa Trời !” Đây cũng là điều thường xảy ra cho nhiều người. Chúng ta chỉ muốn lý luận theo ý mình mà không biết đến cách làm việc lạ lùng của Chúa. Con đường của Chúa là phải đi qua gian khổ mới đến vinh quang. Con người chúng ta thường chỉ nghĩ đến vinh quang, sung sướng mà không nghĩ đến giá phải trả.

Qua những lời Chúa nói với các môn đệ, lời can gián của Phi-e-rơ và lời quở trách của Chúa, chúng ta học được những điều sau:

1. Con đường của Chúa là con đường đặc biệt, con người không thể hiểu được.

2. Chúng ta không thể dùng lý luận của loài người để ngăn cản chương trình của Chúa.

3. Lý luận theo quan điểm của con người, chúng ta có thể trở thành khí cụ của ma quỷ.

4. Nhiều khi cám dỗ của ma quỷ không nhất thiết là làm những điều gian ác, xấu xa nhưng là làm theo ý người thay vì ý Chúa.

Sau khi nói cho các môn đệ biết con đường của Đấng Cứu Thế là con đường gian khổ, Chúa Giê-xu cũng cho họ biết rằng tất cả những người theo Ngài cũng phải đi theo con đường đó. Hai điều kiện quan trọng để theo Chúa là:

1. Liều mình

Bản Diễn Ý dịch là: “phủ nhận chính mình,” nghĩa là để cho Chúa làm Chủ hoàn toàn đời sống, không chiều theo những xu hướng và dục vọng riêng tư. Có thể nói đây là giáo lý “vô ngã” của Cơ-đốc giáo vì “cái tôi” không còn nữa!

2. Vác thập tự giá

 Nhiều người thường hiểu “thập tự giá” là những khó khăn, hoặc gian khổ mình phải chịu vì theo Chúa. Tuy nhiên, không nhất thiết như vậy. Trong thời Chúa Giê-xu, nói đến thập tự giá là nói đến cái chết, cũng như ngày nay nói đến máy chém hay ghế điện. Do đó, thành ngữ vác thập tự giá có nghĩa là kể như mình đã chết và chỉ yên lặng, thuận phục bước theo Chúa.

Để giúp dân chúng hiểu rõ hơn về việc liều mình vác thập tự giá, Chúa Giê-xu đưa ra ba định luật sau:

1. Giữ thì mất, để cho mất thì còn (c. 35). Điều này nghe như một nghịch lý nhưng đó là định luật của Nước Chúa. Có người đã nói: “Đời sống cũng như nắm cát trong tay, càng giữ chặt, cát sẽ chảy tuột ra, nhưng nếu mở rộng lòng bàn tay, cát sẽ nằm yên.” Nếu chúng ta khư khư ôm giữ đời sống, chỉ lo cho mình, chung cuộc, chúng ta sẽ mất tất cả. Ngược lại, nếu vì yêu Chúa, chúng ta sẵn sàng quên mình để phục vụ Chúa, người khác thấy chúng ta như mất tất cả, nhưng cuối cùng, chúng ta sẽ thấy rằng đời sống của chúng ta không mất mà còn có ý nghĩa và đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho Nước Chúa.

2. Linh hồn con người vô giá (c. 36-37). Dù chúng ta có cả thế giới trong tay nhưng nếu linh hồn sẽ bị diệt vong đời đời thì không ích lợi gì. Thật ra, không một điều gì trên đời này có thể so sánh hay xứng đáng để đổi lấy linh hồn con người.

3. Xấu hổ về Chúa, Chúa xấu hổ về mình (c. 38). Chúng ta có tự do để quyết định sống cho Chúa hay sống cho chính mình và kết quả đời sống ngày sau tùy thuộc vào quyết định của chúng ta hôm nay.

Có thể nói đây là bảng tóm tắt lý tưởng của người theo Chúa. Nếu mỗi chúng ta đều theo Chúa đúng với ý nghĩa này, nước Chúa sẽ phát triển mạnh mẽ.

 

Lạy Chúa là Đấng Cứu Thế đã từ trời đến để chịu chết cứu con. Xin giúp con biết rõ Chúa là ai và sẵn sàng loan truyền những điều con biết cho người khác.

Xin giúp con hiểu rõ ý muốn của Chúa, biết rõ đường của Chúa để sẵn sàng chấp nhận và đi theo ý Chúa thay vì chọn con đường theo ý riêng.

Xin giúp con thấy rõ giá mà con phải trả khi theo Chúa và cho con có đủ sức để theo Chúa đúng như Lời Chúa dạy.