Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 33

9:30-37

30 Đoạn, đi khỏi đó, trải qua xứ Ga-li-lê, Đức Chúa Jêsus không muốn cho ai biết. 31 Vì Ngài dạy các môn đồ rằng: Con người sẽ bị nộp trong tay người ta, họ sẽ giết đi; Ngài bị giết đã ba ngày rồi, thì sẽ sống lại. 32 Nhưng môn đồ không hiểu lời ấy, lại sợ không dám hỏi Ngài.

33 Đến thành Ca-bê-na-um, đang ở trong nhà, Ngài hỏi môn đồ rằng: Lúc đi đường, các ngươi nói chi với nhau? 34 Môn đồ đều làm thinh; vì dọc đường đã cãi nhau cho biết ai là lớn hơn trong bọn mình. 35 Ngài bèn ngồi, kêu mười hai sứ đồ mà phán rằng: Nếu ai muốn làm đầu, thì phải làm rốt hết và làm tôi tớ mọi người. 36 Đoạn, Ngài bắt một đứa trẻ để ở giữa môn đồ; rồi ẵm nó trong tay, mà phán rằng: 37 Hễ ai vì danh ta tiếp một đứa trong những đứa trẻ nầy, tức là tiếp ta; còn ai tiếp ta, thì chẳng phải tiếp ta, bèn là tiếp Đấng đã sai ta vậy.

 

1. Xin tìm trong Phúc Âm Mác, bao nhiêu lần Chúa Giê-xu nói trước về sự chết và sự sống lại của Ngài? Tại sao Chúa lại nói trước nhiều lần như vậy?

2. Tại sao môn đồ không hiểu? Tại sao môn đồ không hỏi? (c. 32)

3. Hình ảnh đứa bé Chúa ẵm trong tay (c. 36) và lời Chúa phán trong câu 37 liên hệ với nhau như thế nào?

 

Sau khi Phi-e-rơ xưng nhận Chúa là Chúa Cứu Thế, Chúa Giê-xu cho các môn đệ biết Ngài sẽ phải lên Giê-ru-sa-lem chịu khổ hình và chịu chết. Từ đó, Chúa hướng mọi hoạt động của Ngài về Giê-ru-sa-lem. Vì vậy, sau khi ở trên núi hóa hình xuống và sau khi chữa lành người bị quỷ ám, Chúa Giê-xu đi ngang qua vùng Ga-li-lê nhưng không muốn cho ai biết. Điều này cho thấy chức vụ của Chúa trong vùng Ga-li-lê đã tới lúc chấm dứt và Chúa muốn dành thì giờ để dạy các môn đệ. Những điều Chúa nhấn mạnh với họ là: Chúa sẽ bị bắt, bị giết, sau đó sẽ sống lại (c. 31). Tuy nhiên, cho đến lúc ấy, các môn đệ cũng vẫn không hiểu được ý Chúa muốn nói. Không hiểu nhưng họ lại sợ không dám hỏi. Có lẽ vì họ không muốn biết sự thật phũ phàng, hoặc sợ bị Chúa quở trách như Phi-e-rơ trước đó.

Không dám hỏi Chúa, nhưng các môn đệ lại để thì giờ cãi nhau xem ai là người quan trọng nhất trong đám. Chúa biết điều đó nên Ngài đã dạy họ một điều quan trọng. Chúa nói: “Ai muốn làm lớn phải chịu phận nhỏ, làm đầy tớ cho người khác” (c. 35, BDY). Và rồi Chúa đã dùng một đứa bé làm ví dụ để cho họ thấy rõ. Chúa nói: “Ai nhân danh Ta tiếp rước một em bé như nó, tức là tiếp rước Ta. Còn ai tiếp Ta là tiếp rước Đấng đã sai Ta” (c. 37, BDY). Lời dạy của Chúa hàm ý rằng người lớn nhất là người sẵn sàng lo cho những người nhỏ và hầu như không có giá trị gì, như trường hợp của những em bé. Chính khi chúng ta lo cho những người có vẻ như không quan trọng gì là chúng ta đã phục vụ Chúa. Trong Nước Chúa, người lớn nhất là người tiếp rước những đứa trẻ nhỏ bé, yếu đuối.

 

Cảm ơn Chúa đã bằng lòng đi con đường Gô-gô-tha để cứu con. Xin giúp con theo gương Chúa, sẵn sàng phục vụ người khác.