Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 38

10:17-31

17 Ngài đang ra đi, có một người chạy lại, quì trước mặt Ngài, mà hỏi rằng: Thưa thầy nhân lành, tôi phải làm chi cho được hưởng sự sống đời đời? 18 Đức Chúa Jêsus phán rằng: Sao ngươi gọi ta là nhân lành? Chỉ có một Đấng nhân lành, là Đức Chúa Trời. 19 Ngươi biết các điều răn: Đừng phạm tội tà dâm; đừng giết người; đừng trộm cướp; đừng làm chứng dối; đừng làm gian; hãy hiếu kính cha mẹ. 20 Người thưa rằng: Lạy thầy, tôi đã giữ mọi điều đó từ khi còn nhỏ. 21 Đức Chúa Jêsus ngó người mà yêu, nên phán rằng: Nhưng ngươi còn thiếu một điều. Hãy đi, bán hết gia tài mình, đem thí cho kẻ nghèo khổ, chắc sẽ được của báu ở trên trời, rồi hãy đến mà theo ta. 22 Song nét mặt người nầy rầu rĩ về lời đó, đi ra rất buồn bã, vì có nhiều của lắm.

23 Bấy giờ Đức Chúa Jêsus ngó xung quanh mình, mà phán cùng môn đồ rằng: Kẻ giàu vào nước Đức Chúa Trời khó là dường nào! 24 Môn đồ lấy mấy lời đó làm lạ. Nhưng Đức Chúa Jêsus lại phán rằng: Hỡi các con, những kẻ cậy sự giàu có vào nước Đức Chúa Trời khó là dường nào! 25 Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Đức Chúa Trời. 26 Môn đồ lại càng lấy làm lạ, nói cùng nhau rằng: Vậy thì ai được cứu? 27 Đức Chúa Jêsus ngó môn đồ mà rằng: Sự đó loài người không thể làm được, nhưng Đức Chúa Trời thì chẳng thế; vì Đức Chúa Trời làm mọi sự được cả. 28 Phi-e-rơ liền thưa cùng Ngài rằng: Nầy, chúng tôi đã bỏ hết mà đi theo thầy. 29 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi chẳng một người nào vì ta và Tin Lành từ bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng, 30 mà chẳng lãnh được đang bây giờ, trong đời nầy, trăm lần hơn về những nhà cửa, anh em, chị em, mẹ con, đất ruộng, với sự bắt bớ, và sự sống đời đời trong đời sau. 31 Nhưng có nhiều kẻ đầu sẽ nên rốt; có kẻ rốt sẽ nên đầu.

 

1. Cách đến với Chúa và câu hỏi của người đến gặp Chúa cho chúng ta thấy điều gì về người nầy (c. 17)?

2. Chúa Giê-xu hỏi lại (c. 18) với dụng ý gì?Tại sao Chúa lại hỏi như vậy?

3. Tại sao người nầy đã vâng giữ các điều răn (c. 19) mà Chúa Giê-xu lại nói còn thiếu? Thiếu trên phương diện nào?

4. Chúa Giê-xu muốn dạy cho người nầy bài học gì và chúng ta học được bài học gì qua câu chuyện nầy?

 

Nhân vật trong câu chuyện chúng ta vừa đọc là một người giàu có. Người này có đầy đủ tất cả mọi sự ở đời nên lo nghĩ đến đời sau và vì vậy đến hỏi Chúa Giê-xu phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời. Chúng ta thấy người này có lòng tin chân thành: người ấy chạy đến với Chúa, quỳ trước mặt Ngài và gọi Chúa bằng một danh hiệu cao quý (“Thầy Nhân Lành”). Dù giàu có, người này ý thức rằng tiền bạc không thể mua được tất cả, nhất là không thể mua được sự sống đời đời hay những giá trị tâm linh.

Người này gọi Chúa Giê-xu là “Thầy Nhân Lành” nên Chúa hỏi: “Sao ngươi gọi ta là nhân lành, chỉ có một Đấng Nhân Lành là Đức Chúa Trời.” Ý Chúa muốn nói là: “Ngươi có thật hiểu điều mình nói không? Phải nhớ rằng chỉ một mình Đức Chúa Trời mới được gọi là Đấng Nhân Lành mà thôi!” Người này hăng hái, muốn tìm hiểu chân lý nhưng có lẽ đang bị cảm xúc lôi cuốn nên Chúa muốn cho người ấy bình tâm lại để thấy rõ sự thật.

Trong câu 19, Chúa trích lại phần thứ nhì của Mười Điều Răn, nói về những bổn phận của người đối với người. Người nhà giàu cho biết anh đã vâng giữ mọi điều đó từ khi còn nhỏ. “Khi còn nhỏ” nghĩa là từ năm 12 tuổi, năm mà trẻ em Do-thái bắt đầu phải chịu trách nhiệm về hành động của mình trước luật của Chúa. Chúa Giê-xu thương người này vì thấy lòng chân thành của anh nhưng Ngài cũng thấy có một điều quan trọng cần được sửa đổi, đó là, đối với anh tiền của quan trọng hơn Chúa; hay nói cách khác, đối tượng anh đang tôn thờ không phải là Đức Chúa Trời nhưng là tiền bạc. Chúa cũng cho thấy không làm hại người khác (giữ tất cả những điều trong câu 19) chưa đủ. Đạo của Chúa dạy ta chẳng những không làm hại người (tiêu cực) nhưng còn phải giúp ích cho người (tích cực).

Câu nói của Chúa cũng cho thấy người này đánh giá sự sống đời đời như thế nào. Nếu người ấy thật sự tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu, người ấy phải sẵn sàng đánh đổi tất cả để được những giá trị đó. Người ấy buồn và thất vọng trước lời khuyên của Chúa vì đối với người ấy của cải vẫn quan trọng hơn cả.

Có thể nói người này đến với Chúa với một thái độ ích kỷ. Người ấy đã được sung sướng giàu có ở đời này rồi và bây giờ tìm cách cho được sung sướng ở đời sau mà không muốn phải trả một giá nào cả. Đây là điều không thể nào có được. Chúa  không bảo chúng ta phải làm gì để được sự sống đời đời nhưng Chúa đòi hỏi chúng ta phải dấn thân thật sự, phải để Chúa lên trên tất cả, sẵn sàng quên mình để sống cho Chúa và cho người.

Sau cuộc đối thoại với người nhà giàu, Chúa Giê-xu đi đến kết luận: “Kẻ giàu vào nước Đức Chúa Trời khó là dường nào!” Ý Chúa muốn nói là, đối với những người giàu có và coi trọng của cải, việc hy sinh vật chất để đạt được những giá trị tâm linh là điều rất khó làm. Câu nói của Chúa làm các môn đệ ngạc nhiên vì theo họ, cũng như quan niệm của người Do-thái, có kính sợ Chúa người ta mới được giàu có, như vậy tại sao người giàu lại khó vào nước Chúa được? Thật ra thì giàu hay nghèo vào nước Chúa cũng đều khó cả vì chúng ta không thể dùng sức người hay bất cứ điều gì của con người, dù là của cải đi nữa, để có thể vào thiên đàng.

Chúa nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Đức Chúa Trời.” Câu này nói lên một việc không ai làm được, tương tự như câu: “Lấy thúng úp voi.” Thật sự, nếu không nhờ ân sủng của Chúa, không ai có thể được cứu. Chính vì vậy Chúa nói: “Sự đó loài người không thể làm được nhưng... Đức Chúa Trời làm mọi sự được cả.” Câu này cho thấy sự cứu rỗi hoàn toàn đến từ Chúa, con người không thể đóng góp hay làm bất cứ điều gì để được cứu. So với người nhà giàu, Phi-e-rơ hãnh diện vì ông và các bạn của ông đã hy sinh tất cả để theo Chúa. Vì vậy ông thưa với Chúa, “Nầy, chúng tôi đã bỏ hết mà đi theo thầy!” Ý ông muốn nói, “Tôi và các bạn tôi đã bỏ tất cả để theo Chúa thì sẽ được lại điều gì?” Câu trả lời của Chúa cho thấy họ được rất nhiều:

1. Được gấp trăm lần hơn về những điều họ từ bỏ. Họ đã từ bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ con, đất ruộng và Chúa cho biết họ sẽ nhận lại được gấp trăm lần những điều đó. Khi các môn đồ từ bỏ gia đình và mọi điều khác để theo Chúa, họ không mất nhưng được lại những điều đó dưới những hình thức khác trong cộng đồng mới họ đang sinh hoạt. Người theo Chúa có thể bị gia đình khước từ nhưng họ lại được những anh chị em mới trong gia đình của Chúa. Người theo Chúa có thể phải hy sinh của cải, tài sản (“nhà cửa, đất ruộng”) nhưng sẽ được Chúa bù đắp lại dưới những hình thức khác để thấy rằng mình không mất gì cả mà còn được lợi rất nhiều.

2. Được hưởng sự sống đời đời. Hy vọng của người theo Chúa không phải chỉ ở đời này nhưng cả ở đời sau. Chúng ta chẳng những được lợi trong đời này nhưng còn được hưởng những giá trị trường tồn, vĩnh viễn ở đời sau. Tuy nhiên, Chúa cũng cho biết người theo Chúa sẽ bị bắt bớ. Đây là điều không thiếu trong đời sống của người theo Chúa. Chúa nói điều này để cho thấy rằng theo Chúa chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận gian khổ.

Có nhiều kẻ đầu sẽ nên rốt, có kẻ rốt trở nên đầu là lời Chúa cảnh cáo các môn đệ, nhất là Phi-e-rơ. Phi-e-rơ và các bạn lúc bấy giờ có thể tự hào, cho rằng họ đã hy sinh tất cả để theo Chúa chứ không giống như người nhà giàu kia. Nhưng Chúa cho họ biết họ phải cẩn thận, đừng kiêu ngạo vì đến lúc cuối cùng Chúa xét xử theo tiêu chuẩn của Ngài, kết quả lúc đó mới là điều quan trọng.

 

Xin giúp con ý thức được những giá trị trường cửu của nước Chúa và bằng lòng từ bỏ tất cả để đạt được những giá trị đó.

Xin giúp con sẵn sàng hy sinh và sống cho Chúa vì biết rằng con sẽ không mất gì cả nhưng được lợi rất nhiều.

Xin giúp con sẵn sàng chịu khổ vì Chúa nhưng đừng kiêu ngạo, cho rằng mình đã hy sinh nhiều hơn người khác.