Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 30

Cầu Nguyện (2)

Phúc Âm Ma-thi-ơ 6:1-18

Trong đời sống tâm linh, chúng ta sống là sống với Chúa, cho Chúa, vì Chúa. Vì thế cuộc tương giao với Chúa thật quan trọng. Tương giao với Chúa phải nói đến cầu nguyện. Chúa cho biết những hình thức cầu nguyện không đúng cách, và chỉ dạy làm thế nào để có thể gặp được Cha trên trời.

Chúa Giê-xu không những đưa ra các nan đề trong việc tập trung vào cầu nguyện, nhưng còn cho cả một khuôn mẫu để cầu nguyện nữa.

Cầu nguyện là hoạt động giá trị nhất trong linh hồn người. Con người có giá trị nhất, ở chỗ cao nhất khi quỳ gối đối diện với Chúa. Cầu nguyện cũng là cách thử nghiệm tình trạng thật về tâm linh của con người. Không có gì nói cho ta biết rõ tất cả sự thật về đời sống tâm linh cho bằng cầu nguyện. Nhưng bất cứ việc nào khác ta làm trong đời cũng coi như dễ hơn là cầu nguyện. Vì nói chuyện với Chúa khác hẳn khi ta nói chuyện với người. Khi ấy ta một mình với Chúa là đấng biết rõ từng tư tưởng của ta, và ta phải tự xét mình cẩn thận. Khi ở riêng với Chúa ta thấy mình có rất ít điều muốn nói, trong khi đó sinh hoạt với người, ta có vô số chuyện để bàn.

Nhưng những con người thành công trong lĩnh vực đức tin không những dành nhiều thì giờ cầu nguyện nhưng còn thích cầu nguyện nữa. Không có tiểu sử anh hùng đức tin nào mà thiếu phần cầu nguyện tương giao với Chúa chuyên biệt. Con người càng thánh thiện bao nhiêu lại càng đến gần Chúa nhiều bấy nhiêu. Vì cầu nguyện là một yếu tố quan trọng nhất trong cuộc đời tin Chúa. Cũng vì vậy, cầu nguyện cần được hướng dẫn thật kỹ càng.

Trong các Phúc Âm, ta thấy Giăng, người làm báp-tem đã dạy cho các môn đệ cầu nguyện. Chắc chắn họ đã thấy cần được chỉ bảo nên Giăng đã dạy họ. Các môn đệ của Chúa Giê-xu cũng cảm thấy như vậy và thưa với Chúa rằng: "Giăng, người làm báp-tem đã dạy các môn đệ cầu nguyện, xin Chúa cũng dạy chúng tôi cách cầu nguyện." Ước muốn được dạy cho cách cầu nguyện chắc chắn phát xuất từ tấm lòng vì họ biết rõ khó khăn thuộc loại tự nhiên, theo bản năng và căn bản này; nhưng chắc chắn cũng là do việc quan sát đời sống cầu nguyện của Chúa Giê-xu. Họ nhận thấy Chúa dậy thật sớm, khi trời chưa sáng rõ, lên núi vắng vẻ cầu nguyện. Nhiều khi Chúa cầu nguyện suốt đêm trên núi như thế. Chắc hẳn cũng có lúc họ hỏi nhau: "Chúa cầu nguyện những gì mà lâu như vậy?" Rồi họ cũng có thể thú nhận: "Tôi chỉ cầu nguyện có vài phút là thấy hết chuyện nói rồi. Có cái gì lôi kéo Chúa cầu nguyện lâu đến như vậy?" Rồi họ bảo Chúa: "Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu nguyện." Nghĩa là họ muốn cầu nguyện được như Chúa. Họ như nói rằng: "Chúng tôi ước gì cũng biết Đức Chúa Trời như thầy vậy. Dạy chúng tôi đi."

Có bao giờ quý vị và các bạn có cảm nghĩ như vậy không? Có bao giờ bạn thấy không bằng lòng về lối cầu nguyện của mình, đời sống cầu nguyện của mình, và mong được biết rõ hơn, cầu nguyện thật sự nghĩa là gì không? Nếu có cảm nghĩ như thế thì bạn có thể tiến xa trong việc chuyên tâm cầu nguyện được.

Cầu nguyện chắc chắn là nhu cầu quan trọng nhất. Chúng ta càng bỏ qua cầu nguyện bao nhiêu, càng mất đi những phước hạnh trong đời sống tin Chúa, vì như vậy chứng tỏ rằng chúng ta chưa biết cầu nguyện đúng cách. Chúng ta cần được chỉ dẫn về mọi khía cạnh liên quan đến vấn đề này. Chúng ta cần được dạy cách cầu nguyện và cầu nguyện về những gì.

Chính vì vậy mà chúng ta dành nhiều thì giờ để phân tích bài cầu nguyện mẫu do Chúa Giê-xu dạy các môn đệ của Ngài ngày xưa.

Trước tiên, chúng ta cần đưa ra một số nhận xét về bài cầu nguyện mẫu mực này.

1. Đây chính là một bài cầu nguyện mẫu. Vì trước khi dạy, Chúa nói: "Vậy các anh hãy cầu xin như thế này:..." Nghĩa là khi cầu nguyện nên nói đến các vấn đề này... Bài cầu nguyện mẫu thực sự bao gồm tất cả mọi vấn đề, không cần thêm điều gì nữa. Nhưng nói như thế không có nghĩa là mỗi khi cầu nguyện cứ đọc thuộc lòng bài cầu nguyện chung là đủ. Chắc chắn không đúng như vậy, vì chẳng lẽ Chúa bỏ cả đêm trên núi để đọc đi đọc lại mấy câu cầu nguyện ngắn ngủi này sao?

Thành ra nhận xét đầu tiên là bài cầu nguyện này chứa đựng toàn nguyên tắc. Các nguyên tắc này không cần thêm bớt gì. Nếu ta lấy bất cứ bài cầu nguyện nào của một người thánh, chúng ta cũng sẽ thấy gói trọn trong các nguyên tắc này. Không thấy thêm điều nào khác. Bạn có thể lấy ngay bài cầu nguyện dài của Chúa Giê-xu được ghi trong Phúc Âm Giăng chương 17, phân tích các nguyên tắc, thì cũng sẽ thấy rút gọn lại trong các nguyên tắc của bài cầu nguyện mẫu ngắn gọn này.

Bài cầu nguyện mẫu bao hàm mọi vấn đề; chúng ta chỉ cần lấy các nguyên tắc này dùng và triển khai ra cũng như đặt căn bản mỗi việc ta muốn cầu nguyện của ta trên các nguyên tắc ấy. Đó là cách áp dụng bài cầu nguyện mẫu. Nếu bạn làm như thế, bạn sẽ dần dần đồng ý với Thánh Augustine, Martin Luther và nhiều người thánh khác từng nói rằng: "Trong suốt Kinh-thánh, không có gì diệu kỳ hơn là bài cầu nguyện mẫu." Vì lối tóm lược tất cả các nguyên tắc trong một vài câu ngắn như vậy, chỉ có Con Đức Chúa Trời mới làm nổi mà thôi.

2. Chúng ta sang nhận xét thứ hai. Bài cầu nguyện mẫu này không chỉ dành riêng cho các môn đệ của Chúa lúc ấy, nhưng còn là khuôn mẫu cho tất cả mọi người tin Chúa từ xưa đến nay và mãi mãi. Vì nếu lời cầu nguyện nào không tương xứng với mẫu mực này không phải là một lời cầu nguyện chân chính.

3. Nhận xét thứ ba. Một số người gặp khó khăn chấp nhận bài cầu nguyện này, vì không thấy kết thúc bằng câu: 'Nhân danh Chúa Giê-xu' hay là 'trong danh Chúa Giê-xu' hoặc là 'vì danh Chúa Giê-xu'. Thật ra dù không nói nhân danh Chúa Giê-xu nhưng bài cầu nguyện đã hàm chứa ý nghĩa nhân danh đó. Vì ngay câu mở đầu: "Lạy Cha chúng con ở trên trời" cũng đã xác nhận do Chúa Con là Chúa Giê-xu mà ta mới cầu nguyện được như vậy, vì không ai có thể cầu nguyện như vậy mà không ý thức được vai trò của Chúa Giê-xu trong lúc ta cầu nguyện, hay không tin Chúa Giê-xu hoặc không ở trong Chúa. Ta cũng đã nói, bài cầu nguyện nêu lên các nguyên tắc, vì vậy không nhất thiết phải nhắc đến chuyện nhân danh Chúa Giê-xu mà cầu nguyện.

Như vậy bài cầu nguyện mẫu do chính Chúa Giê-xu dạy không phải để đọc như đọc kinh suốt đời, nhưng là những điều ta luôn luôn phải nhớ đến trong khi cầu nguyện. Ta đừng vội vàng cầu nguyện, đừng nói ngay mà không suy nghĩ là mình đang làm gì, cũng đừng bị xúc cảm lôi cuốn. Ta phải biết rõ dàn bài của lời cầu nguyện, những lời mà ta cần phải nói.

Có người than phiền rằng: "Tôi cầu nguyện đã lâu nhưng chẳng có gì xẩy ra cả. Tôi cũng chẳng thấy lòng được bình an và cũng chẳng thỏa lòng bao giờ." Nói như thế chứng tỏ rằng việc cầu nguyện của người ấy có gì không đúng, về một phương diện nào đó, người ấy không nhận định rõ mình đang làm gì. Chúng ta thường hay quá tập trung vào chính mình, nên khi quỳ gối cầu nguyện, chỉ nghĩ về mình, về các nỗi khó khăn của mình. Mở đầu là nói ngay đến những nan đề đó. Theo như lời dạy của Chúa ở đây thì cầu nguyện như thế là vô hiệu quả. Đó không phải là cách trình thưa với Chúa trên trời. Chúng ta phải dừng lại trước khi nói lời cầu nguyện của mình.

Các giáo sư Kinh-thánh qua bao nhiêu thế kỷ đã đồng ý rằng bước đầu tiên trong việc cầu nguyện phải là: 'Hồi Tưởng'. Theo quan niệm này, mỗi người trước khi bắt đầu mở miệng cầu nguyện với Chúa, phải đặt tay lên miệng mình, yên lặng hồi tưởng. Gióp ngày xưa gặp thử thách nặng, mỗi lần đến với Chúa là tuôn đổ tất cả tâm sự mình, biện minh cho mình. Cho đến một lúc, Gióp mới nhận ra là mình vô lý, ông nói trong chương 39 câu 37 rằng: "Tôi vốn là vật không ra gì, sẽ đáp chi với Chúa? Tội đặt tay lên che miệng tôi." Đó chính là thái độ hồi tưởng, suy nghĩ về những gì mình sắp phải nói.

Khi muốn tiếp xúc với Chúa, muốn cảm biết được cánh tay quyền năng của Ngài ôm lấy ta, hãy đặt tay lên miệng một lúc, hãy hồi tưởng.

Bảy chữ mở đầu cho bài cầu nguyện mẫu cũng là những chữ ta có thể nói lên rõ ràng và chậm rãi. "Lạy Cha chúng con ở trên trời!" Dù hoàn cảnh sống của ta là gì chăng nữa, câu 'Lạy Cha chúng con ở trên trời' nói lên là đã biết ngay lời cầu nguyện sẽ được nhậm. Vì câu này nhắc cho ta nhớ quan hệ của mình đối với Chúa. Con đến với Cha.

Nhiều người nghĩ rằng cầu nguyện rất là tốt vì luôn luôn đem lại phúc lợi cho mình. Vì cầu nguyện như thế còn hữu ích nhiều về phương diện tâm lý nữa. Đây không phải là quan niệm đúng về việc cầu nguyện theo như Kinh-thánh dạy. Cầu nguyện là thưa chuyện với Chúa, quên hẳn chính mình và nhận định về sự có mặt của Chúa. Có người nghĩ rằng, cầu nguyện cần phải ngắn gọn và đi thẳng ngay vào vấn đề. Điều này đúng một phần, vì không thể cầu nguyện tràng giang đại hải và nói những điều không cần thiết. Nhưng điểm chính trong lúc ta cầu nguyện là thời gian phải ngừng lại, cuộc sống của ta phải ngừng lại để ta gặp Chúa, thưa chuyện với Ngài. Ta sẽ thấy mình quá vô lễ nếu chỉ nói với Chúa vài câu ngắn như ra lệnh cho Chúa vậy, chứ không dành cho Chúa toàn quyền hành động.

Mỗi lời cầu nguyện ghi lại trong Kinh-thánh đều bắt đầu với những lời ca ngợi, tôn thờ Chúa.

Đa-ni-ên khi đang gặp khó khăn cấp bách, cầu nguyện với Chúa, nhưng không khởi đầu với việc xin Chúa mà khởi đầu bằng lời ca ngợi Chúa. Giê-rê-mi là người cả đời gặp khó khăn, đày đọa, nhưng lúc nào cũng đến với Chúa bằng một lời ca ngợi. Như vậy ta nên khởi đầu bằng lời ca ngợi tôn thờ Chúa khi ta cầu nguyện.

'Lạy Cha chúng con ở trên trời' Chỉ có những người thật sự tin Chúa, mới có đủ tư cách cầu nguyện xưng hô như thế với Chúa. Kinh-thánh phân biệt rất rõ những người tin Chúa và những người không tin. Người tin Chúa là con của Chúa. Thật ra, chúng ta sinh ra là con của thịnh nộ, con của ma quỷ dối trá, và con của thế gian này, nhưng khi tin Chúa Giê-xu, chúng ta được chuyển sang một hoàn cảnh mới, đó là được Chúa nhận làm con nuôi, và trở thành con thật trong gia đình của Chúa. Chỉ đến khi ta tin Chúa, được tha tội, ta mới dám xưng Chúa là Cha.

Người đời hiểu lầm rằng, Chúa là Cha của họ, và có thể cầu nguyện với Cha trên trời. Nhưng đó là việc làm sai trái. Chưa tin Chúa không có quyền cầu nguyện với Chúa, không thể gọi Chúa là Cha được. 'Lạy Cha chúng con ở trên trời' không phải là một lời xưng hô, nhưng là lời nói với ý thức rằng mình là con của Chúa.

Để kết thúc phần bài học, xin tóm tắt lại các điểm ta cần ghi nhớ:

1. Cầu nguyện cần có thời gian hồi tưởng, suy niệm tôn thờ Chúa trước khi vào vấn đề cầu xin.

2. Chỉ những người tin Chúa thật, được Chúa tái tạo, mới có quyền gọi Chúa là Cha và cầu nguyện với Ngài.

3. Lời cầu nguyện không được trả lời nhiều khi là vì chúng ta quá chú trọng vào mình, nỗi khổ của mình mà quên rằng cần phải tôn thờ ca ngợi Cha trước đã.

4. Mỗi người nên dành thì giờ mỗi ngày cầu nguyện với Chúa, đừng vội vàng, hấp tấp, như thế ta sẽ thấy hiệu lực của cầu nguyện.

Cầu Chúa giúp bạn trong việc cầu nguyện với Ngài mỗi ngày.