Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 4

Nguồn Sáng Thật

1:9-13

9  Sự sáng nầy là sự sáng thật, khi đến thế gian soi sáng mọi người. 10  Ngôi Lời ở thế gian, và thế gian đã làm nên bởi Ngài; nhưng thế gian chẳng từng nhìn biết Ngài. 11  Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy. 12  Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài, 13  là kẻ chẳng phải sanh bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người, nhưng sanh bởi Đức Chúa Trời vậy.

 

1. "Sự sáng thật" sứ đồ Giăng nói đến trong câu 9 là sự sáng gì? Dùng để đối chiếu với điều gì?

2. Xin kể ra hai cách loài người có thể biết Chúa trong hai câu 10 và 11.

3. Chữ "quyền phép" trong câu 12 nghĩa là gì? Nói về sức mạnh quyền thế hay quyền lợi?

4. Sinh bởi "khí huyết, tình dục và ý người" khác với sinh bởi Đức Chúa Trời như thế nào?

Tiếp tục nói về Chúa Giê-xu là sự sáng, sứ đồ Giăng gọi Chúa Giê-xu là sự sáng thật. Chữ "thật" ở đây có nghĩa là "gốc," hàm ý Chúa Giê-xu là nguồn sáng chứ không phải như ông Giăng hay các vị tiên tri khác chỉ phản chiếu lại ánh sáng của Chúa. Có thể nói Chúa Giê-xu là "bản chính" còn những người khác phản chiếu ánh sáng của Chúa cũng giống như bản "phóng ảnh" (photocopy). Ánh sáng thật đây là ánh sáng nguyên thủy, không phải là ánh sáng phụ.

Đặc tính của ánh sáng là soi sáng. Ánh sáng đi đến đâu thì người ta được soi sáng đến đó. Khi Chúa Giê-xu đến trần gian nầy, người ta phải nhận ra Chúa vì Ngài là ánh sáng. Tuy nhiên, lúc đó người Do-thái không nhận ra Chúa vì họ ưa thích bóng tối (3:20).

Hai câu 10 và 11 cho thấy loài người có thể nhận ra Chúa bằng hai cách: (1) Công trình sáng tạo: Thế gian đã làm nên bởi Ngài. (2) Sự hiện diện của Chúa: Ngài đã đến trong xứ mình.

Ánh sáng của Chúa ngày nay cũng đang soi sáng khắp nơi như vậy qua vũ trụ, thiên nhiên. Chúng ta thấy Chúa qua các công trình sáng tạo đó. Các sách Phúc Âm ghi lại cuộc đời của Chúa, cho thấy Chúa đã hiện diện trên trần gian nầy như thế nào. Chúng ta cũng phải nhận biết Ngài qua các sự kiện đó, nếu không chúng ta cũng không hơn gì người xưa: được Chúa soi sáng mà không thấy, không biết.

Khi thấy được ánh sáng của Chúa và tiếp nhận, Chúa hứa ban cho chúng ta quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời (c.12). Chữ "quyền phép" ở đây nhấn mạnh đến "quyền" hay "quyền lợi" của một người được làm con của Chúa. Là con của Chúa, chúng ta được thừa tự Nước Chúa, được hưởng sự sống bất diệt. Đó là những đặc quyền mà người khác không có.

Để được đặc quyền làm con của Chúa, chúng ta phải được sinh ra trong gia đình của Ngài. Đó là ý nghĩa của câu sinh bởi Đức Chúa Trời. Tác giả Phúc Âm Giăng nói về sự sống tâm linh hay sinh ra về phương diện tâm linh. Sinh ra về thể xác liên hệ đến huyết thống, ước muốn và quyết định của con người, còn sinh ra về tâm linh là việc Đức Chúa Trời làm.

Mỗi người chúng ta đang mang một thân xác vì chúng ta đã được sinh ra về thể xác. Để được làm con của Chúa chúng ta cần phải được sinh ra về phương diện tâm linh, nghĩa là được Chúa tái tạo làm một người mới. Chưa có kinh nghiệm sinh ra về phương diện tâm linh, chúng ta chưa được quyền làm con của Chúa. Mỗi người cần ý thức về sự hiện hữu của Chúa, tiếp nhận Ngài vào lòng, để cho Ngài quản trị và hướng dẫn cuộc đời. Chỉ lúc đó chúng ta mới thật sự có sự sống tâm linh và tận hưởng những hạnh phúc tuyệt vời của Chúa.

Cám ơn Chúa là Ánh Sáng nguyên thủy đã đến với con. Xin soi sáng con để con thấy rõ Chúa, tiếp nhận Chúa và được quyền làm con của Ngài.