Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 7

Tâm Tình Chứng Nhân

1:19-28

19  Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy thầy tế lễ, mấy người Lê-vi từ thành Giê-ru-sa-lem đến hỏi người rằng: Ông là ai? 20  Người xưng ra, chẳng chối chi hết, xưng rằng mình không phải là Đấng Christ.  21  Họ lại hỏi: Vậy thì ông là ai? Phải là Ê-li chăng? Người trả lời: Không phải.  Ông phải là đấng tiên tri chăng: Người trả lời: Không phải.  22  Họ bèn nói: Vậy thì ông là ai? hầu cho chúng tôi trả lời cùng những người đã sai chúng tôi đến.  Ông tự xưng mình là ai: 23  Người trả lời: Ta là tiếng của người kêu trong đồng vắng rằng: Hãy ban đường của Chúa cho bằng, như đấng tiên tri Ê-sai đã nói.

24  Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ra-si.  25  Họ lại hỏi rằng: Nếu ông chẳng phải Đấng Christ, chẳng phải Ê-li, chẳng phải đấng tiên tri, thì cớ sao ông làm phép báp tem? 26  Giăng trả lời: Về phần ta, ta làm phép báp tem bằng nước; nhưng có một Đấng ở giữa các ngươi mà các ngươi không nhận biết.  27  Ấy là Đấng đến sau ta, ta chẳng đáng mở dây giày Ngài.  28  Những việc đó đã xảy ra tại thành Bê-tha-ni, bên kia sông Giô-đanh, là nơi Giăng làm phép báp tem.

 

1. Theo các câu 7 và 8, nhiệm vụ chính của ông Giăng là gì?

2. Qua phân đoạn vừa đọc, chúng ta có thể nói gì về tính tình của ông Giăng?

3. Ông Giăng có cái nhìn như thế nào về chính ông và chức vụ của ông?

4. Lời chứng chính của ông Giăng là gì?

5. Ông Giăng có đặc tính nào mà quí vị muốn đó cũng là đặc tính của chính mình?

Ngay từ đầu, sứ đồ Giăng cho chúng ta thấy nhiệm vụ chính của ông Giăng Báp-tít là "làm chứng về sự sáng" (c. 7). "Làm chứng" là nói lại điều mình biết rõ hay đã kinh nghiệm. Ông Giăng đã nhận được chỉ thị trực tiếp từ Đức Chúa Trời để giới thiệu Chúa Giê-xu cho mọi người (c. 33). Trong phân đoạn trên, ông Giăng làm chứng bằng cách trả lời các câu hỏi của các thầy tế lễ và những người Lê-vi từ thành Giê-ru-sa-lem. Lúc đó ông đang ở tại một nơi gọi là Bê-tha-ni, ở bên kia (tức là bờ phía Đông) sông Giô-đanh. Bê-tha-ni nầy khác với làng Bê-tha-ni gần Giê-ru-sa-lem, nơi có nhà của La-xa-rơ,  Ma-ri và Ma-thê (11:1).

Các thầy tế lễ và người Lê-vi nầy là những người được "dân Giu-đa" sai đến (c. 19). Trong Phúc Âm Giăng, "dân Giu-đa" thường dùng để chỉ giới lãnh đạo Do-thái giáo thời ấy. Có lẽ họ nghe nói có một dị nhân sống trong sa mạc, kêu gọi người ăn năn và làm lễ báp-têm (Mác 1:4-6), nên cho người đến dò hỏi.

"Thầy tế lễ" và "người Lê-vi" là nhóm người đặc biệt lo về việc tế tự. Người Do-thái có 12 chi tộc theo tên 12 người con của Gia-cốp. Một trong những chi tộc đó là Lê-vi. Chi tộc nầy được biệt riêng để lo việc tế tự (Dân số ký 1:47-54; 8:5-26). Các thầy tế lễ được chọn từ trong chi tộc nầy. Trong thời Chúa Giê-xu, các thầy tế lễ thường là những người thuộc phái Sa-đu-sê. Phái nầy giữ vai trò quan trọng trong Hội Đồng Tối Cao của Do-thái giáo (Sanhedrin) và vị tư tế trưởng (thầy tế lễ thượng phẩm) là chủ tịch Hội Đồng. Chính vì vậy chúng ta thấy sự có mặt của các thầy tế lễ và người Lê-vi trong việc dò hỏi về Giăng Báp-tít.

Những người nầy mới hỏi "Ông là ai?" thì Giăng trả lời ngay ông không phải là Đấng Christ. Những người nầy không hỏi: "Ông có phải là Đấng Christ không?" nhưng Giăng đã vội phủ nhận như vậy, có lẽ để tránh sự tôn sùng không cần thiết của người đương thời. Lúc bấy giờ người Do-thái đang trông chờ một vị cứu tinh đến để giải phóng đất nước ra khỏi ách thống trị của người La-mã. Kinh Thánh Cựu Ước đầy những lời hứa và lời tiên tri về vị cứu tinh đó nên khi có một nhân vật lạ xuất hiện, họ mong ước người nầy là vị cứu tinh. Biết lòng dân như vậy nên Giăng Báp-tít đã phủ nhận về vai trò "cứu tinh" của mình.

Chữ "Đấng Christ" trong nguyên văn là christos. Chữ nầy dịch từ chữ Mê-si-a (mashiach) trong tiếng Do-thái,  có nghĩa là "người được xức dầu." Xức dầu là một nghi lễ truyền chức của người Do-thái. Người được xức dầu là người được ủy thác một công tác đặc biệt. Đối với Đức Chúa Trời, người được xức dầu là người được Đức Chúa Trời sai phái.  "Mê-si-a" hay "Đấng Christ" vì vậy được dùng để chỉ người từ trời đến, hay đối với người Do-thái lúc bấy giờ, đó là vị cứu tinh.

Hai danh hiệu khác nữa mà ông Giăng từ chối không nhận là "Ê-li" và "đấng tiên tri." Giới lãnh đạo tôn giáo nghĩ ông Giăng là Ê-li vì dựa vào lời tiên tri trong Ma-la-chi 4:5-6, tiên tri Ê-li sẽ xuất hiện trước khi có vị cứu tinh. Ông Giăng phục sức giống như tiên tri Ê-li thời xưa (so sánh Mác 1:6 và II Các Vua 1:8) và cũng thẳng thắn lên án những hành vi tội ác (Mác 6:18). Chính vì vậy mà giới lãnh đạo tôn giáo nghĩ rằng ông Giăng chính là tiên tri Ê-li tái thế. Ông đã phủ nhận điều nầy.

Thật ra, lời tiên tri trong Ma-la-chi 4:5-6 là nói về chính ông Giăng, Chúa Giê-xu đã xác nhận điều nầy (Mác 9:12-13). Tuy nhiên, ông Giăng là Ê-li trong ý nghĩa tinh thần mà thôi. Nói cách khác, nhân vật Giăng Báp-tít trong thời Chúa Giê-xu tương đương với nhân vật Ê-li trong thời Cựu Ước, ăn mặc giống nhau và cũng rao truyền những mệnh lệnh sắc bén của Chúa. Đây cũng là những lời thiên sứ đã nói, trước khi ông Giăng ra đời (Lu-ca 1:17).

Đối với danh hiệu "tiên tri" thì  chữ "tiên tri" ở đây với mạo tự xác định (ĐẤNG tiên tri) chỉ về Đấng Mê-si-a (Phục truyền luật lệ ký 18:15). Đây là lời tiên tri về Chúa Giê-xu nên ông Giăng không nhận. 

Khước từ những danh hiệu trên, ông Giăng chỉ nhận mình là "tiếng của người kêu trong đồng vắng." Điều nầy cho thấy tinh thần khiêm tốn, hết lòng hạ mình của ông Giăng.  Ông thấy rõ chức vụ của ông chỉ là người đi trước mở đường cho Chúa Cứu Thế. 

Các giới chức tôn giáo đã hiểu rõ về Giăng nhưng họ còn một thắc mắc khác nữa, đó là: Tại sao ông Giăng lại làm phép báp têm? (c. 25).  Đây là câu hỏi để biết được thẩm quyền của ông Giăng.  Giới lãnh đạo Do-thái giáo cho rằng phải là tiên tri hay Chúa Cứu Thế hay Ê-li tái thế mới có quyền làm việc nầy.  Ông Giăng không thuộc vào nhóm nào cả thì ông lấy quyền gì mà làm phép báp-têm. Câu trả lời của ông Giăng (c. 26-27) hàm ý rằng việc ông làm phép báp-têm chẳng có gì đáng kể.  Đó chỉ là phép báp-têm bằng nước để chuẩn bị người ta tiếp đón Chúa Cứu Thế sắp đến.  Lời chứng của ông Giăng vì vậy là giới thiệu Chúa Giê-xu và nhiệm vụ chính của ông là chuẩn bị lòng người.  Ông Giăng đã làm đúng với vai trò và nhiệm vụ đó. 

Trong những nhân vật của Kinh Thánh Tân Ước, có lẽ không ai bằng Giăng Báp-tít (Lu-ca 7:28).  Ông làm một việc thật quan trọng nhưng cũng thật khiêm tốn và ông đã giữ đúng vai trò của ông. Giăng có thể hợm mình và kiêu hãnh với vai trò của mình, nhưng ông đã không làm như vậy. Trái lại, ông khiêm tốn, hạ mình, chu toàn trách nhiệm chuẩn bị lòng người, giới thiệu Chúa Giê-xu cho người khác và tôn cao Chúa hơn là đề cao chính mình.  Đây cũng là tâm tình mà mỗi chúng ta cần có: tôn cao Chúa và nhận mình chỉ là công cụ của Ngài.

Xin giúp con có được tâm tình của Giăng Báp-tít: khiêm nhường phục vụ Chúa trong cương vị Chúa đã đặt và luôn luôn là nhân chứng sống động cho Chúa.