Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 8

Chiên Con Của Đức Chúa Trời

1:29-34

29  Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi. 30  Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người đến sau ta, trổi hơn ta, vì người vốn trước ta. 31  Về phần ta, ta vốn chẳng biết Ngài; nhưng ta đã đến làm phép báp tem bằng nước, để Ngài được tỏ ra cho dân Y-sơ-ra-ên.

 32  Giăng lại còn làm chứng nầy nữa: Ta đã thấy Thánh Linh từ trời giáng xuống như chim bồ câu, đậu trên mình Ngài. 33  Về phần ta, ta vốn không biết Ngài; nhưng Đấng sai ta làm phép báp tem bằng nước có phán cùng ta rằng: Đấng mà ngươi sẽ thấy Thánh Linh ngự xuống đậu lên trên, ấy là Đấng làm phép báp tem bằng Đức Thánh Linh. 34  Ta đã thấy nên ta làm chứng rằng: Ấy chính Ngài là Con Đức Chúa Trời.

 

1. Đối với người Do-thái "chiên con" chỉ về gì? (Xin đọc thêm Xuất Ê-díp-tô ký 12:1-11; 29:38-46; Ê-sai 53:7).

2. Khi ông Giăng giới thiệu Chúa Giê-xu là "Chiên Con của Đức Chúa Trời," người Do-thái hiểu lời giới thiệu đó như thế nào?

3. Ngoài việc giới thiệu Chúa Giê-xu là "Chiên Con của Đức Chúa Trời", ông Giăng còn nói những điều gì khác về Chúa Giê-xu trong phân đoạn Kinh Thánh nầy (c. 29-34)?

4. Xin đọc thêm Mác 1:9-11 và cho biết câu chuyện ở Phúc Âm Giăng 1:29-34 xảy ra trước hay sau câu chuyện được ghi ở Phúc Âm Mác.  Tại sao chúng ta biết được?

5. Chúng ta học được gì về ông Giăng qua phân đoạn nầy?

6. Chúng ta học được gì về Chúa Giê-xu qua phân đoạn nầy?

Dựa vào những chữ "qua ngày sau" và "ngày mai" trong Giăng 1:29, 35, 43, chúng ta biết diễn tiến từ câu 19 đến 51 xảy ra trong vòng bốn ngày. Ngày đầu tiên là lúc phái đoàn từ Giê-ru-sa-lem đến chất vấn ông Giăng (c. 9-28). Ngày thứ hai là lúc ông Giăng giới thiệu Chúa Giê-xu lần đầu tiên (c. 29-34). Hai ngày còn lại, chúng ta sẽ nhắc đến trong các bài sau.

Trong ngày thứ nhì của câu chuyện, chúng ta thấy ông Giăng giới thiệu Chúa Giê-xu là "Chiên Con của Đức Chúa Trời." Đối với người Do-thái, chiên con là vật họ giết để kỷ niệm lễ Vượt Qua (Phục truyền luật lệ ký 16:1-8). Chiên con là con vật mà cha ông của họ đã giết để ăn thịt và huyết được dùng bôi trên cửa để đánh dấu cho thiên sứ vượt qua và không giết hại con đầu lòng của họ (Xuất Ê-díp-tô ký 12:7).

Vì vậy, chiên con mang ý nghĩa thay thế, nhờ huyết chiên mà người con trưởng trong gia đình được sống. Về sau, theo luật của Chúa (Xuất Ê-díp-tô ký 29:38-46), chiên con cũng là sinh tế được dùng để dâng cho Đức Chúa Trời. Theo Ê-sai 53:7, chiên con là hình ảnh của thuận phục: "Chiên con bị dắt đến hàng làm thịt."

Khi ông Giăng giới thiệu Chúa Giê-xu là "Chiên Con của Đức Chúa Trời," người Do-thái đều hiểu tất cả những ý nghĩa đó. Khi ông Giăng giới thiệu Chúa Giê-xu là "Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi thế gian đi," ông muốn nói đây là phương pháp chuộc tội của Đức Chúa Trời, không dùng chiên con dâng lên hằng ngày nữa, nhưng chính Chúa Giê-xu là sinh tế chuộc tội, dâng lên một lần để chuộc tội cho toàn thể nhân loại (xin đọc thêm Hê-bơ-rơ 9:12-14; 25, 26; 10:11, 12).

Sau khi giới thiệu Chúa Giê-xu là "Chiên Con của Đức Chúa Trời, ông Giăng còn nói thêm những điều sau đây về Chúa Giê-xu:

1. Chúa Giê-xu đến sau nhưng cao cả hơn Giăng (c. 30a).

2. Chúa Giê-xu dù xuất hiện sau nhưng đã hiện hữu từ trước (c. 30b).

3. Ông Giăng làm phép báp-têm bằng nước, bảo người ta ăn năn để chuẩn bị gặp Chúa (c. 31).

4. Ông Giăng thấy Đức Thánh Linh ngự xuống trên Chúa Giê-xu như hình chim bồ câu (c. 32).

5. Chúa Giê-xu là Đấng làm phép báp-têm bằng Thánh Linh (c. 33).

6. Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời (c. 34).

Dựa vào những lời ông Giăng nói trong câu 32, chúng ta có thể biết chắc chắn là câu chuyện chúng ta đọc trong phân đoạn nầy xảy ra sau câu chuyện Chúa Giê-xu chịu báp-têm được ghi trong Mác 1:9-11 vì ông đã thấy "Thánh Linh từ trời giáng xuống như chim bồ câu đậu trên mình Ngài" (so sánh với Mác 1:10).

Qua phân đoạn nầy, chúng ta thấy ông Giăng làm việc rất cẩn thận, thi hành đúng chỉ thị ông đã nhận được từ Đức Chúa Trời. Ông xác nhận cho chúng ta thấy Chúa Giê-xu là Đấng làm phép báp-têm bằng Thánh Linh, chính Ngài là Con Đức Chúa Trời. Ông Giăng biết rõ Chúa Giê-xu (c. 34) và tôn cao Ngài (c. 30). Nhờ lời chứng của ông Giăng, người đương thời cũng như chúng ta biết Chúa Giê-xu là phương pháp cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Ngài chính là Đức Chúa Trời (hiện hữu từ trước, được gọi là Con Đức Chúa Trời). Nhờ Chúa Giê-xu, chúng ta có sức mạnh để sống vui lòng Đức Chúa Trời vì Ngài làm phép báp-têm cho chúng ta bằng Đức Thánh Linh. Chính Đức Thánh Linh ban cho chúng ta sức mạnh để sống cuộc đời mới.

Cám ơn Chúa đã dùng ông Giăng để giới thiệu Chúa cho chúng con biết. Xin giúp con có được một hiểu biết đầy đủ và đúng đắn về Chúa như ông Giăng để con có thể giới thiệu về Chúa cho người khác. Xin giúp con biết vâng lời Chúa tuyệt đối, thi hành mọi chỉ thị của Chúa và tôn cao Chúa trong đời sống. Xin Chúa Thánh Linh thêm sức mạnh cho con mỗi ngày để con sống vui lòng Chúa.