Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 13

Ngài Phải Dấy Lên, Ta Phải Hạ Xuống

3:22-36

22 Kế đó, Đức Chúa Jêsus đi với môn đồ đến đất Giu-đê; Ngài ở với môn đồ tại đó, và làm phép báp tem. 23 Giăng cũng làm phép báp tem tại Ê-nôn, gần Sa-lim, vì ở đó có nhiều nước, và người ta đến đặng chịu phép báp tem. 24 Bấy giờ Giăng chưa bị bỏ vào ngục.

25 Vả, môn đồ của Giăng có cãi lẫy với một người Giu-đa về lễ tinh sạch. 26 Họ đến cùng Giăng và nói rằng: Thưa thầy, kìa, người ở cùng thầy bên kia sông Giô-đanh, mà thầy đã làm chứng cho, bây giờ đương làm phép báp-têm, và ai nấy đều đến cùng người. 27 Giăng trả lời rằng: Ví chẳng từ trên trời ban cho, thì không một người nào có thể lãnh chi được. 28 Chính các ngươi làm chứng cho ta rằng ta đã nói: Ấy không phải ta là Đấng Christ, nhưng ta đã được sai đến trước Ngài. 29 Ai mới cưới vợ, nấy là chàng rể, nhưng bạn của chàng rể đứng gần và nghe người, khi nghe tiếng của chàng rể thì rất đỗi vui mừng; ấy là sự vui mừng trọn vẹn của ta đó. 30 Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống.

31 Đấng từ trên cao đến là trên hết mọi loài. Kẻ từ đất đến là thuộc về đất, và nói ra cũng như là thuộc về đất; còn Đấng từ trời đến thì trên hết mọi loài. 32 Ngài làm chứng về điều Ngài đã thấy và nghe; song không có ai nhận lấy lời chứng của Ngài. 33 Ai đã nhận lấy lời chứng của Ngài thì làm chứng chắc rằng Đức Chúa Trời là thật. 34 Vì Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến thì rao truyền lời Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Trời ban Thánh Linh cho Ngài không chừng mực. 35 Cha yêu Con, và đã giao hết mọi vật trong tay Con. 36 Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó.

 

1. Giăng làm phép báp-têm ở đâu?

2. Nguyên nhân nào đưa đến cuộc cãi lẫy trong câu 25?

3. Ông Giăng giải quyết cuộc cãi lẫy đó như thế nào?

4. Xin kể ra những danh hiệu ông Giăng dùng để gọi Chúa Giê-xu trong các câu 31 đến 36.

5. Xin kể ra những đặc điểm của Chúa Giê-xu được mô tả trong các câu nầy (31-36).

Ông Giăng là người làm phép báp-têm cho Chúa Giê-xu (1:31-32) và bây giờ chính Chúa Giê-xu lại làm lễ báp-têm cho người khác. Điều nầy làm cho các môn đệ của Giăng khó chịu, vì vậy đã có cuộc cãi lẫy giữa môn đệ của Giăng và một người Do-thái khác (có lẽ người nầy vừa được Chúa Giê-xu làm phép báp-têm). Câu họ phân trần với ông Giăng là: "Người mà ông giới thiệu bây giờ cũng làm lễ báp-têm nữa và mọi người đều đến với người ấy." Câu nầy bày tỏ thái độ ganh tị. Ông Giăng cũng có thể bày tỏ thái độ ganh tức tương tự vì có người chiếm chỗ của mình, nhưng câu trả lời của ông cho chúng ta thấy một thái độ khác hẳn.

Trước hết, ông cho mọi người thấy rằng Chúa Giê-xu không tự ý làm việc đó, nhưng là một ơn ban từ trên. Ngay cả việc ông làm lễ báp-têm cũng vậy.

Điểm thứ hai ông Giăng cho các môn đệ thấy Chúa Giê-xu mới là người đáng được đề cao. Ông Giăng biết rõ vai trò của ông và cũng biết rõ Chúa Giê-xu là ai, nên thay vì ganh tị và dành tiếng tăm cho mình, ông đã nói một câu thật khiêm nhường: "Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống." Ông dùng hình ảnh chàng rểbạn chàng rể để so sánh ông với Chúa Giê-xu: Chúa Giê-xu là người đóng vai chính, ông chỉ là nhân vật phụ. Ông Giăng vui khi thấy Chúa Giê-xu được trọng vọng, được kể là nhân vật chính. Ông là người làm cho Chúa Giê-xu được tôn cao. Đó cũng là sứ mạng đã được giao phó cho ông.

Cũng tương tự như phần từ câu 17 đến 21, các câu 31-36 có thể là những lời giải thích thêm của sứ đồ Giăng, người viết Phúc Âm. Trong các câu nầy ông gọi Chúa Giê-xu bằng những danh hiệu sau: Đấng từ trên cao đến, Đấng từ trời đến, Đấng Đức Chúa Trời sai đến và Con. Mỗi danh hiệu đều cho thấy tính cách thiên thượng của Chúa Giê-xu, Ngài khác hẳn với mọi người. Danh từ "Con" hàm ý Ngài chính là Đức Chúa Trời (10:33, 36).

Cùng với những danh hiệu đó, ông Giăng cho thấy một số các đặc điểm của Ngài: trên hết mọi loài, làm chứng về điều Ngài đã thấy và nghe, rao truyền lời của Đức Chúa Trời, được Đức Chúa Trời ban Đức Thánh Linh không hạn chế, được Đức Chúa Cha yêu thương và giao hết mọi điều cho Ngài. Một lần nữa chúng ta thấy Chúa Giê-xu được tôn cao vượt hơn hẳn mọi người vì tính cách thiên thượng của Ngài.

Điểm đáng chú ý ở đây là phản ứng của người đời đối với Chúa: họ đã không tiếp nhận lời của Ngài, dù đó là lời thật và đúng mà bất cứ ai đã tiếp nhận đều có thể minh chứng cho điều ấy (câu 33). Vấn đề chúng ta thấy ở đây là Đức Chúa Trời ban cho nhân loại quyền tự do lựa chọn: Chúa Giê-xu đã đến trần gian để trình bày chân lý cho mọi người nhưng Ngài không ép buộc ai, tin nhận hay khước từ là quyền tự do của con người. Nhưng sau khi đã quyết định, người ta không thể lựa chọn kết quả: tin nhận thì được sự sống vĩnh cửu, khước từ thì không thể tránh khỏi hình phạt của Đức Chúa Trời.

Xin giúp con nói được như Giăng đã nói: Ngài phải dấy lên, con phải hạ xuống. Xin cho con có được niềm vui trọn vẹn khi Chúa được đề cao. Xin cho con biết Chúa là Đấng từ trời đến, cao quí vĩ đại hơn tất cả mọi người ở trần gian nầy. Xin cho con sống với lòng nhờ cậy và tôn thờ Chúa hoàn toàn, đừng để con khước từ Chúa để rồi phải gánh lấy những hậu quả tai hại.