Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 14

Nước Hằng Sống

4:1-26

1 Khi Chúa đã hay rằng người Pha-ra-si có nghe đồn Ngài gọi và làm phép báp tem được nhiều môn đồ hơn Giăng, 2 (kỳ thiệt không phải chính Đức Chúa Jêsus làm phép báp tem, những là môn đồ Ngài), 3 thì Ngài lìa xứ Giu-đê trở về xứ Ga-li-lê. 4 Vả, Ngài phải đi ngang qua xứ Sa-ma-ri. 5 Vậy Ngài đến một thành thuộc về xứ Sa-ma-ri, gọi là Si-kha, gần đồng ruộng mà Gia-cốp cho Giô-sép là con mình. 6 Tại đó có cái giếng Gia-cốp. Nhơn đi đàng mỏi mệt, Đức Chúa Jêsus ngồi gần bên giếng; bấy giờ độ chừng giờ thứ sáu.

7 Một người đàn bà Sa-ma-ri đến múc nước. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy cho ta uống. 8 Vì môn đồ Ngài đã đi ra phố đặng mua đồ ăn. 9 Người đàn bà Sa-ma-ri thưa rằng: Ủa kìa! ông là người Giu-đa, mà lại xin uống nước cùng tôi, là một người đàn bà Sa-ma-ri sao? (Số là, dân Giu-đa chẳng hề giao thiệp với dân Sa-ma-ri.) 10 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ví bằng ngươi biết sự ban cho của Đức Chúa Trời, và biết người nói: "Hãy cho ta uống" là ai, thì chắc ngươi sẽ xin người cho uống, và người sẽ cho ngươi nước sống. 11 Người đàn bà thưa: Hỡi Chúa, Chúa không có gì mà múc, và giếng thì sâu, vậy bởi đâu có nước sống ấy? 12 Tổ phụ chúng tôi là Gia-cốp để giếng nầy lại cho chúng tôi, chính người uống giếng nầy, cả đến con cháu cùng các bầy vật người nữa, vậy Chúa há lớn hơn Gia-cốp sao? 13 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Phàm ai uống nước nầy vẫn còn khát mãi; 14 nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó văng ra cho đến sự sống đời đời.

15 Người đàn bà thưa: Lạy Chúa, xin cho tôi nước ấy, để cho tôi không khát và không đến đây múc nước nữa. 16 Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy đi, gọi chồng ngươi, rồi trở lại đây. 17 Người đàn bà thưa rằng: Tôi không có chồng. Đức Chúa Jêsus lại phán: Ngươi nói rằng: Tôi không có chồng, là phải lắm; 18 vì ngươi đã có năm đời chồng, còn người mà ngươi hiện có, chẳng phải là chồng ngươi; điều đó ngươi đã nói thật vậy.

19 Người đàn bà thưa rằng: Lạy Chúa, tôi nhìn thấy Chúa là một đấng tiên tri. 20 Tổ phụ chúng tôi đã thờ lạy trên hòn núi nầy; còn dân Giu-đa lại nói rằng nơi đáng thờ lạy là tại thành Giê-ru-sa-lem. 21 Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hỡi người đàn bà, hãy tin ta, giờ đến, khi các ngươi thờ lạy Cha, chẳng tại trên hòn núi nầy, cũng chẳng tại thành Giê-ru-sa-lem. 22 Các ngươi thờ lạy sự các ngươi không biết, chúng ta thờ lạy sự chúng ta biết, vì sự cứu rỗi bời người Giu-đa mà đến. 23 Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy. 24 Đức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy. 25 Người đàn bà thưa: Tôi biết rằng Đấng Mê-si (nghĩa là Đấng Christ) phải đến; khi Ngài đã đến, sẽ rao truyền mọi việc cho chúng ta. 26 Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta, người đang nói với ngươi đây, chính là Đấng đó.

 

1. Xin viết lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-xu và thiếu phụ người Sa-ma-ri trên một tờ giấy khác (chỉ viết phần đối thoại). Sau khi viết, xin đọc lại một vài lần. (Trong một lớp học Kinh Thánh, người hướng dẫn nên nhờ hai người đóng vai Chúa Giê-xu và thiếu-phụ Sa-ma-ri để đọc phần đối thoại. Một người thứ ba đọc phần không có đối thoại).

2. Dựa vào cuộc đối thoại, xin viết ra một vài nhận xét của Bạn về thiếu phụ Sa-ma-ri và Chúa Giê-xu.

3. "Nước" Chúa Giê-xu nói trong câu 14 là gì?

4. Tại sao đang nói về "nước hằng sống," Chúa Giê-xu lại chuyển đề và nói về vấn đề chồng con của thiếu phụ (c. 16)?

5. Thờ phượng bằng tâm thần và lẽ thật là thờ phượng như thế nào?

6. Nếu được đối diện với Chúa Giê-xu như thiếu phụ người Sa-ma-ri ngày xưa, Bạn sẽ nói với Chúa điều gì sau khi được Chúa cho biết Ngài là Chúa Cứu Thế?

Vùng đất Palestine trong thời Chúa Giê-xu được chia làm ba phần chính: phía Bắc là Ga-li-lê, phía nam là Giu-đê và ở giữa là Sa-ma-ri. Phần Kinh Thánh nầy cho thấy Chúa Giê-xu phải đi từ miền Giu-đê ở phía Nam lên vùng Ga-li-lê ở phía Bắc và phải đi ngang qua Sa-ma-ri. Thường mỗi lần di chuyển như vậy, người Do-thái thường tránh, không đi ngang qua miền Sa-ma-ri, nhưng đi bên kia sông Giô-đanh, lên phía Bắc rồi mới qua sông trở lại. Người Do-thái làm như vậy vì họ không bao giờ giao thiệp với người Sa-ma-ri (c. 9). Lý do có sự kỳ thị nầy là vì vào thế kỷ thứ 8 trước công nguyên, người A-si-ri chiếm Sa-ma-ri, đày người Do-thái qua A-si-ri và đem người nước khác thế vào (II Các Vua 17:6, 24). Vì vậy có sự pha trộn giữa đạo Chúa với việc thờ lạy các thần khác. Đó là một trong những lý do khiến người Do-thái không bao giờ giao thiệp với người Sa-ma-ri, cho rằng họ là những người lai căng, không giữ đúng luật pháp của Chúa.

Vai trò của phụ nữ cũng không được đề cao trong xã hội Do-thái ngày xưa, cho nên việc Chúa Giê-xu đến nói chuyện với một phụ nữ người Sa-ma-ri là điều hiếm có vô cùng. Chính vì vậy mà người nầy ngạc nhiên hỏi Chúa: Ủa kìa, ông là người Giu-đa mà lại xin nước uống cùng tôi là một người đàn bà Sa-ma-ri sao? Chúa Giê-xu đã phá đổ hàng rào chủng tộc và những thành kiến sai lầm xưa cũ trong cuộc đối thoại nầy. Đây là điều chúng ta nên bắt chước.

Chúng ta cũng thấy Chúa Giê-xu đã khéo léo bắt đầu câu chuyện bằng cách xin nước uống và từ đó chuyển đề để trình bày cho bà về nước hằng sống. Đây là điều chúng ta nên áp dụng mỗi khi trình bày Chúa cho người khác: bắt đầu từ những vấn đề người khác thích thú và có thể hiểu được trước khi đi đến những vấn đề tâm linh.

Chắc chắn "nước" Chúa Giê-xu nói trong câu 14 không phải là nước uống hằng ngày nhưng là nước trên phương diện tâm linh, hay nói khác đi, điều làm cho con người thỏa mãn. Thiếu phụ Sa-ma-ri đi múc nước về uống nhưng Chúa Giê-xu cho bà thấy có một thức uống cần hơn. Đó là "nước hằng sống," tức là phương pháp làm cho tâm hồn được thỏa mãn.

Đang nói về "nước hằng sống" Chúa Giê-xu chuyển đề để nói đến chuyện chồng con của thiếu phụ là vì Chúa muốn cho bà nầy có dịp tự thú, để đi bước đầu tiên trong việc nhận nước sống. Sau câu trả lời của thiếu phụ, Chúa Giê-xu giúp cho bà thấy rõ con người thật của mình. Chúa Giê-xu không lên án, cũng không phủ nhận. Chúa chỉ cho bà thấy rõ con người của bà. Khi nói về Chúa cho người khác, chúng ta cũng cần làm thế nào để cho người khác tự ý thức về họ như vậy. Chúng ta nên tránh lên án người khác.

Sau khi nghe Chúa Giê-xu nói rõ về đời tư của mình, thiếu phụ nầy công nhận Chúa Giê-xu là một tiên tri vì biết những chuyện riêng tư của bà và bà lại quay sang nói về việc thờ tự. Đây cũng là phản ứng thông thường của người đời. Mỗi khi nói chuyện tôn giáo, người ta thường thích chứng tỏ cho người khác thấy mình cũng là người đạo đức, để ý đến những vấn đề tôn giáo.

Vấn đề thiếu phụ người Sa-ma-ri nêu lên là địa điểm tôn thờ. Đây là vấn đề đã gây chia rẽ giữa người Do-thái và người Sa-ma-ri trong nhiều thế hệ. Khi vào Đất Hứa, Giô-suê lập bàn thờ cho Chúa tại núi Ê-banh, theo lời Chúa dặn Môi-se (Giô-suê 8:30-32). Núi Ê-banh nầy gần với núi Ga-ri-xim, và đó chính là ngọn núi thiếu-phụ gọi là "hòn núi nầy" trong câu 20.

Dựa vào việc Giô-suê lập bàn thờ ở núi Ê-banh và dân chúng tụ họp tại núi Ga-ri-xim để nghe lời chúc phước (Giô-suê 8:33), người Sa-ma-ri coi Ga-ri-xim là núi thánh để thờ Chúa. Trong khi đó người Do-thái cho rằng Giê-ru-sa-lem, nơi có đền thờ vua Sa-lô-môn xây cất mới là nơi thờ phượng.

Để trả lời thiếu phụ, Chúa Giê-xu không đi vào những chi tiết tranh luận không cần thiết. Trái lại Chúa cho bà thấy thờ phượng Chúa với lòng thành mới là điều quan trọng. Lý do chúng ta phải tôn thờ Chúa với lòng thành là vì Chúa là "Thần". "Thần" hay "thần linh" nghĩa là Chúa là Đấng vô hình, không bị giới hạn với thời gian và không gian. Chúng ta không cần đền thờ hay ngọn núi mới tôn thờ Chúa mà chỉ cần có lòng thành.

Trong câu: Sự cứu rỗi bởi người Giu-đa mà đến, Chúa không có ý phân biệt hai chủng tộc nhưng chỉ muốn cho thiếu phụ thấy chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua dân tộc Do-thái vì Chúa Giê-xu là Đấng cứu rỗi nhân loại mà Ngài là người Do-thái.

Thiếu phụ Sa-ma-ri có lòng tin nơi Đấng Cứu Thế, nhưng không biết Ngài là ai. Giờ đây, được Chúa Giê-xu cho biết Ngài là Đấng Cứu Thế bà đã tin (c. 29).

Mục đích Chúa Giê-xu qua vùng Sa-ma-ri là để giới thiệu chính Chúa cho họ biết. Thiếu phụ trong câu chuyện, tiêu biểu cho người dân trong vùng, là những người có lòng tin nơi Chúa nhưng họ chưa biết cách rõ ràng. Chúa Giê-xu đã trình bày cho bà thấy rõ về những vấn đề sau:

1. Nhu cầu tâm linh quan trọng hơn nhu cầu thân xác (nước hằng sống quan trọng hơn nước uống hằng ngày).

2. Phải đối diện và giải quyết vấn đề tội lỗi để nhận được nước hằng sống.

3. Đường lối tôn thờ Đức Chúa Trời là tấm lòng thành.

4. Chúa Giê-xu chính là Đấng Cứu Thế.

Đây cũng là những điểm quan trọng chúng ta cần nhớ để tôn thờ Chúa cách đúng đắn.