Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 20

Giê-xu Là Đức Chúa Trời (tiếp theo)

5:31-47

31 Nếu ta tự mình làm chứng lấy, thì sự làm chứng ấy không đáng tin. 32 Có người khác làm chứng cho ta, và ta biết rằng chứng người đó làm cho ta là đáng tin. 33 Các ngươi có sai sứ đến cùng Giăng, thì người đã làm chứng cho lẽ thật. 34 Còn ta, lời chứng mà ta nhận lấy chẳng phải bởi người ta; nhưng ta nói vậy, đặng các ngươi được cứu. 35 Giăng là đuốc đã thắp và sáng, các ngươi bằng lòng vui tạm nơi ánh sáng của người. 36 Nhưng ta có một chứng lớn hơn chứng của Giăng; vì các việc Cha đã giao cho ta làm trọn, tức là các việc ta làm đó, làm chứng cho ta rằng Cha đã sai ta. 37 Chính Cha, là Đấng đã sai ta, cũng làm chứng về ta. Các ngươi chưa hề nghe tiếng Ngài, chưa hề thấy mặt Ngài, 38 và đạo Ngài không ở trong các ngươi, vì các ngươi không tin Đấng mà Ngài đã sai đến. 39 Các ngươi dò xem Kinh Thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: ấy là Kinh Thánh làm chứng về ta vậy. 40 Các ngươi không muốn đến cùng ta để được sự sống!

41 Ta chẳng cầu vinh hiển bởi người ta mà đến đâu; 42 nhưng ta biết rằng các ngươi chẳng có sự yêu mến Đức Chúa Trời ở trong các ngươi. 43 Ta nhơn danh Cha ta mà đến, các ngươi không nhận lấy ta. Nếu có kẻ khác lấy danh riêng mình mà đến, thì các ngươi sẽ nhận lấy. 44 Các ngươi vẫn chịu vinh hiển lẫn của nhau, không tìm kiếm vinh hiển bởi một mình Đức Chúa Trời đến, thì thể nào các ngươi tin được?

45 Chớ ngờ rằng ấy là ta sẽ tố cáo các ngươi trước mặt Cha, người sẽ tố cáo các ngươi là Môi-se, là người mà các ngươi đã trông cậy. 46 Vì nếu các ngươi tin Môi-se, cũng sẽ tin ta; bởi ấy là về ta mà người đã chép. 47 Nhưng nếu các ngươi chẳng tin những lời người chép, các ngươi há lại tin lời ta sao?

 

1. Xin kể ra bốn điều làm chứng cho Chúa Giê-xu:

(1) Câu 33:

(2) Câu 36:

(3) Câu 37:

(4) Câu 39:

2. Ông Giăng làm chứng về Chúa Giê-xu thế nào(Giăng 1:34)?

3. Các việc làm của Chúa Giê-xu làm chứng cho Chúa như thế nào (Giăng 2:11)?

4. Đức Chúa Cha làm chứng về Chúa Giê-xu như thế nào? (Giăng 12:27-30)?

5. Kinh Thánh làm chứng về Chúa Giê-xu như thế nào (Lu-ca 24:44-45)?

6. Chúa Giê-xu ngụ ý trách điều gì trong các câu 41-44?

7. Môi-se đã chép gì về Chúa Giê-xu (Phục truyền 18:15)?

8. "Chịu vinh hiển lẫn của nhau" (c. 44) nghĩa là gì? Ngày nay chúng ta có mắc phải lỗi lầm nầy không? Làm thế nào để tránh?

9. Ngày nay, dù không được gặp Chúa tận mặt, nhưng chúng ta có những lời chứng về Chúa trong Kinh Thánh . Xin cho biết những điều chúng ta nên làm trước lời chứng của Kinh Thánh ?

Để trả lời cho giới lãnh đạo tôn giáo ngày xưa về việc họ buộc tội Chúa dám xưng mình bằng Đức Chúa Trời (c. 18), Chúa Giê-xu đưa ra hai lý luận:

(1) Chúa Giê-xu xưng Ngài là Con Đức Chúa Trời là việc dĩ nhiên vì Ngài làm những việc như Đức Chúa Trời (c. 19-30).

(2) Có những nhân chứng và bằng chứng cho thấy Ngài là Con Đức Chúa Trời (c. 31-47).

Chúng ta đã phân tích lý luận thứ nhất trong bài trước, hôm nay chúng ta sẽ xét đến phần thứ hai. Trong phần nầy, chúng ta thấy Chúa Giê-xu đưa ra bốn điều mà Ngài gọi là "chứng" hay "bằng chứng" xác nhận thần tính của Ngài:

(1) Giăng Báp-tít (c. 33).

(2) Các việc làm của Chúa (c. 36).

(3) Chính Đức Chúa Cha (c. 37).

(4) Kinh Thánh (c. 39).

Đọc lại Phúc Âm Giăng 1:6-7, 26-34; 3:27-30, chúng ta thấy rõ lời chứng của Giăng về Chúa Giê-xu. Ông xác định cho người thời ấy thấy rằng Chúa Giê-xu chính là Con Đức Chúa Trời. Giới lãnh đạo Do-thái đã sai người vặn hỏi ông Giăng về việc nầy (1:19-25; 5:33). Điểm đáng trách của họ là họ vui lòng nghe ông Giăng nhưng lại không chịu chấp nhận Chúa Giê-xu. Vì vậy, Chúa Giê-xu trình bày một bằng chứng mạnh hơn nữa, đó là "các việc Cha đã giao cho ta làm trọn" (c. 36). Đây là nói đến các phép lạ của Chúa. Cho đến lúc đó, Chúa Giê-xu đã thực hiện ít nhất là ba phép lạ và các phép lạ đều có mục đích "tỏ bày sự vinh hiển" của Ngài (2:11), hay nói khác đi, để cho người ta thấy quyền năng của Đức Chúa Trời. Nhìn vào các phép lạ đó, lẽ ra người ta phải nhận ra Chúa là Đức Chúa Trời ngay, nhưng họ cũng đã không thấy.

Ngoài Giăng Báp-tít và các phép lạ Chúa đã làm, Chúa Giê-xu cho thấy Đức Chúa Cha cũng làm chứng về Ngài. Có một lần Đức Chúa Cha đã dùng tiếng phán từ trời để xác nhận Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời (12:28). Tuy nhiên, điểm Chúa Giê-xu muốn nói ở đây là nếu họ là những người có lòng tin thật sự nơi Đức Chúa Trời họ sẽ thấy rõ lời chứng của Đức Chúa Trời về Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu nói: "Đạo Ngài không ở trong các ngươi" (c. 38). Đức Chúa Cha có lời chứng của Ngài, nhưng nếu không tin, người ta sẽ không nghe được tiếng nói của Ngài.

Cuối cùng, Chúa Giê-xu tấn công mạnh vào giới lãnh đạo Do-thái giáo vì họ là những người chuyên tra cứu Kinh Thánh . Chúa Giê-xu cho thấy họ là những người tự mâu thuẫn vì họ tra cứu Kinh Thánh để được sự sống đời đời, nhưng khi Kinh Thánh nói rằng hãy đến với Chúa Giê-xu để được sự sống thì họ lại không đến! Lý do khiến họ không đến với Chúa là:

(1) Họ không có lòng yêu mến Đức Chúa Trời (c. 42).

(2) Họ chịu vinh hiển lẫn nhau, không tìm vinh hiển của Đức Chúa Trời (c. 44).

Chịu vinh hiển lẫn nhau nghĩa là "thích đề cao người khác để rồi họ đáp lễ ca tụng" (Bản Diễn Ý). Chúa Giê-xu vạch trần tội ác của người đương thời và cho thấy lý do chính khiến họ không tin Chúa là vì họ tìm cách đề cao lẫn nhau mà không để ý gì đến vinh quang của Chúa. Đây là một lỗi lầm chúng ta dễ mắc phải. Chúng ta có thể nhân danh Chúa hoặc tôn giáo, nhưng cốt chỉ để đề cao chính mình hoặc đề cao người khác để được họ đề cao trở lại. "Chịu vinh hiển lẫn nhau" như vậy là điều chúng ta nên tránh.

Giới lãnh đạo tôn giáo thời đó hãnh diện là những người am hiểu Kinh Thánh, học tập và nghiên cứu luật Môi-se, nhưng Chúa Giê-xu cho họ thấy rằng thái độ và lòng thành của họ mới là điều quan trọng. Họ chỉ giữ luật Môi-se bề ngoài mà thôi, vì nếu thật sự tin Môi-se họ cũng đã phải tin Chúa vì Môi-se nói về Chúa. Ngày nay, chúng ta có thể hãnh diện là người am hiểu Kinh Thánh, nhưng nếu không áp dụng những hiểu biết đó vào đời sống hằng ngày, những hiểu biết đó cũng không có giá trị gì. Dù không được gặp Chúa Giê-xu tận mặt, nhưng qua lời Kinh Thánh, chúng ta biết Chúa có thật và đặt lòng tin nơi Ngài. Thực hành lời dạy của Chúa trong Kinh Thánh vì vậy là bổn phận của chúng ta hôm nay.