Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 33

Có Đức Tin Hay Giữ Lòng Cố Chấp?

9:18-34

18 Song le, người Giu-đa không tin rằng người ấy trước đã mù mà được sáng lại, cho đến khi gọi cha mẹ người đến. 19 Họ gạn hỏi rằng: Đây có quả thật là con trai các ngươi mà các ngươi nói rằng nó mù từ thuở sanh ra chăng? Thế thì, sao bây giờ nó sáng vậy? 20 Cha mẹ người trả lời rằng: Chúng tôi nhìn biết là con trai chúng tôi đó đã mù từ thuở sanh ra; 21 nhưng hiện nay tại làm sao thấy được, thì chúng tôi không rõ. Chúng tôi cũng không biết ai mở mắt nó nữa. Hãy hỏi nó, nó đã đủ tuổi, chính nó sẽ nói cho. 22 Cha mẹ người nói vậy, vì sợ dân Giu-đa; bởi dân Giu-đa đã định rằng hễ ai xưng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, thì phải bị đuổi ra khỏi nhà hội. 23 Ấy vì cớ đó nên cha mẹ người nói rằng: Nó đã đủ tuổi, hãy hỏi nó.

24 Vậy, người Pha-ri-si gọi người trước đã mù một lần nữa, mà nói rằng: Hãy ngợi khen Đức Chúa Trời, chúng ta biết người đó là kẻ có tội. 25 Người trả lời rằng: Tôi chẳng biết người có phải là kẻ có tội chăng, chỉ biết một điều, là tôi đã mù mà bây giờ lại sáng. 26 Họ lại hỏi rằng: Người đã làm điều gì cho ngươi? Mở mắt ngươi thể nào? 27 Người trả lời rằng: Tôi đã nói với các ông rồi, mà các ông chẳng nghe tôi. Cớ sao các ông muốn nghe lại lần nữa? Há cũng muốn làm môn đồ người chăng? 28 Họ bèn mắng nhiếc người, mà rằng: Ấy, chính ngươi là môn đồ người; còn chúng ta là môn đồ của Môi-se. 29 Chúng ta biết Đức Chúa Trời đã phán cùng Môi-se, nhưng người nầy, thì chúng ta chẳng biết bởi đâu đến. 30 Người trả lời rằng: Người đã mở mắt tôi, mà các ông chẳng biết người bởi đâu đến, ấy là sự lạ lắm! 31 Chúng ta vẫn biết Đức Chúa Trời chẳng nhậm lời kẻ có tội, mà nếu ai kính sợ Đức Chúa Trời, làm theo ý muốn Ngài, thì Ngài nhậm lời. 32 Người ta chẳng bao giờ nghe nói có ai mở mắt kẻ mù từ thuở sanh ra. 33 Nếu người nầy chẳng phải đến từ Đức Chúa Trời, thì không làm gì được hết. 34 Chúng trả lời rằng: Cả mình ngươi sanh ra trong tội lỗi, lại muốn dạy dỗ chúng ta sao! Đoạn, họ đuổi người ra ngoài.

 

1. Tại sao người Giu-đa gạn hỏi cha mẹ của người mù về việc người đó được chữa lành?

2. Bạn nghĩ gì về câu trả lời của cha mẹ người mù?

3. Người Pha-ri-si hàm ý gì khi nói với người mù câu: "Hãy ngợi khen Đức Chúa Trời, chúng ta biết người đó là kẻ có tội"?

4. Xin cho biết cảm tưởng của Bạn sau khi đọc phần đối thoại giữa người Pha-ri-si và người mù (c. 24-34)?

5. Bạn có thấy tiến bộ về đức tin của người mù trong câu chuyện nầy không? Xin mô tả tiến bộ đó.

Trong phần từ câu 13 đến 17, chúng ta thấy người Pha-ri-si gặp phải khó khăn sau: một mặt, họ thấy Chúa có tội theo tiêu chuẩn của họ; mặt khác, họ không thể phủ nhận những phép lạ của Chúa. Nếu chấp nhận những phép lạ của Chúa thì cũng phải cho Chúa là người vô tội ("Một kẻ có tội làm phép lạ như vậy thế nào được?", c. 16b). Vì vậy, bây giờ chỉ có một cách để giải quyết vấn đề là làm thế nào đề chứng minh rằng Chúa Giê-xu không thật sự chữa cho người mù.

Để chứng minh được điều đó, họ phải cho thấy rằng người đang sáng mắt kia không phải là người đã từng bị mù. Và để chứng minh điều ấy, họ hy vọng rằng cha mẹ của người sẽ cho thấy sự thật, nghĩa là họ mong cha mẹ của người mù nói với họ rằng người đang sáng mắt đó không phải là con của họ! Chính vì vậy mà họ gạn hỏi cha mẹ của người mù về việc người đó được chữa lành. Chúng ta nhớ rằng người mù được chữa lành là một việc rất lạ đến nỗi người ta không tin đó là sự thật. Ngay cả những người chung quanh cũng nghĩ đó chỉ là một người nào giống người mù thôi chứ không phải người ấy (c. 9). Theo họ, việc một người mù từ thuở sơ sinh được sáng mắt chỉ có thể giải thích bằng cách cho rằng đó là một người giống người mù trước kia!

Ngày nay, nhiều người cũng không tin ở phép lạ và họ cũng tìm đủ mọi cách để chứng minh, hoặc giải thích để cho rằng không có phép lạ. Tuy nhiên, cũng như trong trường hợp nầy, lời chứng của người trong cuộc là bằng chứng rõ ràng hơn cả, không ai có thể phủ nhận được.

Trước hết, người mù xác nhận cho thấy anh là người đã từng bị mù trước đây chứ không phải là một người nào giống anh (c. 9). Bây giờ cha mẹ của anh cũng xác nhận đó chính là con của họ (c. 20). Như vậy, lập luận cho rằng đó là một người khác hoàn toàn không đứng vững.

Trước những bằng chứng hiển nhiên như vậy, người Pha-ri-si vẫn không chịu tin, họ cố gắng một lần chót, đối chất với người mù để mong được nghe người nầy phủ nhận Chúa, nhưng chính lập luận của họ bị người mù bài bác từng điều một. Người mù không phải là người học thức uyên thâm, cũng không phải là người được huấn luyện về thần học, nhưng với kinh nghiệm cá nhân và với lòng tin đơn thuần đã làm cho giới lãnh đạo phải xấu hổ. Theo dõi cuộc đối thoại từ câu 24 đến 34 chúng ta thấy những điều sau:

(1) Trước hết, người Pha-ri-si bảo người mù: "Hãy ngợi khen Đức Chúa Trời" (c. 24a). Đây là một thành ngữ trong tiếng Do-thái hàm ý bảo một người hãy nhân danh Chúa mà nói sự thật. Đây là điều Giô-suê đã nói với A-can khi ông nầy phạm tội ăn cắp của giặc và giấu (Giô-suê 7:19). Câu 24 vì vậy có thể diễn ý như sau: "Anh nói thật cho chúng tôi biết đi, anh biết rõ người tên Giê-xu đó là người có tội, phải không?" Trước câu hỏi đó, người mù đã nói lên sự thật như sau:

(2) Người ấy nói.  "Tôi chẳng biết người có phải là kẻ có tội chăng, chỉ biết một điều, là tôi đã mù mà bây giờ lại sáng." (c. 25). Có người đã nói câu nói nầy là bài giảng hay nhất của mọi thời đại. Thật ra, không cần phải có tài năng xuất chúng mới nói được những lời trên, người mù chỉ thuật lại kinh nghiệm của mình, dù dưới áp lực nặng nề của giới lãnh đạo Do-thái giáo. Với câu trả lời nầy, họ không bắt bẻ được, vì vậy họ đi đến câu hỏi tiếp theo:

(3) Người Pha-ri-si hỏi người mù: "Người đã làm điều gì cho ngươi? Mở mắt ngươi thế nào?" (c. 26). Khi hỏi câu nầy, có thể người Pha-ri-si mong người mù cho họ thấy một khía cạnh "ma quái" nào đó trong việc Chúa chữa bệnh để có dịp triệt hạ Chúa. Tuy nhiên, câu trả lời của người mù đã làm họ tức tối:

(4) Người mù nói: "Tôi đã nói với các ông rồi, mà các ông chẳng nghe tôi. Cớ sao các ông muốn nghe lại lần nữa? Há cũng muốn làm môn đồ người chăng?" (c. 27). Với trí óc đơn sơ, người mù nghĩ rằng những người nầy căn vặn mình nhiều như vậy là để hiểu rõ ngọn nguồn mà tin Chúa. Người đó cũng bực mình vì cứ bị tra hỏi mãi nên đã trả lời như trên. Nhưng câu trả lời nầy đã làm cho những người Pha-ri-si chạm tự ái và họ đã phản ứng lại cách mạnh mẽ:

(5) Họ mắng người mù cho rằng chỉ có hạng người dốt nát như người mù mới tin Chúa chứ còn họ là môn đệ của Môi-se. Họ cho người mù thấy lý do họ không tin Chúa Giê-xu. Họ nói: "Chúng ta biết Đức Chúa Trời đã phán cùng Môi-se, nhưng người nầy chúng ta chẳng biết bởi đâu đến" (c. 29). Người Pha-ri-si cho thấy sở dĩ họ tin Môi-se vì Môi-se là người của Đức Chúa Trời, còn họ không tin Chúa Giê-xu là vì họ không thể biết nguồn gốc của Ngài. Đến đây, lập luận đơn sơ của người mù đã làm cho họ không còn cách nào khác để đối đáp, chỉ còn cách trục xuất người mù cho yên chuyện:

(6) Câu 30 đến 33, người mù chứng minh cho người Pha-ri-si thấy rằng Chúa Giê-xu phải là người từ Đức Chúa Trời đến, không có lời giải thích nào khác. Câu nói của người mù hàm ý: "Các ông là người có học, giỏi suy luận và nắm trong tay đầy đủ bằng chứng vậy mà các ông đi đền kết luận cho rằng người nầy ở đâu đến các ông không biết thì lạ lắm, đây nầy, để tôi lý luận đơn sơ kiểu của tôi cho các ông nghe!" Và rồi người mù lý luận như sau:

a. Có một người được chữa lành, người đó là tôi.

b. Việc tôi được chữa lành là chuyện chưa bao giờ xảy ra cả ("mở mắt kẻ mù từ thuở sanh ra").

c. Chuyện lạ như vậy chỉ có thể đến từ Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Trời chữa lành tôi như thế nào? Rõ ràng là qua ông Giê-xu nầy.

d. Các ông nói ông Giê-xu nầy là người có tội, nhưng có tội làm sao được khi mà người đó chữa lành cho tôi? Để chữa lành được cho tôi, người đó phải có quyền năng của Đức Chúa Trời, người ấy phải cầu xin. Các ông và tôi đều biết Đức Chúa Trời không bao giờ nhậm lời cầu xin của người có tội. Ông nầy chữa lành cho tôi được, chứng tỏ Đức Chúa Trời nhậm lời ông ấy và như vậy nghĩa là ông ấy không có tội.

Rõ ràng là những người Pha-ri-si bị "cứng miệng" và chỉ có thể mắng nhiếc và trục xuất người đó để trả thù!

ÁP DỤNG

·         Thái độ cố chấp, thiếu tinh thần học hỏi của người Pha-ri-si. Đành rằng họ có luật và phải giữ luật của mình nhưng ít ra họ cũng phải chấp nhận thực tế và tự hỏi xem tại sao lại có những việc lạ xảy ra. Người cố chấp, cho rằng chỉ có mình là đúng sẽ không bao giờ thấy được vấn đề và sẽ mù quáng, tự đưa mình đến chỗ diệt vong.

·         Đức tin đơn sơ và lòng nhiệt thành của người mù. Nếu ta đã thật sự gặp Chúa, ta chỉ cần thuật lại kinh nghiệm gặp Chúa của chính ta là đủ để thuyết phục người khác.

·         Một người hành khất mù nhưng đã đưa ra một chân lý muôn đời, không bao giờ thay đổi: "Chúng ta vẫn biết Đức Chúa Trời chẳng nhậm lời kẻ có tội, mà nếu ai kính sợ Đức Chúa Trời, làm theo ý muốn Ngài, thì Ngài nhậm lời" (c. 31). Người mù cho chúng ta thấy ba điều kiện để được Đức Chúa Trời nhậm lời là: trong sạch, kính sợ Chúa và làm theo ý Chúa.

·         Bạn học được điều gì qua phân đoạn Kinh Thánh nầy? Bạn có thái độ cố chấp của người Pha-ri-si hay có đức tin chân thành như người mù? Lời cầu nguyện của Bạn có được Chúa nhậm không? Bạn có lòng trong sạch trước mặt Chúa không? Bạn có kính sợ Chúa và làm theo ý muốn Ngài hay không? Hãy trả lời những câu hỏi trên bằng một lời cầu nguyện với Chúa giờ nầy.