Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 34

Tiến Trình Đức Tin

9:35-41

 35 Đức Chúa Jêsus nghe họ đã đuổi người ra, và Ngài có gặp người, bèn phán hỏi rằng: Ngươi có tin đến Con Đức Chúa Trời chăng? 36 Người thưa rằng: Thưa Chúa, người là ai, hầu cho tôi tin đến? 37 Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ngươi đã thấy người, và ấy là chính người đương nói cùng ngươi. 38 Người thưa rằng: Lạy Chúa, tôi tin; bèn sấp mình xuống trước mặt Ngài.

39 Đức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Ta đã đến thế gian đặng làm sự phán xét nầy: Hễ ai chẳng thấy, thì thấy; còn ai thấy, lại hóa mù. 40 Mấy người Pha-ri-si bên cạnh Ngài, nghe điều đó, thì nói với Ngài rằng: Còn chúng ta cũng là kẻ mù chăng? 41 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Nếu các ngươi là kẻ mù, thì không có tội lỗi chi hết; nhưng vì các ngươi nói rằng: Chúng ta thấy, nên tội lỗi các ngươi vẫn còn lại.

 

1. Bạn hiểu chữ "đuổi" trong câu 34 và 35 như thế nào? Chữ "đuổi" ở đây chỉ có nghĩa là ra khỏi một nơi nào hay có nghĩa gì khác nữa?

2. Cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-xu và người mù (c. 35 38) có thể gọi là một "tiến trình đức tin". Bạn có nhận xét gì về "tiến trình" đó?

3. Câu: "Hễ ai chẳng thấy thì thấy, còn ai thấy lại hóa mù" nghĩa là gì? Chúa Giê-xu nói câu nầy để ám chỉ ai? Tại sao?

4. Xin rút ra một nguyên tắc dựa vào câu nói của Chúa Giê-xu trong câu 41.

5. Xin đọc cả chương 9 lại một lần nữa và viết ra ba điều Bạn học được qua chương nầy.

Câu chuyện Chúa Giê-xu chữa lành cho người mù trong Phúc Âm Giăng chương 9 có thể chia thành 9 phân đoạn như sau:

(1) Đối diện với người mù và câu hỏi của các sứ đồ (c. 1 5).

(2) Việc Chúa chữa lành người mù (c. 6, 7).

(3) Phản ứng của mọi người về việc người mù được chữa lành (c. 8, 9).

(4) Câu trả lời của người mù về việc người nầy được chữa lành (c. 10-12).

(5) Cuộc đối chất đầu tiên giữa người Pha-ri-si và người mù (c. 13-17).

(6) Cuộc đối chất giữa người Pha-ri-si và cha mẹ người mù (c. 18-23).

(7) Cuộc đối chất thứ hai giữa người Pha-ri-si và người mù (c. 24-34).

(8) Cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-xu và người mù (c. 35-38).

(9) Cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-xu và người Pha-ri-si (c. 39-41).

Chúng ta đã phân tích các phần đầu, hôm nay sẽ học hai phần còn lại. Trong câu 22, chúng ta thấy cha mẹ người mù rất sợ bị "đuổi ra khỏi nhà hội". đối với người Do-thái, bị đuổi ra khỏi nhà hội nghĩa là bị loại trừ, bị trục xuất ra khỏi cộng đồng. Người đó sẽ bị cô lập với gia đình, bạn bè và không được làm việc. Câu 34 và 35 nói người Pha-ri-si đuổi người mù ra ngoài, chữ "đuổi" ở đây hàm ý trục xuất ra khỏi cộng đồng như vậy. Do đó người mù được chữa lành giờ đây bị cô lập. Chúa Giê-xu gặp người đó lần nữa và đặt câu hỏi về vấn đề niềm tin. Cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-xu và người mù cho thấy:

(1) Phải có lòng tin: "Ngươi có tin đến Con Đức Chúa Trời chăng?"

(2) Phải biết rõ đối tượng của niềm tin (tin ai, tin điều gì): "Thưa Chúa, người là ai, hầu cho tôi tin đến?"

(3) Phải đối diện với Chúa: "Ngươi đã thấy người, và ấy là chính người đang nói cùng ngươi"

(4) Tin chẳng những là chấp nhận nhưng cũng là qui phục, tôn thờ: "Người thưa rằng: Lạy Chúa, tôi tin; bèn sấp mình xuống trước mặt Ngài."

Bạn tin Chúa Giê-xu, nhưng Bạn đã trải qua những bước nầy chưa? (Ngày nay, chúng ta không gặp Chúa mặt đối mặt như người mù ngày xưa, nhưng chúng ta đối diện với Chúa qua Kinh Thánh).

Xét lại tiến trình tin Chúa của người mù, chúng ta thấy người nầy tiến bộ rất nhiều. Nhận biết của người mù về Chúa Giê-xu đã gia tăng dần dần như sau:

(1) Ông gọi Chúa là một người tên Giê-xu (c. 11).

(2) Ông gọi Chúa là tiên tri (c. 17).

(3) Ông gọi Chúa là người từ Đức Chúa Trời (c. 33).

(4) Chúa cho ông biết Ngài là "Con Đức Chúa Trời" (c. 35).

(5) Ông tuyên xưng Chúa là "Chúa" (c. 38).

Hiểu biết và niềm tin của chúng ta nơi Chúa cũng phải tiến bộ tương tự. Mỗi ngày chúng ta phải biết Chúa rõ hơn, sâu nhiệm và thêm lòng kính yêu Chúa.

Đọc lại lý luận của người mù với người Pha-ri-si trong phần từ câu 24 đến 34, chúng ta thấy hiểu biết của người mù về Chúa Giê-xu thật rõ ràng. Ông không phải là người tài cao học rộng như giới lãnh đạo tôn giáo thời đó, nhưng lòng tin chân thành của ông nơi Chúa đã giúp ông có những nhận xét rất đúng về Chúa. Chính vì vậy, Chúa Giê-xu đã nói: "Hễ ai chẳng thấy thì thấy, còn ai thấy lại hóa mù". Cái thấy ở đây, Chúa Giê-xu chẳng những nói về cái thấy thuộc thể, nhưng cũng là nhãn quan tâm linh. Chúa Giê-xu đến trần gian chẳng những để mở mắt cho người mù nhưng cũng để soi sáng những người lầm đường lạc lối. Tuy nhiên, một số ngưòi như những người Pha-ri-si, vì tự cho mình là thông sáng không chấp nhận đường lối của Chúa, họ đã hóa ra những người mù lòa.

Ở đời có những người học rộng, tài cao, nhưng lại không thấy những chân lý rõ ràng, ngay trước mắt. Lý do là vì họ cố chấp, không đón nhận sự soi sáng của Chúa. Chúa Giê-xu cho thấy rõ điều nầy trong câu 41: "Nếu các ngươi là kẻ mù thì không có tội lỗi chi hết, nhưng vì các ngươi nói rằng: Chúng ta thấy, nên tội lỗi các ngươi vẫn còn lại". Chúa Giê-xu chữa bệnh cho người mù nhưng đồng thời cũng dạy cho giới lãnh đạo Do-thái giáo một bài học cụ thể về vấn đề mù quáng tâm linh. Cũng như cái mù thân xác, một người mù về mặt tâm linh chỉ có thể được chữa lành nếu người ấy nhận rằng mình mù tối, cần được chữa lành. Người luôn luôn cho mình là đúng sẽ tiếp tục sống trong mù quáng và bóng tối.

Đây cũng là bài học chúng ta cần tự nhắc nhở mỗi ngày: Tôi có khách quan, sẵn sàng đón nhận điều hay lẽ phải, hay lúc nào cũng cố chấp, cho mình là đúng? Ta không thể được sửa đổi nếu không công nhận những sai lầm của mình.