Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 38

Giấc Ngủ Của La-xa-rơ, Bạn Chúa

11:1-16

1 Có một người đau, tên là La-xa-rơ, ở Bê-tha-ni, là làng của Ma-ri và chị người là Ma-thê. 2 Ma-ri là người đã xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc mình lau chân Ngài; chính anh người là La-xa-rơ đương đau. 3 Vậy, hai chị em sai người đến thưa cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Lạy Chúa, nầy, kẻ Chúa yêu mắc bịnh. 4 Đức Chúa Jêsus vừa nghe lời đó, bèn phán rằng: Bịnh nầy không đến chết đâu, nhưng vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, hầu cho Con Đức Chúa Trời bởi đó được sáng danh. 5 Vả, Đức Chúa Jêsus yêu Ma-thê, em người, và La-xa-rơ. 6 Khi Ngài nghe người nầy đau, bèn ở lại hai ngày nữa trong nơi Ngài đương ở.

7 Rồi đó, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Chúng ta hãy trở về xứ Giu-đê. 8 Môn đồ thưa rằng: Thưa thầy, hôm trước dân Giu-đa tìm ném đá thầy, thầy còn trở lại nơi họ sao! 9 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Trong ban ngày há chẳng phải có mười hai giờ sao? Nếu ai đi ban ngày, thì không vấp, vì thấy sự sáng của thế gian nầy. 10 Nhưng nếu ai đi ban đêm, thì vấp, vì không có sự sáng. 11 Ngài phán như vậy, rồi tiếp rằng: La-xa-rơ, bạn ta, đương ngủ; nhưng ta đi đánh thức người. 12 Môn đồ thưa rằng: Thưa Chúa, nếu người ngủ, chắc sẽ được lành. 13 Vả, Đức Chúa Jêsus phán lời đó chỉ về sự chết của La-xa-rơ; song môn đồ tưởng nói về giấc ngủ thường. 14 Đức Chúa Jêsus bèn nói tỏ tường cùng môn đồ rằng: La-xa-rơ chết rồi. 15 Ta vì các ngươi mừng không có ta tại đó, để cho các ngươi tin; nhưng chúng ta hãy đi đến cùng người. 16 Nhân đó, Thô-ma, gọi là Đi-đim, nói với môn đồ khác rằng: Chúng ta cũng hãy đi tới đó đặng chết với Ngài!

 

1. Xin kể lại các phép lạ Chúa Giê-xu đã làm được ghi trong Phúc Âm Giăng:

(1) 2:1-11:

(2) 4:43-54:

(3) 5:1-9:

(4) 6:1-13:

(5) 6:16-21:

(6) 9:1-7:

(7) 11:1-46:

2. So với các phép lạ khác, phép lạ trong chương 11 nầy có gì đặc biệt?

3. Xin kể ra 6 nhân vật được nhắc đến trong phần từ câu 1 đến 16 và những điều chúng ta biết được về những nhân vật nầy:

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

4. Tại sao nghe La-xa-rơ đau, Chúa Giê-xu lại ở thêm hai ngày nữa?

5. Câu nói của Thô-ma trong câu 16 hàm ý gì? Câu nầy cho thấy Thô-ma là người thế nào?

Phúc Âm Giăng ghi lại bảy phép lạ Chúa Giê-xu đã thực hiện. Bảy phép lạ nầy là những bằng chứng cho thấy Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời. Phép lạ sau cùng chúng ta học hôm nay nổi bật hơn cả vì liên quan đến cái chết, là điều từ trước đến nay mọi người đều bó tay. Không ai có thể thay đổi được điều gì một khi đã đối diện với cái chết. Chúa Giê-xu kêu La-xa-rơ sống lại, cho thấy Ngài có quyền trên sự chết. Phép lạ nầy chẳng những là cao điểm của các phép lạ của Chúa Giê-xu nhưng đồng thời cũng vì phép lạ nầy, giới lãnh đạo Do-thái giáo quyết định giết Chúa (11:45 53). Sau phép lạ nầy, từ chương 12 trở đi, Chúa Giê-xu đi vào đoạn đường cuối của Ngài trên trần gian.

Phúc Âm Giăng chương 11 cho thấy khi còn ở trên đời nầy, Chúa Giê-xu có một gia đình rất thân thiết với Ngài, đó là gia đình ông La-xa-rơ ở Bê-tha-ni. So sánh với các sách Phúc Âm khác, chúng ta biết Chúa Giê-xu đã nhiều lần ghé lại gia đình nầy để ăn uống, nghỉ ngơi, chuyện trò (Lu-ca 10:38 42; Mác 11:11). Nhà của La-xa-rơ đã trở thành trạm dừng chân cho Chúa Giê-xu, nhất là những lúc Chúa và các môn đệ lên Giê-ru-sa-lem (Ma-thi-ơ 21:17). Tình bạn là điều rất cần trên đời, không ai sống mà không cần đến bạn. Chúa Giê-xu có những người bạn thân và Ngài cũng là bạn của họ. Đây là những người bạn cùng tâm tình, cùng ý hướng và rất mực yêu thương nhau. Chúng ta cần phát triển những tình bạn tương tự khi sống với những người chung quanh.

Trên hết, mối liên hệ giữa Chúa với chúng ta cũng phải là một mối liên hệ thân thiết như giữa hai người bạn. Chúng ta thấy La-xa-rơ được gọi là "kẻ Chúa yêu" (c. 3) và sứ đồ Giăng cũng cho biết Chúa Giê-xu yêu mến anh em nhà La-xa-rơ (c. 5). Bà Ma-ri, em của La-xa-rơ là "người đã xức dầu thơm cho Chúa và lấy tóc mình lau chân Ngài" (c. 2). Đây là một hành động chứng tỏ lòng yêu thương, quí trọng. Như vậy, chúng ta thấy đây là một gia đình yêu mến Chúa và cũng được Chúa yêu thương. Chúng ta hãy tự hỏi, nếu người khác mô tả về gia đình chúng ta trong mối liên hệ với Chúa, họ có nói lên được những điểm tương tự không? Chúng ta đã làm gì cho Chúa để chứng tỏ tình yêu của chúng ta với Ngài?

Vì có mối thân tình giữa Chúa và gia đình nầy như vậy, nên khi La-xa-rơ đau, Ma-thê và Ma-ri đã cho người đến báo tin cho Chúa biết (c. 3). Kinh Thánh không có ghi lại một lời yêu cầu nào của hai chị em, họ chỉ báo tin mà thôi. Lời báo tin nầy cho thấy:

(1) Tính cách gần gũi giữa Chúa và gia đình nầy. Khi người thân đau yếu, ta không phải đưa ra một lời yêu cầu nào, người trong gia đình tự khắc biết và hành động.

(2) Lời báo tin nầy cũng cho thấy hai chị em có lòng tin nơi Chúa, tin rằng Chúa có quyền năng chữa bệnh, nếu không, họ đã không báo tin cho Chúa làm gì. Khi trong gia đình có hoạn nạn, đau yếu hoặc một nhu cầu nào đó, đây cũng là điều chúng ta nên làm. Chúng ta chỉ cần trình bày vấn đề với Chúa, như nói chuyện với "người trong nhà." Chúa tự khắc biết và giải quyết vấn đề cho chúng ta. Chúng ta cũng phải có lòng tin nơi Chúa, tin rằng Ngài có thể giúp chúng ta. Chúng ta nên đến với Chúa, trình bày vấn đề của mình cho Ngài thay vì đôn đáo dùng sức riêng để giải quyết vấn đề.

Chúa Giê-xu yêu thương gia đình La-xa-rơ, tuy nhiên khi nghe La-xa-rơ đau, Chúa ở lại thêm hai ngày nữa! Đây là một phản ứng kỳ lạ, nhưng câu nói của Chúa cho thấy Chúa biết rõ việc Ngài đang làm. Chúa nói: "Bệnh nầy không đến chết đâu, nhưng vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, hầu cho Con Đức Chúa Trời bởi đó được sáng danh" (c. 4). Vì những giới hạn về giao thông và liên lạc lúc đó, rất có thể lúc Chúa nhận được tin La-xa-rơ cũng là lúc ông đã chết (khi Chúa đến nơi, ông đã được chôn bốn ngày rồi, c. 17). Chúa Giê-xu nói câu nầy (c. 4), có lẽ để nhắn cho người nhà La-xa-rơ cũng như cho các môn đệ của Chúa biết rằng vấn đề sẽ không kết thúc bằng cái chết của La-xa-rơ, nhưng là Con Đức Chúa Trời được rạng danh, hàm ý Chúa sẽ kêu La-xa-rơ sống lại. Trong đời sống, khi có nhiều sự việc khó khăn xảy ra, chúng ta muốn Chúa hành động hoặc giải quyết ngay cho chúng ta. Nhưng lắm khi, chúng ta thấy Chúa yên lặng, chần chừ. Thật ra, điều quan trọng chúng ta phải nghĩ đến là vinh quang của Chúa và thời điểm của Ngài. Chúa biết việc Ngài sẽ làm và sẽ hành động đúng lúc.

Khi Chúa Giê-xu quyết định trở về Giu-đê (nơi La-xa-rơ ở) các môn đệ của Chúa ngạc nhiên vì người Do-thái vừa muốn giết Chúa trước đó. Tuy nhiên, Chúa đã trả lời như sau: "Trong ban ngày há chẳng phải có mười hai giờ sao? Nếu ai đi ban ngày, thì không vấp vì thấy sự sáng của thế gian nầy. Nhưng nếu ai đi ban đêm thì vấp vì không có sự sáng" (c. 9). Đây là câu nói về thời điểm của Chúa. So sánh với 9:4, chúng ta sẽ thấy rõ. Chúa nói: "Trong khi còn ban ngày, ta phải làm trọn những việc của Đấng đã sai ta đến, tối lại thì không ai làm việc được."

Ý của Chúa trong các câu nầy là có những việc cần thiết Chúa Giê-xu phải làm đúng theo chương trình của Đức Chúa Cha. Khi làm đúng những việc đó, Chúa sẽ không bị ngăn cản, vấp váp. Khi phục vụ Chúa, có thể có những nguy hiểm, khó khăn xảy ra cho chúng ta, nhưng nếu biết rõ chúng ta đi đúng đường lối của Chúa (đi trong ánh sáng) sẽ không có gì đáng cho chúng ta lo sợ.

Chúa Giê-xu gọi cái chết của La-xa-rơ là "ngủ." Đây là một lối nói bóng bẩy, nhưng các môn đệ của Chúa hiểu lầm, tưởng rằng La-xa-rơ ngủ thật, hay nói đúng hơn, dù bị đau nhưng ngủ được. Câu nói của Chúa cho thấy Chúa coi cái chết của La-xa-rơ chỉ là một giấy ngủ thường. Chúa có thể đánh thức La-xa-rơ dậy dễ dàng. Sau đó, Chúa xác nhận cho các môn đệ biết là La-xa-rơ thật sự đã chết, nhưng Chúa sẽ gọi ông sống lại cho các môn đệ thêm lòng tin nơi Chúa. Nếu Chúa có mặt tại đó thì La-xa-rơ hẳn đã không chết và họ chỉ chứng kiến phép lạ chữa bệnh mà không thấy phép lạ lớn hơn là kêu người chết sống lại. Chính vì vậy, Chúa nói: "Ta vì các ngươi mừng không có ta tại đó" (c. 15).

Có nhiều việc trên đời nầy là trở ngại lớn cho chúng ta, nhưng chúng ta nhớ rằng, đối với Chúa, đó là những việc rất giản dị. Đối với con người là cái chết, nhưng đối với Chúa đó chỉ là giấc ngủ. Chúng ta cần nhìn vào sự việc theo cái nhìn của Chúa để thêm hy vọng và phấn khởi. Chúng ta cũng để ý thấy rằng, lắm khi Chúa đặt chúng ta vào hoàn cảnh khó khăn hơn để chúng ta tin cậy Chúa nhiều hơn. Hãy xem những hoàn cảnh khó đó là thách thức Chúa dành cho chúng ta để ban phước cho chúng ta nhiều hơn và giúp đức tin chúng ta tăng trưởng nhiều hơn.

Chúa Giê-xu nói: "Chúng ta hãy đi đến cùng người" (c. 15) hàm ý đến để kêu La-xa-rơ sống lại nhưng Thô-ma lại hiểu "đến với La-xa-rơ" nghĩa là đi về cõi chết. Thô-ma nghĩ rằng Chúa sẽ bị người Do-thái giết hại khi về Giu-đê. Vì hiểu như vậy, nên Thô-ma nói: "Chúng ta cũng hãy đi tới đó đặng chết với Ngài." Câu nầy cho thấy Thô-ma có lòng yêu Chúa, ông sẵn sàng cùng chết với Chúa. Về sau, khi Chúa sống lại, ông vẫn một mực không tin (20:24-29) có lẽ cũng vì cái chết của Chúa tạo quá nhiều xúc động, làm ông thấy khó tin là Ngài đã sống lại. Nhìn gương Thô-ma, chúng ta hãy tự hỏi: (1) Chúng ta có hiểu đúng Lời Chúa không, hay hiểu sai để rồi có thái độ và hành động sai? (2) Chúng ta có tinh thần yêu Chúa cách hăng say, cuồng nhiệt như Thô-ma không? Sẵn sàng sống chết vì Chúa?