Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 40

Mưu Định Của Người Và Chương Trình Của Chúa

11:47-57

47 Các thầy tế lễ cả và người Pha-ri-si nhóm tòa công luận, bàn rằng: Người nầy làm phép lạ nhiều lắm, chúng ta tính thế nào? 48 Nếu chúng ta để cho người làm, thì thiên hạ tin người, rồi dân Rô-ma sẽ đến diệt nơi nầy và cả nước chúng ta nữa. 49 Nhưng một người trong bọn họ, tên là Cai-phe, làm thầy cả thượng phẩm đương niên, nói rằng: Các ngươi chẳng biết gì hết! 50 Các ngươi chẳng xét rằng thà một người vì dân chịu chết, còn hơn cả nước bị hư mất. 51 Vả, người nói điều đó chẳng phải tự mình, nhưng bởi làm thầy cả thượng phẩm đương niên, người nói tiên tri về Đức Chúa Jêsus sẽ vì dân mà chết; 52 và không những vì dân thôi, mà cũng để nhóm con cái Đức Chúa Trời đã tản lạc lại làm một đoàn. 53 Từ ngày đó, chúng lập mưu giết Ngài.

54 Cho nên, Đức Chúa Jêsus không tỏ mình rõ ràng trong vòng dân Giu-đa nữa, song Ngài đi trong miền gần đồng vắng, nơi một thành gọi là Ép-ra-im; và ở lại đó với môn đồ. 55 Lễ Vượt Qua của dân Giu-đa gần đến, có lắm người trong xứ lên thành Giê-ru-sa-lem trước ngày lễ để tẩy uế. 56 Vậy, chúng kiếm Đức Chúa Jêsus, và đứng trong đền thờ, nói với nhau rằng: Các ngươi tưởng thế nào? Người không đến giữ lễ hay sao?    Vả, các thầy tế lễ cả và người Pha-ri-si đã ra lịnh, nếu ai biết Đức Chúa Jêsus ở đâu, thì phải mách với họ, để họ bắt Ngài.

 

1. Có liên hệ gì giữa việc Chúa làm phép lạ và việc người Rô-ma đến diệt Do-thái mà giới lãnh đạo tôn giáo thời đó lại lo sợ?

2. Câu hỏi của Cai-phe trong câu 50 có nghĩa gì? Sứ đồ Giăng lại giải thích theo một nghĩa khác trong câu 51. Xin cho biết ý nghĩa lời giải thích của Giăng (c. 51).

3. Bạn nghĩ thế nào về phản ứng của giới lãnh đạo Do-thái giáo trước việc Chúa kêu La-xa-rơ sống lại? Tại sao họ không tin mà lại còn tìm cách giết Chúa?

4. Câu 52 cho thấy cái chết của Chúa Giê-xu là để "nhóm con cái Đức Chúa Trời đã tản lạc lại làm một đoàn." Xin giải thích câu nầy.

Phân đoạn Kinh Thánh nầy cho thấy phản ứng của giới lãnh đạo Do-thái giáo trước việc Chúa gọi La-xa-rơ sống lại. Nhiều người chứng kiến sự việc trên đã tin Chúa (c. 45). Tuy nhiên, một số khác đã đi mách với người Pha-ri-si. Đây có thể là đám bộ hạ của người Pha-ri-si, trước kia đã từng dẫn người mù được chữa lành đến cho họ (9:13). Chúa Giê-xu làm một việc tốt lành và đầy quyền năng (kêu người chết sống lại), nhưng cũng vẫn có người không tin và chống đối. Điều nầy cho thấy bất cứ việc gì chúng ta làm, dù tốt đẹp đến đâu, cũng vẫn có người không thích. Chúa của chúng ta là Đấng đầy quyền năng còn bị chống đối. Vì vậy, nếu gặp chống đối, nghi kỵ khi làm việc tốt, chúng ta không nên nản lòng. Chính Chúa cũng đã từng bị chống đối nghi kỵ như vậy.

Phản ứng của giới lãnh đạo Do-thái giáo với Chúa Giê-xu thật buồn cười. Họ cho rằng nếu cứ để cho Chúa tiếp tục làm phép lạ sẽ đưa đến nguy cơ là người La-mã đến tiêu diệt đất nước. Lý do nào khiến cho họ suy luận như vậy? Thật ra, câu quan trọng ở đây là: "thiên hạ tin người" (c. 48). Họ không sợ Chúa Giê-xu làm phép lạ, nhưng sợ người ta theo Chúa quá nhiều, làm cho người La-mã hiểu lầm là có loạn và đem quân đến tiêu diệt. Nếu Chúa Giê-xu là một lãnh tụ chính trị thì suy luận như vậy là đúng, nhưng chúng ta biết Chúa Giê-xu không phải đến để làm cách mạng chính trị nhưng để thay đổi đời sống tâm linh của con người. Người Do-thái quên rằng Chúa đã khước từ không muốn làm vua (6:15) và Ngài đã từng tuyên bố: "Hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa..." (Ma-thi-ơ 22:21). Do đó lý luận cho rằng Chúa làm nhiều phép lạ, dân chúng theo Chúa sẽ tạo loạn lạc và người La-mã đến tiêu diệt chỉ là một lối suy luận vì lo sợ vô căn cứ. Thật ra, sau khi đã phân tích những cuộc đối chất giữa Chúa Giê-xu và nhóm người Pha-ri-si trong các chương đã học, chúng ta thấy rằng giới lãnh đạo Do-thái giáo chỉ vì không tin và ganh ghét Chúa nên tìm đủ mọi lý do để trừ diệt Ngài mà thôi. Lý luận của họ ở đây là lý luận chủ quan, một chiều và phát xuất từ chỗ lo sợ vô căn cứ. Ngày nay, nhiều khi chúng ta cũng có những lo sợ vô căn cứ như vậy và rồi lý luận để khỏi làm công việc Chúa. Chẳng hạn như có người nói rằng, tôi đi nhà thờ rồi ăn trộm vào nhà lấy hết đồ đạc thì sao? Hoặc, nếu tôi dâng tiền cho Chúa thì còn đâu đủ cho tôi sống? Mỗi khi lý luận để biện minh cho một hành động nào đó của mình, chúng ta cần xét lại xem suy luận như vậy có đúng không? Có bằng cớ rõ ràng không hay chỉ là lối suy luận chủ quan, ích kỷ, vì mình chứ không phải vì Chúa và người khác?

Trong giới lãnh đạo Do-thái giáo thời đó, Cai phe là người rất có thế lực vì ông giữ chức "thầy cả thượng phẩm," đứng đầu hàng giáo phẩm. Ông muốn giết Chúa nhưng đưa ra đề nghị một cách rất ví von, làm ra vẻ là người yêu nước. Ông nói: "Một người vì dân chịu chết, còn hơn cả nước bị hư mất" (c. 50). Thật ra ông muốn nói: "Giết tên Giê-xu đi, hy sinh một mạng người mà cứu được cả nước!" Cai phe và giới lãnh đạo tôn giáo cho rằng để Chúa Giê-xu sống là một hiểm họa cho đất nước. Thật ra họ chỉ sợ Chúa quá nổi danh và danh tiếng họ sẽ bị lu mờ. Chính vì vậy mà họ muốn giết Chúa. Những phép lạ của Chúa đã càng ngày càng nâng cao uy tín của Chúa và đó là điều làm cho họ lo sợ. Phép lạ kêu người chết sống lại vừa rồi có lẽ đã làm cho họ khiếp đảm hơn cả và họ cho rằng thủ tiêu Chúa càng sớm càng tốt, nếu không, họ sẽ không còn ảnh hưởng gì cả trên dân chúng.

Như vậy, chúng ta thấy rằng lòng không tin và ganh tị đã làm cho giới lãnh đạo tôn giáo thời đó đi dến chỗ giết người. Tuy nhiên, hành động giết người của họ đã được che đậy bằng một động cơ vô cùng "hữu lý," đó là để cứu đất nước khỏi họa diệt vong! Ngày nay, chúng ta cũng có thể nhân danh Chúa, nhân danh giáo hội để làm những việc gian ác tương tự. Chúng ta ghét người khác, muốn hại họ nhưng lại lồng vào bằng những mỹ từ: yêu Chúa, thương người, để cứu vãn tình thế v.v... Chúng ta cần tự xét xem có khi nào mình hành động và nói năng như vậy không? Hãy xét kỹ xem động cơ nào thật sự thúc đẩy chúng ta làm việc.

Dù thầy tế lễ Cai-phe nói theo ý đó nhưng ông Giăng lại hiểu theo một ý khác. Ông thấy câu nói đó là một lời tiên tri. Cai-phe nói câu đó theo ý riêng, với tư cách cá nhân, nhưng Giăng lại coi đó là câu nói của một thầy cả thượng phẩm. Thầy cả thượng phẩm là người đại diện toàn dân để dâng sinh tế cho Đức Chúa Trời. Có thể nói, chính ông Cai-phe là người đã giết Chúa Giê-xu là "Chiên Con của Đức Chúa Trời" để làm sinh tế chuộc tội cho cả nhân loại. Ông Cai-phe nói câu trên theo ý nghĩa chính trị (giết một mạng người để cứu cả nước khỏi tay người La-mã) nhưng sứ đồ Giăng cho thấy Chúa Giê-xu thật sự đã chết để cứu cả nước khỏi tội lỗi và hình phạt của Đức Chúa Trời. Có thể nói, con người hành động vì lòng gian ác và theo mưu tính riêng của họ nhưng Đức Chúa Trời đã dùng những điều đó để hoàn thành chương trình của Ngài. Câu chuyện Giô-sép và những người anh là một ví dụ điển hình. Giô-sép nói: "Các anh toan HẠI tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ÍCH cho tôi..." (Sáng 50:20). Sứ đồ Phao-lô cũng dạy: "Mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời" (Rô-ma 8:28). Người đời có thể ganh ghét, muốn làm hại chúng ta, nhưng Chúa sẽ biến những điều đó thành những điều lợi cho chúng ta và công việc Chúa.

Sứ đồ Giăng cho thấy cái chết của Chúa Giê-xu không những chỉ có ảnh hưởng cho người Do-thái, cứu người Do-thái, nhưng cũng để kết hợp mọi người trên thế giới cùng tin Chúa Giê-xu và chúng ta thuộc vào một cộng đoàn vĩ đại, cộng đoàn của những người nhờ cái chết của Chúa mà kết hợp lại làm một. Bạn có biết mình là một thành viên của cộng đoàn vĩ đại đó không?