Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 42

"Hô-sa-na! Xin Hãy Cứu!"

12:12-26

12 Qua ngày sau, có một đám dân đông đến đặng dự lễ, biết Đức Chúa Jêsus lên thành Giê-ru-sa-lem, 13 bèn lấy những lá kè ra đón Ngài, và reo lên rằng: Hô-sa-na! Chúc phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến, là Vua của Y-sơ-ra-ên! 14 Đức Chúa Jêsus gặp một con lừa con, bèn lên cỡi, y như lời chép rằng: 15 Hỡi con gái thành Si-ôn, chớ sợ chi, nầy, Vua ngươi đến, cỡi trên lừa con của lừa cái. 16 Môn đồ trước vốn không hiểu điều đó; nhưng đến khi Đức Chúa Jêsus đã được vinh hiển, mới nhớ lại những sự đó đã chép về Ngài, và người ta đã làm thành cho Ngài. 17 Đoàn dân ở cùng Ngài, khi Ngài kêu La-xa-rơ ra khỏi mộ và khiến từ kẻ chết sống lại, đều làm chứng về Ngài. 18 Ấy cũng tại điều đó mà đoàn dân đi đón Ngài, vì có nghe rằng Ngài đã làm phép lạ ấy. 19 Nhân đó, người Pha-ri-si nói với nhau rằng: Các ngươi thấy mình chẳng làm nổi chi hết; kìa, cả thiên hạ đều chạy theo người!

20 Vả, trong đám đã lên đặng thờ lạy trong kỳ lễ, có mấy người Gờ-réc, 21 đến tìm Phi-líp, là người ở thành Bết-sai-đa, thuộc xứ Ga-li-lê, mà xin rằng: Thưa chúa, chúng tôi muốn ra mắt Đức Chúa Jêsus. 22 Phi-líp đi nói với Anh-rê; rồi Anh-rê với Phi-líp đến thưa cùng Đức Chúa Jêsus. 23 Đức Chúa Jêsus bèn đáp rằng: Giờ đã đến, khi Con Người sẽ được vinh hiển. 24 Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu hột giống lúa mì kia, chẳng chết sau khi gieo xuống đất, thì cứ ở một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả được nhiều. 25 Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất đi, ai ghét sự sống mình trong đời nầy thì sẽ giữ lại đến sự sống đời đời. 26 Nếu ai hầu việc ta, thì phải theo ta, và ta ở đâu, thì kẻ hầu việc ta cũng sẽ ở đó; nếu ai hầu việc ta, thì Cha ta ắt tôn quí người

 

1. Tại sao người ta lại dùng lá kè để nghênh đón Chúa?

2. Chữ "Hô-sa-na" nghĩa là gì? Tại sao người ta lại dùng chữ nầy để tung hô Chúa?

3. Việc Chúa cỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem có ý nghĩa gì?

4. Tại sao những người Hy-lạp (Gờ réc) không đến thẳng với Chúa Giê-xu mà lại đến với Phi-líp?

5. Tại sao Phi-líp không đến thẳng với Chúa Giê-xu mà lại nhờ đến Anh-rê?

6. Tại sao những người Hy-lạp đến gặp Chúa mà Chúa lại nói đến một điều có vẻ như không liên hệ gì đến việc họ đến gặp Chúa?

7. Xin giải thích câu 24.

Câu chuyện Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem được ghi cả trong bốn sách Phúc Âm. Trong sách Phúc Âm Giăng, câu chuyện ghi lại đơn giản nhất, nhưng cũng rất đầy đủ. Sau đây là những chi tiết chúng ta cần để ý:

1. Người ta dùng lá kè để nghênh đón Chúa

Thời xưa người ta thường dùng lá kè để nghênh đón những vị tướng chiến thắng ở mặt trận trở về. Người Do-thái lúc bấy giờ đang mong chờ một vị cứu tinh, giải phóng họ ra khỏi ách nô lệ của người La-mã. Họ nghĩ Chúa là vị cứu tinh đó và đã dùng lá kè để đón Chúa như nghênh đón một vị vua chiến thắng.

2. Người ta tung hô Chúa bằng chữ "Hô-sa-na"

"Hô-sa-na" trong tiếng Do-thái nghĩa là "Xin hãy cứu." Thành ngữ nầy trích từ Thi-thiên 118:25. Đây là một trong những Thi thiên người Do-thái dùng trong dịp lễ Vượt Qua, khi họ lên dự lễ ở Giê-ru-sa-lem. Việc dùng Thi thiên nầy trùng hợp với lòng trông mong của họ về vị cứu tinh. Do đó, có lời tung hô Chúa bằng chữ "Hô-sa-na."

3. Chúa cỡi lừa con vào thành Giê-ru-sa-lem

Việc Chúa cỡi lừa con vào thành Giê-ru-sa-lem có hai ý nghĩa:

a. Để làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Xa-cha-ri 9:9. Đây là một lối dạy bằng hình ảnh của Chúa Giê-xu. Sách tiên tri nói về vua Do-thái cỡi lừa con vào Giê-ru-sa-lem. Chúa Giê-xu làm chính việc đó để cho thấy lời tiên tri đã được ứng nghiệm.

b. Ngày xưa vua chúa hoặc các vị tướng lãnh thắng trận trở về thường cỡi ngựa vào thành. Chúa Giê-xu cỡi lừa, cho thấy một hình ảnh hòa bình khác với hình ảnh hung hãn của một người cỡi ngựa. Chúa Giê-xu cho thấy Ngài đến làm vua, nhưng là một vị vua hòa bình, cai trị trong lòng người chứ không phải là người làm cách mạng, lật đổ chính quyền La-mã.

Thật ra, các môn đệ của Chúa cho đến lúc đó vẫn chưa hiểu được những ý nghĩa nầy. Về sau, khi Chúa đã sống lại và thăng thiên họ mới hiểu. Đó là lời thú nhận của sứ đồ Giăng trong câu 16. Một ngày gần đây, chúng ta cũng sẽ nghênh đón Chúa Giê-xu là Vua, trở lại cai trị thế giới nầy. Chúa là Đấng chiến thắng, vị Cứu Tinh và cũng là Vua Hòa Bình. Để có thể nghênh đón Chúa trong ngày đó với tất cả niềm vui của người theo Chúa, chúng ta cần tôn Chúa làm vua trong đời sống ngay trong hiện tại, để cho Ngài hoàn toàn kiểm soát và hướng dẫn đời sống chúng ta.

Phúc Âm Giăng là sách duy nhất cho biết sự hiện diện của người Hy-lạp trong kỳ lễ Vượt Qua ở Giê-ru-sa-lem. Những người Hy-lạp nầy có lẽ sinh sống trong vùng Mười Thành (Đê-ca- bô-lơ), nằm về phía đông sông Giô-đanh. Chúa Giê-xu cũng từng đi giảng dạy ở vùng nầy (Ma-thi-ơ 4:25). Có lẽ nhờ đó mà những người nầy biết Chúa và muốn đến gặp Ngài. Lý do họ đến với Phi-líp có thể vì Phi-líp có tên Hy-lạp; cũng có thể vì Bết-sai-đa, quê của Phi-líp (1:44), không xa vùng Mười Thành cho lắm và những người nầy đã quen biết Phi-líp từ trước.

Trong Phúc Âm Giăng, hai tên Phi-líp và Anh-rê thường đi chung với nhau (6:5-9). Hai người có lẽ là bạn thân nên Phi-líp đã đến nói với Anh-rê về những người Hy-lạp nầy. Hai ông có một đặc điểm giống nhau là thường làm trung gian, giới thiệu người khác với Chúa. (Anh-rê giới thiệu anh là Phi-e-rơ cho Chúa, 1:40-41; Phi-líp thì giới thiệu bạn là Na-tha-na-ên cho Chúa, 1:45-46). Trong trường hợp nầy, cả hai đều đã đến thưa với Chúa Giê-xu về những người Hy-lạp muốn gặp Chúa.

Trong cộng đồng những người theo Chúa, chúng ta cũng cần những người làm trung gian, móc nối để đưa người khác đến với Chúa như Phi-líp và Anh-rê. Có người không dám trực tiếp đến gặp vị mục sư hay đến với hội thánh địa phương, nhưng họ có thể đến với chúng ta. Chúng ta cần sẵn sàng làm những người trung gian, để đưa người khác đến với Chúa.

Câu trả lời của Chúa Giê-xu với những người Hy-lạp đến gặp Chúa có vẻ như không liên hệ gì đến việc họ đến tìm Chúa. Thật ra có những liên hệ chúng ta có thể suy đoán dựa vào câu trả lời của Chúa. Khi được biết có người Hy-lạp đến tìm gặp, Chúa phán: "Giờ đã đến, khi Con Người được vinh hiển." Điều nầy cho thấy việc người Hy-lạp đến gặp Chúa giống như một dấu hiệu cho thấy chương trình hoạt động của Chúa sắp đến lúc kết thúc và đạt đến cao điểm.

Người Do-thái vẫn trông mong Chúa là vị cứu tinh đến để giải phóng họ ra khỏi ách đô hộ của người La-mã. Nhưng Chúa Giê-xu cho thấy chương trình hoạt động của Ngài rộng lớn hơn, không phải chỉ giới hạn người Do-thái. Chúa Giê-xu đến là để chịu chết, cứu toàn thể nhân loại. Việc người Hy-lạp đến tìm Chúa cho thấy điều đó. Không phải chỉ người Do-thái mới cần đến Chúa, mà cả người Hy-lạp và mọi dân tộc khác trên thế giới nữa. Để cứu toàn thể nhân loại, Chúa Giê-xu phải chịu chết. Do đó, Chúa đã nói câu tiếp theo về hột giống lúa mì phải chịu chết để được kết quả nhiều.

Trong chương trình Đức Chúa Cha giao phó, Chúa Giê-xu đã được biết trước rằng, khi nào Chúa thấy dân ngoại đến tìm, đó là lúc Chúa sẽ phải chịu chết để cứu nhân loại. Vì vậy, khi nghe có người Hy-lạp đến tìm, Chúa nói, đã đến lúc ta phải chịu chết đây, giống như hột lúa mì được gieo xuống, chết để kết quả.

Câu nói của Chúa Giê-xu về hột lúa mì trong câu 24 nêu lên một nguyên tắc sống quan trọng của Chúa Giê-xu và của tất cả những người theo Ngài. Chúa Giê-xu ví sánh Ngài như hột lúa mì, phải chịu chôn xuống đất, chịu chết để kết quả nhiều. Người theo Chúa cũng phải qua một kinh nghiệm tương tự. Chúa xác nhận điều đó trong câu 25: "Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất đi, ai ghét sự sống mình trong đời nầy thì sẽ giữ lại đến sự sống đời đời". Bất cứ hạt giống nào cũng có sự sống bên trong, nhưng nếu hạt giống cứ để trong lọ, trong bao, nó chỉ vẫn là những hạt giống khô khan. "Cứ ở một mình" nghĩa là vẫn chỉ là MỘT hột giống mà thôi. Hạt giống đó dù có sự sống vẫn không nẩy sinh ra sự sống. Hạt giống chỉ có thể nẩy sinh ra sự sống khi chịu nằm xuống lòng đất và chết đi. Lúc đó hạt giống mới kết quả, một hột thành nhiều hột.

Bạn là một hạt giống kết quả hay là hạt giống "nằm ì" một chỗ? Chỉ khi nào chúng ta sẵn sàng "chết," bằng lòng chịu chết, chúng ta mới có thể kết quả cho Chúa. Cái chết đó có thể là từ bỏ một liên hệ tình cảm, một thói quen ta vẫn ưa thích, một tiện nghi đời sống... Chính Bạn biết điều mình cần phải chết để sống cho Chúa. Ước mong mỗi chúng ta đều trải qua thời kỳ chết, chết con người cũ, chết cái tôi, chết đi tính kiêu ngạo, ganh ghét, và để sẵn sàng chịu khổ... Chỉ như vậy, ta mới có thể kết quả cho Chúa: "Hột giống lúa mì kia, chẳng chết sau khi gieo xuống đất, thì cứ ở một mình. Nhưng nếu chết đi thì kết quả được nhiều!"