Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 43

Cha Ơi, Xin Làm Sáng Danh Cha!

12:27-36

27 Hiện nay tâm thần ta bối rối; ta sẽ nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ nầy! Nhưng ấy cũng vì sự đó mà Con đến giờ nầy! 28 Cha ơi, xin làm sáng danh Cha! Bấy giờ có tiếng từ trên trời phán xuống rằng: Ta đã làm sáng danh rồi, ta còn làm cho sáng danh nữa!

29 Đoàn dân ở tại đó nghe tiếng, thì nói rằng ấy là tiếng sấm; có kẻ khác nói: Một vị thiên sứ nào nói với Ngài. 30 Đức Chúa Jêsus cất tiếng phán rằng: Ấy chẳng phải vì ta mà tiếng nầy vang ra, nhưng vì các ngươi. 31 Hiện bây giờ, có sự phán xét thế gian nầy, và hiện nay vua chúa của thế gian nầy phải bị xua đuổi. 32 Còn ta, khi ta đã được treo lên khỏi đất, ta sẽ kéo mọi người đến cùng ta. 33 Ngài phán vậy để chỉ mình phải chết cách nào. 34 Đoàn dân thưa rằng: Chúng tôi có học trong luật pháp rằng Đấng Christ còn đời đời, vậy sao thầy nói Con Người phải bị treo lên? Con Người đó là ai? 35 Đức Chúa Jêsus bèn đáp rằng: Sự sáng còn ở giữa các ngươi ít lâu; hãy đi trong khi các ngươi còn có sự sáng, e rằng sự tối tăm đến thình lình cùng các ngươi chăng; kẻ đi trong nơi tối tăm thì chẳng biết mình đi đâu. 36 Các ngươi đương có sự sáng, hãy tin sự sáng, hầu cho trở nên con cái của sự sáng. Đức Chúa Jêsus phán như vậy, rồi đi, và ẩn mình cách xa họ.

 

1. Xin mô tả tâm trạng của Chúa Giê-xu dựa vào câu nói và lời cầu nguyện của Ngài trong hai câu 27 và 28.

2. Chữ "sáng danh" trong câu 28 hàm ý gì? Đức Chúa Cha đã làm sáng danh Đức chúa Giê-xu như thế nào và sẽ làm sáng danh như thế nào?

3. Tại sao Chúa Giê-xu lại nói rằng tiếng nói từ trời là vì đoàn dân chứ không phải vì Chúa, c. 30?

4. "Sự sáng" trong hai câu 35, 36 chỉ về gì?

5. Bạn có phải là "con cái của sự sáng" không? Làm sao chúng ta biết mình là con cái của sự sáng?

Hai câu 27 và 28 cho thấy tinh thần Chúa Giê-xu giao động rất nhiều và có một cuộc tranh chấp mãnh liệt xảy ra trong con người của Chúa. Có lẽ chúng ta thắc mắc tại sao Chúa lại bối rối. Điều nầy cho thấy rõ tính "người" của Chúa Giê-xu, đúng như lời tác giả Hê-bơ-rơ đã viết: "Ngài đã trở nên GIỐNG anh em mình trong MỌI SỰ" (Hê-bơ-rơ 2:17). Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, Ngài chính là Đức Chúa Trời, nhưng khi ở trần gian nầy, Ngài đã mang thân xác giống chúng ta. Khi đối diện với cái chết, nhất là cái chết vì toàn thể nhân loại, đó là một viễn ảnh kinh khiếp và Chúa đã "bối rối." Chúa Giê-xu đã bày tỏ sự bối rối đó ra trong lời nói: "Hiện nay tâm thần ta bối rối, ta sẽ nói gì?" Rồi câu nói đó biến thành lời cầu nguyện xin Đức Chúa Cha cứu Ngài khỏi cái chết đau đớn (đau đớn vì mang tội của toàn thể nhân loại, ngược lại với bản tính thánh khiết của Ngài). Nhưng rồi Chúa nghĩ lại, Chúa đến là để chịu chết kia mà! Cho nên Chúa đã nói: "Nhưng ấy cũng vì sự đó mà Con đến giờ nầy!" (c. 27c).

Sứ đồ Giăng không mô tả giờ phút cầu nguyện chiến đấu của Chúa trong vườn Ghết-sê-ma-nê, nhưng ở đây, chúng ta thấy một sự tranh chiến dữ dội trong lòng Chúa, giữa cái chết đau thương và nhiệm vụ Chúa phải chu toàn. Cuối cùng, Chúa đã cầu nguyện: "Cha ơi, xin làm sáng danh Cha!" (c. 28a). Lời cầu nguyện nầy tương đương với câu: "Không theo ý muốn Con mà theo ý muốn Cha" (Ma-thi-ơ 26:39). Lời cầu nguyện nầy cho thấy Chúa Giê-xu thuận phục theo ý Đức Chúa Cha và chỉ muốn  Đức Chúa Cha được sáng danh. "Xin làm sáng danh Cha" hàm ý nói đến cái chết Ngài sắp chịu. Ngài sẵn sàng chịu chết để Đức Chúa Cha được sáng danh.

Chỉ một câu nói và một lời cầu nguyện ngắn ngủi đủ cho chúng ta thấy tâm trạng của Chúa Giê-xu khi đối diện với cái chết đau thương. Sau khi nghe có những người Hy-lạp đến gặp Chúa (c. 20 23), Chúa Giê-xu biết giờ chịu chết của Ngài sắp đến, vì vậy Ngài bối rối. Trong cơn bối rối, Chúa muốn được tránh khỏi cái chết đau thương, nhưng rồi ý thức trách nhiệm đến trần gian để chịu chết, Chúa Giê-xu đã sẵn sàng vâng phục Đức Chúa Cha, thể hiện trong một lời cầu nguyện.

Có khi nào tâm hồn Bạn giao động như Chúa không? Bạn ở trong một tình trạng tiến thoái lưỡng nan, không muốn tiến bước vì sợ khó, nhưng rồi Bạn ý thức tiếng gọi của Chúa và tự nhủ hãy tiếp tục tiến bước? Hãy nhớ, Chúa thông cảm với chúng ta trong những hoàn cảnh như vậy, Chúa đã từng mang thân xác như chúng ta và Ngài ở trong một hoàn cảnh còn khó hơn chúng ta nhiều. Hãy nhớ đến Chúa để được an ủi, khích lệ và theo gương Chúa để tiếp tục tiến bước, sẵn sàng vâng phục ý của Ngài.

Sau khi Chúa Giê-xu cầu nguyện: "Cha ơi, xin làm sáng danh Cha!" Chúa Giê-xu đã được nghe tiếng trả lời: "Ta đã làm sáng danh rồi, ta còn làm cho sáng danh nữa!" Trong cả cuộc đời của Chúa Giê-xu, mối bận tâm lớn nhất của Ngài là làm rạng danh Đức Chúa Cha. Chúa luôn luôn tuyên bố: "Ta đến để làm theo ý của Đấng đã sai ta!" Đức Chúa Giê-xu đã làm rạng danh của Đức Chúa Cha qua các phép lạ, qua những lời giảng dạy, qua cả cuộc sống của Ngài. Chính sự hiện diện của Ngài trên trần gian nầy là để làm rạng danh Đức Chúa Trời, bày tỏ vinh quang Đức Chúa Trời cho mọi người biết (1:14, 18). Đức Chúa Cha xác nhận điều đó với câu: "Ta đã làm sáng danh rồi!" nhưng Ngài lại nói thêm: "Ta còn làm cho sáng danh nữa!" Việc làm sáng danh nầy là nói đến cái chết của Chúa Giê-xu như lời Chúa cầu nguyện trong 17:2.

Như vậy, Chúa Giê-xu đã làm sáng danh Đức Chúa Cha qua cuộc đời của Ngài và cũng sẽ làm sáng danh qua cái chết của Ngài. Đây cũng phải là tâm niệm của mỗi người theo Chúa. Cuộc đời chúng ta chỉ có một mục đích là làm rạng danh Chúa. Đó có phải là lời tâm niệm của Bạn mỗi ngày không? Sứ đồ Phao-lô đã nói: "Dầu tôi sống hay chết, Đấng Christ sẽ được cả sáng trong mình tôi!" (Phi-líp 1:20). Ước mong mỗi chúng ta đều nói được như Phao-lô và cũng sống thể nào để danh Chúa được cả sáng qua cuộc đời của chúng ta.

Tiếng nói từ trời đến với Chúa Giê-xu không phải chỉ một lần nầy nhưng nhiều lần khác như khi Chúa chịu báp-têm (Ma-thi-ơ 3:17) hoặc lúc Chúa hóa hình trên núi (Ma-thi-ơ 17:5). Tiếng nói nầy xác nhận Chúa Giê-xu là Đấng từ trời đến, nhưng Chúa nói: "Ấy chẳng phải vì ta mà tiếng nầy vang ra, nhưng vì các ngươi" (c. 30). Chúa Giê-xu biết rõ nhiệm vụ của Ngài, Chúa không cần có tiếng nói để xác nhận điều ấy. Tiếng phán từ trời như vậy là để cho những người thời đó thấy Chúa là người từ trời đến mà tin.

Ngày nay, chúng ta không cần phải có tiếng nói từ trời để biết Chúa. Chúng ta đã có Kinh Thánh là Lời của Chúa. Những người chưa tin có khi cần đến phép lạ hoặc một dấu hiệu đặc biệt nào đó họ mới tin. Có khi Chúa dùng những điều đó để cho họ thấy quyền năng của Ngài qua những ơn giải cứu đặc biệt. Tuy nhiên, đó chỉ là điều thứ yếu, chúng ta không nên chỉ đi tìm phép lạ, dấu lạ, tiếng nói từ trời, báo mộng v.v... thì mới tin.

Từ khi những người Hy-lạp đến tìm gặp Chúa, Chúa biết giờ chết của Ngài sắp đến, vì vậy trong cả câu chuyện Chúa Giê-xu luôn luôn đề cập đến cái chết đó. Chúa nói trước về việc Chúa phải chết cách nào (c. 32). Thời đó chỉ có tử tội mới bị chết treo, câu nói của Chúa cho thấy Chúa sẽ phải chết như một tử tội trong tay người La-mã (đóng đinh trên cây thập tự để treo người ta lên là lối xử tử của người La-mã). Và trong lối nói ví von, Chúa cho thấy khi bị treo lên như vậy, Chúa sẽ kéo mọi người đến với Ngài, nghĩa là thu hút người ta tin Chúa.

Dù Chúa nói như vậy, người đương thời vẫn không hiểu. Do đó họ đặt câu hỏi: "Chúng tôi có học trong luật pháp rằng Đấng Christ còn đời đời, vậy sao thầy nói Con Người phải bị treo lên? Con Người đó là ai?" Để trả lời, Chúa Giê-xu cho thấy Ngài là ánh sáng. Ngài giải thích mọi điều rõ ràng như vậy mà họ vẫn không thấy, không hiểu thì khi không có Chúa, không được nghe lời Chúa, họ còn phải sống trong tình trạng tệ hại hơn nữa. Đây là lời kêu gọi của Chúa. Chúa muốn cho họ thấy rằng Ngài là ánh sáng của trần gian và họ phải tin nơi Chúa để được trở nên "con cái của sự sáng." "Con cái của sự sáng" là một thành ngữ trong tiếng Do-thái có nghĩa là những người thuộc về ánh sáng, sống trong ánh sáng.

Trần gian và ma quỉ được mô tả là thế giới của bóng tối, còn những người theo Chúa thuộc về ánh sáng. Người đặt niềm tin nơi Chúa không sống trong bóng tối của tội lỗi, không tôn thờ những điều sai lầm, nhưng được Chúa hướng dẫn, soi đường và chúng ta sống trong niềm vui và hy vọng. Để biết mình có phải là "con cái của sự sáng" hay không, chúng ta cần đọc Ê-phê-sô 5:8-14. Trong phân đoạn nầy, sứ đồ Phao-lô cho thấy ba điều căn bản của những người thuộc về ánh sáng là nhân từ, công bình và thành thật. Chúng ta cần lấy lời dạy của Chúa và lời dạy của các sứ đồ trong Kinh Thánh để làm tiêu chuẩn cho đời sống, nhờ đó chúng ta có thể thấy rõ vấn đề và sống đời thánh khiết, xứng đáng là những người con của Chúa, là con của ánh sáng.