Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 46

Điều Răn Mới Cho Những Môn Đệ Bất Toàn

13:21-38

21 Khi Đức Chúa Jêsus đã phán như vậy rồi, thì tâm thần Ngài bối rối, bèn tỏ ra rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, một người trong các ngươi sẽ phản ta. 22 Các môn đồ ngó nhau, không biết Ngài nói về ai đó. 23 Vả, có một môn đồ dựa vào ngực Đức Chúa Jêsus, tức là người mà Ngài yêu. 24 Si-môn Phi-e-rơ ra dấu cho người đó rằng: Hãy nói cho chúng ta biết thầy phán về ai. 25 Vậy, người nghiêng mình trên ngực Đức Chúa Jêsus, hỏi rằng: Lạy Chúa, ấy là ai? 26 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ấy là kẻ mà ta trao cho miếng bánh ta sẽ nhúng đây. Đoạn, Ngài nhúng một miếng, rồi lấy cho Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, con trai của Si-môn. 27 Liền khi Giu-đa đã lấy miếng bánh, thì quỉ Sa-tan vào lòng người. Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng người rằng: Sự ngươi làm hãy làm mau đi. 28 Nhưng các người ngồi đồng bàn đó chẳng ai hiểu vì sao Ngài phán cùng người như vậy. 29 Có kẻ tưởng rằng tại Giu-đa có túi bạc, nên Đức Chúa Jêsus biểu người: Hãy mua đồ chúng ta cần dùng về kỳ lễ; hay là: Hãy bố thí cho kẻ nghèo. 30 Còn Giu-đa, khi lãnh lấy miếng bánh rồi, liền đi ra. Khi ấy đã tối.

31 Khi Giu-đa đã ra rồi, Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hiện bây giờ Con Người được vinh hiển, và Đức Chúa Trời được vinh hiển nơi Con Người. 32 Đức Chúa Trời cũng sẽ làm cho Con Người vinh hiển nơi chính mình Ngài, và Ngài sẽ kíp làm cho vinh hiển. 33 Hỡi các con trẻ ta, ta còn tạm ở với các ngươi; các ngươi sẽ tìm ta, và như ta đã nói với người Giu-đa rằng: Các ngươi không thể đến nơi ta đi, thì bây giờ ta cũng nói với các ngươi như vậy. 34 Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. 35 Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.

36 Si-môn Phi-e-rơ thưa cùng Ngài rằng: Lạy Chúa, Chúa đi đâu? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Nơi ta đi, bây giờ ngươi chẳng có thể theo ta được; nhưng rồi sau ngươi sẽ theo ta.

37 Phi-e-rơ thưa rằng: Lạy Chúa, sao hiện bây giờ tôi không thể theo Chúa được? Tôi liều sự sống tôi vì Chúa! 38 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi liều sự sống ngươi vì ta sao! Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, khi gà chưa gáy, ngươi đã chối ta ba lần!

 

1. Lý do nào làm cho Chúa Giê-xu bối rối? (c. 21)

2. Chúa Giê-xu biết Giu-đa có ý định phản Chúa từ khi nào? (6:64, 70).

3. Tại sao các môn đệ khác không hiểu câu Chúa nói với Giu-đa? (c. 27-29)

4. Chữ "vinh hiển" trong hai câu 31, 32 có nghĩa gì?

5. Chúa đi nơi nào mà các môn đệ của Chúa không đến được? (c. 33)

6. Xin giải thích câu 36b.

Hai lần trước Phúc Âm Giăng cho biết Chúa Giê-xu bối rối là lúc Chúa đứng trước mộ La-xa-rơ (bản Kinh Thánh tiếng Việt dịch là "đau lòng cảm động," 11:33) và khi những người Hy-lạp đến tìm gặp Chúa (12:27). Điều nầy cho chúng ta thấy rõ nhân tính của Chúa Giê-xu. Chúa thật sự là người, có những cảm xúc giống như chúng ta: Chúa đau buồn trước cái chết của một người bạn và khi những người Hy-lạp đến gặp Chúa, Chúa biết thời điểm Chúa chịu chết vì tội của nhân loại đã đến. Chúa là Đấng vô tội mà phải mang tội của toàn thể nhân loại, đó là điều làm cho Chúa "bối rối." Lần nầy chữ "bối rối" đi liền với việc Giu-đa bội phản (c. 21). Đây là một trong những điều làm Chúa đau lòng nhất vì một môn đệ thân tín, người mà Chúa và các bạn tin cẩn giao cho giữ túi bạc cũng chính là người phản Chúa.

Thật ra Chúa biết Giu-đa đã có ý định phản Chúa từ lâu, nếu không nói là từ đầu (6:64) và Chúa cũng đã cho các môn đệ biết cả năm trước (6:70). Dầu vậy, Chúa vẫn đau buồn vì lòng dạ hiểm độc của con người như câu Chúa trích Thi thiên 41:9 "Người ăn bánh ta giở gót nghịch cùng ta" (13:18). Nỗi đau đớn của Chúa Giê-xu không phải chỉ có khi Chúa bị đánh đập hoặc bị đóng đinh, nhưng bắt đầu từ lúc nầy, khi biết một người tâm phúc sẽ phản bội mình.

Nhiều lần Phúc Âm Giăng cho thấy việc Giu-đa phản Chúa đến từ ma quỉ (13:2, 27). Lời dạy của Chúa Giê-xu trong 13:10- 11 cũng cho thấy Giu-đa không phải là người thành thật tin Chúa, tội lỗi ông vẫn chưa được thanh tẩy. Ông đã đóng kịch rất khéo, đến nỗi không một ai ngờ rằng chính Giu-đa là người phản Chúa. Vấn đề của Giu-đa vì vậy là vấn đề của một người sống ngoài Chúa và đã để cho ma quỉ điều khiển đời sống. Có thể Giu-đa theo Chúa với một dụng ý chính trị nào đó và khi thấy Chúa Giê-xu không thể thắng nổi nhà cầm quyền thời đó, ông đã phản Chúa để lập công. Có người cho rằng "nhờ" Giu-đa phản Chúa mà Chúa mới có thể hoàn thành sự nghiệp cứu rỗi cho nhân loại, Giu-đa chỉ đóng vai trò định sẵn cho mình. Thật ra không phải như vậy.

Đức Chúa Trời ban cho con người ý chí tự do và vì có ý chí tự do con người phải chịu trách nhiệm về tất cả những hành động của mình. Chúng ta không thể đổ lỗi cho Chúa đã đặt chúng ta vào hoàn cảnh không thể làm khác hơn. Mỗi chúng ta khi quyết định là quyết định theo ý chí tự do riêng của mình và chúng ta phải chịu trách nhiệm về tất cả các quyết định đó. Đức Chúa Trời có chương trình của Ngài nhưng điều đó không chi phối Giu-đa. Quyết định của Giu-đa là quyết định riêng của ông và ông phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy rằng đã nhiều lần Chúa Giê-xu tạo dịp tiện cho Giu-đa ăn-năn, thay đổi ý định nhưng ông đã không đáp ứng lại. Chẳng hạn như lần rửa chân cho các môn đệ Chúa nói "chẳng phải tất cả các ngươi đều được tinh sạch" (c. 10). Hoặc khi Chúa đưa bánh cho Giu-đa và bảo ông hãy làm mau đi (c. 26-27). Giu-đa đã quyết tâm phản Chúa và đó là con đường do chính ông lựa chọn.

Sở dĩ các môn đệ của Chúa không hiểu câu Chúa nói với Giu-đa vì cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-xu và ông Giăng (c. 25- 26) có lẽ chỉ có Chúa và ông Giăng nghe mà thôi, các môn đệ khác không biết. Ngoài ra, vì Giu-đa là người giữ tiền, nên khi Chúa nói: "Việc ngươi làm hãy làm mau đi," các môn đệ khác nghĩ đến việc mua sắm hay bố thí là việc Giu-đa vẫn thường làm.

Phúc Âm Giăng dùng chữ "vinh hiển" nhiều lần và mỗi lần đều dùng để mô tả vinh quang hay công trình của Chúa được hoàn tất để người ta thấy được quyền năng của Chúa. Trong trường hợp nầy, Chúa Giê-xu cho thấy Chúa sắp chịu chết và cái chết của Chúa là để làm cho Đức Chúa Cha được vinh quang hay nói khác đi là để chu toàn công tác Đức Chúa Cha giao phó cho Ngài. Chúa Giê-xu coi cái chết của Ngài là một điều vinh hiển vì đó là mục tiêu tối hậu của đời Chúa và đó cũng là cách làm cho Đức Chúa Trời được vinh quang. Mục đích tối hậu của đời sống chúng ta cũng là để làm rạng Danh Chúa, và chúng ta phải lấy đó làm niềm vui và vinh hiển của đời mình.

Trước kia, Chúa Giê-xu đã có lần nói với người Do-thái là Chúa sẽ đi đến một chỗ mà họ không thể đến được. Ý Chúa muốn nói là Chúa sẽ chết và về thiên đàng (8:21-23). Lần nầy, Chúa cũng nói với các môn đệ một câu tương tự. Chúa cũng muốn nói Ngài sẽ phải chịu chết, Ngài sẽ phải từ giã họ. Chúa sẽ ra đi và để họ ở lại một mình. Và lời "trối trăn" hay "di chúc" của Chúa cho họ là: "Các ngươi phải yêu nhau" (c. 34). Hai câu 34-35 rất quen thuộc và dễ hiểu, điều đáng buồn là chúng ta chưa thật sự thực hành lời dạy nầy của Chúa. Chúng ta cần cầu xin Chúa mỗi ngày, giúp chúng ta có tình yêu thương anh em và nhớ rằng nhờ tình yêu thương đó mà người khác biết chúng ta là những người thật sự theo Chúa.

Khi Phi-e-rơ hỏi Chúa đi đâu, Chúa trả lời: "Nơi ta đi, bây giờ ngươi chẳng có thể theo ta được nhưng rồi ngươi sẽ theo ta." Câu nầy hàm ý rằng Chúa sẽ chịu chết và Phi-e-rơ sẽ không cùng chết với Chúa bây giờ, nhưng về sau ông sẽ chịu chết vì Chúa. Về sau, khi Chúa sống lại, Chúa cũng đã xác nhận điều nầy với ông (21:18-19). Tuy nhiên, Phi-e-rơ cho rằng ông sẵn sàng chịu chết vì Chúa ngay bây giờ và Chúa đã cảnh cáo cho ông biết trước là ông sẽ ba lần chối Chúa ngay trong đêm đó. Hăng hái theo Chúa như Phi-e-rơ là điều tốt, nhưng chúng ta cần lượng sức mình và nhất là phải nương nhờ nơi sức Chúa. Tự sức chúng ta không thể theo Chúa được, chúng ta cần được Chúa giúp sức mỗi ngày để không đi đến chỗ phản phúc như Giu-đa hay chối Chúa như Phi-e-rơ.