Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 35

Của cải dưới đất

Đề tài chính của bài giảng trên núi của Chúa Giê-xu là quan hệ giữa những người tin Chúa Cứu Thế Giê-xu với Cha trên trời. Không có gì quan trọng hơn mối quan hệ này, vì bí quyết lớn nhất của đời sống theo Chúa Giê-xu là mỗi người phải sống sao cho đúng nghĩa con của Cha trên trời.

Nếu biết sống theo đúng nghĩa làm con của Cha trên trời, ta sẽ tránh được hai cám dỗ lớn nhất tiến công cuộc đời của chúng ta thường xuyên.

Cám dỗ thứ nhất đến với mỗi người tin Chúa qua ngay nếp sống đạo của người ấy. Là người tin Chúa, tôi có đời sống tâm linh cá nhân, riêng tư. Trong mối tương giao đó, Chúa dạy rằng chỉ có một điều phải lưu ý, đó là tôi cần nhớ, tôi luôn luôn sống dưới ánh mắt của Chúa. Tôi không nên chú trọng vào những gì người khác bình phẩm, cũng không cần chú trọng nhiều về chính mình. Nếu tôi cứu giúp người nghèo, tôi không làm như thế để được người khác khen ngợi. Việc cầu nguyện của tôi cũng vậy. Tôi không nên cho người khác cái ấn tượng rằng tôi là một người sốt sắng cầu nguyện lắm. Chúa Giê-xu không chấp nhận những thái độ đó, tôi phải cầu nguyện với Chúa và trong hiện diện của Chúa. Vấn đề kiêng ăn cầu nguyện cũng vậy. Kiêng ăn và cầu nguyện là để được có nhiều thì giờ chuyên biệt với Chúa, chứ không phải để tỏ ra mình là người đạo hạnh. Chúa Giê-xu nói về các điều trên ở Phúc Âm Ma-thi-ơ chương 6:1-18.

Cám dỗ thứ hai được trình bầy từ câu 19 trở đi. Đây là khía cạnh thứ hai của đời sống người tin Chúa Giê-xu trong thế giới này. Người tin Chúa sống trong trần gian, nhưng có mối tương quan mật thiết với Chúa Cha trên trời, vì vậy cuộc đời người ấy khá phức tạp. Chúng ta vẫn còn đi trên trần gian này với những việc đời và những cảm xúc về lo lắng, về áp lực và những căng thẳng. Toàn bộ vấn đề mà Kinh-thánh gọi chung là thế gian.

Ta thường nói rằng người tín đồ tin Chúa phải chống lại với thế gian, xác thịt và ma quỷ, và Chúa Giê-xu nhận định rằng đó là sự mô tả ba mặt của mọi nan đề trong đời sống chúng ta.

Để đối đầu với vấn đề tin kính riêng tư, Chúa nói đến những cám dỗ đến từ xác thịt và ma quỷ. Ma quỷ đặc biệt lưu ý khi một người trở thành sùng mộ và tham gia vào những phương cách biểu lộ lòng tin. Nhưng sau khi dạy về nan đề đó, Chúa tiếp tục cho biết về một vấn đề khác, đó là vấn đề của chính thế gian.

Thế gian là một từ Kinh-thánh dùng với một nghĩa đặc biệt. Thế gian đây không phải là vũ trụ vật lý bên ngoài, hoặc là loài người, nhưng có nghĩa là một cái nhìn, một quan niệm, một tâm tính đối với sự vật.

Một trong những vấn đề tế nhị nhất mà người tin Chúa phải đối diện, đó là quan hệ với thế gian. Chúa Giê-xu nói rõ rằng làm người tin Chúa sống trong đời không phải là dễ. Chính Chúa Giê-xu khi ở thế gian cũng từng bị ma quỷ cám dỗ. Chúa cũng đã từng va chạm với quyền lực và những mưu mẹo quỷ quái của thế gian này. Người tin Chúa sống đúng trong hoàn cảnh như vậy. Người ấy sẽ gặp những cuộc tiến công khi sống đơn lẻ, một mình. Còn nhiều cuộc tiến công khác khi người ấy vào đời. Vì vậy Chúa chuẩn bị cho môn đệ Ngài từ đời sống riêng tư cho đến khi vào đời.

Ta phải chuẩn bị khi sống riêng một mình với Chúa. Cầu nguyện, và làm nhiều việc khác như kiêng ăn và cứu giúp kẻ nghèo nhưng làm mà không để khoe khoang. Rồi còn phải sống trong đời nữa.

Thế gian tìm đủ cách để hạ ta xuống, và cũng dùng đủ xảo thuật để phá hoại đời sống tâm linh của ta. Ta phải cảnh giác cao vô cùng. Đời sống là một cuộc chiến bảo vệ đức tin, ta cần toàn bộ chiến cụ của Chúa ban, vì nếu không có, chắc chắn sẽ thất bại. Cuộc chiến này không phải cự địch với con người, nhưng là cuộc chiến tâm linh, với tà ma và quỷ dữ vô hình.

Chúa Giê-xu dạy rằng cuộc tiến công này đến từ thế gian, hay là cuộc cám dỗ vào thế tục, và thường hay mang hai hình thức chính.

Thứ nhất là lòng yêu thế gian; và thứ hai là lo lắng ưu tư.

Ma-thi-ơ 6:19-24 Chúa nói đến cuộc tiến công thứ nhất, đó là lòng yêu thế gian. Ma-thi-ơ 6:25 đến hết chương là cuộc tiến công của lo lắng ưu tư trong thế gian. Chúa cho thấy rằng cả hai hình thức này đều nguy hại như nhau.

Ta vẫn cần nhớ rằng Chúa dạy cả hai việc này cho những người được gọi là con của Cha trên trời và đang sống trước hiện diện của Cha luôn luôn.

Phương pháp giáo dục của Chúa Giê-xu là bắt đầu bằng một lời xác nhận rất táo bạo, và cũng là một huấn thị. Chúa đưa ra một định luật, một nguyên tắc quan trọng trước. Sau đó, bằng cách ôn hòa và hạ mình, cung cấp những lý do và những cách xét vấn đề khác nhau để môn đệ có thể thực hiện huấn thị.

Thực ra trong uy quyền của Chúa, Chúa chỉ cần đưa ra huấn thị, nêu lên luật lệ rồi bỏ mặc cho chúng ta phải thực hành. Nhưng Chúa không bao giờ làm như vậy.

Chúa đề cập đến điều luật, Chúa nêu lên nguyên tắc, rồi bằng phương cách rất nhân từ, Chúa cho biết các lý do. Chúa cho chúng ta những lý luận để giúp chúng ta và hỗ trợ chúng ta. chúng ta không nhất thiết phải theo đúng các lý do đó, nhưng hỗ trợ chúng ta. Nhất là khi đức tin ta yếu đuối thì các lý luận đó thật là vô giá.

Như đã nói, Chúa đưa ra huấn thị đầu tiên là: Đừng chứa của cải dưới đất...nhưng hãy chứa của cải trên trời. Đó là huấn thị, và là lời khuyến khích thúc giục.

Phần tiếp theo là lý do và giải thích: "Đừng chứa của cải dưới đất là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào nền, đục vách mà lấy; nhưng hãy chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào nền đục vách mà lấy."

Trong phần huấn thị ta thấy cả phía tích cực lẫn tiêu cực. Chúa đem chân lý ra trình bày như vậy chúng ta không còn lý do nào thoái thác cả. Nếu có ai trong hàng người tin Chúa về sau này nhận thấy phần thưởng của mình rất nghèo nàn khi đứng trước tòa ban thưởng của Chúa, thì người đó cũng không có lý do nào mà biện bạch.

Về phương diện tiêu cực, Chúa dạy: "Đừng chứa của cải ở dưới đất." Như thế có nghĩa gì?

Trước tiên chúng ta phải tránh giải thích câu này về phương diện tiền bạc mà thôi. Vì nhiều người hay dùng câu này để áp dụng cho người giàu có mà thôi. Như thế là sai lầm. Huấn thị này dạy chung cho mọi người. Chúa không dạy: "Đừng thu góp tiền bạc cho mình." Nhưng Chúa dạy: "Đừng chứa của cải." Của cải là một từ rất rộng và bao gồm mọi thứ. Có cả tiền bạc, nhưng không phải chỉ có tiền mà thôi. Của cải có nghĩa quan trọng hơn nhiều. Chúa không quan tâm về của cải, nhưng chú trọng vào thái độ của ta đối với của cải. Vấn đề không phải là người ấy có những gì, nhưng là người ấy nghĩ như thế nào về tiền của, thái độ của người ấy ra sao. Có tiền của không phải là một tội lỗi, nhưng quan hệ đối với tiền của có thể sai. Điều này cũng đúng khi nói đến tất cả những gì mà tiền có thể mua được.

Ta có thể đi xa hơn nữa khi nói rằng đây là thái độ đối với cuộc đời trong thế gian. Chúa đang dạy những người đã có được phần thỏa mãn chính hay hoàn toàn thỏa mãn trong đời này vì những gì họ sở hữu chỉ thuộc về đời này mà thôi. Điều Chúa cảnh cáo ở đây là một người có thể chỉ giới hạn tham vọng, sở thích và hi vọng của mình vào đời này mà thôi. Nghĩa là những gì người ấy quan tâm, và nhìn theo hướng đó, trở thành một đề tài lớn hơn là vấn đề sở hữu tiền bạc. Người nghèo cũng như người giàu đều được khuyên dạy là không nên chất chứa của cải dưới đất như nhau. Tất cả chúng ta đều có những của cải trong nhiều hình thức. Có thể không phải là tiền bạc. Đối với nhiều người, của cải là nhà cửa, ruộng vườn, gia súc, danh vọng địa vị, nghề nghiệp v.v. Tất cả những gì mà khi ta qua đời phải để lại, là của cải của ta. Chúa cảnh cáo ta về thái độ chú trọng quá đáng vào những thứ tạm bợ đó, quên rằng, có thể trong một giây phút nào đó mình sẽ mất hết hay là sẽ vĩnh viễn không thấy chúng nữa.

Chúa Giê-xu dạy là phải tránh bất cứ những gì tập trung vào đời tạm này mà thôi. Như thế ta thấy rất nhiều thứ và đủ loại. Nhiều người không bị tiền cám dỗ, nhưng bị danh dự, địa vị lôi cuốn. Có người tham gia vào Hội Thánh không phải vì tin Chúa, nhưng vì được tôn xưng, được mời mọc, có danh vị, trong khi đó ở khu xóm không ai biết tiếng, đó cũng là một loại của cải tạm bợ.

Động cơ thúc đẩy nhiều người phục vụ Chúa nhiều khi cũng là danh vọng giả dối tạm bợ này. Những người ấy không biết rằng Chúa đã dạy: Khi các con làm xong phận sự được giao phó, hãy đến thưa với Chúa rằng: Chúng con là đầy tớ vô ích. Vì những gì ta làm cho Chúa là vâng theo huấn thị của Chúa chứ không phải để được lợi lộc nào.

Người tin Chúa cũng cần nhớ rằng tin Chúa là để được tha thứ tội, được làm con Chúa, tránh xa tội ác và sống đời tốt lành hữu ích, chờ đợi ngày sống với Chúa trong vương quốc của Ngài. Tin Chúa không phải để được lợi về vật chất trong trần gian này. Mặc dù ta biết rằng, khi ta tin Chúa chân thật thì Chúa chu cấp cho ta đầy đủ.

Cầu xin Chúa cho chúng ta có thái độ đúng đối với những gì mình có, những gì mình xây đắp và hi vọng. Vì nếu những điều này chỉ có giá trị tạm thời, không đem về thiên quốc được, thì chỉ nên có thái độ sử dụng như phương tiện, chứ đừng đặt nặng tất cả lo lắng, ưu tư vào đó.