Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 51

"Ta Là Gốc Nho, Các Ngươi Là Nhánh"

15:1-11

1 Ta là gốc nho thật, Cha ta là người trồng nho. 2 Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì Ngài chặt hết; và Ngài tỉa sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn. 3 Các ngươi đã được trong sạch, vì lời ta đã bảo cho. 4 Hãy cứ ở trong ta, thì ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong ta, thì cũng không kết quả được.

5 Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được. 6 Nếu ai chẳng cứ ở trong ta thì phải ném ra ngoài, cũng như nhánh nho; nhánh khô đi, người ta lượm lấy, quăng vào lửa, thì nó cháy. 7 Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó. 8 Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: Ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn đồ của ta vậy. 9 Như Cha đã yêu thương ta thể nào, ta cũng yêu thương các ngươi thể ấy; hãy cứ ở trong sự yêu thương của ta. 10 Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu thương ta, cũng như chính ta đã vâng giữ các điều răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu thương Ngài. 11 Ta nói cùng các ngươi những điều đó, hầu cho sự vui mừng của ta ở trong các ngươi, và sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn.

 

1. Tại sao Chúa Giê-xu không dùng một hình ảnh nào khác mà lại dùng hình ảnh cây nho để chỉ về mối quan hệ giữa Chúa và những người theo Ngài?

2. Theo ý Bạn, điểm quan trọng nhất trong ví dụ về cây nho mà Chúa Giê-xu muốn nhấn mạnh là gì?

3. Xin kể ra một vài cách Chúa dùng để "tỉa sửa" chúng ta.

4. Trái hay kết quả của người theo Chúa là gì? Bạn đã có những trái hay kết quả đó chưa? Nếu chưa thì làm thế nào để có?

5. Làm thế nào để chúng ta ở trong Chúa và lời Chúa ở trong chúng ta?

 

Phúc Âm Giăng chương 15 nói về các mối quan hệ của người theo Chúa:

(1) Mối quan hệ với Chúa: câu 1-11.

(2) Mối quan hệ với nhau: câu 12-17.

(3) Mối quan hệ với đời: câu 18-27.

Phần cuối chương 17 cho thấy Chúa bảo các môn đệ rời phòng cao, nơi họ dự lễ Vượt Qua (13:2) để đi qua "bên kia khe Xết-rôn" (18:1). Những lời dạy trong chương 15 và 16 vì vậy có lẽ là những lời Chúa vừa đi vừa nói với các môn đệ. Palestine là vùng trồng rất nhiều nho và cây nho cũng là cây tiêu biểu cho nước Do-thái. Trong thời Chúa Giê-xu, trước cửa đền thờ có hình một cây nho lớn bằng vàng, có lẽ Chúa Giê-xu và các môn đệ cùng thấy cây nho ấy, hoặc có thể họ đi ngang qua các vườn nho nên Chúa đã dùng hình ảnh đó để dạy các môn đệ. Cây nho cũng là một hình ảnh rất quen thuộc trong Kinh Thánh dùng để mô tả dân tộc Do-thái. Thi-thiên 80:8-16 và Ê-sai 5:1-7 là những phân đoạn rõ ràng nhất. Khi Chúa Giê-xu dùng cây nho để ví sánh mối quan hệ giữa các môn đệ với Chúa, họ hiểu ngay Chúa muốn nói gì, cũng như người Việt chúng ta nói đến cây chuối, cây xoài vậy.

Trong hình ảnh về cây nho, điểm quan trọng nhất là liên kết hay nối liền hay "ở trong." Chữ "trong" được dùng ít nhất là 12 lần trong phân đoạn nầy, cho thấy tầm quan trọng của việc liên kết với Chúa. Sự liên kết giữa nhánh cây và gốc, có sự sống tuôn tràn từ gốc cây ra các nhánh cây. Đây là một liên hệ bền chặt tận gốc rễ, không phải chỉ có bề ngoài. Đây phải là mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa. Sức sống của Chúa phải tuôn tràn qua cuộc sống của chúng ta mỗi ngày.

Trong phần nầy, Chúa Giê-xu nói về hai loại nhánh: loại nhánh kết quả và loại nhánh không kết quả. Thật ra, không một nhánh nho nào dính vào gốc mà lại không kết quả. Nhánh không kết quả chỉ có nghĩa là không dính liền với thân, không nhận được nhựa sống, bị khô và sẵn sàng bị đốt (c. 6). Đối với những nhánh kết quả, điều Chúa làm là "tỉa sửa để được sai trái hơn" (c. 2). Những người chuyên trồng nho đều biết rằng nếu không tỉa sửa đúng, nho không có nhiều trái, có khi không có trái nữa là khác. Tỉa sửa không phải là một kinh nghiệm dễ chịu nhưng cần thiết để kết quả. Chúa có thể dùng nhiều cách để tỉa sửa chúng ta: hoàn cảnh, người chung quanh, có khi là bệnh tật,  "tai nạn"... bất cứ điều gì giúp ta kinh nghiệm về Chúa nhiều hơn.

Trong mối quan hệ giữa nhánh nho và gốc nho, trái hay quả là điều quan trọng nhất. Đối với người theo Chúa, trái có thể là những ý nghĩa sau:

(1) Một điều cụ thể, người khác có thể thấy được.

(2) Điều gì mang lợi ích cho người khác.

(3) Những mỹ đức của một đời sống để cho Chúa Thánh Linh quản trị (Ga-la-ti 5:22).

(4) Những người mà ta hướng dẫn đến với Chúa.

Trong phân đoạn nầy, chúng ta thấy trái có liên hệ đến những mỹ đức của Chúa Thánh Linh: yêu thương, vui mừng (c. 9-11). Chúa cũng ngụ ý trái là những người mà ta hướng dẫn đến với Chúa (c. 16). Cây nho chỉ có trái khi dính liền với gốc. Một đời sống có kết quả là một đời sống được nối liền với Chúa như nhánh nho dính vào gốc. Nếu đời sống của chúng ta chưa phản ảnh những mỹ đức của Chúa Thánh Linh, chưa đưa người khác trở lại với Chúa, không ích lợi cho ai... thì chúng ta cần xét lại mối quan hệ giữa chúng ta với Chúa, xem chúng ta có thật sự "ở trong" Chúa không hay chỉ theo Chúa hời hợt, bề ngoài.

Câu 7 là một lời hứa quan trọng Chúa dành cho chúng ta. Nhưng đây là một lời hứa có điều kiện. Để được Chúa nhậm lời, ta phải ở trong Chúa và lời Chúa phải ở trong chúng ta. Chúa Giê-xu cho thấy mối quan hệ nầy tương tự như mối quan hệ giữa Chúa với Đức Chúa Cha. Chúa Giê-xu yêu thương và vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Cha thể nào, chúng ta cũng yêu thương và giữ lời dạy của Chúa như vậy (c. 10). Người theo Chúa vì vậy là người "ở trong" Chúa (có mối tương giao bền chặt với Ngài) và là người sẵn sàng làm theo những lời dạy của Ngài. Sống như vậy ta sẽ kết quả cho Chúa và có được niềm vui trọn vẹn (c. 11).