Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 56

Con Đã Tôn Vinh Cha Trên Đất

17:1-5

1 Đức Chúa Jêsus phán như vậy, đoạn, ngước mắt lên trời mà rằng: Thưa Cha, giờ đã đến; xin làm vinh hiển Con, hầu cho Con cũng làm vinh hiển Cha, 2 và nhân quyền phép Cha đã ban cho Con cai trị loài xác thịt, Con được ban sự sống đời đời cho những kẻ mà Cha đã giao phó cho Con. 3 Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus Christ, là Đấng Cha đã sai đến. 4 Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm. 5 Cha ôi! Bây giờ xin lấy sự vinh hiển Con vốn có nơi Cha trước khi chưa có thế gian mà làm vinh hiển Con nơi chính mình Cha.

 

1. Xin giải thích chữ "thầy cả" ở tựa đề bài cầu nguyện.

2. Xin đọc Giăng chương 17 và cho biết bài cầu nguyện của Chúa Giê-xu có thể chia làm mấy phần? Mỗi phần nói gì?

3. Chữ "vinh hiển" trong câu 1 nghĩa là gì? Chúa Giê-xu cầu xin Đức Chúa Cha làm cho Ngài được vinh hiển là cầu xin điều gì?

4. Chúa Giê-xu làm cho Đức Chúa Cha được vinh hiển như thế nào?

5. Câu 3 dạy chúng ta điều gì? Chúng ta áp dụng điều nầy vào đời sống như thế nào?

Bài cầu nguyện của Chúa Giê-xu trong Phúc Âm Giăng chương 17 là một lời cầu nguyện khác, không phải là lời cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê được ghi trong các Phúc Âm Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca. Lời cầu nguyện nầy được mô tả là lời cầu nguyện "như thầy cả." "Thầy cả" tức là thầy tế lễ thượng phẩm, người đại diện cho toàn dân để dâng sinh tế cho Đức Chúa Trời. Trong bài cầu nguyện nầy, Chúa Giê-xu cũng cầu nguyện với tư cách của một người đại diện cho những người tin Ngài vì vậy nên được gọi là lời cầu nguyện của Thầy Cả. Ta có thể chia lời cầu nguyện nầy thành ba phần như sau:

(1) Chúa Giê-xu cầu nguyện cho chính Chúa (c. 1-5).

(2) Chúa Giê-xu cầu nguyện cho các môn đệ (c. 6-19).

(3) Chúa Giê-xu cầu nguyện cho những người tin Chúa qua các môn đệ (c. 20-26).

Sau khi trò chuyện với các môn đệ với những lời được ghi trong ba chương 14, 15 và 16, Chúa Giê-xu bắt đầu thưa chuyện với Đức Chúa Cha bằng cách "ngước mắt lên trời" (c. 1). Đây là cách người Do-thái cầu nguyện như được mô tả trong Thi thiên 121:1; 123:1 v.v... Lời đầu tiên Chúa Giê-xu thưa với Đức Chúa Cha là "giờ đã đến" (c. 1). Suốt cả cuộc đời, Chúa Giê-xu luôn luôn ý thức về thời biểu Đức Chúa Cha ấn định cho Ngài, từ khi Chúa thực hiện phép lạ đầu tiên cho đến lúc chịu chết (so sánh 2:4 và 13:1). Suốt cả Phúc Âm Giăng, chúng ta thấy Chúa Giê-xu luôn luôn nhắc đến thời biểu đó (7:8; 9:4; 11:9, 10. . . ). Chúa phán: "Ta từ trời xuống, chẳng phải để làm theo ý ta, nhưng làm theo ý Đấng đã sai ta đến" (6:38). Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời nhưng Ngài luôn luôn vâng lời Đức Chúa Cha, làm theo đúng chương trình của Cha Ngài. Là người theo Chúa, chúng ta không thể làm kém hơn điều đó, lúc nào chúng ta cũng phải ý thức về chương trình và thời điểm của Chúa, không đi trước và cũng không đi sau.

"Vinh hiển" là một từ ngữ đặc biệt trong Kinh Thánh. Một trong những ý nghĩa của chữ nầy là nói đến sự mặc khải của Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu (1:14). Chúng ta biết rằng Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời, và theo câu 5, Ngài có vinh hiển của Đức Chúa Cha trước khi Ngài giáng thế. Do đó, lời cầu nguyện, "Xin làm vinh hiển Con" nghĩa là Chúa Giê-xu xin Đức Chúa Cha đem Ngài trở lại địa vị vinh quang mà Chúa đã từ bỏ (đọc thêm Phi-líp 2:6-7). Chúa Giê-xu sẽ làm vinh hiển Đức Chúa Cha bằng cách chịu chết trên cây thập tự. Cả cuộc đời của Chúa Giê-xu chỉ có một mục đích duy nhất là chịu chết để chuộc tội cho nhân loại. Đó là cách Chúa làm rạng danh Đức Chúa Cha: cho mọi người thấy tình yêu vô bờ bến của Đức Chúa Cha và kế hoạch cứu rỗi tuyệt diệu của Ngài.

Đối với Chúa Giê-xu, cái chết trên cây thập tự là một khổ nhục nhưng cũng là một vinh dự vì cái chết của Chúa đem vinh quang về cho Đức Chúa Cha và đàng sau cái chết sẽ là vinh quang rạng ngời hơn nữa vì Chúa sẽ sống lại, về trời, và có lại vinh quang Chúa đã từ bỏ trước kia. Lời cầu nguyện của Chúa Giê-xu ở đây vừa là một nguyện ước, vừa là một sự dấn thân; vừa nhìn thấy một hy vọng rạng rỡ trong tương lai, nhưng cũng sẵn sàng chấp nhận gian khổ trong hiện tại.

Đây cũng phải là tâm tình và thái độ mà chúng ta nên bắt chước: "Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có: Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời nhưng không coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ. Chính Ngài đã tự bỏ mình đi... tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, đến nỗi chết trên cây thập tự. Cũng vì đó mà Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Giê-xu, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống và mọi lưỡi đều xưng Giê-xu Christ là Chúa mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha" (Phi-líp 2:5-11).

Bạn có sẵn sàng làm cho Chúa được vinh hiển bằng cách vâng phục trọn vẹn theo ý của Chúa dù phải gặp khó khăn, gian khổ không? Chúa Giê-xu có thể nói: "Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm" (c. 4). Chúng ta có thể nói một câu tương tự như vậy không?

Những vinh hiển của Chúa Giê-xu được ghi ra ở đây là cai trị loài xác thịt và ban sự sống đời đời cho những người mà Đức Chúa Cha giao phó (c. 2). Câu 3 là một lời cầu nguyện nhưng cũng cho chúng ta thấy bí quyết để được sự sống vĩnh cửu. Bí quyết đó là:

(1) Nhìn nhận Đức Chúa Trời là Chân Thần duy nhất.

(2) Tin Chúa Giê-xu là người của Đức Chúa Trời.

Đây là hai điều đơn giản nhưng rất căn bản. Không nhận Đức Chúa Trời là Chân Thần duy nhất ("Đức Chúa Trời có MỘT và THẬT") và không nhận Chúa Giê-xu là Đấng Ngài sai đến, chúng ta sẽ không bao giờ kinh nghiệm được sự sống đời đời. Theo câu nầy, sự sống đời đời không chỉ có nghĩa là một đời sống không bao giờ chấm dứt, nhưng là một đời sống có mối liên hệ mật thiết với Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu. Chúng ta chẳng những công nhận Đức Chúa Trời là Chân Thần duy nhất, nhưng cũng có mối liên hệ đậm đà, thắm thiết với Chúa. Chúng ta phải thật sự biết Chúa như hai người biết nhau, ý hợp tâm đầu với nhau. Mối liên hệ giữa Bạn với Chúa như thế nào? Bạn có thật sự BIẾT Chúa là "Đức Chúa Trời có một và thật" và BIẾT Con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu hay không?