Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 61

Làm Chứng Cho Lẽ Thật

18:28-40

28 Kế đó, chúng điệu Đức Chúa Jêsus từ nhà Cai-phe đến trường án; bấy giờ đương sớm mai. Nhưng chính mình chúng không vào nơi trường án, cho khỏi bị ô uế, và cho được ăn lễ Vượt Qua. 29 Vậy, Phi-lát bước ra, đi đến cùng chúng mà hỏi rằng: Các ngươi kiện người nầy về khoản gì? 30 Thưa rằng: Ví chẳng phải là tay gian ác, chúng tôi không nộp cho quan. 31 Phi-lát bèn truyền cho chúng rằng: Các ngươi hãy tự bắt lấy người, và xử theo luật mình. Người Giu-đa thưa rằng: Chúng tôi chẳng có phép giết ai cả. 32 Ấy là cho được ứng nghiệm lời Đức Chúa Jêsus đã phán, để chỉ về mình phải chết cách nào.

33 Phi-lát bèn vào trường án, truyền đem Đức Chúa Jêsus đến, mà hỏi rằng: Chính ngươi là Vua dân Giu-đa, phải chăng? 34 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi nói điều đó tự ý mình, hay là có người đã nói điều đó với ngươi về ta? 35 Phi-lát trả lời rằng: Nào có phải ta là người Giu-đa đâu? Dân ngươi cùng mấy thầy tế lễ cả đã nộp ngươi cho ta; vậy ngươi đã làm điều gì? 36 Đức Chúa Jêsus đáp lại rằng: Nước của ta chẳng phải thuộc về thế gian nầy. Ví bằng nước ta thuộc về thế gian nầy, thì tôi tớ của ta sẽ đánh trận, đặng ta khỏi phải nộp cho dân Giu-đa; nhưng hiện nay nước ta chẳng thuộc về hạ giới. 37 Phi-lát bèn nói rằng: Thế thì ngươi là vua sao? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Thật như lời, ta là vua. Nầy, vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng thế: Ấy là để làm chứng cho lẽ thật. Hễ ai thuộc về lẽ thật thì nghe lấy tiếng ta. 38 Phi-lát hỏi rằng: Lẽ thật là cái gì?

Khi người đã nói vậy, rồi lại đi ra đến cùng dân Giu-đa, mà rằng: Ta chẳng thấy người có tội lỗi gì cả. 39 Nhưng các ngươi có lệ thường, hễ đến ngày lễ Vượt Qua, thì ta tha cho các ngươi một tên tù, vậy các ngươi có muốn ta tha Vua dân Giu-đa cho chăng? 40 Chúng bèn kêu lên nữa rằng: Đừng tha nó, nhưng tha Ba-ra-ba! Vả, Ba-ra-ba là một kẻ trộm cướp.

 

1. Chúng ta có thể biết những điều gì về những người bắt Chúa dựa vào các câu 28-32?

2. Xin cho biết cảm tưởng của Bạn về cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-xu và Phi-lát (c. 33-38a).

3. Tại sao Chúa Giê-xu không trả lời câu hỏi của Phi-lát mà lại gạn hỏi lại (c. 34)?

4. Xin giải thích câu nói của Chúa Giê-xu trong câu 36.

5. Theo ý Bạn, câu hỏi: "Lẽ thật là cái gì?" là một câu hỏi thành thật hay châm biếm?

6. Bạn học được điều gì qua cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-xu và Phi-lát?

Câu chuyện Chúa Giê-xu trước mặt Phi-lát trong Phúc Âm Giăng là phân đoạn dài nhất so với các Phúc Âm khác. Sứ đồ Giăng nhấn mạnh đến những cá nhân nên chúng ta thấy ông dùng nhiều phân đoạn viết về những người đối diện cách riêng tư với Chúa: từ Na-tha-na-ên (1:45-51) đến Ni-cô-đem (3:1-6), thiếu phụ người Sa-ma-ri (4:1-26),  người bại (5:1-9), người mù (9:1-38), v.v... Phân đoạn 18:33-19:16 là phần sứ đồ Giăng dành để nói về cuộc đối thoại  giữa Chúa và Phi-lát.

Theo Phúc Âm Ma-thi-ơ  26:59-66, Hội Đồng Tối Cao của Do Thái Giáo (Toà Công Luận) đã quyết định lên án tử hình Chúa Giê-xu trước khi điệu Chúa đến trước mặt Phi-lát. Họ cho rằng Chúa phạm thượng và đáng phải chết (Ma-thi-ơ 26:65-66). Lúc đó, Do thái đang ở dưới quyền của La-mã và án tử hình phải được chính quyền La-mã phê chuẩn mới được thi hành. Chính vì vậy mà họ giải Chúa qua cho Phi-lát là vị toàn quyền La-mã taị vùng Palestine lúc bấy giờ. Thường thì vị toàn quyền La-mã ở tại Sê-sa-rê, thủ đô hành chánh của chính quyền La-mã, nhưng nhân dịp Lễ Vượt Qua, vị nầy lên Giê-ru-sa-lem để đề phòng những cuộc nổi loạn có thể xảy ra vì tinh thần ái quốc của người Do-thái lên rất cao trong dịp lễ nầy là ngày kỷ niệm họ được giải phóng khỏi Ai-cập.

Sứ đồ Giăng cho chúng ta thấy thời gian họ giải Chúa Giê-xu đến là "sớm mai" (c. 28a). Điều nầy chứng tỏ là họ thức suốt đêm để nghị án và kết án Chúa, đây là một điều sai với luật lệ của Tòa Công Luận, vì theo thông lệ, tòa công luận không được họp lại vào ban đêm. Những người nầy đã quyết tâm giết Chúa, nghĩa là phạm tội giết người, nhưng họ lại làm ra vẻ là người đạo đức, "không vào nơi trường án cho khỏi bị ô uế" để có thể ăn Lễ Vượt Qua!

Đây là một hành động đạo đức giả vô cùng ghê tởm: phạm một tội nặng là giết người nhưng lại cho rằng vào chỗ của người ngoại bang là ô uế (người Do-thái không bao giờ vào nhà của người không phải là Do-thái vì họ cho như vậy là ô uế. Nếu lỡ vào, họ sẽ bị ô uế bảy ngày và không được dự các thánh lễ!) Điều nầy đúng như lời Chúa Giê-xu đã dạy: "Các ngươi lọc con ruồi nhỏ mà nuốt con lạc đà!" (Ma-thi-ơ 23:24). Ngày nay chúng ta cũng phải cẩn thận để không mắc phải lỗi lầm nầy. Chúng ta có thể tuân giữ những điều theo lễ nghi bên ngoài mà trong lòng đầy dẫy những ác tưởng hoặc làm những điều tội lỗi xấu xa.

Câu trả lời đầu tiên của những người nầy với Phi-lát cũng cho chúng ta thấy rõ tâm địa độc ác của họ. Phi-lát chỉ hỏi: "Các ngươi kiện người nầy về khoản gì?" nhưng họ đã trả lời một câu buộc tội trước, họ gọi Chúa là một người gian ác và hầu như muốn nhắn nhủ trước với Phi-lát rằng đây là một người nguy hiểm mà họ đem đến cho ông (c. 31). Phi-lát thì không để ý đến câu nói đó và bảo họ cứ xử theo luật của họ, nhưng họ thì đã quyết tâm giết Chúa nên nói ngay với Phi-lát câu: "Chúng tôi chẳng có phép giết ai cả!" Câu nầy hàm ý rằng họ đã lên án tử hình Chúa rồi và bây giờ chỉ xin Phi-lát phê chuẩn bản án mà thôi vì họ không được phép thi hành bản án tử hình!

Những người nầy giục giã Phi-lát thi hành bản án tử hình nhưng sứ đồ Giăng thấy đó là ứng nghiệm những lời Chúa Giê-xu đã nói trước về việc Ngài sẽ bị treo lên, theo cách xử tử của người La-mã (3:14; 12:32). Chúng ta thấy rằng khi một người quyết tâm làm một điều gì gian ác, người ấy sẽ tìm mọi cách để thi hành ý định của mình. Nếu chúng ta bị cám dỗ, phạm tội và cố ý làm điều gian ác, chúng ta cần cầu xin Chúa giúp chúng ta thoát ra khỏi sự thôi thúc của tội lỗi.

Vì áp lực của người Do-thái, Phi-lát đã bắt đầu gạn hỏi Chúa. Đối với người La-mã, dân của một nước bị trị mà xưng là vua là bị kể vào tội phản loạn và chỉ tội phản loạn mới đáng bị án tử hình. Phi-lát nghĩ rằng những người Do-thái buộc tội Chúa Giê-xu như vậy hẳn Chúa Giê-xu là một người muốn làm cách mạng, lật đổ chính quyền La-mã. Vì vậy ông đã hỏi: "Chính ngươi là vua dân Giu-đa phải chăng?." Chúa Giê-xu không trả lời câu hỏi của Phi-lát nhưng gạn hỏi lại: "Ngươi nói điều đó tự ý mình hay là có người đã nói điều đó với người về ta?" (c. 34). Chúa Giê-xu biết rõ Phi-lát nhưng Ngài hỏi câu đó để tạo dịp tiện đối thoại với Phi-lát. Chúa muốn nhân dịp nầy cho Phi-lát biết rõ Chúa là ai (c. 36).

Câu trả lời của Phi-lát cho thấy ông không quan tâm gì đến Chúa, ông chỉ muốn giải quyết vấn đề của ông là tìm xem Chúa Giê-xu là ai và đã làm gì mà bị người ta kiện cáo như vậy. Chúa Giê-xu đã nhân dịp nầy cho thấy Chúa là người từ trời đến và Chúa thật là vua nhưng vương quốc của Chúa khác với vương quốc Phi-lát thường nghĩ. Chúa là vua của chân lý (c. 37). Đây có lẽ là một ý niệm mới cho Phi-lát, hoặc có thể ông đang bực dọc muốn giải quyết vấn đề cho xong nên ông không muốn nghe Chúa nữa. Do đó ông đã hỏi lại: "Lẽ thật là cái gì?" Đây có thể là một câu hỏi mỉa mai nhưng cũng có thể là một câu hỏi chứng tỏ sự dốt nát về chân lý của ông. Dù không hiểu Chúa nói gì, có một điều Phi-lát thấy rõ, đó là Chúa vô tội. Do đó ông đã tìm cách tha Chúa bằng cách nhắc lại thông lệ ân xá hằng năm (c. 39). Tuy nhiên vì giới lãnh đạo tôn giáo thời đó quyết tâm giết Chúa nên họ yêu cầu tha cho một tên tội phạm là Ba-ra-ba.

Hai nhóm người chúng ta để ý trong câu chuyện nầy là giới lãnh đạo tôn giáo và chính quyền La-mã mà Phi-lát là người đại diện. Một bên là những người đạo đức giả, chỉ giữ đạo bề ngoài mà bên trong đầy những ý định giết người; một bên chỉ xử sự bình thường mà thiếu hẳn kiến thức tâm linh. Chúng ta cần xin Chúa giúp chúng ta tránh khỏi cả hai điều nầy: xin Chúa giúp chúng ta yêu Chúa thật, hành động đúng với lời Chúa dạy và sẵn sàng lắng nghe những lời dạy của Ngài. Chúng ta cũng thấy sự hiên ngang của Chúa trước mặt Phi-lát và ngay cả lúc ấy Chúa cũng tận dụng mọi dịp tiện để trình bày chân lý. Chúng ta cũng cần can đảm như vậy trước những khó khăn để nêu cao danh Chúa cho mọi người.