Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 62

Đóng Đinh Đấng Vô Tội

19:1-16

1 Bấy giờ, Phi-lát bắt Đức Chúa Jêsus và sai đánh đòn Ngài. 2 Bọn lính đan một cái mão triều bằng gai, đội trên đầu Ngài, và mặc cho Ngài một cái áo điều. 3 Đoạn, họ đến gần, nói với Ngài rằng: Lạy Vua dân Giu-đa! Họ lại cho Ngài mấy cái vả.

4 Phi-lát lại ra một lần nữa, mà nói với chúng rằng: Đây nầy, ta dẫn người ra ngoài, để các ngươi biết rằng ta không tìm thấy người có tội lỗi chi. 5 Vậy, Đức Chúa Jêsus đi ra, đầu đội mão triều gai, mình mặc áo điều; và Phi-lát nói cùng chúng rằng: Kìa, xem người nầy! 6 Nhưng khi các thầy tế lễ cả và các kẻ sai thấy Ngài, thì kêu lên rằng: Hãy đóng đinh hắn trên cây thập tự, hãy đóng đinh hắn trên cây thập tự! Phi-lát nói cùng chúng rằng: Chính mình các ngươi hãy bắt mà đóng đinh người; bởi vì về phần ta không thấy người có tội lỗi chi hết. 7 Dân Giu-đa lại nói rằng: Chúng tôi có luật, chiếu luật đó hắn phải chết; vì hắn tự xưng là Con Đức Chúa Trời. 8 Khi Phi-lát đã nghe lời đó, lại càng thêm sợ hãi nữa.

9 Người lại trở vào nơi trường án mà nói với Đức Chúa Jêsus rằng: Ngươi từ đâu? Nhưng Đức Chúa Jêsus không đáp gì hết. 10 Phi-lát hỏi Ngài rằng: Ngươi chẳng nói chi với ta hết sao? Ngươi há chẳng biết rằng ta có quyền buông tha ngươi và quyền đóng đinh ngươi sao? 11 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Nếu chẳng phải từ trên cao đã ban cho ngươi, thì ngươi không có quyền gì trên ta; vậy nên, kẻ nộp ta cho ngươi là có tội trọng hơn nữa. 12 Từ lúc đó, Phi-lát kiếm cách để tha Ngài; nhưng dân Giu-đa kêu lên rằng: Ví bằng quan tha người nầy, thì quan không phải là trung thần của Sê-sa; vì hễ ai tự xưng là vua, ấy là xướng lên nghịch cùng Sê-sa vậy! 13 Phi-lát nghe lời đó, bèn dẫn Đức Chúa Jêsus ra ngoài, rồi ngồi trên tòa án, tại nơi gọi là Ba-vê, mà tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Ga-ba-tha. 14 Vả, bấy giờ là ngày sắm sửa về lễ Vượt Qua, độ chừng giờ thứ sáu.  Độ chừng giữa trưa Phi-lát nói cùng dân Giu-đa rằng: Vua các ngươi kia kìa! 15 Những người đó bèn kêu lên rằng: Hãy trừ hắn đi, trừ hắn đi! Đóng đinh hắn trên cây thập tự đi! Phi lát nói với chúng rằng: Ta sẽ đóng đinh Vua các ngươi lên thập tự giá hay sao? Các thầy tế lễ cả thưa rằng: Chúng tôi không có vua khác, chỉ Sê-sa mà thôi. 16 Người bèn giao Ngài cho chúng đặng đóng đinh trên thập tự giá. Vậy, chúng bắt Ngài và dẫn đi.

 

1. Tại sao Phi-lát đã muốn tha Chúa mà lại còn cho đánh đòn Chúa?

2. Việc quân lính cho Chúa đội mão gai và mặc áo điều có ý nghĩa gì?

3. Câu Phi-lát nói với đoàn dân: "Kìa, xem người nầy!" (c. 5), hàm ý gì?

4. Tại sao Phi-lát lại sợ khi nghe nói Chúa tự xưng là Con Đức Chúa Trời (c. 8)?

5. Tại sao trước đó Chúa Giê-xu chẳng những trả lời mà còn đặt lại câu hỏi với Phi-lát (18:33-37) còn lần sau nầy Chúa lại không nói gì cả (c. 9)?

6. Theo ý Bạn, người chịu trách nhiệm trong việc đóng đinh Chúa là ai?

7. Bạn học được điều gì qua phân đoạn nầy?

Theo cách xử tử của người La-mã, trước khi bị đem hành hình, tử tội phải bị đánh đòn. Đánh đòn nầy không phải là quơ quào một vài roi lấy lệ nhưng còn là một cực hình đau đớn không kém gì chịu đóng đinh. Cây roi mà người La-mã sử dụng là những sợi dây da, ở đầu có buộc những miếng kim loại hoặc mảnh xương nhỏ. Mỗi lần bị đánh, nạn nhân bị móc từng miếng thịt. Có người không chịu nổi trận đòn đã bị chết ngay trước khi chịu đóng đinh.

Phi-lát có ý muốn tha Chúa Giê-xu nên cho đánh đòn để cho dân chúng thấy chịu trận đòn như vậy cũng đã gần chết rồi và ông nghĩ rằng người Do-thái sẽ hả dạ về điều đó. (Xin đọc thêm Lu-ca 23:15, 16 để thấy rõ ý định của Phi-lát). Tuy nhiên Phi-lát không biết rằng người Do-thái đã quyết tâm giết Chúa Giê-xu nên dù ông đánh đòn Chúa, họ vẫn không chịu.

Những người lính La-mã biết rằng Chúa Giê-xu bị buộc tội là "Vua Do-thái" nên họ đã tìm cách chế nhạo bằng cách cho Chúa đội mão gai và áo màu điều là hai biểu tượng của vua chúa. Nỗi đau đớn của Chúa Giê-xu chẳng những là đau đớn về thân xác (chịu trận đòn chí tử) nhưng cũng là những chê cười, chế nhạo của con người, đúng như lời Kinh Thánh đã nói trước (Ê-sai 53). Ngày nay, nếu chúng ta phải chịu những đau đớn, chê cười, hổ nhục, hãy nhớ Chúa Giê-xu cũng đã từng gánh chịu những điều đó và Ngài thông cảm với chúng ta.

Từ đầu đến cuối, Phi-lát luôn luôn thấy Chúa Giê-xu là người vô tội và ông nghĩ rằng cũng chỉ vì ganh tị mà người Do-thái buộc tội Chúa cho nên nếu thấy Chúa tơi tả vì trận đòn, với những nỗi hổ nhục đội mão bằng gai, áo điều, hẳn họ cũng hả dạ mà tha cho Chúa. Vì vậy, ông dẫn Chúa ra và nói: "Kìa, xem người nầy!" hàm ý rằng tôi hành hạ người nầy đến độ đó hả dạ anh em chưa, thôi tha cho anh ta đi vì anh không làm điều gì tội lỗi cả. Tuy nhiên, Phi-lát đã lầm, đoàn dân và nhất là giới lãnh đạo tôn giáo đã nhất quyết giết Chúa nên đòi phải đóng đinh Chúa cho kỳ được. Họ cho rằng Chúa Giê-xu đã phạm tội nặng nhất đó là xưng mình là Con Đức Chúa Trời (c. 7).

Đối với ngưòi Do-thái xưng mình là Con Đức Chúa Trời là tội phạm thượng nhưng đối với người La-mã hay Hy-lạp, đó lại là điều thông thường vì họ tin rằng thỉnh thoảng các vị thần linh vẫn ngự xuống nhập vào người và làm những phép lạ. Nghe nói rằng Chúa Giê-xu là Con Trời, Phi-lát sợ mình xúc phạm đến thần linh, chính vì vậy mà Kinh Thánh ghi: "Khi Phi-lát đã nghe lời đó lại càng thêm sợ hãi nữa!" (c. 8). Do đó ông đã tra vấn Chúa Giê-xu thêm để biết rõ nguồn gốc của Ngài. Tuy nhiên lần nầy Chúa đã không trả lời ông gì cả. Sở dĩ Chúa Giê-xu không trả lời vì Chúa biết rằng câu trả lời của Chúa vô ích. Chúa có nói gì lúc đó cũng không thay đổi tình thế. Trước mặt vua Hê-rốt, Chúa cũng yên lặng như vậy (Lu-ca 23:9). Phi-lát coi đó là thái độ khinh thường cho nên đã xẳng giọng với Chúa, nhắc cho Chúa nhớ rằng ông có quyền trên Chúa (c. 11). Tuy nhiên, Chúa Giê-xu đã cho ông thấy rằng thật ra ông cũng chỉ là người thừa hành chương trình của Đức Chúa Trời và người có tội thật sự trong vụ án của Chúa Giê-xu chính là giới lãnh đạo tôn giáo thời ấy (c. 11).

Phi-lát là người biết sự thật, biết Chúa Giê-xu vô tội và muốn tha cho Ngài, nhưng cuối cùng giới lãnh đạo tôn giáo đã giáng một đòn cuối cùng và Phi-lát không thể không chìu theo ý của họ. Câu làm cho Phi-lát sợ nhất là câu: "Nếu quan tha người nầy thì quan không phải là trung thần của Sê-sa" (c. 12). Đây là một câu nói có tính cách hăm dọa, nếu Phi-lát tha Chúa Giê-xu, người Do-thái sẽ tố cáo lên hoàng đế La-mã là có người nổi loạn lên trong nước mà Phi-lát không trừ diệt, điều nầy sẽ gieo nghi ngờ vào hoàng đế La-mã lúc bấy giờ là Tiberius, một người có tính đa nghi. Khi vị hoàng đế nghe tin nầy thì chắc chắn địa vị và sự nghiệp của Phi-lát cũng không còn. Trước áp lực quá nặng nề như vậy, Phi-lát đã chịu thua và đành để cho dân chúng xử tử một người vô tội. Phi-lát cũng đã nài nỉ dân chúng một lần chót: "Ta sẽ đóng đinh vua các ngươi lên thập tự giá hay sao?" (c. 15), nhưng câu trả lời của đoàn dân cho thấy sự gian ác của họ. Họ không ưa gì hoàng đế La-mã nhưng lúc đó đã nói sẵn sàng trung thành với hoàng đế La-mã hơn là với Chúa Giê-xu là vị cứu tinh mà họ vẫn mong đợi.

Ba nhân vật hay ba nhóm người trong câu chuyện nầy là Chúa Giê-xu, Phi-lát và giới lãnh đạo tôn giáo.  

(1) Chúa Giê-xu phải gánh chịu bao đau đớn nhưng Ngài sẵn sàng chịu khổ, mang mọi đau thương cũng như hổ nhục vì chúng ta. Chúa đã hiên ngang trả lời hoặc yên lặng khi cần thiết. Đây là gương sáng để chúng ta noi theo và cũng nhắc chúng ta ngàn đời luôn nhớ Chúa.

(2) Phi-lát là người biết lẽ phải nhưng vì áp lực nặng nề đã đành chìu theo ý muốn của đám đông. Mội khi gặp áp lực để làm điều sai quấy, chúng ta cần nhờ sức Chúa để giữ vững lập trường dù phải chịu thiệt thòi.

(3) Giới lãnh đạo tôn giáo là những người quyết tâm giết Chúa từ đầu cho nên đã không ngại một hành động hay lời nói gian ác nào miễn là khai trừ được Chúa. Mọi hành động gian ác của con người đều phát xuất từ lòng dạ xấu xa, chúng ta cần để cho tư tưởng mình được thanh tẩy bằng Lời Chúa mỗi ngày để không mắc tội của những người nầy.