Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 2

Trọng Tâm Của Tin Lành

1:2-6

2 Là Tin Lành xưa kia Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri Ngài mà hứa trong Kinh Thánh, 3 về Con Ngài, theo xác thịt thì bởi dòng dõi vua Đa-vít sanh ra, 4 theo thần linh của thánh đức, thì bởi sự sống lại của Ngài từ trong kẻ chết, được tỏ ra là Con Đức Chúa Trời có quyền phép, tức là Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta, 5 nhờ Ngài chúng ta đã nhận lãnh ân điển và chức sứ đồ, để đem mọi dân ngoại đến sự vâng phục của đức tin, vì danh Ngài, 6 trong các dân ấy anh em cũng đã được gọi bởi Đức Chúa Giê-xu Christ.

 

1. Theo lời sứ đồ Phao-lô mô tả trong câu 2-6 thì Tin Lành là gì?

2. Theo xác thịt thì Chúa Giê-xu do trinh nữ Ma-ri sinh hạ nhưng ở đây Phao-lô lại nhấn mạnh Chúa theo xác thịt thì bởi “dòng dõi vua Đa-vít sinh ra.” Tại sao Phao-lô nhấn mạnh “dòng dõi vua Đa-vít”?

3. Theo câu 4, điều nào chứng tỏ Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời?

4. Theo ý Bạn, giáo lý về Chúa Giê-xu có quan trọng không? Tại sao?

5. Dựa vào câu 5, xin cho biết hai điều mà Phao-lô đã nhận lãnh từ Chúa. Xin giải thích ý nghĩa của hai từ nầy.

6. Chúa ban cho Phao-lô “ân điển” và chức “sứ đồ” với mục đích gì?

7. Xin cho biết quan hệ giữa đức tin và sự vâng phục.

(Nếu học Kinh Thánh trong một nhóm nhỏ, sau khi thảo luận, người hướng dẫn nên đọc lại phần giải thích để cả nhóm thấy được bài học áp dụng)

 

Lời mở đầu của thư Rô-ma thật ra chỉ gồm hai câu 1 và 7 chúng ta đã học ở phần trước. Từ câu 2 đến câu 6 là lời Phao-lô giải thích về “Tin Lành” trong câu 1. “Tin Lành” hay “Phúc Âm” không chỉ về một tổ chức tôn giáo hay một giáo hội, nhưng nói về toàn bộ giáo lý của đạo Chúa. Theo lời sứ đồ Phao-lô giải thích, “Tin Lành” hay “Phúc Âm” có những đặc tính sau:

1. Trình bày về Chúa Giê-xu (c. 3-4). Trên phương diện thể xác, Chúa Giê-xu “bởi dòng dõi vua Đa-vít sinh ra,” nghĩa là Ngài thuộc hoàng tộc và Ngài chính là vị Cứu Tinh Đức Chúa Trời hứa ban cho dân Ngài (II Sa-mu-ên 7:16). Trên phương diện thần linh, Chúa Giê-xu là “Con Đức Chúa Trời,” nghĩa là Ngài chính là Đức Chúa Trời, vì Ngài đã chiến thắng tử thần và đã sống lại (c. 4).

2. Được nói đến từ trước: “Xưa kia Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri Ngài mà hứa trong Kinh Thánh” (c. 2). Câu nầy cho thấy việc Chúa Giê-xu đến trần gian cứu rỗi nhân loại không phải là việc ngẫu nhiên nhưng là chương trình Đức Chúa Trời đã hoạch định từ trước.

Như vậy, Phúc Âm hay Tin Lành chính là Chúa Giê-xu. Ngài là Đức Chúa Trời nhưng đã sinh ra làm người Do-thái, đúng theo lời tiên tri. Sự kiện Chúa Giê-xu sống lại là bằng chứng rõ ràng nhất chứng tỏ Ngài là Đức Chúa Trời. Đó là Phúc Âm mà sứ đồ Phao-lô rao giảng.

Chúa Giê-xu là trọng tâm của Phúc Âm, chính Ngài đã ban cho Phao-lô “ân điển” và “chức sứ đồ” (c. 5), (chữ “chúng ta” trong câu nầy dịch là “chúng tôi” thì đúng hơn). Hai chữ “ân điển” và “chức sứ đồ” có thể gộp chung làm một trong ý nghĩa “đặc ân làm sứ đồ,” hoặc cũng có thể hiểu: Chúa đã ban cho Phao-lô ơn cứu rỗi và trách nhiệm rao giảng Phúc Âm. Mục đích của việc rao giảng Phúc Âm là để “đem mọi dân ngoại đến sự vâng phục của đức tin” (c. 5). “Sự vâng phục bởi đức tin” nghĩa là tin và vâng lời, hay nói khác đi, vì tin Chúa nên con người sẽ vâng lời Ngài. Sự vâng phục của chúng ta đặt căn bản trên đức tin, không ai có thể nói tôi tin Chúa mà lại không vâng lời Ngài. Cũng như các tín hữu tại La-mã ngày xưa, chúng ta thuộc vào số những người “đã được gọi bởi Đức Chúa Giê-xu Christ,” nghĩa là chúng ta được Chúa ban cho đặc ân nghe Phúc Âm, tiếp nhận Phúc Âm và vâng phục Chúa.

Qua phần Kinh Thánh nầy, chúng ta thấy trọng tâm của Phúc Âm chính là Chúa Giê-xu. Ngài là Trời nhưng cũng là người. Chính Ngài ban ân sủng và trách nhiệm cho chúng ta. Vì thế chúng ta phải hết lòng sống thế nào để mọi người đều biết Chúa và vâng phục Ngài.