Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 6

Biết Chân Lý Mà Không Làm Theo

1:18-20

18 Vả, cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật. 19 Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, 20 bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được,

1. Xin đọc thêm Thi thiên 8:1-4 và Thi thiên 19:1-6 và kể ra một vài cách Đức Chúa Trời đã dùng để bày tỏ cho chúng ta biết về Ngài.

2. Nếu có người hỏi: “Làm sao Bạn biết có Đức Chúa Trời? Bạn sẽ trả lời như thế nào?”

3. Hai điều trọn lành của Chúa mà mắt chúng ta không thấy được (c. 20) là gì? Xin giải thích hai điều đó.

4. Xin kể ra một vài công việc của Chúa trước mắt mà không ai phủ nhận được?

5. Theo Rô-ma 1:19-20 thì căn bản Chúa dùng để buộc tội loài người là gì? Ngày nay chúng ta còn mắc tội dựa trên căn bản nầy không? Xin cho một ví dụ.

 

Đức thánh khiết của Đức Chúa Trời thể hiện qua sự phẫn nộ của Ngài đối với những người sống đời vô đạo và bất công. Các câu chúng ta vừa đọc giải thích thêm về tính cố ý phạm tội của loài người: biết chân lý nhưng không sống theo chân lý!

Một trong những câu người ta thường nói để bào chữa khi bị bắt quả tang phạm tội là: “Tôi làm vậy vì tôi không biết.” Người chạy xe quá tốc độ ấn định nói rằng tôi không biết chỗ nầy không được chạy mau như vậy. Trẻ con khi phạm lỗi thường nói: “Con không biết mẹ dặn không được làm như thế.” Người gian dối trong vấn đề tiền bạc, giấy tờ, cũng nói: “Tôi đâu biết ở đây có những luật lệ như vậy!” Tương tự như thế, người vô đạo nói: “Tôi không thờ Chúa vì tôi không biết Chúa!” Nhưng có thật là con người không biết Chúa không? Phao-lô viết: “Điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi” (c. 19).

Thật ra con người không có lý do gì để bào chữa cả. Con người phạm tội không phải vì không biết nhưng vì KHÔNG LÀM THEO NHỮNG ĐIỀU MÌNH BIẾT. Phao-lô cho thấy mọi người đều có thể biết Chúa qua các công trình sáng tạo của Ngài trong thiên nhiên (“sờ sờ như mắt xem thấy khi người ta xem xét công việc của Ngài,” c. 20). Không ai có thể nói tôi không biết Chúa vì quan sát những công trình sáng tạo chung quanh mỗi ngày, ai cũng phải công nhận rằng Đức Chúa Trời có thật. Đức Chúa Trời là Đấng vô hình (“sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được,” c. 20), nhưng bản chất vô hình của Chúa đã được thể hiện trong công trình sáng tạo, nên dù không thấy Chúa, chúng ta vẫn biết rằng Ngài hiện hữu. Tuy không nhìn thấy người viết những dòng chữ nầy, nhưng quí vị biết rằng phải có người viết, người in ra thành sách, quí vị mới có quyển sách nầy trong tay. Chúng ta không nhìn thấy Đức Chúa Trời nhưng nhìn những cái đẹp hùng vĩ trong thiên nhiên, chúng ta biết chắc chắn là có Đấng Tạo Hóa và không ai có thể phủ nhận sự hiện hữu của Ngài. “Quyền phép đời đời” và “bổn tính của Ngài” (thần tính của Chúa) là hai điều ta không thể thấy nhưng biết là có vì những điều đó được thể hiện trong thiên nhiên. Trước một bức tranh đẹp hay một kiến trúc tân kỳ, không ai lại không thán phục tài năng của người họa sĩ hay kiến trúc sư đã tạo nên tác phẩm đó. Tương tự như thế, trước thiên nhiên vĩ đại, đẹp đẽ, con người không thể nào phủ nhận sự hiện hữu và quyền năng của Đức Chúa Trời.

Những người biết chân lý mà không làm theo sẽ bị Chúa hình phạt. Họ không thể chạy chối vào đâu, vì được chiêm ngưỡng công việc của Chúa mỗi ngày mà vẫn cố ý phủ nhận. Riêng chúng ta thì sao? Là người tin Chúa, chúng ta biết Chúa thật sự hiện hữu, vì chúng ta đã kinh nghiệm những ơn lành đặc biệt trong đời sống. Ước mong những kinh nghiệm đó sẽ nhắc nhở chúng ta tiếp tục đặt trọn lòng tin nơi Chúa vì biết rằng Chúa có thật và Ngài luôn luôn ở bên cạnh chúng ta. Đừng bao giờ để ma quỷ gieo nghi ngờ trong lòng chúng ta rằng Chúa không thật sự hiện hữu.