Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 38

Của cải và Tâm Hồn

Trong bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-xu, Chúa dạy rõ về thái độ đối với của cải. Lời khuyên của Chúa là không nên dồn chứa của cải ở dưới đất mà phải dồn chứa của cải ở trên trời. Phần này chúng ta đã phân tích kỹ trong hai bài trước. Sau khi dạy về thái độ đối với của cải, Chúa kết luận một câu đáng cho chúng ta quan tâm: "Của cải các con ở đâu thì lòng các con cũng ở đó."

Của cải là những gì ở bên ngoài ta, nhưng ảnh hưởng đến tâm hồn ta. Đó chính là điều Chúa quan tâm.

Của cải ảnh hưởng đến ta như thế nào?

Ta có câu: Đồng tiền liền với khúc ruột, cũng nói lên phần nào quan hệ của tiền của với cuộc đời.

Người chỉ lo làm tiền được gọi là làm tôi cho đồng tiền.

Thói đời thường tham phú phụ bần, nghĩa là người ta chỉ thích giàu mà phụ nghèo.

Người Pháp nói: Tiền bạc là đầy tớ tốt nhưng là ông chủ xấu.

Kinh Thánh dạy: Tham tiền là cội rễ của mọi điều ác.

Ngay trong Ma-thi-ơ 6:24 Chúa Giê-xu cũng dạy: "Các con không thể làm tôi Đức Chúa Trời, lại làm tôi Ma-môn nữa." Ma môn đây là tiền bạc.

Của cải ở đâu thì lòng ở đó cho chúng ta thấy mấy điều sau đây:

1. Lòng hay tâm hồn là nơi tập trung thái độ sống.

Con người có phần cao quý nhất là tâm hồn. Đây cũng là phần xác định mỗi con người của chúng ta. Trong tâm hồn có tư tưởng, suy nghĩ, lý luận, ký ức, cảm xúc v.v. Cũng từ đó mà ta có lý trí và ý chí. Lòng hay tâm hồn là nơi chỉ huy đời sống ta. Vì vậy hễ điều gì chế ngự được tâm hồn, điều ấy làm chủ con người ta.

Tâm hồn ta luôn luôn phải có chủ. Khi con người mới được hình thành thì Chân Thần là chủ. Vì vậy cuộc sống của hai người đầu tiên thật là lý tưởng, không bị một thứ vật chất nào làm ô nhiễm. Tuy nhiên hai người đầu tiên vì có ý chí tự do, đã lựa chọn nghe lời ma quỷ, chống lại mạng lệnh của Chúa, vi phạm giới răn đầu tiên và trở thành kẻ thù của Chúa. Ma quỷ làm chủ đời người kể từ đó.

Ma quỷ là kẻ chống nghịch Chúa vì thế con người sống theo hệ thống quản trị của nó và bị tội ác chế ngự, làm tất cả những điều sai trái để chống Chúa, làm hại người khác và tự hại bản thân. Nhiều người không cảm thấy cuộc đời mình như vậy, vì ma quỷ đã khéo lôi cuốn người ấy vào các cạm bẫy cho đến khi người ý thức thì đã quá muộn.

Chúa Giê-xu đã vào đời là để cứu vớt con người ra khỏi tình trạng làm tôi cho ma quỷ và được phục hồi quyền làm con Chân Thần. Cuộc hi sinh của Chúa Cứu Thế trên thập giá đã trả án phạt tội cho con người, và ai tin nhận Chúa Giê-xu sẽ được tha tội, được tái tạo và được ban cho quyền năng để chống lại các cám dỗ do ma quỷ đưa đến.

Khi tin nhận Chúa Giê-xu thì Chúa làm chủ tâm hồn hay tấm lòng chúng ta.

Đó là nói về tấm lòng con người.

2. Khuynh hướng của tấm lòng.

Của cải ở đâu thì lòng ở đó. Câu này có nghĩa là tấm lòng thường xu hướng về những gì được coi là quý nhất.

Cuộc đời con người vây quanh vật chất, vì vậy trước mắt, con người bị vật chất lôi cuốn. Vật chất thường làm chủ con người ta khi ta chưa quan niệm đúng về nó. Phúc Âm giăng 3:19 ghi: Ánh sáng đã đến trần gian, nhưng người ta ưa tối tăm hơn ánh sáng, vì việc làm của con người rất xấu xa. Khuynh hướng của tâm hồn ta là những việc xấu xa.

"Của cải ở đâu" ngụ ý nói rằng ta đã đặt điều quý nhất của mình ở nơi nào, ta đã đặt mục tiêu của đời mình vào đâu. Nếu mục tiêu của đời mình là giầu có, sang trọng, danh vọng trong đời này, thì mình sẽ chạy theo cho đến cùng. Thật ra chẳng mấy ai bỏ loại mục tiêu này. Vì ai chẳng muốn sung sướng trong đời.

"Của cải ở đâu thì lòng ở đó" có nghĩa là khi đã đặt xong mục tiêu của đời mình thì mỗi người sẽ luôn luôn suy nghĩ về mục tiêu đó mà không thể nào làm gì khác được.

Tiếc thay, Chúa đã nói: Đừng dồn chứa của cải ở dưới đất là nơi có sâu mối ten rét làm hư. Nếu dồn chứa của cải ở dưới đất. Nếu đặt hết trọng tâm của đời mình là khai thác vật chất, thỏa mãn thân xác, thì chúng ta đang chờ đợi hư vong. Vì những gì đang có mặt chung quanh ta đều sẽ theo luật tự nhiên mà bị đào thải.

Nếu tấm lòng ta đặt trọn vào những gì sẽ hư hỏng tàn tạ thì thật là uổng phí, vì ta sẽ mất tất cả.

Nhưng nếu lòng ta đặt vào những của cải đã dồn chứa trên trời, nghĩa là ta đã tìm thấy các giá trị thật và đeo đuổi, thì ta sẽ không bao giờ bị mất.

Khuynh hướng của tấm lòng sẽ dẫn ta hoặc đến chỗ hư vong hoặc đến chỗ vinh quang vĩnh hằng.

3. Áp dụng cho thực tế.

Thật ra lời Chúa rất thực tế. Chúa không dạy một triết lý cao xa, nhưng cho ta thấy trước mắt hai con đường để lựa chọn.

Ta có thể sống trong vật chất, đặt tất cả cuộc đời mình vào những gì tạm thời trong đời, và quên tất cả lễ nghĩa, đạo đức, lòng thờ kính Chúa, tình thương yêu người, cốt sao có nhiều tiền, giàu sang, danh vọng, để rồi khi từ bỏ cõi đời, để lại tất cả.

Hay ta chỉ sử dụng những gì ta có như kẻ qua đường, nghĩa là tất cả đều chỉ có giá trị tiện nghi, sống qua ngày tháng. Nhưng chú trọng các giá trị không phai tàn hư hỏng là đức tin, hi vọng, tình thương.

Đức tin nơi Chúa với đời sống thánh thiện, xa lánh tội ác.

Hi vọng vào một cuộc sống bất diệt hưởng trọn ý nghĩa của cuộc đời trong vinh quang vĩnh hằng sau này.

Đem tình thương Chúa ban phát cho đồng bào, đồng loại để nước Chúa rộng mở và vô số người thoát khỏi tội ác mà được giải phóng thật.

Của cải của bạn là gì? Có phải vật chất chăng? Hay những gì tồn tại vĩnh hằng? Bạn có xây đắp cho mình một tương lai bền vững hay đang cất nhà trên những triền cát của cuộc đời?

Lòng bạn đang bị sức mạnh nào chế ngự? Chúa có đang làm chủ cuộc đời bạn hay những tham dục xấu xa, xui khiến bạn làm những chuyện đê hèn? Bạn có quyết tâm theo Chúa hay đang bị dằng co giữa Chúa và ma quỷ, giữa bóng tối và vùng ánh sáng?

Bạn thân mến, chính vì lợi ích của bạn mà những lời này được truyền đến bạn. Xin bạn đừng bỏ qua, vì Chúa Giê-xu đã hi sinh trên thập giá cũng vì để cứu bạn. Nếu bạn tin nhậnChúa và quyết tâm từ bỏ con đường hư vong, bạn sẽ thấy hạnh phúc thật.