Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 13

Người Thật Sự Thuộc Về Chúa

2:25-29

25 Thật thế, nếu ngươi làm theo luật pháp, thì phép cắt bì có ích; còn nếu ngươi phạm luật pháp, thì dầu chịu cắt bì cũng như không. 26 Vậy nếu kẻ chưa chịu cắt bì giữ các điều răn của luật pháp, thì sự chưa chịu cắt bì đó há chẳng cầm như đã chịu sao? 27 Kẻ vốn không chịu cắt bì, mà làm trọn luật pháp, sẽ đoán xét ngươi, là kẻ dẫu có chữ của luật pháp và phép cắt bì, lại phạm luật pháp. 28 Vì người nào chỉ bề ngoài là người Giu-đa, thì không phải là người Giu-đa, còn phép cắt bì làm về xác thịt ở ngoài, thì không phải là phép cắt bì; 29 nhưng bề trong là người Giu-đa mới là người Giu-đa, phép cắt bì bởi trong lòng, làm theo cách thiêng liêng, không theo chữ nghĩa, mới là phép cắt bì thật. Một người Giu-đa như vậy được khen ngợi, chẳng phải bởi loài người, bèn là bởi Đức Chúa Trời.

1. “Phép cắt bì” là phép gì? Xin đọc thêm Sáng-thế Ký 17:9-14 và cho biết ý nghĩa của phép cắt bì.

2. Phao-lô muốn nhấn mạnh điều gì khi đối chiếu giữa phép cắt bì và việc giữ luật pháp trong các câu nầy?

3. Chúng ta có thể so sánh phép cắt bì với điều gì ngày nay?

4. Chúng ta có thể chủ trương chỉ giữ đạo bề trong mà không cần giữ những lễ nghi tôn giáo bề ngoài không? Tại sao?

5. Xin đọc lại chú thích ở Sáng-thế Ký 29:35 và cho biết “Giu-đa” nghĩa là gì? Với ý nghĩa đó, xin cho biết dụng ý của Phao-lô khi ông dùng chữ “khen ngợi” trong câu 29b.

6. Theo tiêu chuẩn của Chúa, nếp sống hiện tại của Bạn đang được ai khen ngợi: loài người hay Đức Chúa Trời?

 

Tiếp tục nói với người Do-thái là những người hãnh diện về “luật pháp” và “phép cắt bì,” Phao-lô cho biết vâng giữ luật pháp mới là điều quan trọng, còn có luật và chịu phép cắt bì là những việc bề ngoài, không có giá trị trước mặt Chúa.

“Phép cắt bì” là nghi lễ cắt bao qui đầu cho các em bé trai khi sinh ra được tám ngày. Chính Đức Chúa Trời đã thiết lập lễ cắt bì trong đời tổ tiên người Do-thái là Áp-ra-ham và bảo ông phải truyền dạy lại cho con cháu. Một số dân tộc khác trong vùng Trung Đông cũng cắt bì cho trẻ em nhưng chỉ với người Do-thái, lễ nầy mang một ý nghĩa đặc biệt; vì đó là dấu hiệu của giao ước mà Chúa đã lập với người Do-thái (Sáng thế ký 17:9-14). Vì thế, người Do-thái rất hãnh diện và cho rằng có dấu hiệu cắt bì là đủ, không cần vâng giữ luật pháp. Tuy nhiên, Phao-lô cho biết rằng đối với Chúa, giữ luật mới là điều quan trọng. Nếu một người mang dấu hiệu tuyển dân của Chúa (chịu phép cắt bì) nhưng không vâng giữ luật pháp thì người ấy cũng chẳng khác gì dân ngoại. Ngược lại, dù một người không có dấu hiệu tuyển dân của Chúa (không chịu cắt bì) nhưng vâng giữ luật pháp; đối với Chúa, người đó có giá trị như một người Do-thái chính gốc (“kẻ chưa chịu cắt bì GIỮ các điều răn của luật pháp thì sự chưa chịu cắt bì đó há chẳng cầm như ĐÃ CHỊU sao?” c. 26). Vì vậy, sinh ra làm người Do-thái hay mang dấu hiệu cắt bì không quan trọng cho bằng vâng giữ luật pháp của Chúa (c. 29).

Từ ngữ “Giu-đa” hay “Do-thái” nguyên văn là “khen ngợi” (Sáng thế ký 29:35); vì thế, phần cuối câu 29 là một lối chơi chữ. Câu nầy có thể hiểu như sau: “Người Do-thái là người được khen ngợi, nhưng sự khen ngợi đó không phải của người nhưng của Chúa!”

Phân đoạn nầy cũng áp dụng thật rõ ràng cho người tin Chúa. Ngày nay chúng ta cũng có những nghi lễ tương đương với phép cắt bì ngày xưa, như lễ báp-têm, gia nhập giáo hội, đi nhà thờ, kiêng ăn, đọc Kinh Thánh, cầu nguyện v.v... tức là những hình thức của tôn giáo. Một người có thể khoác lên bên ngoài những hình thức đó nhưng nếu không vâng lời Chúa dạy, người ấy vẫn không có giá trị gì trước mặt Chúa. Điều quan trọng là con người bên trong, là lòng tin chân thành của chúng ta với Chúa. Chúng ta có thật tin Chúa và vâng giữ lời Ngài không? Người khác có thể nhìn thấy bề ngoài và khen chúng ta, nhưng sự khen ngợi của loài người không quan trọng bằng sự thật bên trong là điều chỉ một mình Chúa nhìn thấy. Khi Chúa nhìn con người thật của Bạn, Bạn có còn được khen không?