Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 15

Lý Luận Của Tội Nhân

3:5-8

5 Song nếu sự không công bình của chúng ta tỏ ra sự công bình của Đức Chúa Trời, thì sẽ nói làm sao? Khi Đức Chúa Trời giáng cơn giận thì Ngài không công bình sao? (Tôi nói như cách người ta nói) 6 Chẳng hề như vậy! Nếu vậy thì Đức Chúa Trời đoán xét thế gian thể nào? 7 Nhưng, nếu lẽ thật Đức Chúa Trời bởi sự nói dối của tôi mà được sự vinh hiển lớn hơn, thì sao tôi còn bị đoán xét như kẻ có tội? 8 Vậy thì, sao chúng ta không làm sự dữ cho được sự lành, như kẻ gièm pha đã cáo và quyết rằng chúng ta dạy điều ấy? Sự đoán phạt những người đó là công bình.

1. Câu 5-7 gồm hai câu hỏi và hai câu trả lời. Xin cho biết hai câu hỏi và hai câu trả lời đó là gì? (Người hướng dẫn có thể cho một người đọc câu hỏi và một người đọc câu trả lời để thấy rõ hơn).

2. Tại sao Phao-lô phải thêm vào câu “Tôi nói như người ta nói”? (c. 5b)

3. Nếu có người đặt câu hỏi như trong câu 5, Bạn sẽ trả lời như thế nào?

4. Có khi nào Bạn lý luận như trong câu 7 không? Lý luận như vậy có đúng không? Tại sao?

5. Xin người hướng dẫn cho đọc lại phần Kinh Thánh nầy theo Bản Diễn Ý (bên dưới) và đặt câu hỏi: Phân đoạn Kinh Thánh nầy dạy hay nhắc ta điều gì?

 

Vì vấn đề Phao-lô trình bày có vẻ khô khan nên ông đã tự đặt câu hỏi rồi trả lời để lôi cuốn sự chú ý của người đọc và cũng để giúp cho vấn đề ông nói trở thành dễ hiểu hơn. Hai câu hỏi trong phần chúng ta vừa đọc nằm trong câu 5 và 7.

Câu 5: Một số người lý luận: “Đức Chúa Trời bất công khi hình phạt loài người, vì nhờ tội lỗi của loài người mà đức công chính của Đức Chúa Trời được nổi bật.” Trước lập luận đó, Phao-lô trả lời: “Chẳng hề như vậy! Nếu vậy thì Đức Chúa Trời đoán xét thế gian thể nào?” (c. 6). Phao-lô muốn nói: “Không thể nói như vậy được, vì loài người là tội lỗi, còn Đức Chúa Trời là công chính. Nếu nhờ tội lỗi của loài người mà đức công chính của Đức Chúa Trời nổi bật thì cũng có nghĩa là Đức Chúa Trời không thể xét xử ai được cả (người bất công thì phân xử ai?)

Câu 7: Tương tự như lý luận trong câu 5, có một số người cho rằng nhờ tội của loài người mà chân lý của Chúa được sáng tỏ, vậy tại sao Chúa lại xét xử người có tội vì họ đã giúp chân lý của Chúa được bày tỏ rõ ràng? Dựa vào lý luận nầy, những người đó chủ trương rằng nên phạm tội để được kết quả tốt (“làm sự dữ cho được sự lành”). Một số người khác lại nói rằng chính sứ đồ Phao-lô đã dạy như vậy (c. 8). Trước những lối lập luận vô lý trên, Phao-lô đã không trả lời nhưng chỉ cho biết những người nói như thế sẽ bị hình phạt và hình phạt họ phải chịu là công bằng (c. 8b).

Bản Diễn Ý dịch lại cả phần trên như sau:

5 Nếu tội lỗi chúng ta làm nổi bật đức công chính của Đức Chúa Trời, có phải Ngài bất công khi hình phạt chúng ta không? (Nói theo lập luận của một vài người). 6 Tuyệt đối không! Vì nếu Đức Chúa Trời bất công thì còn xét xử được ai? 7 Cũng theo lập luận trên, có người thắc mắc: nếu sự lừa dối của tôi làm sáng tỏ đức chân thật của Đức Chúa Trời, sao tôi còn bị Ngài xét xử như người có tội? 8 Lập luận kiểu ấy, chẳng khác gì bảo “Gieo ác sẽ gặp thiện!” Thế mà có người dám nói chúng tôi cũng giảng dạy như thế! Họ bị hình phạt thật công bằng (La-mã 3:5-8)

Có người khi phạm tội thường đổ lỗi cho hoàn cảnh. Cũng có người cho rằng “vì Chúa” mà họ phạm tội. Những người nói như vậy không biết gì về bản tính thánh khiết và công bình của Chúa. Chúng ta cần nhắc nhở chính mình rằng Chúa là Đấng thánh khiết và công bình, chúng ta không thể phạm tội rồi lý luận với Chúa để thoát khỏi hình phạt. Luật sư ở các tòa án có thể dùng tài hùng biện để người có tội được trắng án hay được giảm hình phạt. Tuy nhiên, đối với Đức Chúa Trời là quan tòa nghiêm minh và công chính, chỉ có một cách duy nhất để người có tội được tha thứ, đó là tin vào Chúa Giê-xu, Con của Ngài.