Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 16

Mọi Người Đều Phục Dưới Quyền Tội Lỗi

3:9-20

9 Thế nào! Chúng ta có điều gì hơn chăng? Chẳng có, vì chúng ta đã tỏ ra rằng người Giu-đa và người Gờ-réc thảy đều phục dưới quyền tội lỗi, 10 như có chép rằng: Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không. 11 Chẳng có một người nào hiểu biết, chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời. 12 Chúng nó đều sai lạc cả, thảy cùng nhau ra vô ích; Chẳng có một người làm điều lành, dẫu một người cũng không. 13 Họng chúng nó như huyệt mả mở ra; dùng lưỡi mình để phỉnh gạt. Dưới môi chúng nó có nọc rắn hổ mang. 14 Miệng chúng nó đầy những lời nguyền rủa và cay đắng. 15 Chúng nó có chân nhẹ nhàng đặng làm cho đổ máu. 16 Trên đường lối chúng nó rặc những sự tàn hại và khổ nạn, chúng nó chẳng hề biết con đường bình an. 18 Chẳng có sự kính sợ Đức Chúa Trời ở trước mặt chúng nó. 19 Vả, chúng ta biết rằng những điều mà luật pháp nói, là nói cho mọi kẻ ở dưới luật pháp, hầu cho miệng nào cũng phải ngậm lại, cả thiên hạ đều nhận tội trước mặt Đức Chúa Trời; 20 vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà sẽ được xưng công bình trước mặt Ngài, vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi.

1. Phân đoạn nầy gồm một câu hỏi và một câu trả lời. Xin cho biết câu hỏi và câu trả lời gồm trong những câu nào?

2. Chữ “chúng ta” trong câu 9 chỉ về ai? Chữ “họ” chỉ về ai?

3. Câu 10 đến 18 mô tả tình trạng tội ác của con người. Xin phân loại các tội trong phần nầy.

4. Dựa vào câu 19-20, xin cho biết mục đích của luật pháp.

5. Tại sao Phao-lô chỉ nói về vấn đề tội lỗi trong phần từ 1:18 đến 3:20?

6. Chúng ta đã tin nhận Chúa, đã được tha tội thì phân đoạn Kinh Thánh nầy có lợi ích gì cho chúng ta? Chúng ta áp dụng như thế nào?

 

Trong hai bài học vừa qua chúng ta thấy Phao-lô đưa ra một số câu hỏi rồi tự trả lời những câu hỏi đó. Phần Thánh Kinh nầy cũng tương tự như thế, câu 9 là câu hỏi và câu 10-20 là câu trả lời. Chữ “chúng ta” trong câu 9 chỉ về người Do-thái. Phao-lô đặt câu hỏi: “Vậy người Do-thái có lương thiện hơn các dân tộc khác không?” (Bản Diễn Ý), và câu trả lời: “Hẳn là không, vì như chúng ta vừa trình bày, người Do-thái và người nước ngoài đều có tội” (Bản Diễn Ý). Trong phần còn lại, Phao-lô trích các câu trong Cựu Ước để cho thấy trên trần gian nầy không có một người nào vô tội. Dưới cái nhìn của luật pháp (Kinh Thánh Cựu Ước), mọi người đều có tội. Trước tiêu chuẩn của Chúa, không ai có thể cho mình là trong sạch. Những câu Phao-lô trích cho thấy con người đầy tội lỗi, từ bản tính (c. 10-12) đến lời nói (c.13-14) và việc làm (c. 15-18).

Người Do-thái hãnh diện vì họ có luật pháp, nhưng Phao-lô cho biết luật pháp “cho người ta BIẾT tội lỗi” chứ không thể CỨU con người khỏi tội lỗi. Như vậy, từ 1:18 đến 3:20 Phao-lô đã chứng minh cho ta thấy một điều, đó là mọi người đều có tội. Người Do-thái phạm tội vì không giữ trọn luật pháp của Chúa, người ngoại phạm tội vì thờ hình tượng và mê đắm trong những tật hư, thói xấu.

Nhiều người ngày nay rất hãnh diện về tôn giáo của mình, cũng thường tự hào về quá trình tu trì của mình. Nhưng nếu thành thật với chính mình, tất cả phải công nhận rằng dù con người có lương tâm hay ý thức đạo đức Trời cho, lương tâm hay ý thức đạo đức đó không thể cứu hoặc giúp chúng ta hoàn thiện. Lương tâm chỉ giúp cho bản thân chúng ta càng thấy rõ mình không phải là người trọn vẹn chứ chúng ta không thể nhờ những nhận thức đó mà trở nên vô tội. Thật ra, lương tâm hay ý thức đạo đức chỉ phần nào giúp cho ta thấy bản chất hư hoại tội lỗi của con người mà thôi.

Thư Rô-ma nói về Phúc Âm. Phúc Âm là Tin Mừng cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho nhân loại. Tuy nhiên, trước khi con người thật sự thấy Phúc Âm là Tin Mừng, con người phải thấy rõ là mình đang ở trong tình trạng tội lỗi tuyệt vọng, vô phương tự cứu. Đó cũng chính là mục đích của Phao-lô khi viết phân đoạn nầy. Vì thế khi trình bày Phúc Âm, chúng ta nên trước hết trình bày về tình trạng tội lỗi của con người, vì chỉ khi nào nhìn nhận tình trạng đó, người ta mới bằng lòng đến với Chúa để được cứu. Phân đoạn Thánh Kinh nầy chẳng những giúp ta biết cách trình bày về Chúa cho người khác, nhưng cũng nhắc ta về bản tính tội lỗi của con người, để chúng ta cẩn thận, nhờ Chúa giúp ta chiến thắng mỗi ngày hầu không trở về với đời sống tội lỗi cũ.