Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 18

Mọi Người Đều Đã Phạm Tội

3:23-26

23 Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, 24 và họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Giê-xu Christ, 25 là Đấng Đức Chúa Trời đã lập làm của lễ chuộc tội, bởi đức tin trong huyết Đấng ấy. Ngài đã bày tỏ sự công bình mình như vậy, vì đã bỏ qua các tội phạm trước kia, 26 trong buổi Ngài nhịn nhục; tức là Ngài đã tỏ sự công bình Ngài trong thời hiện tại, tỏ ra mình là công bình và xưng công bình kẻ nào tin đến Đức Chúa Giê-xu.

1. Xin giải thích câu: “Thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.”

2. Bạn hiểu chữ “xưng công bình” như thế nào, xin giải thích.

3. “Nhưng không” nghĩa là gì?

4. Tại sao Phao-lô không nói “đức tin trong Chúa Giê-xu” mà ông lại nói “đức tin trong huyết của Chúa Giê-xu” (c. 25). Huyết của Chúa chỉ về điều gì?

5. Trong phần nầy, Phao-lô dùng hai từ khác nhau để mô tả sự cứu rỗi: xưng công bình và chuộc tội. Xin cho biết những điểm giống và khác nhau của hai từ nầy.

6. Chúa đã “xưng công bình” và đã “chuộc” chúng ta, chúng ta nên bày tỏ thái độ như thế nào đối với Chúa?

 

Rô-ma 3:23 là một câu Kinh Thánh rất quen thuộc, nói lên tình trạng bi đát của con người nếu không được Chúa ban ơn cứu rỗi. “Mọi người đều đã phạm tội,” đây là một thực trạng không ai chối cãi được. Dù là người dân nước nào, sống ở đâu, trong tình trạng kinh tế, đạo đức thế nào... trước mặt Chúa, tất cả đều có tội. Đối với Chúa, tất cả mọi người đều đã “thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời,” nghĩa là vinh quang của Chúa không còn thể hiện qua loài người. Vì sống trong tình trạng tội lỗi, con người không còn phản ánh vẻ đẹp và đức thánh khiết của Chúa. Nhìn vào con người, ta không còn thấy một chút nào bản tính thánh khiết và công bình của Đức Chúa Trời (“không còn phản chiếu vinh quang Đức Chúa Trời,” Bản Diễn Ý).

Theo cách suy nghĩ thông thường của chúng ta, một số tội có vẻ như nặng hơn một số khác vì hậu quả hiển nhiên của chúng có phần nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn tội sát nhân theo cách nhìn của chúng ta thì có vẻ tệ hại hơn là tội ganh ghét và tà dâm thì có vẻ tệ hại hơn là lòng tham. Nhưng điều này không có nghĩa là người nào phạm tội ít hơn thì xứng đáng được sự sống đời đời. Tội lỗi khiến con người trở thành tội nhân và mọi tội đều khiến chúng ta bị phân cách với Đức Chúa Trời thánh khiết. Do đó, mọi tội lỗi đều dẫn đến sự chết (vì nó làm cho chúng ta không hội đủ điều kiện để được sống với Đức Chúa Trời) bất kể tội nặng hay nhẹ, lớn hay nhỏ. Xin đừng thu nhỏ các tội “nhỏ” hoặc phóng to các tội “lớn.” Tất cả mọi tội lỗi đều phân cách chúng ta với Đức Chúa Trời, nhưng trong ơn thương xót và ơn cứu chuộc lớn lao của Chúa, tất cả những tội đó đều có thể được tha thứ.

Một từ ngữ quan trọng sứ đồ Phao-lô dùng trong phân đoạn nầy là “xưng công bình.” Phao-lô viết: “Họ nhờ ân điển Ngài mà được XƯNG CÔNG BÌNH nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Giê-xu” (c. 24). “Ân điển” là ơn được ban cho dù người nhận không xứng đáng. Chúa chịu chết để cứu chúng ta không phải vì chúng ta xứng đáng, nhưng chỉ vì Chúa yêu thương. Lẽ ra chúng ta phải chịu hình phạt, nhưng Chúa đã thương và cứu chúng ta. “Xưng công bình” nghĩa là kể là công bình, kể là vô tội. Đây là danh từ pháp lý. “Xưng công bình” là phán quyết của quan tòa, tuyên bố một người được trắng án. Chúng ta được trắng án không phải vì chúng ta vô tội nhưng vì Chúa Giê-xu đã chịu tội thế cho chúng ta, thỏa mãn công lý của Đức Chúa Trời. Bởi ân sủng của Chúa, chúng ta được kể là công chính dù trong thực tế chúng ta là tội nhân. Khi một người đặt lòng tin nơi Chúa Giê-xu, nơi cái chết thay thế của Ngài, Đức Chúa Trời kể như người đó đã chịu hình phạt, do đó không còn phải lãnh án phạt nữa và Ngài tuyên bố người đó được trắng án (được “xưng công bình). “Nhưng không” nghĩa là cho không, không phải mua, không phải trả tiền. Chúng ta không thể làm một điều gì hay trả một giá nào để mua sự “xưng công bình.”

Song song với “xưng công bình” là “chuộc tội”: “Bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Giê-xu Christ.” “Xưng công bình” là danh từ pháp lý còn “chuộc tội” là danh từ dùng trong việc mua bán nô lệ. Trong Cựu Ước, khi một người bị bán làm nô lệ, sau đó có người mua lại để phóng thích, đó là trường hợp của một người được “chuộc” (Lê-vi ký 25:47-55). Con dân Chúa được giải phóng khỏi ách nô lệ tại Ai-cập, Kinh Thánh nói họ đã được “chuộc lại” (Xuất 15:13). Trường hợp sau khi bị đày ở Ba-by-lôn cũng vậy. Chúa phán: “Ta đã chuộc ngươi” (Ê-sai 43:1). Cũng vậy, chúng ta là nô lệ, là phu tù, ở trong gông cùm tội lỗi và Chúa Giê-xu đã chịu chết để chuộc chúng ta khỏi nô lệ và xiềng xích đó.

Chúa Giê-xu “là Đấng Đức Chúa Trời đã lập làm của lễ chuộc tội.” “Của lễ chuộc tội” nói đến của lễ mà qua đó Đức Chúa Trời thánh khiết có thể nguôi cơn giận của Ngài vì tội lỗi để xưng chúng ta là công bình và chuộc chúng ta khỏi vòng nô lệ của tội lỗi.

ÁP DỤNG

1. Nhiều người trong chúng ta vẫn nghĩ rằng mình có nhiều điểm tốt và có phần khá hơn người khác vì chỉ phạm những tội “nhỏ.” Nhưng sứ đồ Phao-lô khẳng định cho thấy, không ai được miễn trừ, chúng ta đều là tội nhân. Điều đó đem chúng ta đến chỗ biết mình cần ơn cứu chuộc của Chúa.

2. Ơn cứu chuộc đã được “làm trọn” trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, đây là ơn lớn dành cho những tội nhân như chúng ta.

3. Mỗi chúng ta có thể vui mừng vì Lời Chúa cho biết nhờ đức tin đến Chúa Cứu Thế Giê-xu, ta có thể tiếp nhận ơn tha thứ và ơn cứu chuộc của Đức Chúa Trời vì Chúa Cứu Thế Giê-xu đã thay cho tất cả chúng ta chịu chết đền tội trên cây thập tự. Ơn cứu chuộc đó đã ban cho ta “nhưng không” để bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể nhận được.

4. Nếu đã tin nhận Chúa, dựa trên Lời Chúa bày tỏ hôm nay, chúng ta biết mặc dù mình là tội nhân đáng chết, nhưng đã được kể là công chính trước mặt Đức Chúa Trời. Trong niềm vui đó, chúng ta có thể hướng dẫn người khác đến chỗ nhận biết Chúa và tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa như chúng ta.