Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 19

Nhờ Đức Tin Để Được Cứu

3:27-31

27 Vậy thì sự khoe mình ở đâu? Đã bị trừ bỏ rồi. Bởi luật pháp nào? Luật pháp của việc làm chăng? Không phải, nhưng bởi luật pháp của đức tin; 28 vì chúng ta kể rằng người ta được xưng công bình bởi đức tin, chớ không bởi việc làm theo luật pháp. 29 Hay là, Đức Chúa Trời chỉ là Đức Chúa Trời của dân Giu-đa sao? Há chẳng phải cũng là Đức Chúa Trời của dân ngoại ư? Phải, Ngài cũng là của dân ngoại nữa; 30 vì chỉ có một Đức Chúa Trời, là Đấng làm cho kẻ chịu cắt bì được xưng công bình bởi đức tin, cũng làm cho kẻ không chịu cắt bì được xưng công bình bởi đức tin nữa. 31 Vậy, chúng ta nhơn đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp.

1. Xin gạch dưới bốn câu hỏi được Phao-lô nêu lên trong phân đoạn nầy? (Nếu học Kinh Thánh trong một nhóm, xin người hướng dẫn chọn hai người: một người đọc các câu hỏi và một người đọc các câu trả lời).

2. Trong câu hỏi thứ nhất: “Sự khoe mình ở đâu?” Phao-lô trả lời: “Đã bị trừ bỏ rồi!” Khoe mình nghĩa là gì, và bị trừ bỏ nghĩa là thế nào?

3. Chữ “luật pháp” trong câu 27b nghĩa là gì?

4. Hai điều Phao-lô đối chiếu trong câu 28 là gì? Như vậy, điểm khác biệt giữa đạo Chúa và các tôn giáo khác là gì?

5. Câu hỏi và câu trả lời thứ ba (c. 29-30) cho thấy quan hệ gì giữa người Do-thái và dân ngoại?

6. Câu 31 cho thấy quan hệ gì giữa đức tin và luật pháp?

7. Chúng ta đã tin Chúa để được cứu, nhưng làm thế nào để đức tin tăng trưởng mỗi ngày?

 

Trong phân đoạn chúng ta vừa đọc, Phao-lô nêu lên bốn vấn đề bằng cách trả lời 4 câu hỏi ông đã đặt ra. Chúng ta sẽ lần lượt phân tích 4 vấn đề ấy.

1. Vậy thì sự khoe mình ở đâu? Trong thời của sứ đồ Phao-lô cũng như ngày nay, có nhiều người thường nói rằng: nếu chỉ cần TIN Chúa là được cứu thì có vẻ vô lý và khó chấp nhận quá, ít ra chúng ta cũng phải làm một điều gì đó để đóng góp vào sự cứu rỗi chứ! Để trả lời những người đó, Phao-lô cho biết không bao giờ có chuyện con người đóng góp vào sự cứu rỗi để dựa vào đó mà tự hào, khoe khoang và kể công với Chúa. Câu: “Đã bị trừ bỏ rồi” có nghĩa là việc đó đã bị dẹp sang một bên rồi. Hai hình ảnh Phao-lô dùng trong câu 24 và 25 giúp chúng ta thấy rõ điều nầy hơn: chúng ta là tử tội đáng chết nhưng đã được trắng án, là nô lệ nhưng đã được chuộc và được trả tự do. Do đó, chúng ta không có gì và không thể làm gì để hãnh diện là mình đã góp phần vào ơn cứu rỗi của Chúa.

2. Bởi luật pháp nào? Luật pháp của việc làm chăng? Tùy từng văn mạch, từ ngữ “luật pháp” trong thư Rô-ma có những ý nghĩa khác nhau. Trong trường hợp nầy, “luật pháp” không chỉ về luật pháp Môi-se nhưng về một nguyên tắc hay một định luật mà sự việc xảy ra, dựa trên nguyên tắc hay định luật đó. Câu hỏi đầu tiên của Phao-lô là: “Chúng ta có lý do gì để tự hào về sự cứu rỗi của mình không?” Câu trả lời là không. Và Phao-lô hỏi tiếp: “Tại sao lại không có lý do gì để tự hào? Dựa trên định luật nào mà bảo là không? Định luật được cứu rỗi bởi công đức phải không?” Câu trả lời của Phao-lô là: “Không phải dựa vào định luật được cứu bởi công đức, nhưng dựa vào định luật được cứu bởi đức tin” (c. 28). Ý của Phao-lô là: con người được cứu nhờ đức tin chứ không phải nhờ công đức. Đây là khác biệt lớn nhất giữa đạo Chúa và các tôn giáo khác. Các tôn giáo khác dạy ta phải LÀM điều nầy, điều kia để được cứu, đạo của Chúa dạy ta chỉ cần TIN là được cứu.

3. Đức Chúa Trời chỉ là Đức Chúa Trời của dân Giu-đa sao? Há chẳng phải cũng là Đức Chúa Trời của dân ngoại ư? Người Do-thái thường tự hào về luật Môi-se, họ nghĩ rằng nhờ vâng giữ luật đó họ sẽ được cứu và vì chỉ một mình người Do-thái có bộ luật đó nên họ cũng nghĩ rằng chỉ một mình dân tộc Do-thái được cứu. Tuy nhiên, Phao-lô cho biết suy nghĩ như thế là sai, vì dù là người Do-thái hay không phải là Do-thái, tất cả đều phải tin Chúa Giê-xu mới được cứu. Đức tin là căn bản chung cho mọi người, do đó không còn phân biệt giữa người Do-thái và người nước khác nữa.

4. Vậy, chúng ta nhơn đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Theo lý luận của Phao-lô trong phần trên, một số người sẽ thắc mắc: nếu tất cả mọi người chỉ nhờ đức tin được cứu thì đâu còn cần đến luật pháp nữa, như vậy, vì đức tin mà hủy bỏ luật pháp hay sao? Có lẽ chúng ta nghĩ Phao-lô sẽ trả lời: “Đúng như thế, chúng ta không cần đến luật pháp nữa!” Trái lại, Phao-lô nói: “Chẳng bao giờ! Ngược lại, nhờ đức tin mà luật pháp được vững vàng” (c. 31, Bản Diễn Ý). Nói như thế có nghĩa là nhờ tin Chúa, chúng ta có thể tuân giữ luật Chúa cách dễ dàng. Chúa đặt luật cho con người, nhưng con người đã không tuân giữ được, bây giờ nhờ tin vào Chúa Giê-xu ta sẽ vâng giữ được luật ấy. Như vậy, đức tin xây dựng và củng cố luật pháp chứ không hủy bỏ luật pháp.

Vấn đề chính Phao-lô muốn nhấn mạnh trong phần Thánh Kinh nầy là ĐỨC TIN. (1) Đức tin là điều kiện duy nhất để ta được cứu. (2) Đức tin xóa bỏ mọi khác biệt giữa người Do-thái và các dân tộc khác. (3) Đức tin giúp ta vâng giữ luật pháp Chúa và làm vui lòng Ngài. Bạn đã tin Chúa và đã được cứu, nhưng Bạn có sống bằng đức tin mỗi ngày để làm vui lòng Chúa không?