Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 20

Áp-ra-ham Được Công Chính Nhờ Đức Tin

4:1-8

1 Vậy, chúng ta sẽ nói Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, theo xác thịt đã được ích gì? 2 Thật thế, nếu Áp-ra-ham đã được xưng công bình bởi việc làm, thì có cớ khoe mình; nhưng trước mặt Đức Chúa Trời không có như vậy. 3 Vì Kinh Thánh có dạy chi? Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và điều đó kể là công bình cho người. 4 Vả, đối với kẻ nào làm việc, thì tiền công không kể là ơn, nhưng kể như là nợ, 5 còn kẻ chẳng làm việc chi hết, nhưng tin Đấng xưng người có tội là công bình, thì đức tin của kẻ ấy kể là công bình cho mình. 6 Ấy vậy, vua Đa-vít cũng tỏ ra cái phước của người mà Đức Chúa Trời kể cho là công bình chẳng bởi việc làm, mà rằng: 7 Phước thay cho kẻ, lỗi mình được tha thứ, tội mình được che đậy! 8 Phước thay cho người mà Chúa chẳng kể tội lỗi cho!

1. Hai nhân vật Cựu Ước Phao-lô nhắc đến trong phân đoạn nầy là ai?

2. Xin đọc lại Sáng thế ký 15:1-6 và giải thích câu: “Áp-ra-ham TIN Đức Chúa Trời.” Chữ “tin” ở đây nghĩa là gì?

3. Xin tóm tắt lại ý nghĩa câu 4 và 5 bằng lời riêng của Bạn.

4. Tại sao được tha thứ là một ơn phước (c. 7-8)?

5. Bạn có kinh nghiệm như Áp-ra-ham và Đa-vít trong phân đoạn nầy không? Xin cho biết kinh nghiệm đó.

 

Trong bài học trước, sứ đồ Phao-lô trình bày người Do-thái lẫn Dân Ngoại đều nhờ đức tin được kể là công chính trước măt Đức Chúa Trời. Không ai có thể lên mình kiêu ngạo khi được hưởng ơn cứu rỗi, vì không phải do công sức hay việc làm của con người. Để thuyết phục người nhận thư Rô-ma về nguyên tắc “người ta được cứu chỉ nhờ đức tin,” sứ đồ Phao-lô trích dẫn trường hợp của Áp-ra-ham.

Phân đoạn Thánh Kinh nầy nói về Áp-ra-ham, ông tổ của người Do-thái. Người Do-thái rất tự hào được gọi là con cháu Áp-ra-ham cho nên Phao-lô dùng Áp-ra-ham làm ví dụ về trường hợp một người được cứu bởi đức tin. Nhấn mạnh đức tin của Áp-ra-ham, Phao-lô không có ý nói rằng luật pháp của Đức Chúa Trời không quan trọng mà muốn nói rằng người ta không thể nào được cứu chỉ nhờ giữ luật pháp (4:13: “Vả, ấy chẳng phải bởi luật pháp mà có lời hứa cho Áp-ra-ham hoặc dòng dõi người lấy thế gian làm gia nghiệp, bèn là bởi sự công bình của đức tin”). Sứ đồ Phao-lô cho độc giả thấy rằng người Do-thái muốn nhờ vào luật pháp để được xưng công bình, nhưng chính Áp-ra-ham, tổ tiên của họ, đã nhờ đức tin được xưng công bình. Phao-lô nói, “Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta theo xác thịt” nghĩa là Áp-ra-ham là tổ phụ chúng ta về phần xác, theo huyết thống. (“Chúng ta giải thích thế nào về trường hợp Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta?” BDY).

Phao-lô nhắc lại từ ngữ “khoe mình,” với ý nghĩa tự hào, hãnh diện. Khi cố gắng dùng sức mình để đạt được một điều gì ta thường hãnh diện, khoe khoang, còn khi người khác làm ơn cho ta thì ta kể mình là người thọ ơn, chẳng có gì để khoe cả. “Áp-ram tin Đức Giê-hô-va, thì Ngài kể sự đó là công bình cho người” (Sáng thế ký 15:6). Phao-lô cũng dùng ví dụ về những người đi làm được lãnh tiền công để giải thích vấn đề rõ ràng hơn. Ông nói, đối với người đi làm, tiền lương không phải là ân huệ nhưng là tiền người chủ có bổn phận phải trả. Ngược lại, nếu một người không đi làm nhưng được lãnh tiền thì tiền đó là ân huệ người ấy được hưởng. Tương tự như vậy, Áp-ra-ham đã chẳng làm điều gì để được Chúa ban thưởng, ông chỉ tin lời Chúa hứa và nhận ơn của Chúa. Ơn đó là ơn tha tội, một phước hạnh vô giá như lời vua Đa-vít đã mô tả: “Phước thay cho kẻ lỗi mình được tha thứ, tội mình được che đậy! Phước thay cho người mà Chúa chẳng kể tội lỗi cho!”

Bài học chúng ta ghi nhận trong phần Thánh Kinh nầy là:

1. Được Chúa yêu thương cứu chuộc là một ân sủng vô điều kiện, vì thế đừng bao giờ tự hào về những việc lành hay công đức của mình.

2. Được tha tội là hạnh phúc lớn nhất trên đời.