Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 21

Được Xưng Công Bình Không Nhờ Phép Cắt Bì

4:9-12

9 Vậy, lời luận về phước đó chỉ chuyên về kẻ chịu cắt bì mà thôi sao? Cũng cho kẻ không chịu cắt bì nữa. Vả, chúng ta nói rằng đức tin của Áp-ra-ham được kể là công bình cho người. 10 Nhưng được kể thế nào? Khi người đã chịu cắt bì rồi, hay là khi người chưa chịu cắt bì? Ấy không phải sau khi người chịu cắt bì, bèn là trước. 11 Vậy, người đã nhận lấy dấu cắt bì, như dấu ấn của sự công bình mà người đã được bởi đức tin, khi chưa chịu cắt bì; hầu cho làm cha hết thảy những kẻ tin mà không chịu cắt bì, đặng họ được kể là công bình, 12 và cũng làm cha những kẻ chịu cắt bì, tức là cha những kẻ không những chịu cắt bì thôi, lại cũng noi theo dấu đức tin mà Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, đã có trước khi chưa chịu cắt bì vậy.

1. Xin xem Sáng thế ký 15:6 và 17:24 và cho biết Áp-ra-ham được kể là công chính trước hay sau khi chịu cắt bì? Điều đó nói lên ý nghĩa nào? Có liên quan gì đến việc được xưng công chính bởi luật pháp không? (câu 10)

2. Dấu cắt bì có ý nghĩa nào đối với Áp-ra-ham? (câu 11)

3. Theo câu 11b, là Cơ-đốc nhân, chúng ta được kể là dòng dõi của ai?

4. Người Do-thái phải làm gì để được kể là dòng dõi Áp-ra-ham đúng nghĩa? (câu 12)

 

Tiếp theo bài học trước, sứ đồ Phao-lô tiếp tục chứng minh Áp-ra-ham được kể là công chính không phải nhờ việc làm theo luật pháp mà nhờ đức tin. Hai ý chính Phao-lô trình bày trong phần Thánh Kinh chúng ta vừa đọc là:

1. Áp-ra-ham được kể là công bình trước khi chịu cắt bì.

2. Điều kiện để được làm con cháu Áp-ra-ham không phải là chịu cắt bì nhưng là có đức tin.

Phép cắt bì là một nghi lễ rất quan trọng đối với người Do-thái. Người chịu cắt bì cũng tương tự như người có chứng chỉ quốc tịch, chứng tỏ người ấy thật sự là người Do-thái. Thiếu dấu hiệu đó sẽ bị kể là người ngoại lai. Sở dĩ người Do-thái nhấn mạnh về phép cắt bì vì đó là dấu hiệu giao ước Chúa lập riêng với dân tộc họ và họ tin rằng có dấu hiệu đó họ không những không bị hình phạt mà còn được hưởng nhiều đặc ân của Chúa. Người Do-thái không thể nào chấp nhận việc người không chịu cắt bì lại có thể được hưởng ơn lành của Chúa. Họ cho rằng Áp-ra-ham ngày xưa được xưng công bình cũng là nhờ phép cắt bì. Vì lý luận đó, Phao-lô đã chứng minh rằng Áp-ra-ham ngày xưa được Chúa kể là người công bình khoảng mười ba năm trước khi ông chịu cắt bì (so sánh Sáng thế ký 15:6, 16:16 và 17:24). Điều nầy chứng tỏ Chúa ban ơn cho Áp-ra-ham không phải vì ông chịu cắt bì nhưng vì ông có đức tin. Phép cắt bì chẳng qua chỉ là dấu hiệu của việc xưng công bình mà Áp-ra-ham đã nhận được trước đó. Tóm lại, Phao-lô muốn chứng minh rằng: Áp-ra-ham được xưng công bình vì ông có đức tin chứ không phải vì ông là người Do-thái, vì ông đã được xưng công bình nên Chúa ban dấu hiệu cắt bì chứ không phải vì có dấu hiệu cắt bì mà ông được xưng công bình.

Sự kiện Áp-ra-ham được kể là người công bình trước khi chịu cắt bì cho thấy chúng ta không cần phải trở nên người Do-thái, tức là không cần phải chịu cắt bì mới được xưng công bình. Hơn nữa, vì có đức tin, chúng ta cũng có thể gọi Áp-ra-ham là ông tổ của chúng ta vì Áp-ra-ham “làm cha hết thảy những kẻ tin mà không chịu cắt bì” (c. 11). Áp-ra-ham cũng là ông tổ của người Do-thái, chẳng những vì họ chịu cắt bì, nhưng quan trọng hơn, vì họ cũng có đức tin như ông (c. 12). Do đó, điểm chung giữa người tin Chúa, người Do-thái và Áp-ra-ham là đức tin chứ không phải là phép cắt bì. Chúng ta không cần phải chịu phép cắt bì để được làm con cháu Áp-ra-ham nhưng chỉ cần có đức tin. Người Do-thái muốn được kể là con cháu thật của Áp-ra-ham cũng phải có đức tin chứ không phải chỉ chịu cắt bì là đủ. Từ những điều Phao-lô trình bày, ta có thể kết luận: Đối với Chúa, đức tin là điều quan trọng, những lễ nghi tôn giáo là điều thứ yếu.

ÁP DỤNG

1. Là người tin Chúa nhưng nếu quên rằng mình thuộc dòng dõi đức tin, chúng ta sẽ dễ đi đến chỗ cho rằng nhờ giữ những hình thức lễ nghi tôn giáo mà được cứu. Người tin Chúa cần phải có đời sống vâng phục Chúa bởi đức tin. Học gương đức tin của Áp-ra-ham và Lời Kinh Thánh hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta sống theo Chúa mỗi ngày với đức tin và mối tương giao sâu đậm nơi Chúa, chứ không chỉ với hình thức giữ đạo bề ngoài. Kinh Thánh dạy: “Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài” (Thư Hê-bơ-rơ 11:6).

2. Dù không phải là người Do-thái và dù chúng ta là những tội nhân xấu xa đến đâu, khi đã tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa trong đức tin chân thành, chúng ta được Đức Chúa Trời tiếp nhận và kể chúng ta là công chính. Thư Ga-la-ti 3:11 khẳng định: “Vả lại chẳng hề có ai cậy luật pháp mà được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời, điều đó là rõ ràng lắm, vì người công bình sẽ sống bởi đức tin.”