Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 23

Đặc Ân Của Người Tin Chúa

5:1-5

1 Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, 2 là Đấng đã làm cho chúng ta cậy đức tin vào trong ơn nầy là ơn chúng ta hiện đương đứng vững; và chúng ta khoe mình trong sự trông cậy về vinh hiển Đức Chúa Trời. 3 Nào những thế thôi, nhưng chúng ta cũng khoe mình trong hoạn nạn nữa, vì biết rằng hoạn nạn sanh sự nhịn nhục, 4 sự nhịn nhục sanh sự rèn tập, sự rèn tập sanh sự trông cậy. 5 Vả, sự trông cậy không làm cho hổ thẹn, vì sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta.

1. Tựa đề của phân đoạn Kinh Thánh nầy là “Kết quả của sự xưng công bình bởi đức tin.” Xin cho biết những kết quả đó là gì?

2. “Được hòa thuận với Đức Chúa Trời” (c. 1) nghĩa là gì?

3. “Ơn nầy” Phao-lô nói trong câu 2 là ơn gì? “Vào trong ơn nầy” nghĩa là thế nào?

4. Hai điều chúng ta khoe mình hay hãnh diện là gì (c. 2b-3)?

5. Xin giải thích thành ngữ “sự trông cậy về vinh hiển Đức Chúa Trời.”

6. Trong câu 3, sứ đồ Phao-lô nói “khoe mình trong hoạn nạn.” Hoạn nạn là đau khổ, sao lại hãnh diện hay khoe mình trong hoạn nạn?

7. Xin viết những kết quả nẩy sinh từ hoạn nạn và giải thích tiến trình đó. Tại sao hoạn nạn lại sinh ra nhịn nhục? Tại sao nhịn nhục lại sinh ra rèn tập? Rèn tập nghĩa là gì?

8. Dựa vào câu 5, xin cho biết liên hệ giữa Chúa Thánh Linh và sự yêu thương của Đức Chúa Trời.

9. Xin cho biết ba điều Bạn học được qua đoạn Kinh Thánh nầy.

 

Phần Kinh Thánh đọc hôm nay nói về kết quả của việc được xưng công bình bởi đức tin. Những kết quả đó gồm có:

1. Được hòa thuận với Đức Chúa Trời (c. 1). Khi phạm tội, con người bị kể là kẻ thù của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không thù ghét con người nhưng vì Ngài là Đấng thánh khiết, không thể chấp nhận tội lỗi. Do đó, khi phạm tội, con người tự nhiên ở vào tư thế thù nghịch với Đức Chúa Trời, sẵn sàng chịu hình phạt của Ngài. Khi một người tin Chúa, tình trạng thù nghịch đó được xóa bỏ, người đó được “hòa thuận với Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 2:14-16). “Hòa thuận” cũng hàm ý là mối quan hệ với Chúa được nối lại. Đức Chúa Trời tạo dựng con người nên tất cả mọi người đều là con của Đức Chúa Trời, tuy nhiên quyền làm con đã mất khi con người phạm tội. Chỉ khi nào tin Chúa, con người mới được lại quyền làm con Đức Chúa Trời, như người con hoang đàng trở về với cha trong câu chuyện Chúa Giê-xu đã kể (Lu-ca 15:11-24).

2. Được bước vào trong ân sủng của Chúa (“vào trong ơn nầy,” c. 2). Được giải hòa với Chúa là một ân huệ lớn lao. Phao-lô nói: “Chúng ta được vào trong ơn nầy” nghĩa là chúng ta được nâng lên một địa vị cao quý, giống như người được vào yết kiến một vị vua. Chúng ta không phải làm điều nầy điều kia để được ơn của Chúa, nhưng nhờ hồng ân của Ngài, chúng ta được đến gặp Ngài và được đứng vững trong Ngài: “Ơn chúng ta hiện đang đứng vững.”

3. Được vui mừng và hãnh diện (c. 2-3, 11). Hai từ ngữ thường đi đôi với nhau trong các lá thư của sứ đồ Phao-lô là “bình an” và “vui mừng.” Bình an là tâm hồn được thanh thản vì đã được hòa thuận với Chúa. Vui mừng là niềm vui sướng, hãnh diện trong lòng khi nghĩ đến những hi vọng trong Chúa. Phao-lô cho biết người tin Chúa vui mừng và hãnh diện về những điều sau:

(1) Sự trông cậy về vinh hiển Đức Chúa Trời (c. 2b). Chúng ta vui vì một ngày kia sẽ được chung hưởng vinh quang với Chúa.

(2) Hoạn nạn (c. 3). Đối với Phao-lô, hoạn nạn là điều đáng vui vì “hoạn nạn sinh nhịn nhục, nhịn nhục sinh rèn tập và rèn tập sinh trông cậy.” Bản Diễn Ý dịch câu nầy như sau: “Chúng ta vui mừng giữa mọi gian khổ vì biết rằng gian khổ đào tạo kiên nhẫn, kiên nhẫn đem lại kinh nghiệm và từ kinh nghiệm phát sinh hi vọng.” Phao-lô nhìn thấy hữu ích và kết quả tốt do khó khăn, hoạn nạn đem lại, vì đối với ông, hoạn nạn là cơ hội giúp ta tập tính kiên nhẫn, với lòng kiên nhẫn ta sẽ trở nên người trưởng thành, và vì là người trưởng thành, ta có hi vọng tiếp tục vươn lên để sống. Phao-lô mô tả hi vọng đó “không làm cho hổ thẹn,” vì khi tin cậy Chúa, ta sẽ không bao giờ thất vọng. Trái lại, với sự hiện diện của Chúa Thánh Linh trong lòng, ta biết chắc hi vọng đó có thật. Sự hiện diện của Chúa Thánh Linh là bằng chứng tình yêu của Chúa đối với chúng ta: “Sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta” (c. 5b).

Khi đặt đức tin nơi Chúa, chúng ta nhận được hai điều: (1) Bình an với Chúa. (2) Vui mừng trong mọi hoàn cảnh. Hai điều nầy sẽ giúp ta vững lòng tin, dù khó khăn thử thách. Lời dạy của Phao-lô cũng nhắc chúng ta nên xem nghịch cảnh như những cơ hội giúp ta tiến lên trong đời sống đức tin và trở nên người trưởng thành, hữu ích cho Chúa.