Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 24

Đảm Bảo Của Người Tin Chúa

5:6-11

6 Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội. 7 Vả, họa mới có kẻ chịu chết vì người nghĩa; dễ thường cũng có kẻ bằng lòng chết vì người lành. 8 Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết. 9 Huống chi nay chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh nộ là dường nào! 10 Vì nếu khi chúng ta còn là thù nghịch cùng Đức Chúa Trời, mà đã được hòa thuận với Ngài bởi sự chết của Con Ngài, thì huống chi nay đã hòa thuận rồi, chúng ta sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu là dường nào! 11 Nào những thế thôi, chúng ta lại còn khoe mình trong Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, nhờ Ngài mà chúng ta hiện nay đã được sự hòa thuận.

1. Xin cho biết liên hệ giữa câu 5 và câu 6?

2. Chữ “yếu đuối” trong câu 6 nghĩa là gì?

3. “Kỳ hẹn” trong câu 6 là kỳ hẹn gì? Tại sao Chúa phải theo kỳ hẹn để chịu chết?

4. Dựa vào câu 6, xin cho biết hai đặc điểm của tình yêu Chúa dành cho chúng ta.

5. Những chữ “họa mới” và “dễ thường” (c. 7) hàm ý gì?

6. Câu 7 và 8 nói đến ba hạng người: người nghĩa, người lành và người có tội. Việc Chúa chịu chết vì người có tội cho thấy đặc điểm gì của tình yêu Chúa dành cho chúng ta?

7. Câu 9 chứa đựng một lời hứa, lời hứa đó là gì?

8. Được cứu “nhờ sự sống” của Chúa (c. 10b) nghĩa là gì? Chúng ta thường nói được cứu nhờ sự chết của Chúa, tại sao ở đây Phao-lô lại nói được cứu nhờ sự sống của Chúa?

9. Câu 1 và 11 có gì giống nhau? Điểm giống nhau đó cho thấy Phao-lô muốn nhấn mạnh điều gì trong phân đoạn nầy?

10. Xin kể ra ba điều Bạn học được qua phân đoạn nầy.

Trong câu 5, sứ đồ Phao-lô nói về sự yêu thương của Đức Chúa Trời, trong các câu tiếp theo (6-10), ông giải thích cho chúng ta thấy rõ tình yêu đó. Phao-lô kể ra những đặc điểm của tình yêu Chúa như sau:

1. Tình yêu Chúa đến với chúng ta khi chúng ta đang tuyệt vọng (“còn yếu đuối”). “Yếu đuối” nói lên tình trạng vô phương tự cứu, hoàn toàn tuyệt vọng. Bản Diễn Ý dịch câu nầy là: “Đang khi chúng ta bó tay tuyệt vọng.”

2. Tình yêu của Chúa thể hiện trong chương trình cứu rỗi đã hoạch định từ trước (“Đấng Christ THEO KỲ HẸN chịu chết vì kẻ có tội”).

3. Tình yêu của Chúa là tình yêu đặc biệt nhất trên đời (c. 7-8). Một người bằng lòng chết cho người hiền lành đã là việc hiếm có (c. 7), thế mà Chúa đã bằng lòng chịu chết cho chúng ta là những người tội lỗi (c. 8).

4. Chúa ban tình yêu cho người không xứng đáng (“Khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết”).

Trong câu 9, Phao-lô xác định một lần nữa tính cách chắc chắn của sự cứu rỗi. Ý của Phao-lô trong câu nầy là: “Khi còn là người tội lỗi mà Chúa bằng lòng chịu chết vì chúng ta, bây giờ đã được cứu rồi thì chúng ta không còn lý do gì phải sợ cơn phẫn nộ của Chúa nữa, vì chúng ta đã được ‘cứu khỏi cơn thạnh nộ.’” Trong câu 10, Phao-lô cho biết không những chúng ta được cứu bởi SỰ CHẾT của Chúa, nhưng cũng được cứu bởi SỰ SỐNG của Ngài nữa. Chúa Giê-xu đã chết để giải hòa chúng ta với Đức Chúa Trời, đó là ơn cứu rỗi khỏi hình phạt của tội lỗi, nhưng chúng ta cũng sẽ nhờ sự sống của Ngài mà được cứu, nghĩa là nhờ sự sống phục sinh của Chúa Giê-xu chúng ta được cứu rỗi khỏi sức mạnh của tội lỗi. Chúa chết để cứu ta khỏi hình phạt và Ngài sống lại để bảo đảm cho ta sự cứu rỗi hoàn toàn. Ý của Phao-lô trong hai câu nầy là: “Nếu cái chết của Chúa Giê-xu có thể cứu chúng ta khỏi án phạt của Đức Chúa Trời thì sự sống lại của Ngài càng cho ta thấy rõ ràng hơn về tính cách chắc chắn của sự cứu rỗi.” Chúa không chết luôn nhưng đã sống lại và đang sống trong lòng những ai tin Ngài, chính sức sống ấy cứu ta khỏi sức mạnh của tội lỗi trong đời sống hằng ngày.

Phao-lô bắt đầu phân đoạn với ý hòa thuận hay giải hòa với Đức Chúa Trời (c. 1). Ông kết luận với một ý tương tự (c. 11). Được giải hòa với Đức Chúa Trời vì vậy là ơn lớn nhất Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta phải nhờ Chúa duy trì mãi mối quan hệ tốt đẹp đó.