Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 25

Ảnh Hưởng Liên Đới Của Tội Và Đức Công Chính

5:12, 18-19

12 Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội... 18 Vậy, như bởi chỉ một tội mà sự đoán phạt rải khắp hết thảy mọi người thể nào, thì bởi chỉ một việc công bình mà sự xưng công bình, là sự ban sự sống, cũng rải khắp cho mọi người thể ấy. 19 Vì, như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội, thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng phục của một người mà mọi người khác sẽ đều thành ra công bình.

(Xin người hướng dẫn cho đọc câu 18-19 tiếp ngay sau khi đọc câu 12 để thấy được sự liên tục của câu văn. Phần từ câu 13 đến 17 là lời Phao-lô giải thích thêm về vấn đề tội lỗi, chúng ta sẽ phân tích trong bài kế tiếp)

1. Dựa vào câu 12 và 18-19, xin cho biết những điểm khác nhau giữa Chúa Giê-xu và A-đam.

2. Theo ý Bạn, tại sao chỉ một mình A-đam phạm tội mà cả nhân loại phải chịu vạ lây?

3. Xin đọc thêm Giô-suê 7 và cho biết tại sao chỉ một mình A-can phạm tội mà cả dân Y-sơ-ra-ên phải thất trận?

4. Xin đọc lại Đa-ni-ên 9:5 và cho biết tại sao Đa-ni-ên lại kể ông là người phạm tội chung với những người khác “chúng tôi đã phạm tội...” ?

5. Ngày nay chúng ta phạm tội vì lỗi của A-đam, không phải của chúng ta, phải không? Tại sao?

6. Đời sống của chúng ta có ảnh hưởng trên người khác không? Ảnh hưởng như thế nào?

 

Kết thúc phần nói về vấn đề được xưng công bình bởi đức tin, Phao-lô so sánh A-đam với Chúa Giê-xu để giúp người đọc hiểu rõ về sự cứu rỗi trong Chúa Giê-xu. Trong các câu nầy, Phao-lô mô tả Chúa Giê-xu như là “A-đam thứ hai,” Đấng giải thoát con người khỏi tội lỗi, khác với “A-đam thứ nhất” là người đem tội lỗi vào trong thế gian. Ý trong các câu 12, 18 và 19 đi liền với nhau, còn các câu 13 đến 17 có thể cho vào ngoặc đơn, vì đây là phần giải thích thêm về vấn đề tội lỗi. Nếu đọc các câu 12, 18 và 19 liền với nhau chúng ta sẽ thấy rõ hơn.

Ý Phao-lô muốn trình bày trong ba câu trên là: vì tội của A-đam mà tất cả mọi người trở thành tội nhân và bị phân cách với Đức Chúa Trời, còn nhờ sự công chính của Chúa Giê-xu mà con người được kể là công chính và được nối lại mối tương giao với Đức Chúa Trời. Phao-lô nhắc lại giáo lý nầy trong I Cô-rinh-tô 15:21-22 như sau: “Vì chưng bởi một người mà có sự chết, thì cũng bởi một người mà có sự sống lại của những kẻ chết. Như trong A-đam mọi người đều chết thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại.”

Điều khó hiểu trong các câu trên là: “Tại sao chỉ một mình A-đam phạm tội mà cả nhân loại bị kể là có tội? Tại sao A-đam phạm tội từ ngàn xưa mà ngày nay chúng ta phải chịu hình phạt?” Đây là vấn đề liên đới trách nhiệm mà Kinh Thánh Cựu Ước thường nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Khi A-can cãi lệnh Chúa, cất giấu tài sản cho mình, tuy chỉ một mình ông phạm tội nhưng Chúa đã phán: “Y-sơ-ra-ên có phạm tội” và vì vậy cả đoàn quân Y-sơ-ra-ên đã thất trận (Giô-suê 7). Tiên tri Đa-ni-ên là một thánh nhân, nhưng khi cầu nguyện cho đất nước, ông đã cầu nguyện như sau: “CHÚNG TÔI đã phạm tội, làm sự trái ngược, ăn ở hung dữ, CHÚNG TÔI là loạn nghịch và đã xây bỏ các giềng mối và luật lệ của Ngài” (Đa-ni-ên 9:5). Đa-ni-ên kể tội lỗi của người trong nước cũng là tội lỗi của chính ông. Đây cũng là điều Phao-lô muốn trình bày, A-đam không phải là một cá nhân riêng biệt nhưng là tổ tiên của cả nhân loại, vì vậy khi ông phạm tội, cả nhân loại cũng phạm tội. Tội lỗi đó cũng di truyền cho mỗi người đến ngày nay. Cũng trong ý nghĩa đó, khi Chúa Giê-xu chịu chết, dù chỉ một mình Ngài chết, Ngài có thể chết thế cho cả nhân loại để giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Tuy nhiên không phải vì Chúa Giê-xu đã chịu chết cho nhân loại mà tất cả mọi người đều sẽ tự động được thoát khỏi tội lỗi nhưng mỗi người phải công nhận cái chết của Chúa là cho mình, vì tội của chính mình, lúc đó người ấy mới được cứu khỏi tội. Cũng vì thế Phao-lô bảo: chúng ta được “xưng công bình bởi đức tin,” nghĩa là chúng ta phải tin Chúa đã chịu chết vì tội của chính mình thì chúng ta mới được Chúa kể là vô tội và mới được cứu.

Mặc dù tình trạng tội lỗi của con người đến từ A-đam (nguyên tội) nhưng trong đời sống mỗi ngày, chúng ta cũng phạm tội do quyết định của bản thân (kỷ tội). Cho nên chúng ta cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho A-đam về tội lỗi của mình.

ÁP DỤNG

1. Trước tình trạng tội lỗi của con người, chúng ta đừng đổ lỗi cho A-đam nhưng hãy tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta “A-đam thứ hai” tức là Chúa Giê-xu, Đấng đã gánh tội lỗi của chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi án phạt của Đức Chúa Trời. Chúng ta không còn tuyệt vọng nữa, nhưng có hi vọng sống trong Chúa Giê-xu.

2. Nhìn lại tội lỗi của A-đam cũng giúp ta nhớ một điều quan trọng khác, đó là khi chúng ta phạm tội, tội lỗi đó ảnh hưởng đến mọi người chung quanh. Đừng bao giờ nghĩ rằng cuộc đời nầy là của ta, ta muốn sống sao cũng được, không quan hệ gì đến người khác. Tất cả mọi hành động của chúng ta, dù muốn dù không, đều ảnh hưởng đến người chung quanh.