Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 26

So Sánh Chúa Giê-xu Và A-đam

5:13-17

13 Vì, trước khi chưa có luật pháp, tội lỗi đã có trong thế gian, song chưa có luật pháp, thì cũng không kể là tội lỗi. 14 Nhưng từ A-đam cho đến Môi-se, sự chết đã cai trị cả đến những kẻ chẳng phạm tội giống như tội của A-đam, là người làm hình bóng của Đấng phải đến. 15 Song tội lỗi chẳng phải như sự ban cho của ân điển. Vì nếu bởi tội lỗi của chỉ một người mà mọi kẻ khác đều phải chết, thì huống chi ơn của Đức Chúa Trời và sự ban cho trong ơn Ngài tỏ ra bởi một người là Đức Chúa Giê-xu Christ, chan chứa cho hết thảy mọi người khác là dường nào! 16 Lại sự ban cho nầy chẳng phải như việc xảy đến bởi một người phạm tội đâu: sự phán xét bởi chỉ một tội mà làm nên đoán phạt; nhưng sự ban cho của ân điển thì sau nhiều tội rồi, dẫn đến sự xưng công bình. 17 Vả, nếu bởi tội một người mà sự chết đã cai trị bởi một người ấy, thì huống chi những kẻ nhận ân điển và sự ban cho của sự công bình cách dư dật, họ sẽ nhờ một mình Đức Chúa Giê-xu Christ mà cai trị trong sự sống là dường nào!

1. Theo ý Bạn, thế nào là “tội”? Bạn định nghĩa “tội” như thế nào?

2. Theo câu 13 thì một số người định nghĩa tội như thế nào?

3. Theo ý Bạn, “tội” có trước hay “luật” có trước? Tại sao?

4. Theo câu 14, điều gì chứng tỏ những người sống trước khi có luật pháp cũng là người có tội?

5. Xin dựa vào phần từ câu 15b đến 17 để so sánh giữa Chúa Giê-xu và A-đam.

6. Xin kể ra một vài ân phúc chúng ta được thừa hưởng nhờ tin Chúa Giê-xu.

 

Hai ý chính trong phân đoạn Kinh Thánh vừa đọc là: (1) Khi A-đam phạm tội, cả nhân loại bị kể là có tội. (2) Hậu quả của tội lỗi là sự chết. Tội của A-đam là tội không vâng lời Chúa(“sự không vâng phục của một người”). Vì tội đó, ông và dòng dõi loài người đều phải chết (c. 14). Chết là hậu quả của tội lỗi. Phần từ câu 13 đến 17 là lời Phao-lô giải thích về vấn đề tội lỗi. Lý luận của ông như sau:

1. Khi chưa có luật pháp đã có tội lỗi. Đó là tội của A-đam, tội bất tuân lệnh Chúa.

2. Trên phương diện pháp lý, những người sống trong khoảng thời gian từ A-đam đến Môi-se không thể bị kể là tội nhân vì đó là thời gian chưa có luật pháp (phải có luật pháp và vi phạm luật mới bị kể là có tội).

3. Những người sống trong khoảng thời gian kể trên không bị kể là có tội như A-đam, vì họ không phạm tội như A-đam; cũng không bị kể là phạm tội theo luật pháp Môi-se, vì lúc đó chưa có luật pháp. Tuy nhiên, tất cả những người đó đều đã chết, chứng tỏ họ cũng có tội vì nếu không, họ đã không chết. Về mặt pháp lý, có thể những người đó không có tội, nhưng nhìn vào hậu quả, không có thể nói rằng những người đó không phạm tội. Cái chết là bằng chứng xác nhận tất cả mọi người, dù sống trong thời đại nào cũng đều là tội nhân.

Bản Diễn Ý đã dịch lại phân đoạn Kinh Thánh nầy như sau:

Vì A-đam, tội lỗi đã xâm nhập thế gian, đem theo sự chết. Do đó, mọi người đều phải chết, vì mọi người đều phạm tội. Tội lỗi đã vào thế gian trước khi ban hành luật pháp Mai-sen, nhưng lúc ấy chẳng ai bị lên án vì chưa có luật pháp. Tuy nhiên sự chết vẫn ngự trị loài người từ thời A-đam đến Mai-sen, kể cả những người không phạm tội như A-đam. A-đam tượng trưng Chúa Cứu Thế, báo trước sự xuất hiện của Ngài, nhưng mang một ý nghĩa khác hẳn, chẳng khác nào sự phạm tội trái ngược sự tha tội. Vì một A-đam phạm tội mà bao nhiêu người phải chết; còn một người là Chúa Cứu Thế Giê-xu đem lại sự tha tội cho vô số người do ân khoan hồng của Đức Chúa Trời. Do một tội của A-đam mà mọi người bị tuyên án; trái lại, dù phạm bao nhiêu tội con người cũng được Đức Chúa Trời tha thứ và kể là công chính do Chúa Giê-xu. Vì tội A-đam mà sự chết cầm quyền trên mọi người; trái lại do công Chúa Cứu Thế Giê-xu, những ai nhận ân phúc và sự tha tội dồi dào của Đức Chúa Trời sẽ được uy quyền lớn lao hơn để sống thánh thiện và đắc thắng (La-mã 5:12-17).