Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 40

Xiềng xích tội lỗi

Trong khi nghiên cứu về khúc Kinh-thánh đặc biệt Phúc Âm Ma-thi-ơ 6:19-24, chúng ta thấy lối dạy trực tiếp và đặc biệt của Chúa Giê-xu về việc chất chứa của cải ở dưới đất và ở trên trời. Nhưng không phải chỉ có vậy. Trong khúc Kinh-thánh này còn có một bài học gián tiếp nữa. Bài học đó là tội ác và hậu quả của nó. Chúa Giê-xu đã dạy về tội như thế nào qua các câu Kinh-thánh này?

Trước tiên chúng ta phải nhận ra rằng tội ác là một cái gì gây ra những hậu quả xáo trộn và làm hư hỏng đời sống quân bình của con người. Con người được tạo dựng với ba phần là thân, hồn và linh. Phần cao hơn cả là phần linh, sau đó là hồn và cuối cùng là thân. Tội ác đã làm cho thứ tự này đảo lộn.

Tặng phẩm quý giá nhất Tạo-hóa ban cho con người là lý trí. Theo Kinh-thánh, con người đã được tạo dựng trong hình ảnh của Đức Chúa Trời, một phần của Đức Chúa Trời trong con người chắc chắn là lý trí, đó là khả năng suy nghĩ và lý luận, đặc biệt là trong ý nghĩa cao nhất và tam linh nhất. Như vậy, con người phải hoạt động theo thứ tự này: Tâm trí là khả năng cao nhất và tự nhiên nhất mà người sở hữu phải luôn luôn ưu tiên. Mọi sự vật đều phải do tâm trí nhận định và phân tích. Sau đó đến tình cảm, là tâm hồn, cảm xúc do Đức Chúa Trời ban cho. Rồi thứ ba là ý chí, đó là khả năng chúng ta đem ra thực hành những gì mình đã nghe và hiểu, những gì mình muốn sau khi đã biết rõ.

Đó là cách thức Chúa tạo dựng nên người, và đó cũng là phương cách con người phải hoạt động. Nghĩa là con người phải hiểu biết và được kiểm soát chế ngự bởi những gì mình đã hiểu. Con người phải biết yêu thích những gì mình đã hiểu là tốt nhất và chân thật nhất cho chính mình và cho những người mà mình quan tâm; và sau đó phải đem tất cả vào thực hành. Nhưng do cuộc sa ngã và tội ác vây hãm đời sống con người, tự con người đã làm hỏng trật tự đó và mất thăng bằng.

Chúa Giê-xu vì vậy đã dạy trước tiên là cho tấm lòng: Đừng chứa của cải ở dưới đất là nơi có sâu mối ten rét làm hư, và kẻ trộm đột nhập vào lấy, nhưng hãy chứa của cải ở trên trời là nơi không có sâu mối ten rét làm hư cũng chẳng có kẻ trộm nào lấy được. Vì của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó. Chúa dạy về tấm lòng trước tiên, sau đó Chúa mới dạy về tâm trí như sau: Con mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt con đơn thuần thì cả thân thể sẽ sáng. Nhưng nếu mắt con xấu, thì toàn thân sẽ tối tăm. Đó là nói về tâm trí. Cuối cùng Chúa dạy về ý chí như sau: Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét người này và yêu người kia; hay là trọng người này mà khinh người kia. Các con không thể vừa phục vụ Đức Chúa Trời lại vừa tôn thờ tiền tài.

Con người do hậu quả của tội đã không còn được tâm trí và hiểu biết quản trị; con người được dục vọng, thèm khát và tham muốn thúc đẩy. Như thế thay vì được phần cao trọng nhất quản trị, con người theo thị hiếu mà sống.

Phúc âm Giăng 3:19 ghi rằng: "Đây là án phạt của nhân loại, ánh sáng đã đến trần gian, nhưng con người yêu bóng tối hơn ánh sáng, vì những việc làm của họ là xấu xa." Như thế con người thay vì nhìn vào đời sống bằng tâm trí, đã nhìn bằng ước muốn và cảm xúc. Con người ưa tối tăm và được chế ngự bằng tấm lòng thay vì bằng tâm trí. Ta phải hiểu rõ điểm này. Nói như thế không có nghĩa là tấm lòng là điều không nên tạo dựng, và không nên có tình cảm. Nhưng quan trọng là con người không thể sống đời thành công nếu bị xúc cảm và tham muốn chế ngự. Đây chính là ảnh hưởng của tội. Con người cần phải được chế ngự bằng tâm trí, đúng như thứ tự Chúa đã ấn định.

Đây cũng là câu trả lời cuối cùng cho tất cả những người chưa tin nhận Chúa và những người nói rằng họ không tin Chúa vì họ suy nghĩ và lý luận. Nhưng thật sự là những người chưa chịu tin Chúa không phải do tâm trí chế ngự mà do tấm lòng và thành kiến của họ. Những mưu định cố biện minh là vì mình là người trí thức, không tin Chúa được, chính là cách ngụy trang che giấu tình trạng vô thần trong tâm hồn họ. Họ cố biện minh cho loại đời sống của họ đang sống bằng cách dựng lên một lập trường trí thức, nhưng nan đề chính là họ đang bị tham dục và ước muốn chế ngự. Họ không đến với chân lý bằng tâm trí, nhưng họ đã đến với tất cả thành kiến từ tấm lòng xuất phát ra. Như lời Thi-thiên đã ghi: Kẻ dại nói trong lòng rằng không có Đức Chúa Trời. Đó chính là luận điệu người vô tín thường có, và cũng là lý do tại sao họ nói như vậy. Sau đó cố đi tìm một lý do trí thức nào đó để biện minh cho những gì tấm lòng người ấy muốn nói.

Chúa Giê-xu nhắc chúng ta rằng: chính là tấm lòng thèm muốn những điều thuộc về trần tục, và lòng người tội ác mạnh đến nỗi chế ngự cả tâm trí, hiểu biết và tri thức của mình. Con người ưa tự cho mình là một bậc tri thức vĩ đại. Khoa học gia thường thích tuyên bố như vậy. Nhưng bạn nên nhớ rằng các nhà khoa học nhiều khi lại là những người có thành kiến nhiều hơn bất cứ ai. Nhiều khoa học gia cố sắp xếp những dữ kiện sao cho các lý thuyết họ đưa ra xem như hữu lý. Sách của họ lúc nào cũng khởi đầu nói rằng một ý nghĩ nào đó chỉ là lý thuyết, nhưng vài trang sau đó thấy họ đề cập đến lý thuyết ấy như là một sự kiện. Đó chính là hoạt động của tấm lòng chứ không phải của đầu óc. Đây chính là những thảm trạng về tội ác và ảnh hưởng của nó. Việc đầu tiên mà tội ác làm là đảo lộn trật tự và thăng bằng của đời sống con người, và ân tứ lớn nhất, cao nhất trở thành phụ thuộc cho phần xúc cảm tầm thường. "Của cải các con ở đâu thì lòng ở đó." Đúng như vậy.

Điều thứ hai tội gây nên là khiến con người mù loà về một số khía cạnh chủ yếu của đời sống. Dĩ nhiên là nó theo sau một loại logic không thể tránh được. Nếu tâm trí không luôn luôn kiểm soát chế ngự thì cần phải có một loại làm mù loà nào đó. Sứ đồ Phao-lô diễn tả như thế này: "Nếu tin mừng của chúng ta còn bị che giấu, là bị che giấu đối với những kẻ lạc mất: những kẻ ấy đã bị vua chúa trần gian làm cho mù tâm trí của họ, và họ không thể tin được nữa." (2 Cô-rinh-tô 4:3,4). Đó chính là việc tội ác làm qua tấm lòng. Chúng ta cũng thấy đó là cách Chúa dẫn chứng qua một hình ảnh chất chứa của cải. Tội làm mù tâm trí con người đối với những sự vật hoàn toàn hiển nhiên, nên người ấy không thấy nhiều sự thật.

Như vật thể của cải trong đời chẳng hạn, ai cũng biết hiển nhiên là tất cả đều sẽ hư hỏng tàn rụi. Con người thường kiêu hãnh về cái vẻ bên ngoài của mình, nhưng chính nó đang đi đến chỗ hư hỏng. Con người một ngày sẽ đau ốm bệnh tật rồi chết, và sau đó là hư hoại. Chuyện đó hiển nhiên ai cũng biết, nhưng người ta vẫn kiêu hãnh, và nhiều khi hi sinh cả niềm tin nơi Chúa để có được những thứ có chiều hướng hư vong đó.. Tiền của cũng vậy. Chúng ta không thể đem tiền theo mình khi nằm xuống, và lúc nào cũng có thể bị lấy mất. Tất cả đều sẽ qua đi; cái gì cũng vậy. Nếu người nào chịu ngồi xuống đối diện với sự thực, người ấy phải nhận rằng đó là điều đúng. Nhưng những người không tin Chúa vẫn sống với những giả thuyết ngược lại. Người đời ghen ghét, ganh tỵ nhau, họ có thể hi sinh mọi sự để được của cải vật chất, là những thứ sẽ chấm dứt và họ không thể đem về cõi chết được. Thực trạng quá hiển nhiên nhưng dường như không ai thấy cả. Cuộc đời ngắn ngủi và sẽ chấm dứt, nhưng không ai chịu cảnh giác và suy nghĩ. Lý do là tội lỗi đã làm cho tâm trí con người mù lòa. Người ta dù nhìn thấy thực sự nhưng vẫn dường như không nhận thức được.

Tội còn làm cho ta mù loà về giá trị của mọi sự vật nữa. Thử xem thời gian và cõi đời đời thì rõ. Chúng ta là sinh vật sống trong thời gian nhưng chúng ta đi vào cõi vĩnh hằng đời đời. Không thể nào so sánh cái quan trọng giữa thời gian và cõi vĩnh hằng. Nhưng chúng ta có nhận ra những giá trị hay không? Phải chăng đó cũng là một sự kiện đơn giản mà chúng ta vẫn không chịu nhận thức, vẫn bám theo những gì thuộc về cõi tạm, mà bỏ qua những gì thuộc cõi vĩnh hằng? Phải chăng tất cả những gì chúng ta lo lắng chỉ thuộc về một quãng thời gian rất ngắn, và dù rằng chúng ta biết có những giá trị tồn tại đời đời vô tận, chúng ta cũng vẫn ít khi chịu suy nghĩ tới? Đó chính là hiệu quả của tội, nó làm cho những giá trị tuyệt đối không được người ta chú trọng.

Hay nói về tối và sáng. Làm sao so sánh hai điều này với nhau được. Không có gì huyền diệu hơn là ánh sáng. Đó là một trong những điều lạ lùng nhất của vũ trụ. Đức Chúa Trời chính là ánh sáng, và 'trong Ngài không có bóng tối tăm'. Chúng ta biết có những việc làm thuộc về tối tăm, những việc xẩy ra trong đêm tối và lấy đêm tối che đậy. Nhưng trên trời không có đêm và tối tăm. Trời hoàn toàn sáng và tràn đầy vinh quang. Nhưng chúng ta quá chậm chạp trong việc nhận ra giá trị của sáng và tối. Vì 'Con người yêu thích tối tăm hơn là ánh sáng, vì các việc họ làm đều là xấu xa.'

Cũng như giá trị của con người và của Chúa. Toàn thể cuộc đời cách xa đạo Chúa được đánh giá theo tiêu chuẩn của con người. Con người là trung tâm. Con người sống cho con người, cho nhau và cho những người như mình. Đức Chúa Trời hoàn toàn bị bỏ quên và không được biết đến. Người ta dường như bảo Chúa cứ đợi cho đến khi nào họ có thì giớ cho Ngài. Đây chính là đặc điểm của đời sống nhân loại bị tội lỗi ảnh hưởng. Nhân loại không ngần ngại quay lưng lại Đức Chúa Trời và nói: "Khi nào tôi đau ốm hay là nằm trên giường gần chết, tôi sẽ trở về với Đức Chúa Trời, còn bây giờ tôi phải sống cho tôi đã!" Cuộc sống trần gian của chúng ta đã được đặt trước Chúa. Đây chính là tình trạng mù lòa. Tâm trí đã bị mù đối với các giá trị.

Một khía cạnh khác cho thấy tội lỗi làm mù loà tâm trí con người, đó là làm cho con người không thấy rằng không thể hoà lẫn những thể đối nghịch. Nghĩa là con người đã cố tình hoà lẫn những điều không thể nào hoà lẫn được. Nhưng lúc nào con người cũng cứ quả quyết là mình có thể làm được. Thí dụ như không thể nào hoà lẫn sáng với tối được. Hoặc là sáng hoặc là tối chứ không thể nào hòa lẫn được. Cũng không thể nào hoà lẫn Chúa và tiền tài được, vì không ai có thể phục vụ hai chủ. Vì sẽ ghét người này và yêu người kia, hoặc trọng người này mà khinh người kia. Chúa dạy rằng, không thể làm như vậy. Con người chỉ có thể trung thành với Chúa hoàn toàn hay là trung thành với tiền tài hoàn toàn mà thôi. Con mắt ta phải là con mắt đơn thuần.