Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 35

Quyền Làm Con Trong Chúa Cứu Thế

8:14-17 

14 Vì hết thảy kẻ nào được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dắt dẫn, đều là con của Đức Chúa Trời. 15 Thật anh em đã chẳng nhận lấy thần trí của tôi mọi đặng còn ở trong sự sợ hãi; nhưng đã nhận lấy thần trí của sự làm con nuôi, và nhờ đó chúng ta kêu rằng: A-ba! Cha! 16 Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời. 17 Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: kẻ kế tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Đấng Christ, miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài. 

1. Xin đọc lại câu 13, 14, 16 và cho biết vai trò của Chúa Thánh Linh trong đời sống của người theo Chúa. 

2. Xin giải thích thành ngữ “được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dắt dẫn” (c. 14). 

3. Phao-lô nói đến “thần trí của tôi mọi” và “thần trí của sự làm con nuôi” trong câu 15. Hai “thần trí” (hay hai “tinh thần”) nầy khác nhau như thế nào? 

4. “Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta” như thế nào? (c. 16) 

5. Xin kể ra những đặc ân của người được làm con của Chúa (c. 17). 

6. Tại sao Phao-lô lại nói đến “đau đớn” trong việc “đồng kế tự với Đấng Christ” (trong c. 17)? 

7. Xin kể ra một vài “đau đớn” chúng ta phải chịu vì làm con Chúa. 

8. “Vinh hiển” đi chung với “đau đớn” (c. 17) dạy chúng ta điều gì?

 

Trong câu 13 cho thấy rằng người tin Chúa phải nhờ Chúa Thánh Linh giúp để có thể chiến thắng bản tính tội lỗi. Rô-ma 8:14-17 xác nhận sự hiện hữu của Chúa Thánh Linh và đặc ân được làm con của Chúa. Người tin Chúa được gọi là người “được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dắt dẫn” (c. 14). Người được Thánh Linh dẫn dắt là người cầu hỏi ý Chúa trong mọi việc và để Chúa hướng dẫn mọi hành động. Là con của Chúa, chúng ta được Chúa hướng dẫn chứng tỏ chúng ta là con cái thật của Ngài. Vì vậy, luôn ghi nhớ mình là con cái của Chúa cũng là một cách giúp chúng ta chiến thắng tội lỗi.

Để dễ hiểu phần Kinh Thánh nầy hơn, chúng ta cần biết về ý niệm “con nuôi” của người La-mã vì đây là hình ảnh sứ đồ Phao-lô đã dùng để mô tả mối quan hệ giữa chúng ta với Chúa. Trong xã hội La-mã ngày xưa, khi một người nhận con nuôi, đứa con nuôi đó sẽ:

1. Mất quyền làm con trong gia đình cũ và dứt khoát hẳn với quá khứ để bắt đầu một cuộc sống mới. Nếu người con nuôi có mắc nợ ai trước kia, món nợ ấy cũng được xóa bỏ. 

2. Được hưởng tất cả quyền lợi của một người con trong gia đình mới, tức là được hưởng gia tài và được kể ngang hàng với những người con ruột trong gia đình đó. 

Khi một người đi nhận con nuôi phải có bảy người làm chứng để nếu người ấy chết đi và trong gia đình có sự tranh giành gia tài hoặc quyền lợi, các nhân chứng đó sẽ đứng ra làm chứng để bênh vực cho người con nuôi. 

Phao-lô dùng hình ảnh người con nuôi để cho chúng ta thấy rằng, khi tin Chúa, chúng ta được kể là con của Chúa, được hưởng tất cả những quyền lợi Chúa dành cho một người con. Chúng ta không còn phải lo sợ như người làm nô lệ vì Chúa Thánh Linh chính là nhân chứng của chúng ta, sẽ bênh vực quyền lợi cho chúng ta. 

Là “con nuôi” của Chúa, chúng ta được quyền thừa tự (“kẻ kế tự”), được thừa hưởng tất cả vinh quang của thiên đàng, như Chúa Giê-xu, vì chúng ta là người “đồng kế tự” với Chúa (c. 17). Tuy nhiên, trước khi được hưởng vinh quang, chúng ta cũng phải trải qua những khổ đau như chính Chúa đã trải qua. Những đau khổ ấy có thể là bị bách hại, bị hiểu lầm, coi thường, chế nhạo... vì danh Chúa. Sứ đồ Phi-e-rơ cho biết: “Anh em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, hầu cho đến ngày vinh hiển của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui mừng...” (I Phi-e-rơ 4:13). 

Chữ “A-ba” trong câu 15 là tiếng A-ram (tiếng người Do-thái dùng trong thời Tân Ước để gọi cha) tương tự như chữ “Ba” trong tiếng Việt. Chữ nầy nói lên tình yêu thương và sự thân mật, gần gũi giữa chúng ta với Chúa như con đối với cha. Chúng ta có thể đến gần Ngài như một người con đến với cha, không có gì phải sợ hãi.