Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 36

Chẳng Đáng So Sánh

8:18-25 

18 Vả, tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta. 19 Thật thế, muôn vật ước ao nóng nảy mà trông đợi con cái Đức Chúa Trời được tỏ ra. 20 Vì muôn vật đã bị bắt phục sự hư không, chẳng phải tự ý mình, bèn là bởi cớ Đấng bắt phục. 21 Muôn vật mong rằng mình cũng sẽ được giải cứu khỏi làm tôi sự hư nát, đặng dự phần trong sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời. 22 Vì chúng ta biết rằng muôn vật đều than thở và chịu khó nhọc cho đến ngày nay; 23 không những muôn vật thôi, lại chúng ta, là kẻ có trái đầu mùa của Đức Thánh Linh, cũng than thở trong lòng, đang khi trông đợi sự làm con nuôi, tức là sự cứu chuộc thân thể chúng ta vậy. 24 Vì chúng ta được cứu trong sự trông cậy, nhưng khi người ta đã thấy điều mình trông rồi, ấy không phải là trông nữa: mình thấy rồi, sao còn trông làm chi? 25 Song nếu chúng ta trông điều mình không thấy, ấy là chúng ta chờ đợi điều đó cách nhịn nhục. 

1. Câu Kinh Thánh nầy dạy chúng ta điều gì về vấn đề chịu khổ? 

2. Câu 19-23 cho thấy đau khổ không chỉ giới hạn cho người theo Chúa nhưng còn liên hệ đến điều gì nữa? Liên hệ như thế nào? 

3. “Con cái Đức Chúa Trời được tỏ ra” (c. 19) là được tỏ ra như thế nào? 

4. Câu 15 nói rằng chúng ta đã nhận lấy thần trí của sự làm con nuôi, còn câu 23 lại nói chúng ta trông đợi sự làm con nuôi. Hai câu nầy có mâu thuẫn với nhau không, tại sao? 

(Nếu học Kinh Thánh trong một nhóm nhỏ, sau khi thảo luận, người hướng dẫn nên đọc lại phần giải thích bên dưới để cả nhóm thấy được bài học áp dụng)

 

Để hiểu phần Kinh Thánh vừa đọc, chúng ta cần ôn lại những điều Phao-lô trình bày từ đầu Chương 8. Trước hết, ông cho biết người tin Chúa là người có Chúa Thánh Linh ngự trị và sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh (c. 1-11). Vai trò của Chúa Thánh Linh trong cuộc sống người tin Chúa chứng tỏ người ấy thật là con của Chúa (c. 12-17). Là con của Chúa, chúng ta sẽ được hưởng tất cả vinh quang thiên đàng như Chúa Giê-xu. Tuy nhiên, trước khi đạt đến vinh quang đó, chúng ta phải trải qua đau khổ. Phần còn lại của chương 8 là lời khích lệ người tin Chúa nhẫn nhục chịu khổ để được hưởng vinh quang với Chúa. 

Trước hết, chúng ta nhẫn nhục chịu khổ vì biết rằng những đau khổ đó không thể nào so sánh với những vinh quang chúng ta sẽ được hưởng trong tương lai. Phao-lô nói: “Những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến” (c. 18). “Chẳng đáng so sánh” vì thời gian chịu khổ và mức độ chịu khổ không đáng kể so với những gì chúng ta sẽ được hưởng sau nầy. Chúng ta chỉ phải chịu khổ trong một thời gian ngắn, còn vinh quang Chúa dành cho ta là đời đời, không bao giờ chấm dứt. Nỗi khổ chúng ta phải chịu cũng thật quá nhỏ so với vinh quang mà ta sẽ hưởng. Chúa Giê-xu đã dùng hình ảnh của các sản phụ để mô tả sự so sánh nầy. Chúa nói: “Người mẹ sắp đến giờ sinh nở, phải chịu đau đớn, buồn lo. Nhưng sau khi sinh con, người mẹ vui mừng và quên hết đau đớn” (Giăng 16:21, Bản Diễn Ý). 

Trên đường theo Chúa, tất cả chúng ta đều có những nỗi khổ, nỗi buồn khác nhau. Nhiều lúc những khổ đau ấy dường như quá lớn và khó chấp nhận, tuy nhiên nếu chúng ta nhớ rằng những nỗi đau khổ hiện tại thật nhỏ, không đáng so sánh với những điều vui sướng Chúa đang dành cho ta, ta sẽ thấy phấn khởi. Vì thế hãy tiếp tục bước đi với Chúa, bất chấp gian khổ, khó khăn vì biết rằng một tương lai huy hoàng tươi sáng đang chờ đón. Người học trò khép mình vào kỷ luật, chịu khó học hành để mai kia có một cuộc sống vững chắc, sung sướng; người nông dân làm việc cực nhọc, dầm mưa giãi nắng để được trông thấy những cây lúa trĩu hạt... Cuộc sống tâm linh cũng vậy, muốn đạt đến vinh quang, ta phải trải qua đau khổ. Trong đời tạm này, nhiều lúc chúng ta chịu khổ nhưng cuối cùng không được hưởng gì; còn vinh quang Chúa hứa cho chúng ta là điều chắc chắn vì Chúa không bao giờ thất hứa. 

Tiếp tục bàn về vấn đề đau khổ, Phao-lô cho thấy đau khổ không chỉ giới hạn cho người tin Chúa nhưng liên hệ đến muôn vật. Hi vọng của người tin Chúa cũng như của vạn vật là ngày Chúa trở lại. Trong ngày ấy, thể xác của người thuộc về Chúa sẽ được biến đổi và vạn vật cũng theo đó được đổi thay. Vì vạn vật chỉ được thay đổi khi thân xác người tin Chúa biến đổi nên: “Muôn vật ước ao nóng nảy mà trông đợi con cái Đức Chúa Trời được tỏ ra” nghĩa là người tin Chúa được biến đổi, biến đổi đó mọi người đều nhìn thấy. Đó là vinh quang trong tương lai mà Phao-lô đã nói trong câu 17-18. 

Vì tội của A-đam vạn vật bị rủa sả, “bị bắt phục sự hư không” (c. 20) và “làm tôi sự hư nát” (c. 21). Bản Diễn Ý gọi đó là “tình trạng băng hoại.” Thật vậy, từ khi con người phạm tội, thế giới đã bị rủa sả: “Muôn vật đã bị bắt phục sự hư không... bởi cớ Đấng bắt phục” (c. 20). Thế giới nầy sẽ càng ngày càng hư hoại cho đến ngày người tin Chúa được giải thoát, lúc đó thế giới được phục hồi. Bản Diễn Ý dịchcác câu 19-21 như sau:

Vạn vật buộc phải ở trong tình trạng băng hoại nên đều khắc khoải mong chờ ngày con cái Chúa sống lại, để được giải thoát khỏi hư hoại, diệt vong và cùng hưởng tự do vinh quang với con cái Đức Chúa Trời.

Tình trạng băng hoại của thế giới là điều chúng ta trông thấy mỗi ngày, chẳng những trên phương diện đạo đức nhưng trên toàn cõi thiên nhiên. Trong những năm gần đây, chúng ta thấy thời tiết khắp nơi trên thế giới thay đổi bất thường, những thiên tai như lụt lội, hạn hán, động đất, núi lửa... gia tăng. Đó là những bằng chứng rõ ràng về tình trạng băng hoại nầy. Thế giới ngày càng suy sụp đến nỗi Phao-lô nói vạn vật đang rên rỉ, trông mong ngày được thay đổi. Người tin Chúa cũng đang trải qua một tiến trình đau khổ tương tự và chúng ta cũng đang mong chờ ngày giải thoát. Sự giải thoát đó là “sự cứu chuộc thân thể” (c. 23). Khi tin Chúa, chúng ta được giải thoát khỏi án phạt của tội lỗi. Tuy nhiên, vì vẫn còn mang thân xác tội lỗi nên chúng ta vẫn phải tiếp tục chiến đấu với tội lỗi. Đến ngày cuối cùng, khi Chúa Giê-xu trở lại, thân thể chúng ta sẽ được biến hóa và sẽ không còn chịu ảnh hưởng của tội lỗi nữa. Đó là lúc chúng ta được giải thoát hoàn toàn. Đến ngày ấy, chúng ta mới thật sự là “con nuôi” của Chúa, được hưởng mọi quyền lợi trong nhà của Ngài. Trong hiện tại chúng ta chỉ mới có “trái đầu mùa của Đức Thánh Linh,” tức là những ơn phước chúng ta đang hưởng trong Chúa mới chỉ là phần nhỏ tiêu biểu cho những ơn phước toàn hảo ta sẽ nhận được sau nầy, giống như người ăn những trái cây đầu mùa và biết rằng còn cả mùa trái cây tiếp theo. 

Người ta đang cố tìm cách khắc phục thiên nhiên, ngăn ngừa thiên tai, nhưng chẳng mấy ai biết rằng thế giới nầy đã bị rủa sả và chỉ đến ngày Chúa trở lại, thế giới mới thoát khỏi tình trạng suy sụp hiện tại. Khi thân thể người tin Chúa biến đổi đó cũng chính là lúc vạn vật được giải phóng. Chúng ta đáng hãnh diện vì cả thiên nhiên vĩ đại rộng lớn cũng phải tùy thuộc vào chương trình cứu rỗi Chúa dành cho nhân loại. Chúng ta cũng sống trong hi vọng vì biết rằng sẽ có một chung cuộc toàn hảo cho những người yêu mến Chúa. 

Trong câu 17, Phao-lô nói về tương lai rực rỡ của người tin Chúa, đó là được chung hưởng vinh quang với Chúa Giê-xu. Tuy nhiên, ông cũng cho biết có một điều kiện kèm theo, đó là: “miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài.” Theo Phao-lô, sự đau đớn của người tin Chúa: (1) Không đáng so sánh với vinh quang trong tương lai. (2) Sẽ chấm dứt khi chúng ta được cứu rỗi về phần xác.

Ông nói thêm: “Chúng ta được cứu trong sự trông cậy” (c. 24). “Được cứu trong sự trông cậy” nghĩa là chúng ta đã được cứu rồi nhưng vẫn đang mong chờ để được giải thoát hoàn toàn, tức là được giải cứu về phần xác. Vì trông đợi sự giải cứu đó mà chúng ta phải nhẫn nhục chịu khổ: “Chờ đợi điều đó cách nhịn nhục” (c. 25). Do đó, ta có thể nói, vấn đề người tin Chúa phải chịu khổ nằm trong chương trình cứu rỗi của Chúa. Bây giờ chúng ta đã được cứu khỏi án phạt và sức mạnh của tội lỗi, nhưng đến cuối cùng, khi thân thể chúng ta được biến hóa và không còn chịu ảnh hưởng của tội lỗi nữa, chúng ta mới được giải thoát khỏi sự hiện diện của tội. Với niềm trông cậy đó, chúng ta nhẫn nhục chịu khổ. 

Có khi nào quí vị thấy tin Chúa thật là khó không? Cứ phải trông mong, chờ đợi, vận dụng đức tin để mà sống? Nhưng đó là chương trình của Chúa: chúng ta phải trải qua “đau đớn” để được vinh quang. Chúa Giê-xu cũng đã trải qua con đường tương tự khi Ngài đến trần gian chịu chết vì tội chúng ta. Chúa đã đi qua con đường gian lao, khổ nạn. Chúa phải chịu chết rồi mới sống lại, về trời và làm Vua trong vinh quang. Chúa Giê-xu đã “đi xuống” trước khi “đi lên” (Phi-líp 2:5-11). Là môn đệ của Chúa, chúng ta phải đi cùng một con đường, không có con đường nào khác.