Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 38

Bức Tranh Cứu Rỗi

8:28-30 

28 Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định. 29 Vì những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con Cả ở giữa nhiều anh em; 30 còn những kẻ Ngài đã định sẵn, thì Ngài cũng đã gọi, những kẻ Ngài đã gọi, thì Ngài cũng đã xưng là công bình, và những kẻ Ngài đã xưng là công bình, thì Ngài cũng đã làm cho vinh hiển. 

1. Chữ “biết” trong câu 28 hàm ý gì? Phao-lô viết: “Chúng ta BIẾT rằng...” để nhấn mạnh điều gì? 

2. Xin dùng cuộc đời của Giô-sép (Sáng-thế Ký 37-50) để minh chứng cho câu “mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời.” 

3. Xin kể ra theo thứ tự những điều Chúa làm cho người yêu mến Chúa được mô tả trong các câu 28-30. 

4. Tại sao Phao-lô đang nói về việc người tin Chúa phải khổ (c. 18-27), ông lại nói đến việc Chúa chọn và làm cho vinh hiển (c. 30)? 

5. Rô-ma 8:28-30 cho chúng ta thấy hai chân lý quan trọng. Xin cho biết hai chân lý đó là gì và chúng ta áp dụng như thế nào? 

 

Rô-ma 8:28 có lẽ là câu Kinh Thánh được người tin Chúa trích dẫn nhiều nhất để bày tỏ niềm tin trọn vẹn nơi Chúa và để tìm thấy an ủi. Tuy nhiên, nhiều người đã áp dụng câu nầy không đúng chỗ nên chỉ bày tỏ một thái độ buông thả, không đúng với tinh thần của Lời Chúa. Chúng ta hãy cùng nhau phân tích xem Chúa dạy điều gì và chúng ta nên áp dụng câu nầy vào đời sống hằng ngày như thế nào. 

Câu nầy nối tiếp với câu 27, nói về việc Chúa Thánh Linh cầu nguyện thế cho người tin Chúa. Do đó, ta có thể hiểu rằng vì Chúa Thánh Linh cầu nguyện thế cho chúng ta theo ý của Đức Chúa Trời, nên tất cả mọi sự việc xảy ra cho đời sống của chúng ta không phải là điều ngẫu nhiên nhưng đều nằm trong chương trình tốt đẹp của Chúa. Phao-lô nói: “Chúng ta BIẾT rằng mọi sự hiệp lại...” Chữ “biết” bày tỏ lòng tin chắc trọn vẹn và chứng tỏ đây là một sự thật có thể kiểm chứng chứ không phải là điều mơ hồ. 

“Mọi sự” theo ý từ câu 18 trở đi bao gồm những điều mà theo cái nhìn thường tình, ta thấy đó chỉ là hoạn nạn và đau khổ. Tuy nhiên, trong chương trình của Chúa, tất cả những điều đó “hiệp lại để làm ích cho người yêu mến Chúa.” Thật ra, tất cả những điều đó không tự nhiên hợp lại nhưng chính Chúa, Đấng cầm quyền trên tất cả, đã điều khiển để những điều có vẻ như tai hại trở nên hữu ích. Chúa làm cho những hoàn cảnh thuận cũng như nghịch kết hợp với nhau để đem lại lợi ích cho người yêu mến Ngài. Dưới mắt người không biết Chúa, những hoàn cảnh đó thật tệ hại nhưng đối với người yêu Chúa, ta biết chắc chắn những điều ấy sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta.

Bạn có tin rằng MỌI SỰ hợp lại LÀM ÍCH cho NGƯỜI YÊU MẾN CHÚA không? Nếu thật sự yêu Chúa, chúng ta sẽ không nản lòng trước những biến chuyển của đời sống hoặc những điều mà người khác xem là bất hạnh. Đặt trọn lòng tin nơi Chúa và sống theo ý Ngài, chúng ta sẽ thấy không có điều gì là bất hạnh hay đau khổ cho người yêu mến Chúa cả. Tất cả chỉ là những bước đưa ta đến thành công và ích lợi cho cuộc sống tâm linh. Câu chuyện về cuộc đời Giô-sép là một bằng chứng hùng hồn về lời hứa nầy. Giô-sép đã nói với các anh: “Các anh toan hại tôi nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi...” (Sáng thế ký 50:20). Khi biết chắc “Chúa toan làm điều ích cho chúng ta,” chúng ta sẽ vững tâm tin Ngài và không nản lòng khi gặp khó khăn. 

Có bao giờ Bạn đặt câu hỏi: “Tại sao Chúa cứu chúng ta? Chúa cứu chúng ta để làm gì?” Rô-ma 8:29-30 cho chúng ta câu trả lời: Chúa cứu chúng ta là để chúng ta trở nên giống như Ngài. “Trở nên giống như Chúa” (c. 29) nghĩa là đời sống chúng ta càng ngày càng thánh khiết hơn cho đến lúc giống Chúa hoàn toàn. Đó là lúc Chúa trở lại và thể xác chúng ta được biến đổi. 

Chúa Giê-xu được gọi là “Con Cả ở giữa nhiều anh em” vì Ngài mang hình ảnh của Đức Chúa Cha (Cô-lô-se 1:15), còn chúng ta mang hình ảnh của Ngài. Do đó, Chúa Giê-xu là Người Con Cả, được tôn trọng hơn hết trong gia đình của Đức Chúa Cha. Người tin Chúa giống như những đứa em được Chúa đem vào trong gia đình của Ngài. 

Hai câu Kinh Thánh trên cũng cho thấy thứ tự diễn tiến trong chương trình của Đức Chúa Trời. Trước hết, Chúa biết chúng ta rồi Chúa định, Chúa gọi. Sau đó, Ngài kể chúng ta là người công bình và cuối cùng Ngài làm cho chúng ta được vinh hiển. Đức Chúa Trời không bị giới hạn với thời gian như chúng ta, đối với Ngài không có quá khứ hay tương lai, nhưng lúc nào cũng là hiện tại, nên Chúa nhìn thấy mọi việc trong tương lai và quá khứ cùng một lúc. Do đó, việc Chúa biết và Chúa định chỉ là một. Đối với Chúa, “biết” cũng có nghĩa là lựa chọn và ấn định. Chúa đã chọn chúng ta từ “trước khi sáng thế” nên Ngài đã kêu gọi chúng ta tin Ngài. Khi chúng ta tin Chúa, Ngài kể chúng ta là người vô tội và sẽ làm cho chúng ta được vinh hiển. Việc “làm cho vinh hiển” chưa xảy ra, nhưng Phao-lô nói: “ĐÃ làm cho vinh hiển,” hàm ý là việc chắc chắn sẽ xảy ra. 

Chúng ta có cảm tưởng như Phao-lô đã đi ra ngoài đề, vì đang nói về việc người tin Chúa phải chịu khổ, ông lại nói sang việc Chúa chọn và làm cho vinh hiển. Thật ra Phao-lô muốn dùng hai điều ấy để khích lệ người tin Chúa. Qua các câu Kinh Thánh trên, Phao-lô cho thấy hai điều:

1. Chúa là Đấng Chủ Tể, cầm quyền trên tất cả vạn vật, không một điều gì có thể xảy ra ngoài ý định của Ngài (c. 28).

2. Người tin Chúa chắc chắn sẽ được hưởng vinh quang với Chúa trong tương lai (c. 29-30). Nhìn cả bức tranh cứu rỗi, bắt đầu từ ngàn xưa, khi Chúa chọn chúng ta cho đến cuối cùng, khi Chúa sẽ ban vinh quang cho chúng ta, ta sẽ không có lý do gì để nghi ngờ tình yêu của Chúa hay phiền trách về những đau khổ nhỏ nhặt trong cuộc sống, vì những đau khổ ấy không đáng so sánh với tình yêu vĩ đại và vinh quang tuyệt đối Chúa dành cho chúng ta.