Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 41

Quyền Lựa Chọn Của Đức Chúa Trời

9:6-29

6 Ấy chẳng phải lời Đức Chúa Trời là vô ích. Vì những kẻ bởi Y-sơ-ra-ên sanh hạ, chẳng phải vì đó mà hết thảy đều là người Y-sơ-ra-ên. 7 Cũng không phải vì là dòng dõi của Áp-ra-ham thì hết thảy đều là con cái người; nhưng có chép rằng: Ấy là bởi Y-sác mà ngươi sẽ có một dòng dõi gọi theo tên ngươi; 8 nghĩa là chẳng phải con cái thuộc về xác thịt là con cái Đức Chúa Trời, nhưng con cái thuộc về lời hứa thì được kể là dòng dõi Áp-ra-ham vậy. 9 Vả, lời nầy thật là một lời hứa: Cũng kỳ nầy ta sẽ lại đến, Sa-ra sẽ có một con trai. 10 Nào những thế thôi, về phần Rê-be-ca, khi bà ấy bởi tổ phụ chúng ta là Y-sác mà có thai đôi cũng vậy. 11 Vì, khi hai con chưa sanh ra, chưa làm điều chi lành hay dữ - hầu cho được giữ vững ý chỉ Đức Chúa Trời, là ý định sẵn bởi sự kén chọn tự do của Ngài, chẳng cứ việc làm, nhưng cứ Đấng kêu gọi - 12 thì có lời phán cho mẹ của hai con rằng: Đứa lớn sẽ làm tôi đứa nhỏ; 13 Như có chép rằng: Ta yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau. 14 Vậy chúng ta sẽ nói làm sao? Có sự không công bình trong Đức Chúa Trời sao? Chẳng hề như vậy! 15 Vì Ngài phán cùng Môi-se rằng: Ta sẽ làm ơn cho kẻ ta làm ơn, ta sẽ thương xót kẻ ta thương xót. 16 Vậy điều đó chẳng phải bởi người nào ao ước hay người nào bôn ba mà được, bèn là bởi Đức Chúa Trời thương xót.

17 Trong Kinh Thánh cũng có phán cùng Pha-ra-ôn rằng: Nầy là cớ vì sao ta đã dấy ngươi lên, ấy là để tỏ quyền phép ta ra trong ngươi, hầu cho danh ta được truyền ra khắp đất. 18 Như vậy, Ngài muốn thương xót ai thì thương xót, và muốn làm cứng lòng ai thì làm. 19 Vậy thì ngươi sẽ hỏi ta rằng: Sao Ngài còn quở trách? Vì có ai chống lại ý muốn Ngài được chăng?... 20 Nhưng, hỡi người, ngươi là ai, mà dám cãi lại cùng Đức Chúa Trời? Có lẽ nào cái bình bằng đất sét lại nói với kẻ nắn nên mình rằng: Sao ngươi đã làm nên ta như vậy? 21 Người thợ gốm há chẳng có quyền trên đất sét, cùng trong một đống mà làm ra hạng bình để dùng việc sang trọng, lại hạng khác để dùng việc hèn hạ sao? 22 Nếu Đức Chúa Trời muốn tỏ ra cơn thạnh nộ và làm cho biết quyền phép Ngài, đã lấy lòng khoan nhẫn lớn chịu những bình đáng giận sẵn cho sự hư mất, 23 để cũng làm cho biết sự giàu có của vinh hiển Ngài bởi những bình đáng thương xót mà Ngài đã định sẵn cho sự vinh hiển, thì còn nói chi được ư?

24 Đó tôi nói về chúng ta, là kẻ Ngài đã gọi, chẳng những từ trong người Giu-đa, mà cũng từ trong dân ngoại nữa. 25 Như Ngài phán trong sách Ô-sê rằng: Ta sẽ gọi kẻ chẳng phải dân ta là dân ta, kẻ chẳng được yêu dấu là yêu dấu; 26 Lại xảy ra trong nơi Ngài phán cùng họ rằng: Các ngươi chẳng phải là dân ta đâu, cũng tại nơi đó họ sẽ được xưng là con của Đức Chúa Trời hằng sống. 27 Còn Ê-sai nói về dân Y-sơ-ra-ên mà kêu lên rằng: Dầu số con cái Y-sơ-ra-ên như cát dưới biển, chỉ một phần sót lại sẽ được cứu mà thôi; 28 vì Chúa sẽ làm ứng nghiệm lời Ngài cách trọn vẹn và vội vàng trên đất. 29 Lại như Ê-sai đã nói tiên tri rằng: Nếu Chúa vạn quân chẳng để lại một cái mầm của dòng giống chúng ta, thì chúng ta đã trở nên như thành Sô-đôm và giống như thành Gô-mô-rơ vậy.

1. Xin cho biết hai câu chuyện trong Cựu Ước Phao-lô dùng để giải thích câu 6b và 7a.

2. Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương, tại sao câu 13 lại nói Chúa “ghét” Ê-sau?

3. Tại sao Chúa làm cho Pha-ra-ôn cứng lòng, rồi Chúa lại phạt Pha-ra-ôn?

4. Phao-lô so sánh Chúa là người thợ gốm, còn chúng ta là đất sét để nhấn mạnh điều gì?

5. Xin cho biết một điều dạy dỗ Bạn nhận được qua phân đoạn Kinh Thánh nầy?

 

Phao-lô đau buồn vì đồng bào ông khước từ Chúa, tuy nhiên, ông cũng cho biết rằng không phải vì vậy mà lời hứa của Chúa dành cho người Do-thái không thành sự thật. Phao-lô trở lại vấn đề ông đã nói trong 2:28-29. Đó là: “Những kẻ bởi Y-sơ-ra-ên sinh hạ chẳng phải vì đó mà hết thảy đều là người Y-sơ-ra-ên” (c. 6). “Y-sơ-ra-ên” là một tên khác của Gia-cốp, cháu nội của Áp-ra-ham (Sáng thế ký 32:28). Câu: “Những kẻ bởi Y-sơ-ra-ên sinh hạ” có nghĩa là những người do ông Gia-cốp sinh ra, tức là chỉ chung tất cả người Do-thái. Ý Phao-lô muốn nhấn mạnh là: không phải tất cả người Do-thái đều là con dân của Đức Chúa Trời vì liên hệ huyết thống không quan trọng bằng niềm tin nơi Chúa.

Khi nói về dòng dõi Áp-ra-ham, Phao-lô phân biệt “con cái thuộc về xác thịt” và “con cái thuộc về lời hứa” (c. 8). Đây là nói đến hai người con của Áp-ra-ham là Ích-ma-ên và Y-sác. Y-sác là người con Chúa hứa cho ông bà Áp-ra-ham, còn Ích-ma-ên là người con sinh ra do sự tính toán của loài người, (Ích-ma-ên là con của bà A-ga, nàng hầu của Áp-ra-ham, Sáng thế ký 16 và 21). Tuy nhiên, chỉ một mình Y-sác được kể là người nối dõi Áp-ra-ham. Nhắc lại điều nầy, Phao-lô muốn cho người Do-thái thấy rằng: “Không phải con dòng cháu giống của Áp-ra-ham là con cái Đức Chúa Trời, nhưng chỉ dòng dõi đức tin mới thật sự là con cái Ngài” (Bản Diễn Ý).

Nhìn lại lịch sử Do-thái, chúng ta thấy trước hết Chúa chọn Áp-ra-ham. Trong hai người con của Áp-ra-ham, Chúa chọn Y-sác. Y-sác có hai người con sinh đôi, và Chúa đã chọn Gia-cốp, tức là người em. Trước khi hai người con nầy sinh ra, Chúa đã tuyên bố Ngài chọn người em (Sáng thế ký 25:19-26). Điều nầy cho thấy Chúa muốn chọn ai, đó là quyền của Ngài, không ai có thể đặt câu hỏi hay thắc mắc gì cả. Chúa chọn Gia-cốp không phải vì ông đạo đức hơn Ê-sau, nhưng vì Ngài muốn và Ngài đã quyết định như thế từ trước. Khi đọc đến câu nầy, nhiều người nghĩ sao Chúa bất công quá. Phao-lô cũng đã đoán trước được điều nầy nên ông đã giải thích rõ ràng trong những câu kế tiếp.

Câu: “Ta yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau” trích trong Ma-la-chi 1:3, có thể giải thích như sau:

1. Chữ “ghét” chỉ có nghĩa là Ê-sau không phải là đối tượng của sự chọn lựa của Chúa, tương tự như chữ “ghét” trong Lu-ca 14:26.

2. Ê-sau và Gia-cốp nói đến hai dân tộc Y-sơ-ra-ên và Ê-đôm, không phải hai cá nhân. Chúa tuyên bố Ngài ban phước cho người Y-sơ-ra-ên và chọn họ làm một dân tộc riêng cho Ngài chứ Ngài không chọn người Ê-đôm.

Phân đoạn Kinh Thánh nầy cho thấy:

1. Liên hệ giữa chúng ta với Chúa không đặt căn bản trên liên hệ máu mủ, nghĩa là không phải sinh ra trong gia đình tín đồ là chúng ta đương nhiên trở thành con cái của Chúa, nhưng mỗi người phải đặt đức tin nơi Chúa để có mối quan hệ riêng với Ngài.

2. Chúa có quyền tuyệt đối trên mỗi đời sống, vì thế chúng ta không thể thắc mắc về sự lựa chọn của Chúa. Bổn phận của chúng ta là tuyệt đối vâng phục Ngài.

Khi nhắc lại chuyện Chúa chọn Gia-cốp chứ không chọn Ê-sau ngay từ khi hai người còn trong lòng mẹ, Phao-lô biết sẽ có người cho là Chúa không công bình. Vì thế, ông đã trích lại lời Chúa nói với Môi-se: “Ta sẽ làm ơn cho kẻ ta làm ơn, ta sẽ thương xót kẻ ta thương xót,” để những người ấy thấy rằng ơn thương xót của Chúa dành cho con người đặt căn bản trên quyền tuyệt đối của Ngài. Chúa muốn thi ân cho ai, đó là quyền của Ngài. Bản Diễn Ý dịch câu 16 như sau: “Việc lựa chọn của Đức Chúa Trời không tùy thuộc ý muốn hay sức cố gắng của con người, nhưng do lòng nhân từ Ngài.” Chúng ta không thể than phiền hay đòi hỏi Chúa, vì nếu Chúa lấy công bình đối xử với con người thì tất cả mọi người đều phải bị diệt vong, vì mọi người đều có tội và đáng bị hình phạt. Do đó, chúng ta chỉ có thể trông mong vào lòng nhân từ của Chúa, Chúa thương chúng ta, đó là điều chúng ta tạ ơn Ngài chứ ta không thể bảo rằng Chúa không công bình đối với người nầy người kia. Chúng ta còn được sống ngày nay và được làm con của Chúa là nhờ ơn thương xót của Ngài.

Một ví dụ khác Phao-lô nêu lên trong phân đoạn nầy là về một vị Pha-ra-ôn, tức là vua Ai-cập. Chúa làm cho vị vua nầy cứng lòng, không cho người Do-thái ra khỏi Ai-cập, nhưng Chúa lại phạt ông về thái độ cứng cỏi đó (Xuất 4:21). Chúa làm Pha-ra-ôn cứng lòng để bày tỏ quyền năng của Ngài. Vì Pha-ra-ôn cứng lòng nên Chúa đã giáng những tai họa khủng khiếp trên đất Ai-cập và nhờ đó, các dân tộc chung quanh biết Ngài là Đấng quyền năng. Lý luận nầy có vẻ khó chấp nhận, tuy nhiên, một lần nữa cho ta thấy rằng Chúa có quyền tuyệt đối trên mọi việc và mọi người. “Ngài muốn thương xót ai thì thương xót, và muốn làm cứng lòng ai thì làm” (c. 18). Đây cũng là một vấn đề khó hiểu mà Phao-lô sẽ giải thích trong phân đoạn tiếp theo. Thật ra, Chúa biết trước Pha-ra-ôn sẽ không cho người Do-thái ra đi (Xuất 3:19-20) nên về sau Chúa mới làm cho Pha-ra-ôn cứng lòng, từ tai vạ thứ sáu trở đi Chúa mới làm cho Pha-ra-ôn cứng lòng (Xuất 9:12).

Những câu Kinh Thánh nầy cho thấy tình thương của Chúa thật bao la. Không ai phản đối khi Chúa yêu thương những người không xứng đáng nhưng khi Chúa thi hành đúng công lý, người ta lại phản đối, cho rằng Chúa bất công. Thật ra, Đức Chúa Trời chúng ta tôn thờ là Đấng Tối Thượng, là Đức Chúa Trời công bình và yêu thương, Ngài quyết định mọi sự theo ý của Ngài. Là tạo vật của Chúa, con người không có quyền phản đối. Tuy nhiên, là con của Chúa, chúng ta biết rằng Chúa không bao giờ sai lầm và những điều Chúa làm bao giờ cũng mang lại lợi ích cho những người yêu mến Ngài.

Những vấn đề Phao-lô trình bày trong chương 9 làm cho người đọc thắc mắc và phải đặt câu hỏi. Ông nói về việc Chúa chọn Gia-cốp, bỏ Ê-sau, ngay từ khi hai người chưa sinh ra, và ông biết có người sẽ cho như vậy là Chúa bất công. Do đó Phao-lô đã giải thích thêm rằng việc Chúa chọn là tùy lòng thương của Chúa chứ không phải do con người cố gắng mà được. Nếu Chúa làm cho ai cố chấp, cứng cỏi, đó cũng là quyền của Ngài. Trước lời giải thích đó, biết người đọc sẽ phản đối và nói rằng: “Đã thế, sao Đức Chúa Trời còn khiển trách, vì ai chống cự được ý Ngài? (c. 19, Bản Diễn Ý). Lời phản đối nầy thật hợp lý, tuy nhiên, Phao-lô đã trả lời bằng cách cho người đọc thấy rằng đối với Chúa, là Đấng Tạo Hóa, con người chẳng khác gì những chiếc bình bằng đất không thể phàn nàn sao người thợ gốm làm nên nó như thế nầy chứ không như thế kia. Cũng thế, chúng ta không thể chất vấn Chúa là Đấng tạo dựng nên chúng ta.

Cùng một khối đất sét, người thợ gốm có thể làm cái lọ cắm hoa (dùng việc sang trọng), hoặc một cái ống nhổ (dùng việc hèn hạ). Tương tự như thế, Chúa có thể làm nên những chiếc bình “đáng giận sẵn cho sự hư mất” (c. 22), hoặc những chiếc bình “đáng thương xót định sẵn cho sự vinh hiển” (c. 23). Hai câu nầy không có ý nói rằng người nào đã bị Chúa định cho hư mất thì phải hư mất vì Phao-lô nói: “Đức Chúa Trời đã lấy lòng khoan nhân lớn CHỊU những bình đáng giận sẵn cho sự hư mất.” (“Chịu” nghĩa là chịu đựng, chờ đợi). Bản Diễn Ý dịch câu 22: “Lẽ nào Đức Chúa Trời chẳng có quyền biểu lộ cơn phẫn nộ, chứng tỏ uy quyền của Ngài đối với những kẻ tội lỗi đáng hủy diệt, mà Ngài đã kiên tâm chịu đựng sao?” Câu nầy cho thấy Chúa chỉ hình phạt sau khi Ngài đã kiên nhẫn chịu đựng và chờ đợi con người ăn năn, chứ không bắt con người theo ý Ngài định và không cho một lối thoát nào cả.

Vấn đề Phao-lô đang cố gắng tìm câu trả lời là: “Tại sao người Do-thái không tin nhận Chúa Giê-xu làm Chúa Cứu Thế?” Ông thấy rằng điều nầy nằm trong chương trình của Đức Chúa Trời, Chúa có quyền định đoạt trong việc ban ơn thương xót. Vì thế, những người vốn không phải là người Do-thái đã được Chúa yêu thương, chọn lựa và kể là con của Ngài (c. 25-26). Trong khi đó, sẽ chỉ có một số người Do-thái được cứu. Điều đó cho ta thấy lòng nhân từ của Chúa đối với các dân tộc khác và án phạt dành cho người Do-thái là dân tộc riêng của Chúa nhưng đã khước từ Ngài.

Tất cả những điều Phao-lô trình bày trong chương 9 cho thấy rằng bất cứ việc gì Chúa làm cũng là công bình. Chúa muốn gia ân hay giáng họa, đó là quyền của Ngài. Chúa là Đấng có quyền tuyệt đối, chúng ta phải yên lặng trước quyết định của Ngài, tuy nhiên Chúa cũng là Đấng nhân từ, nhẫn nhục chịu đựng con người tội lỗi và sẵn sàng ban ơn lành cho mọi người.