Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 42

Vầng Đá Ngăn Trở

9:30-33

30 Vậy chúng ta sẽ nói làm sao? Những dân ngoại chẳng tìm sự công bình, thì đã được sự công bình, nhưng là sự công bình đến bởi đức tin; 31 còn như dân Y-sơ-ra-ên tìm luật pháp của sự công bình, thì không đạt đến luật pháp ấy. 32 Tại sao? Tại họ chẳng bởi đức tin mà tìm, nhưng bởi việc làm. Họ đã vấp phải hòn đá ngăn trở, 33 như có chép rằng: Nầy ta để tại Si-ôn một hòn đá ngăn trở, tức là hòn đá lớn làm cho vấp ngã; Hễ ai tin đến thì khỏi bị hổ thẹn.

1. Theo câu 30, Dân Ngoại đã có thể được xưng công bình nhờ điều gì?

2. Trong câu 31, “dân Y-sơ-ra-ên tìm luật pháp của sự công bình” nghĩa là gì?

3. “Hòn đá ngăn trở” trong câu 32 chỉ về ai?

4. Xin cho biết một điều dạy dỗ Bạn nhận được qua phân đoạn Kinh Thánh nầy?

 

Vấn đề Phao-lô đang giải thích là việc đồng bào của ông (người Do-thái) không tin Chúa Giê-xu. Sau khi cho độc giả thấy rằng điều đó nằm trong chương trình của Đức Chúa Trời, Phao-lô cũng cho biết thêm là chính người Do-thái đã lấy sức riêng, cố gắng làm điều nầy điều nọ để mong vừa lòng Chúa, thay vì chấp nhận sự cứu rỗi bằng đức tin. Ông nói rằng họ đã “vấp phải hòn đá ngăn trở” (c. 33). Từ ngữ “hòn đá ngăn trở” chỉ về Chúa Giê-xu. Sứ đồ Phi-e-rơ giải thích Chúa Giê-xu là hòn đá ngăn trở như sau:

Hãy đến gần Ngài, là hòn đá sống, bị người ta loại ra song được chọn và quý trước mặt Đức Chúa Trời... vì trong Kinh Thánh có chép rằng: Nầy, ta đặt tại Si-ôn hòn đá góc nhà đã chọn lựa và quý báu, ai tin đến đá ấy sẽ không bị xấu hổ. Vậy nên, cho anh em là kẻ đã tin, thì là đá quý; nhưng cho những kẻ không tin, thì hòn đá mà bị thợ xây nhà loại ra, bèn trở nên đá góc nhà, là đá gây cho vấp váp, là đá lớn làm cho sa ngã (I Phi-e-rơ 2:4, 6-7)

Đối với chúng ta, cái chết của Chúa Giê-xu trên thập tự là biểu hiệu cho tình yêu của Đức Chúa Trời đối với nhân loại, nhưng đối với người Do-thái, một người bị đóng đinh là biểu hiệu cho hổ nhục và rủa sả, một điều không thể chấp nhận được (I Cô-rinh-tô 1:23; Ga-la-ti 3:13). Do đó, sự việc Chúa Giê-xu bị chết trên cây thập tự là phương cách cứu rỗi nhân loại nhưng cũng là điều ngăn trở người Do-thái tin Chúa. Vì thế, Phao-lô gọi Chúa Giê-xu là “hòn đá ngăn trở.”

Nhiều khi chúng ta cũng giống như người Do-thái, nghĩa là cố tìm cách làm hòa với Đức Chúa Trời bằng việc giữ luật pháp của Ngài. Có thể chúng ta nghĩ rằng đi nhà thờ, làm việc trong Hội Thánh, bố thí và ăn ở hiền lành tử tế là đủ. Chúng ta yên tâm nghĩ rằng mình đã giữ đúng luật. Nhưng Phao-lô cho thấy, theo kế hoạch của Đức Chúa Trời, Chúa không ban đặc ân cho những người cố gắng giành cho được đặc ân ấy bằng cách ăn hiền ở lành nhưng ban cho những ai nhìn nhận rằng cần phải nhờ vào Chúa Cứu Thế vì họ biết mình chẳng bao giờ tốt lành thánh thiện đủ. Chúng ta chỉ có thể được cứu nhờ đặt đức tin vào những gì Chúa Cứu Thế đã làm. Nếu chúng ta tin cậy Chúa, thì sẽ chẳng bao giờ “bị hổ thẹn” hoặc bị thất vọng.

Ngày nay, khi chúng ta đi ra nói rằng phải tin Chúa Giê-xu, Đấng đã chịu chết trên cây thập tự để được cứu, nhiều người có phản ứng tương tự. Họ cho rằng sự cứu rỗi như vậy quá dễ dàng, không chấp nhận được. Họ không biết rằng Đức Chúa Trời đã dùng những điều con người coi thường để cứu rỗi con người! Nếu có người tặng cho ta một món quà quý nhưng gói trong lớp giấy sơ sài, phản ứng đầu tiên của chúng ta là xem thường món quà đó. Tuy nhiên, sau khi mở ra và nhìn thấy giá trị của món quà, chúng ta sẽ quý chuộng và biết ơn người tặng quà. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta món quà quý nhất của thiên đàng, trong hình ảnh một người chịu chết trên cây thập tự. Chúng ta cần tiếp nhận món quà đó với lòng biết ơn, xem đó là “đá quý” nếu không, cũng chính “đá” đó sẽ ngăn trở và gây cho ta vấp ngã.