Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 43

Hai Sự Công Bình

10:1-13

1 Hỡi anh em, sự ước ao trong lòng tôi và lời tôi vì dân Y-sơ-ra-ên cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời, ấy là cho họ được cứu. 2 Vì tôi làm chứng cho họ rằng họ có lòng sốt sắng về Đức Chúa Trời, nhưng lòng sốt sắng đó là không phải theo trí khôn. 3 Bởi họ không nhận biết sự công bình của Đức Chúa Trời và tìm cách lập sự công bình riêng của mình, nên không chịu phục sự công bình của Đức Chúa Trời; 4 vì Đấng Christ là sự cuối cùng của luật pháp, đặng xưng mọi kẻ tin là công bình. 5 Vả, Môi-se luận sự công bình đến bởi luật pháp cách nầy: Hễ ai làm theo điều đó thì nhờ đó mà sống. 6 Nhưng sự công bình đến bởi đức tin, thì nói như vầy: Chớ nói trong lòng ngươi rằng: Ai sẽ lên trên trời? ấy là để đem Đấng Christ xuống; 7 hay là: Ai sẽ xuống vực sâu? ấy là để đem Đấng Christ từ trong kẻ chết lại lên. 8 Nhưng nói làm sao? Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng và trong lòng ngươi. Ấy là đạo đức tin mà chúng ta giảng dạy. 9 Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Giêxu ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu; 10 vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi. 11 Vả, Kinh Thánh nói rằng: Kẻ nào tin Ngài sẽ chẳng bị hổ thẹn. 12 Trong người Giu-đa và người Gờ-réc không có sự phân biệt gì hết, vì họ có chung một Chúa, giàu ơn đối với mọi kẻ kêu xin Ngài. 13 Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu.

1. Xin cho biết tâm tình của Phao-lô trong câu 1. Chúng ta học được gì nơi Phao-lô qua tâm tình đó?

2. “Lòng sốt sắng không theo trí khôn” (c. 2) là lòng sốt sắng như thế nào? Chúng ta có thể mắc phải lỗi lầm tương tự như người Y-sơ-ra-ên không? Làm thế nào để tránh lỗi lầm đó?

3. Xin đọc Phục truyền luật lệ ký 30:11-14 và so sánh với Rô-ma 10:6-8. 

4. Xin giải thích câu 10.

5. Xin cho biết một bài học Bạn ghi nhận được qua đoạn Kinh Thánh nầy?

 

Trong phần đầu chương 9, chúng ta đã thấy tâm tình của Phao-lô đối với người đồng hương: ông đau buồn và sẵn sàng bị khai trừ khỏi nước Chúa để cho họ được cứu. Tâm tình đó lại thể hiện một lần nữa trong những câu chúng ta vừa đọc: Phao-lô mong ước và cầu nguyện cho đồng bào được cứu. Xin Chúa cũng ban cho chúng ta một tâm tình tương tự đối với người Việt ở khắp nơi, để chúng ta cũng hết lòng cầu nguyện cho họ và tận dụng mọi phương cách để đem Phúc Âm cứu rỗi đến cho họ.

Phao-lô cho biết đồng bào của ông “có lòng sốt sắng về Đức Chúa Trời,” nhưng lòng sốt sắng đó “không phải theo trí khôn” (c. 2). Ý ông muốn nói là họ có nhiệt tâm, nhiệt huyết đối với Chúa, nhưng lòng nhiệt thành đó đặt không đúng chỗ. Đây cũng là kinh nghiệm của Phao-lô trước khi tin Chúa. Lúc đó ông đã tàn sát và bắt bớ những người tin Chúa Giê-xu vì ông nghĩ làm như thế là đúng. Điều nầy nhắc cho chúng ta không những hăng hái tham gia vào công việc Chúa nhưng cũng phải đặt lòng hăng hái ấy đúng chỗ, nếu không, cố gắng của chúng ta sẽ không ích lợi mà còn gây tai hại.

Lỗi lầm của người Do-thái là “không nhận biết sự công bình của Đức Chúa Trời và tìm cách lập sự công bình riêng của mình” (c. 3). “Sự công bình của Đức Chúa Trời” là phương pháp cứu rỗi bằng đức tin, còn “sự công bình riêng của mình” là cố gắng tuân giữ luật pháp để được cứu. Người Do-thái không biết rằng “Đấng Christ là sự cuối cùng của luật pháp đặng xưng mọi kẻ tin là công bình” (c. 4). Câu nầy nghĩa là: “Chúa Cứu Thế đã ra đời để chấm dứt thời kỳ luật pháp; từ đây, ai tin nhận Ngài đều được kể là công chính” (Bản Diễn Ý).

Chúng ta đã tin Chúa và chấp nhận đường lối cứu rỗi của Ngài, tuy nhiên, trong đời sống hằng ngày, lắm khi chúng ta cũng lập đường lối riêng chứ không theo ý Chúa. Chúng ta cần cẩn thận để không mắc phải lỗi lầm của người Do-thái, hăng hái nhiệt thành, nhưng theo ý mình mà không theo ý Chúa.

Trong câu 3, Phao-lô nhắc đến hai sự công bình: công bình bởi luật pháp và công bình bởi đức tin. Trong các câu chúng ta vừa đọc, ông so sánh hai sự công bình đó. Sự công bình bởi luật pháp bảo chúng ta phải tuân giữ luật để được sống, còn sự công bình bởi đức tin bảo chúng ta chỉ tin và tuyên xưng những điều mình tin là đủ. Bản Diễn Ý dịch lại phân đoạn nầy như sau:

Mai-sen đã viết về sự công chính do luật pháp: “Người nào làm theo mọi điều luật pháp dạy bảo, sẽ nhờ đó được sống.” Nhưng sự công chính do đức tin bao hàm ý nghĩa khác: “Đừng tưởng con phải lên trời đem Chúa Cứu Thế xuống, cũng đừng nghĩ con phải xuống Âm phủ rước Chúa Cứu Thế lên.” Bởi vì “Đạo rất gần con, Đạo ấy ở ngay trong miệng, trong lòng con.” Đó là đạo đức tin chúng tôi hằng công bố: Nếu miệng anh em xưng nhận Giê-xu là Chúa, và lòng anh em tin Đức Chúa Trời đã khiến Ngài sống lại thì anh em được cứu rỗi. Vì do lòng tin, anh em được kể là người công chính, và do miệng xưng nhận Ngài, anh em được cứu rỗi. Thánh Kinh đã viết: “Ai tin Ngài sẽ không thất vọng.” Không phân biệt người Do-thái hay người nước ngoài, vì chỉ có một Chúa chung cho mọi người: Chúa giáng phúc dồi dào cho người cầu xin Ngài. Vì “tất cả những người kêu cầu danh Chúa đều được cứu rỗi” (La-mã 10:5-13)

Các câu 6, 7 và 8 trong phần Kinh Thánh trên lấy ý trong Phục truyền luật lệ ký 30:11-14 và áp dụng vào Chúa Giê-xu, cho thấy tinh hoa của Phúc Âm đã có trong Cựu Ước từ lâu nhưng người Do-thái đã không thấy điều đó. Các câu nầy cũng cho ta thấy niềm tin nơi Chúa rất đơn giản nhưng cũng thật căn bản. Qua phân đoạn Thánh Kinh nầy, chúng ta học được ba giáo lý căn bản:

1. Chúng ta phải xưng nhận Chúa Giê-xu là Chúa, Ngài là Chủ của chúng ta, Đấng duy nhất chúng ta tôn thờ.

2. Chúng ta phải tin rằng Chúa Giê-xu đã chết, nhưng Ngài đã sống lại và hiện đang sống. Nếu Chúa không sống lại, Ngài không thể cứu chúng ta.

3. Niềm tin của chúng ta phải được thể hiện bằng lời tuyên xưng công khai. Khi tin Chúa, chúng ta không giấu kín niềm tin đó nhưng nói cho mọi người biết.