Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 48

Liên Hệ Giữa Sự Cứu Rỗi Cho Người Do-thái Và Dân Ngoại

11:25-32

25 Vả, hỡi anh em, tôi không muốn anh em chẳng biết sự mầu nhiệm nầy, e anh em khoe mình khôn ngoan chăng: ấy là một phần dân Y-sơ-ra-ên đã sa vào sự cứng lòng, cho đến chừng nào số dân ngoại nhập vào được đầy đủ; 26 vậy thì cả dân Y-sơ-ra-ên sẽ được cứu, như có chép rằng: Đấng Giải Cứu sẽ đến từ Si-ôn, cất sự vô đạo ra khỏi Gia-cốp; 27 Ấy là sự giao ước mà ta sẽ lập với họ, khi ta xóa tội lỗi họ rồi.  28 Nếu luận về Tin Lành thì họ là nghịch thù bởi cớ anh em, còn luận về sự lựa chọn, thì họ được yêu thương bởi cớ các tổ phụ; 29 vì các sự ban cho và sự kêu gọi của Đức Chúa Trời chẳng hề đổi lại được bao giờ. 30 Lại như khi trước anh em đã nghịch cùng Đức Chúa Trời, mà bây giờ được thương xót bởi sự nghịch của họ, 31 thì cũng một thể ấy, bây giờ họ đã nghịch, hầu cho cũng được thương xót bởi sự thương xót đã tỏ ra với anh em. 32 Vì Đức Chúa Trời đã nhốt mọi người trong sự bạn nghịch, đặng thương xót hết thảy.

1. Theo câu 25, xin cho biết lý do khiến người Do-thái cứng lòng không tin Chúa là gì?

2. Câu 25 và 26 nêu ra hai điều kiện hay biến cố nào cho biết thời điểm Y-sơ-ra-ên sẽ được phục hồi?

3. Theo các câu 26 và 27, tính chất sự khôi phục của dân Y-sơ-ra-ên là gì?

4. Xin cho biết lý luận của Phao-lô trong câu 30 và 31 là gì?

5. Xin nêu ra một bài học Bạn ghi nhận được qua phần Kinh Thánh nầy. Bạn có thể áp dụng ra sao?

 

Rô-ma 11:28-32 theo Bản Diễn Ý như sau:

Xét theo phương diện Phúc Âm, họ là kẻ thù của Phúc Âm, nên anh em được cứu rỗi, nhưng xét theo khía cạnh tuyển chọn, họ là người yêu dấu của Đức Chúa Trời, vì Ngài lựa chọn tổ phụ họ. Vì sự ban tặng và kêu gọi của Đức Chúa Trời chẳng hề thay đổi. Như anh em trước kia không vâng phục Đức Chúa Trời, mà nay được ân khoan hồng, nhờ họ không vâng phục Ngài. Cũng thế, ngày nay họ không vâng phục Đức Chúa Trời, nhưng nhờ anh em nhận ân khoan hồng mà họ cũng được khoan hồng. Vì Đức Chúa Trời đã đặt mọi người vào địa vị không vâng phục, để tỏ ân khoan hồng cho cả nhân loại (La-mã 11:28-32)

Đây là phần Phao-lô nói với những người không phải là Do-thái. Trong hiện tại, người Do-thái là kẻ thù của Phúc Âm vì họ chống Chúa Giê-xu. Tuy nhiên, nhờ họ chống Phúc Âm, chúng ta là Dân Ngoại có cơ hội tiếp nhận Phúc Âm. Người Do-thái trở thành kẻ thù của Phúc Âm đã mang lợi ích cho chúng ta (“nghịch thù bởi cớ anh em”). Thật ra, người Do-thái là dân tộc được Chúa tuyển chọn từ ngàn xưa, qua lời Ngài đã hứa với tổ tiên của họ. Họ thật là “người yêu dấu của Đức Chúa Trời,” ơn yêu thương đó không bao giờ thay đổi. Chúa đã hứa với tổ tiên người Do-thái điều gì, Ngài sẽ giữ đúng điều đó. Nói khác đi, dù hiện tại họ phủ nhận Phúc Âm nhưng trong chương trình đời đời của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ cho họ cơ hội trở lại với Ngài và bao giờ họ cũng vẫn là tuyển dân của Ngài.

Hai điều kiện hay biến cố cho biết thời điểm Y-sơ-ra-ên sẽ được phục hồi theo câu 25-26 là: (1) “Số dân ngoại nhập vào được đầy đủ.” Và: (2) “Đấng Giải Cứu sẽ đến từ Si-ôn.” Chúng ta không biết khi nào việc này sẽ xảy ra vì chỉ một mình Đức Chúa Trời biết khi nào thì con số Dân Ngoại được đầy đủ và biết ngày Chúa Cứu Thế Giê-xu trở lại trần gian.

Các câu 26 và 27 cho thấy Y-sơ-ra-ên sẽ được khôi phục chủ yếu là về mặt tâm linh: Y-sơ-ra-ên không còn vô tín nữa và sẽ được tha thứ tội lỗi.

Lý luận của Phao-lô trong hai câu 30 và 31 như sau:

·         Cả Dân Ngoại và người Do-thái đều chống nghịch Đức Chúa Trời.

·         Nhờ người Do-thái chống nghịch Đức Chúa Trời mà Dân Ngoại được thương xót.

·         Khi Dân Ngoại được thương xót, người Do-thái cũng được thương xót.

Nói tóm lại, “Đức Chúa Trời đã nhốt mọi người trong sự loạn nghịch đặng thương xót hết thảy” (c. 32). Dù là người Do-thái hay là một dân tộc khác, con người đều ở vào tư thế nghịch thù với Đức Chúa Trời, một tình trạng vô vọng mà chỉ nhờ ơn thương xót của Đức Chúa Trời con người mới được giải cứu. Chúa dùng sự chống đối của người Do-thái để cứu các dân tộc khác và rồi Chúa lại dùng lòng thương đối với các dân tộc khác để cứu người Do-thái.

Loài người sẽ không bao giờ đến với Chúa nếu không nhận biết rằng mình cần Ngài cứu vớt. Đức Chúa Trời đã chỉ cho con người thấy tình trạng vô vọng của mình và chỉ lúc đó con người mới thấy tình thương của Chúa thật cần thiết.

Rô-ma 11:25-27 là cao điểm của những điều Phao-lô trình bày trong các chương 9, 10 và 11. Ông gọi đây là “sự mầu nhiệm” (c. 25). “Sự mầu nhiệm” hay “huyền nhiệm” là điều trước kia bí ẩn, nay được bày tỏ cho mọi người biết. Huyền nhiệm đó là: “Một phần dân Y-sơ-ra-ên đã sa vào sự cứng lòng cho đến chừng nào số dân ngoại nhập vào được đầy đủ, vậy thì cả dân Y-sơ-ra-ên được cứu” (c. 25-26). Câu hỏi Phao-lô đưa ra để bàn luận từ Chương 9 là: “Tại sao người Do-thái không tin Chúa Giê-xu?” Phao-lô tìm thấy câu trả lời như sau:

1. Họ sa vào sự cứng lòng. Nghĩa là tấm lòng của họ đã trở thành chai đá nên họ không chịu chấp nhận Chúa Giê-xu. Phao-lô không cho biết ai đã làm cho lòng người Do-thái trở thành chai đá nhưng cho biết đó là điều đã xảy ra. Tuy nhiên, không phải tất cả người Do-thái đều có tấm lòng chai đá vì vẫn có một số người Do-thái tin nhận Chúa.

2. Họ phải đợi đến chừng nào số dân ngoại tin Chúa được đầy đủ. Việc người Do-thái không tin Chúa là cơ hội để cho các dân tộc khác được cứu. Phao-lô cho biết người Do-thái sẽ tiếp tục không tin cho đến khi “số dân ngoại nhập vào được đầy đủ.” Câu hỏi đặt ra là: “Bao nhiêu là đầy đủ?” Khải huyền 7:9 cho biết số Dân Ngoại được cứu là “vô số không ai đếm được.” Chúa là Đấng đầy lòng yêu thương và việc Dân Ngoại nhập vào được so sánh với ơn Chúa dành cho người Do-thái, nên chúng ta có thể hiểu “được đầy đủ” là một tình trạng chung, số người quay về với Chúa tương đương với ơn phước Chúa dành cho người Do-thái từ trước đến nay, nghĩa là rất nhiều. Đó cũng là lúc Tin Lành được giảng ra khắp đất để làm chứng cho muôn dân (Ma-thi-ơ 24:14).

3. Sau nầy cả dân tộc Y-sơ-ra-ên sẽ được cứu. Dựa vào hai điều giải thích ở trên, câu nầy có thể hiểu như sau: trong hiện tại, người Do-thái có lòng chai đá, không tiếp nhận Chúa. Tình trạng nầy sẽ tiếp tục mãi để Dân Ngoại có cơ hội tin Chúa. Số Dân Ngoại tin Chúa sẽ rất đông, đến một lúc hầu như mọi dân tộc đều đến với Chúa, đó cũng là lúc tình trạng chai đá của người Do-thái chấm dứt và cả dân tộc Do-thái sẽ trở lại với Đức Chúa Trời. Vấn đề người Do-thái không tiếp nhận Chúa Giê-xu chỉ là việc tạm thời, vì trong tương lai, khi mọi người đã được nghe về Chúa và đến với Chúa, người Do-thái cũng sẽ trở lại với Chúa.

Đây là một huyền nhiệm, một điều khó hiểu. Tuy nhiên, qua những điều Phao-lô trình bày, chúng ta thấy ơn thương xót vô bờ bến của Chúa đối với con người tội lỗi, Chúa “không muốn cho một người nào chết mất, nhưng muốn cho mọi người đều ăn năn (II Phi-e-rơ 3:9). Dù là Do-thái hay Dân Ngoại, Chúa cũng yêu thương như nhau và đều cho cơ hội biết Chúa và tin nhận Ngài. Vì vậy, chúng ta cần tận dụng mọi cơ hội Chúa ban cho để đem Phúc Âm đến với mọi người, đồng bào chúng ta cũng như những dân tộc khác.