Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 49

Bài Ca Thuận Phục Và Tôn Thờ

11:33-36

33 Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được! 34 Vì, ai biết ý tưởng Chúa, ai là kẻ bàn luận của Ngài? 35 Hay là ai đã cho Chúa trước, đặng nhận lấy điều gì Ngài báo lại? 36 Vì muôn vật đều là từ Ngài, bởi Ngài, và hướng về Ngài. Vinh hiển cho Ngài đời đời vô cùng! A-men.

1. Dựa vào các câu 33-36, chúng ta nên có phản ứng ra sao khi gặp những vấn đề khó hiểu?

2. Câu 36 nhắc đến những bản chất chung nào của mọi vật thọ tạo của Đức Chúa Trời?

3. Xin nêu ra một bài học Bạn ghi nhận được qua phần Kinh Thánh nầy. Bạn có thể áp dụng bài học ấy thế nào?

 

Có lẽ tất cả chúng ta đều đồng ý rằng thư Rô-ma Chương 9-11 thật khó hiểu. Những vấn đề trình bày trong các chương nầy khó hiểu vì Đức Chúa Trời là Đấng vô hạn, còn trí óc chúng ta hữu hạn, do đó chúng ta không thể nào hiểu hết được chương trình và đường lối của Ngài. Chính Phao-lô, sau khi viết những lời nầy để trình bày về chương trình của Chúa đối với người Do-thái, cũng đã nói rằng: “Kiến thức và khôn ngoan của Đức Chúa Trời thật phong phú, sâu xa vô tận. Phán đoán của Ngài chẳng ai dò biết được, đường lối Ngài chẳng ai tìm hiểu được (c. 33, Bản Diễn Ý).

Trong đời sống hằng ngày, nhiều lúc chúng ta gặp những vấn đề thật khó hiểu, không tìm được lời giải đáp. Những lúc đó, chúng ta cần nhớ mình chỉ là con người hữu hạn, không thể nào hiểu được tất cả mọi vấn đề. Nhờ thế chúng ta sẽ không nản lòng và không nghi ngờ tình yêu của Chúa. Hơn nữa, chúng ta phải luôn luôn nhìn lên Chúa với thái độ thuận phục, ca ngợi và tôn thờ, thái độ đó sẽ giúp ta nhìn thấy vấn đề rõ ràng hơn và thỏa lòng với lời giải đáp của Thánh Kinh. Đôi khi Chúa không cho chúng ta hiểu tường tận một vấn đề nào đó để chúng ta tin cậy Ngài hoàn toàn.

Hai câu 34 và 35 lấy ý từ các sách trong Cựu Ước (Ê-sai 40:13; Gióp 35:7), cho thấy quyền tuyệt đối của Chúa, con người không có phần gì trong việc hoạch định chương trình của Ngài.

Câu cuối cùng của chương 11 là một lời suy tôn: Chúa là Đấng tạo dựng nên muôn vật, nhờ Chúa muôn vật mới sinh tồn, do đó muôn vật phải thuận phục Chúa. Đây cũng là điều chúng ta cần ghi nhớ để sống mỗi ngày: Chúa đã tạo dựng chúng ta, nhờ Chúa chúng ta được cứu và được sống cho đến ngày hôm nay. Vì vậy mục đích cuộc đời chúng ta là sống cho Chúa hoàn toàn để làm rạng danh Ngài.

Xin dùng dàn bài bên dưới để ôn lại những điểm chính của Rô-ma 9-11 (nếu có thể được xin đọc thêm trong Bản Diễn Ý).

1. Chương Trình Cứu Rỗi Đối Với Người Do-Thái (9:1-10:13)

a. Tâm tình của Phao-lô đối với người Do-thái (9:1-5)

b. Quyền lựa chọn của Đức Chúa Trời (9:6-13)

c. Đức Chúa Trời không bất công (9:14-29)

d. “Vầng đá ngăn trở” (9:30-33)

e. Hai sự công bình (10:1-13)

f. Việc truyền giáo và đáp ứng của người nghe (10:14-21)

2. Huyền Nhiệm Về Sự Cứu Rỗi Dành Cho Người Do-Thái (10:14-11:36)

a. Không phải tất cả người Do-thái đều phủ nhận Chúa (11:1-10)

b. Không phải người Do-thái sẽ vĩnh viễn phủ nhận Chúa (11:11-15)

c. Ví dụ về cây ô-li-ve (11:16-24)

d. Liên hệ giữa sự cứu rỗi của người Do-thái và các dân tộc khác (11:25-32)

e. Bài ca thuận phục và tôn thờ (11:33-36)