Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 50

Thái Độ Đối Với Đức Chúa Trời

12:1-2

1 Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. 2 Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.

1. Rô-ma 12:1 bắt đầu bằng chữ “vậy.” Theo ý Bạn, chữ “vậy” hàm ý gì?

2. Câu 1 là một lời khuyên. Xin cho biết căn bản của lời khuyên nầy. (Phao-lô dựa vào điều gì để khuyên chúng ta?) Tại sao ông dựa vào đó để khuyên chúng ta?

3. Lễ vật người tín đồ dâng cho Chúa là gì? Xin cho biết ý nghĩa của lễ vật đó.

4. Hai đặc điểm của lễ vật chúng ta dâng lên cho Chúa là gì? Có nghĩa gì?

5. Dựa vào câu 1, xin cho biết một định nghĩa của thờ phượng. Xin kể ra những điều chúng ta có thể làm để áp dụng định nghĩa nầy.

6. Đối chiếu với lời khuyên “dâng thân thể” là lời khuyên gì?

7. “Đừng làm theo đời nầy” nghĩa là gì? Có phải là chúng ta phải sống cách biệt với đời không? Nếu không, chúng ta phải sống như thế nào?

8. Xin kể ra một điều Bạn cương quyết từ bỏ để không “làm theo đời nầy”

 

Những lá thư sứ đồ Phao-lô viết thường có hai phần chính: lý thuyết và thực hành. Mười một chương đầu của Thư Rô-ma là những giáo lý căn bản của Phúc Âm. Từ Chương 12 trở đi là những lời khuyên giúp ta áp dụng Phúc Âm vào đời sống hằng ngày. Phao-lô bắt đầu bằng chữ “vậy” hàm ý vì đã biết lý thuyết, bây giờ chúng ta phải thực hành.

Lời khuyên đầu tiên của Phao-lô là hãy “dâng thân thể làm của lễ sống và thánh.” Phao-lô đã dựa vào “sự thương xót của Đức Chúa Trời” để đưa ra lời khuyên nầy. Ông cho thấy Đức Chúa Trời không đặt ra những luật lệ mới để con người phải vâng giữ, nhưng chỉ kêu gọi con người vì yêu Ngài, hãy sống cho Ngài. Chúng ta làm theo lời Chúa dạy không phải vì bị bắt buộc, nhưng vì muốn đáp lại tình yêu Chúa dành cho chúng ta.

Trong bất cứ tôn giáo nào, các tín đồ cũng phải dâng hiến lễ vật để bày tỏ lòng sùng kính đối với vị giáo chủ của mình. Đối với Chúa, lễ vật Ngài muốn chúng ta dâng là thân thể của chúng ta. “Thân thể” là chính con người của chúng ta, gồm lời nói, tư tưởng, hành động v.v. trong đời sống hằng ngày. Đối với Chúa, sống đạo không phải là điều trừu tượng, xa vời, nhưng là lối sống trong sạch, đạo đức mỗi ngày. “Dâng” nghĩa là dành riêng cho một mục đích cao đẹp. Dâng thân thể cho Chúa nghĩa là dành riêng thân thể cũng như cả cuộc đời để sống cho Chúa. Ý nầy Phao-lô đã nói trong Chương 6:13: “Đừng để phần nào của thể xác anh em làm dụng cụ ô uế cho tội lỗi, nhưng hãy dâng trọn thể xác cho Đức Chúa Trời như người từ cõi chết sống lại để làm dụng cụ tinh khiết cho Ngài (Bản Diễn Ý).

Đặc điểm lễ vật chúng ta dâng cho Chúa là “sống” và “thánh.” “Sống” là thực tế, cụ thể, liên quan đến đời sống hằng ngày. “Thánh” là dành riêng cho Chúa, tư tưởng, lời nói và hành động của chúng ta lúc nào cũng thuộc về Chúa và để cho Chúa sử dụng vào những mục đích cao đẹp theo ý Ngài. Chúng ta không làm chủ thân thể và không sử dụng thân thể theo ý mình.

Phao-lô gọi hành động dâng hiến trên là “cách thờ phượng đích thực của người theo Chúa” (Bản Diễn Ý). Các tôn giáo ở đời thường nhấn mạnh về lễ nghi nhưng trong đạo Chúa nhấn mạnh về sống đạo. Người tin Chúa không chú trọng đến những hình thức lễ nghi tôn giáo, nhưng chú trọng vào một đời sống thánh khiết, kính Chúa yêu người để làm rạng danh Chúa.

Sứ đồ Phao-lô khuyên người tin Chúa “DÂNG thân thể” cho Chúa. Tuy nhiên, vì biết những điều thuộc về trần gian sẽ ngăn trở người tin Chúa dâng hiến thân mình nên Phao-lô khuyên tiếp: “Đừng làm theo đời nầy.” “Làm theo đời” nghĩa là làm giống như người đời, sống theo tiêu chuẩn và khuôn mẫu của đời hoặc “đồng hóa với người đời” (Bản Diễn Ý). Thế giới chúng ta đang sống chẳng khác gì một cái khuôn lớn, ép con người vào để tất cả mọi người đều hành động, xử sự giống như nhau, theo khuôn mẫu và tiêu chuẩn của đời. Có những hành động, những phương tiện giải trí, những lối sống đi ngược với lời dạy của Thánh Kinh, người tin Chúa không nên bắt chước. Khi tin Chúa, chúng ta thuộc về Chúa, vì thế chúng ta phải khác với người đời. Nếu chúng ta cũng say sưa, chơi bời, gian dối như người đời thì chúng ta chẳng có gì khác với họ. Người tin Chúa không thể nói “Người ta sao tôi vậy,” nhưng trái lại, phải sống thế nào để không bị lôi cuốn giống như người đời. Thay vì ĐỒNG HÓA với đời, chúng ta hãy cho Chúa BIẾN HÓA. “Biến hóa” nghĩa là đổi mới. Sự đổi mới nầy bắt đầu từ trong tâm trí. “Biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình.” Tất cả lời nói, hành động của con người đều bắt đầu từ tâm trí. Chúa Giê-xu dạy: “Từ lòng dạ con người sinh ra tư tưởng ác như giết người, ngoại tình, gian dâm, trộm cắp, dối trá, phỉ báng” (Ma-thi-ơ 15:19, Bản Diễn Ý). Để không bị đồng hóa với đời, điều chúng ta cần làm là để cho Chúa đổi mới tâm trí. Khi tâm trí được đổi mới, chúng ta sẽ biết rõ ý Chúa, nghĩa là biết Chúa muốn chúng ta sống như thế nào để làm vui lòng Ngài.

Đua đòi với đời và bị lôi cuốn theo người đời là khuynh hướng tự nhiên của con người. Tuy nhiên, là người tin Chúa, chúng ta đừng để bị lôi cuốn theo khuynh hướng của đời, nhưng hãy để Chúa uốn nắn tâm trí ta theo đường lối của Ngài. Một khi tâm trí được uốn nắn theo khuôn mẫu của Chúa, chúng ta sẽ suy nghĩ và hành động những điều vừa lòng Chúa.