Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 54

Làm Công Dân Tốt

13:1-7

1 Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định. 2 Cho nên ai chống cự quyền phép, tức là đối địch với mạng lịnh Đức Chúa Trời đã lập; và những kẻ đối địch thì chuốc lấy sự phán xét vào mình. 3 Vả, các quan quyền không phải để cho người làm lành sợ, mà để cho người làm dữ sợ. Ngươi muốn không sợ quyền phép chăng? Hãy làm điều lành, sẽ được khen thưởng; 4 vì quan quyền là chức việc của Đức Chúa Trời để làm ích cho ngươi. Song nếu ngươi làm ác, thì hãy sợ, vì người cầm gươm chẳng phải là vô cớ; người là chức việc của Đức Chúa Trời để làm ra sự công bình và phạt kẻ làm dữ. 5 Vậy nên cần phải vâng phục, chẳng những vì sợ hình phạt thôi, nhưng cũng vì cớ lương tâm. 6 Ấy cũng bởi lẽ đó mà anh em nộp thuế, vì các quan quyền là đầy tớ của Đức Chúa Trời, hằng giữ việc ấy. 7 Phải trả cho mọi người điều mình đã mắc: nộp thuế cho kẻ mình phải nộp thuế; đóng góp cho kẻ mình phải đóng góp; sợ kẻ mình đáng sợ; kính kẻ mình đáng kính.

1. Dựa vào phân đoạn nầy, xin cho biết lý do người tin Chúa phải vâng phục nhà cầm quyền.

2. Gặp nhà cầm quyền chống Chúa thì chúng ta có vâng phục không? Tại sao?

3. Theo câu 4, mục đích của quan quyền hay chính quyền là gì?

4. Theo câu 5, chúng ta vâng phục chính quyền “vì cớ lương tâm,” nghĩa là gì?

5. Theo ý Bạn, tại sao chúng ta nên nộp thuế?

6. Xin kể ra một điều Bạn có thể làm để làm một công dân tốt.

Phân đoạn nầy nói về bổn phận của người dân trong nước đối với nhà cầm quyền, đây là vấn đề các tín hữu tại La-mã đều hiểu và phải đối diện mỗi ngày. Qua phần nầy chúng ta thấy Phao-lô nêu lên ba lý do vì sao người tin Chúa phải vâng phục chính quyền:

1. Tất cả các chính quyền đều do Chúa chỉ định (c. 1-2).

2. Chính quyền được đặt ra để bảo vệ và nâng đỡ người làm lành, hình phạt người phạm pháp (c. 3-4).

3. Vâng phục chính quyền là điều phù hợp với lương tâm của người tin Chúa (c. 5-7).

Trước hết, ta thấy Phao-lô không nói “các anh” hoặc “chúng ta” hoặc “hội thánh” phải vâng phục các bậc cầm quyền, nhưng ông bảo: “MỌI NGƯỜI phải vâng phục các đấng cầm quyền.” Đây là bổn phận của mỗi một người dân trong nước. Mệnh lệnh nầy có khi rất dễ vâng theo nhưng cũng có khi thật là khó, nhất là đối với những nhà cầm quyền không kính sợ Đức Chúa Trời. Phao-lô cũng biết rõ điều đó nên ông giải thích thêm cho thấy lý do chúng ta vâng phục chính uyền vì mọi quyền đều Đức Chúa Trời chỉ định. Chúa phán: “Chính ta là Đấng đã làm nên đất, loài người và loài thú trên mặt đất, bởi quyền năng lớn và cánh tay giang ra của ta, ta ban đất ấy cho ai tùy ý ta lấy làm phải (Giê-rê-mi 27:5). Tiên tri Đa-ni-ên cũng cho biết: “Đức Chúa Trời Rất Cao cai trị trong nước loài người và Ngài muốn lập ai lên đó tùy ý” (Đa-ni-ên 5:21). Qua những câu Kinh Thánh nầy, chúng ta thấy rằng chính quyền nào cũng đều do Chúa chỉ định, nghĩa là dù gì đi nữa, Chúa vẫn là Đấng nắm quyền tối hậu và kiểm soát tất cả. Vì thế, chính quyền nào ta cũng phải vâng phục, trừ khi luật lệ chính quyền đưa ra đi ngược với lời dạy của Kinh Thánh và ngược lại niềm tin của chúng ta.

Trong câu 2, Phao-lô nói rất mạnh rằng nếu ai chống lại chính quyền tức là chống lại Đấng đã lập nên chính quyền đó, hay nói rõ hơn, ai chống nhà cầm quyền tức là chống Chúa. Chúng ta phải vâng phục chính quyền và luật lệ nơi chúng ta sống để làm người công dân gương mẫu, làm rạng danh Chúa. Nếu đang sống dưới những chính quyền không kính sợ Chúa, xin Chúa giúp chúng ta khôn ngoan để biết những luật lệ nào đi ngược với Lời Chúa dạy và biết xử sự thế nào để không gây thiệt hại cho bản thân và hội thánh. Không những vâng phục nhà cầm quyền, chúng ta còn phải cầu nguyện cho những người nắm giữ quyền hành, như lời sứ đồ Phao-lô dạy trong I Ti-mô-thê 2:1: “Phải cầu xin, khẩn nguyện, cảm tạ và cầu thay cho mọi người, cho nhà nước, cho các cấp lãnh đạo, để chúng ta được sống thanh bình, yên tịnh trong tinh thần đạo đức đoan chính” (Bản Diễn Ý).

Người tin Chúa phải vâng phục chính quyền của nước mình đang sống vì chính quyền ấy là do Chúa chỉ định và chính quyền được đặt ra để bảo vệ người lành, hình phạt người có tội. Đối với Phao-lô, người làm việc trong chính quyền chẳng khác gì những người làm việc cho Chúa vì chính Chúa đã đặt họ vào những chức vụ khác nhau để họ phục vụ những người đạo đức, ngay thẳng trong xã hội. Chính quyền giúp ích cho mọi người dân trong nước vì chính quyền đặt ra luật lệ, tổ chức mọi sinh hoạt trong nước theo thứ tự, nhờ đó, tránh được hỗn loạn. Chính quyền cung cấp những tiện nghi công cộng, bảo vệ quyền lợi của người dân. Chính quyền đặt ra những luật lệ và hình phạt cũng chỉ với mục đích đem lại cho người dân đời sống bình an, thoải mái. Vì thế, là người ngay thẳng, tuân giữ luật, chúng ta không phải sợ những người cầm quyền. Chỉ người nào không tuân giữ luật và xâm phạm quyền lợi của người khác mới phải sợ nhà cầm quyền.

Qua lời dạy của Phao-lô, chúng ta ghi nhận những bài học sau:

1. Việc tổ chức chính quyền, với luật lệ thưởng phạt rõ ràng là điều ích lợi cho mọi người.

2. Chúng ta được hưởng quyền lợi thì cũng có những bổn phận phải chu toàn đối với đất nước.

3. Nếu không vi phạm luật pháp, chúng ta không phải sợ những người có thẩm quyền vì họ chỉ làm việc cho Chúa để đem lợi ích cho chúng ta.

4. Nếu vi phạm luật pháp hoặc gian dối để lợi dụng những đặc ân của chính quyền, chúng ta nên lo sợ vì người có thẩm quyền sẽ trừng phạt chúng ta.

Một lý do khác khiến người tin Chúa vâng phục nhà cầm quyền là vì điều đó phù hợp với lương tâm của người tin Chúa. Phao-lô lý luận: người tin Chúa biết rằng tất cả các bậc cầm quyền là do Chúa chỉ định và lập nên. Vì thế, không tuân lệnh nhà cầm quyền tức là không tuân phục thẩm quyền của Chúa và sẽ bị lương tâm cáo trách. Do đó, người tin Chúa tuân giữ luật lệ của chính quyền không chỉ vì sợ hình phạt nhưng vì kính sợ Chúa và không muốn bị lương tâm cáo trách.

Phao-lô không chỉ nêu ra nguyên tắc chung nhưng cũng trình bày những chi tiết thật thiết thực cho người đọc thấy rõ và áp dụng, như trong câu 6 và 7, ông nói về vấn đề nộp thuế. Ý Phao-lô muốn nói là: người tin Chúa không chỉ có thái độ tiêu cực trong xã hội, tức là không những không vi phạm luật, không xâm phạm quyền lợi của người khác, nhưng còn phải đóng góp tích cực để xây dựng đất nước. Chúng ta không thể chỉ hưởng những đặc ân, tiện nghi trong xã hội mà không đóng góp gì vào xã hội. Nhà cầm quyền cho ta được hưởng những tiện nghi cần thiết như hệ thống điện, nước, đường sá, cầu cống, v.v... nên chúng ta cần đóng góp để duy trì những tiện nghi đó. Nếu người không tin Chúa không chịu đóng góp để xây dựng xã hội đã là điều quấy, huống gì chúng ta là người tin Chúa, đã biết lời Chúa dạy phải vâng phục các bậc cầm quyền, phải làm người công dân gương mẫu, mà vẫn không chịu đóng góp vào xã hội thì lỗi của chúng ta lại còn lớn hơn nữa.

“Bậc cầm quyền” đối với Phao-lô lúc đó là chính quyền La-mã. Phao-lô cho thấy chính quyền La-mã chỉ là dụng cụ Chúa dùng để giữ cho thế giới được trật tự, thanh bình, để các nhà truyền giáo có thể đi từ nơi nầy đến nơi khác truyền bá đạo của Ngài. Các nhân vật trong chính quyền, dù lớn dù nhỏ, đều chỉ thực hành công tác Chúa giao. Có thể những người ấy không ý thức được rằng họ đang ở dưới quyền của Chúa và đang làm việc cho Chúa (c. 6). Tuy nhiên, chúng ta biết rõ nên chúng ta sẽ làm trọn bổn phận để giúp họ thay vì ngăn cản công việc của họ.

Trong câu 7, Phao-lô đưa ra một nguyên tắc chung về vấn đề bổn phận đối với mọi người trong xã hội, nguyên tắc đó là không những chúng ta chỉ đóng thuế nhưng cũng làm trọn tất cả những bổn phận và trách nhiệm đối với mọi người về mọi phương diện: “Phải trả hết mọi thứ nợ: trả thuế cho nhân viên thuế vụ, nộp quan thuế cho nhân viên quan thuế, kính sợ người đáng kính sợ, tôn trọng người đáng tôn trọng” (Bản Diễn Ý).